4 đại gia mì gói thu về hơn 1 tỷ USD mỗi năm, Masan đang nhanh chóng chiếm thị phần

(Tổ Quốc) - Thị phần mì gói của Masan tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, bên cạnh tác động của đại dịch COVID-19 khiến người dân đẩy mạnh tích trữ thực phẩm, hệ thống VinMart - VinMart+ là công cụ phân phối đắc lực với nhà sản xuất này.

Năm 2019, người Việt Nam tiêu thụ 5,43 tỷ gói mì ăn liền, xếp thứ 5 toàn cầu theo ước tính của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA). Vị trí này được bảo toàn trong 5 năm gần nhất cho thấy sự yêu thích của người Việt với loại thực phẩm này. Bên cạnh đó, sức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tăng trung bình 3 - 4% mỗi năm.

Theo dữ liệu thống kê của Retail Data, ngành hàng mì ăn liền của Việt Nam đang được chiếm lĩnh bởi 4 cái tên, theo thứ tự về độ lớn lần lượt là: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods.

Nhóm này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020. Acecook dù vẫn giữ khoảng cách khá xa đối với các doanh nghiệp còn lại, tuy nhiên số liệu chỉ ra công ty Nhật Bản đang mất dần thị phần, hiện còn 35,4% về sản lượng và 36% về doanh thu.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở Uniben và Asia Foods, cả tỷ trọng về sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp giảm sút tương đối rõ trong gần 2 năm trở lại đây. Điều này đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của Masan Consumer, sản lượng của họ tăng từ 21,6% (năm 2018) lên 27,2% (9 tháng đầu năm 2019), cùng với đó doanh thu tăng từ 22,9% lên 27,9%.

4 đại gia bán mì gói thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu mỗi năm, Masan đang nhanh chóng chiếm thị phần  - Ảnh 1.

Dữ liệu: Retail Data

4 đại gia bán mì gói thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu mỗi năm, Masan đang nhanh chóng chiếm thị phần  - Ảnh 2.

Dữ liệu: Retail Data

Tăng trưởng cả về sản lượng và mức giá bán của công ty này đến từ việc liên tục tung ra các sản phẩm mì ăn liền cao cấp. Masan Consumer đặt mục tiêu không ngừng đổi mới và dẫn dắt ở phân khúc này.

Lấy dẫn chứng từ việc tung ra các sản phẩm mì ly mới trong năm 2018 đã khiến doanh thu tăng đột biến thêm 29%, đạt 4.636 tỷ đồng. Ngay năm sau đó, tăng trưởng doanh thu mì gói của Masan Consumer giảm còn 7%. Điều này cho thấy vai trò của sự đổi mới tác động tương đối với đến thành công trong việc kinh doanh của nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất trong nước. Công ty này thuê về đội ngũ chuyên gia từ Hàn Quốc liên tục nghiên cứu và cho ra mới các sản phẩm mì ăn liền hàng năm.

Đại dịch COVID-19 xuất hiện trong năm 2020 lại trở thành động lực mạnh mẽ đối với việc kinh doanh mì gói, khi mà người dân đẩy mạnh việc tích trữ lương thực thực phẩm trong giai đoạn dịch bùng phát. Theo dữ liệu của Statista, sản lượng mì gói được tiêu dùng tại khu vực thành thị của Việt Nam tăng thêm tới 67% so với cùng kỳ. Số này vượt trội hơn nhiều so với thực phẩm đông lạnh (40%) và các sản phẩm chế biến từ thịt, xúc xích (19%).

Masan Group sở hữu cho mình hệ thống siêu thị - cửa hàng hiện đại VinMart và VinMart đã được sáp nhập từ cuối năm 2019. Đây trở thành công cụ hết sức lợi hại cho nhà sản xuất này trong việc phân phối các sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm của Masan chiếm cho mình được vị trí đẹp tại các quầy hàng, nơi dễ thu hút được ánh nhìn của người tiêu dùng.

Theo Euromonitor, khai thác mạng lưới phân phối và chiến lược giá cả là những cách hiệu quả nhất để tăng doanh số bán mì. Như vậy, Masan đã nắm trong tay một trong hai công cụ quan trọng và có độ phủ sóng dày đặc tại khu vực đô thị.

