Đại học Văn Lang và xu thế giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số

(Tổ Quốc) - Trong làn sóng phát triển của cuộc Cách mạng kỹ thuật số, giáo dục là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng và phải có giải pháp thay đổi để bắt kịp xu thế.

Tại Diễn đàn Hợp tác và đầu tư trong giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 16/10 vừa qua, TS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đã đề xuất giải pháp giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Làn sóng cách mạng kỹ thuật số cùng những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định vai trò của công nghệ đối với hoạt động giáo dục và yêu cầu bức thiết giáo dục phải chuyển mình. Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác trong giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số đơn vị giáo dục tổ chức nhằm kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đã cùng nhau tìm giải pháp xây dựng và đổi mới nền giáo dục Việt Nam hướng đến hội nhập quốc tế, đáp ứng xu thế thời đại.

Với chủ đề mang tính bức thiết, Diễn đàn đã thu hút nhiều tham luận hấp dẫn của các diễn giả đến từ các đơn vị giáo dục uy tín tại Việt Nam. Trong đó, tham luận "Đầu tư và hợp tác giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên số: tầm nhìn và giải pháp" của TS. Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang với giải pháp giáo dục sự linh hoạt để thích ứng với thế giới bất ổn đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như các đơn vị giáo dục.

Đại học Văn Lang và xu thế giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Theo TS. Nguyễn Cao Trí, đại học Việt Nam cần hướng đến một nền giáo dục linh hoạt với tư duy linh hoạt, thể hiện ở 06 yếu tố linh hoạt: thời gian; không gian; hình thức; phương pháp; chương trình; cơ chế hợp tác; học viên và giảng viên. Đặc biệt, các trường cần tái định hình giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên số với cách tiếp cận "giáo dục là dịch vụ" và "người học là khách hàng trọn đời".

Theo định hướng này, TS. Nguyễn Cao Trí cho rằng mô hình Blended Learning không phải là một giải pháp tình thế mà là xu thế giáo dục bắt buộc, phù hợp với định hướng xây dựng xã hội học tập trọn đời. Blended Learning là một mô hình giáo dục đơn giản và dễ tiếp cận đối với người học; giúp người học hoàn toàn chủ động về mặt thời gian, không gian, lựa chọn khóa học, nội dung học tập phù hợp, phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi người. Đây cũng là cơ hội để quốc tế hóa trường đại học khi thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy và học tập.

Tuy nhiên, mô hình đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc khi ứng dụng vào giáo dục Việt Nam như: sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước còn nhiều hạn chế, đầu tư và tài trợ công không được phân bổ đồng đều, khả năng thích nghi chưa cao và bị cản trở bởi tư duy ngại chia sẻ. Để phát huy và tận dụng hiệu quả của mô hình Blended Learning đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa tất cả các thành phần trong xã hội.

Đại học Văn Lang và xu thế giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi động cổng thông tin hỗ trợ tiếp nhận sinh viên nước ngoài tại Việt Nam.

Đại học Văn Lang cũng nhấn mạnh học tập là một quá trình trải nghiệm trong một hệ sinh thái giáo dục gắn đào tạo, nghiên cứu ứng dụng với đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp và cộng đồng. Vì vậy, khi giáo dục đại học dần chuyển sang hình thức trực tuyến, trải nghiệm trong khuôn viên trường cần được nâng cấp để tạo giá trị cho người học. Theo định hướng này, Trường Đại học Văn Lang đang phát triển hệ sinh thái đa dạng với trọng tâm là giáo dục đại học và Trung tâm đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra các giải pháp đột phá trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Đại học Văn Lang và xu thế giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Cao Trí (phải) – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang cùng các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

Với tầm nhìn khác biệt, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang đã đề xuất một số giải pháp cho giáo dục trong kỷ nguyên số: "Cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian đào tạo vì lợi ích người học, đổi mới phương pháp đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển; một số trường đại học lớn có tiềm lực phải khuyến khích triển khai công nghệ và kêu gọi đầu tư để có thể thay đổi, cạnh tranh và trở thành các trường đại học lớn, kết nối người học bằng công nghệ."

Đại học Văn Lang và xu thế giáo dục linh hoạt trong kỷ nguyên số - Ảnh 4.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác trong giáo dục ngày 16/10/2020, Trường Đại học Văn Lang cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức giáo dục trên thế giới, gồm Tập đoàn giáo dục Edunation (Phần Lan), UNO (Hoa Kỳ), International College UK (Anh) về trao đổi sinh viên và thực tập sinh trong nhiều lĩnh vực đào tạo.

Ánh Dương

Tin Cùng Chuyên Mục
Giá trị của truyền thông hiệu quả

Giá trị của truyền thông hiệu quả

Không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín; lan tỏa quảng bá sản phẩm và dịch vụ... truyền thông hiệu quả còn đem đến nhiều giá trị cho hoạt động của doanh nghiệp như: hỗ trợ quản lý khủng hoảng, duy trì sự ổn định; tạo điều kiện thuận lợi trong giao tiếp và đàm phán; tăng cường mối quan hệ với cổ đông và nhà
Tin mới