Khác với Masan, chiến lược tập trung vào các nhà bán lẻ và mức giá bán cạnh tranh ở khu vực nông thôn được Uniben và Asia Foods lấy làm trọng tâm. Nơi đây tập trung khoảng 65% dân số Việt Nam và có sức tiêu thụ lớn với các sản phẩm mì ăn liền.

Theo thống kê của Kantar Worldpanel năm 2019, 4 trên 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất tại nông thôn là mì gói. Trong đó từ vị trí thứ 2 đến vị trí thứ 4 lần lượt là “3 miền” của Uniben, “Hảo Hảo” của Acecook, và “Gấu Đỏ” của Asia Foods. “Kokomi” nhãn hiệu mì giá rẻ của Masan xếp vị trí thứ 7.

Tại khu vực thành thị, chỉ duy nhất “Hảo Hảo” là nhãn hiệu mì gói nằm trong top 10, nhưng lại được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

Kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất mì ăn liền năm 2019 phản ánh rõ hơn cục diện ngành. Acecook dẫn đầu thị phần đạt doanh thu thuần 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tương đối ấn tượng đạt 1.660 tỷ đồng, tỷ suất gần 16%.

Xếp ở các vị trí tiếp theo, Asia Foods (công ty mẹ) và các nhà máy vệ tinh thu về khoảng 5.454 tỷ đồng và Masan 4.968 tỷ đồng riêng từ bán mì, Uniben thu về gần 2.860 tỷ đồng.

Bộ tứ bán mì của Việt Nam thu tổng gần 24.000 tỷ đồng, tức trên 1 tỷ USD.

Các nhà sản xuất có thương hiệu mì nổi tiếng khác có Vifon, ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tuy nhiên cơ cấu doanh thu tương đối đa dạng. Micoem (công ty mẹ) đạt hơn 1.600 tỷ đồng, Safoco - nhà sản xuất mì nui gần 1.100 tỷ đồng, Paldo Vina bán mì Hàn Quốc 734 tỷ đồng, Colusa - Miliket chọn cho mình thị trường ngách cũng đem về doanh thu 622 tỷ đồng…

4 đại gia bán mì gói thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu mỗi năm, Masan đang nhanh chóng chiếm thị phần  - Ảnh 3.
4 đại gia bán mì gói thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu mỗi năm, Masan đang nhanh chóng chiếm thị phần  - Ảnh 4.

Chúng tôi không thu thập được số liệu chính xác khoản lãi ròng của Masan Consumer đối với riêng ngành mì gói

Chiến lược hướng đến sản phẩm cao cấp và không ngừng phát triển các sản mới góp phần cải thiện rõ rệt tỷ suất lợi nhuận gộp của Masan trong nhiều năm qua. Trong 4 nhà sản xuất hàng đầu, chỉ số này của Masan vượt trội đạt gần 39%, Uniben đạt 35%, Acecook 31% và thấp nhất là Asia Foods chỉ khoảng 24%.

Theo nhận định của đại diện đến từ KantarWorldpanel, người tiêu dùng hiện nay đang hướng đến các sản phẩm mì ăn liền tiện lợi, tốt cho sức khỏe và đa dạng hương vị hơn. Vì vậy các nhà sản xuất cũng tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Xu hướng mì ly và mì cao cấp là hai trong những xu hướng chính của thị trường mì ăn liền hiện nay, chủ yếu xảy ra ở thành thị.

Theo Nikkei, Acecook có kế hoạch tăng doanh số bán mì ly tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu phần vào năm 2022, gấp đôi so với 2017. Dù giá bán cao gấp đôi so với mì gói, nhưng tính tiện lợi là điểm hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Nhà sản xuất Nhật Bản kỳ vọng doanh số bán mì ly sẽ chiếm khoảng 9% tổng doanh thu tại Việt Nam trong năm 2022.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt trong một ngành hàng đang chín muồi, ngày càng có nhiều sản phẩm được tung ra từ những người chơi cả cũ và mới, thậm chí nhiều thương hiệu ngoại đang thâm nhập thị trường Việt Nam như Nongshim (Hàn Quốc) và Indomie (Indonesia).

Bạch Mộc

Tin mới