Địa phương vừa có sân bay vừa có cảng biển lớn nhất cả nước

(Tổ Quốc) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 22 sân bay và 34 cảng biển đang hoạt động. Trong đó, sân bay và cảng biển lớn nhất cả nước đều nằm tại một địa phương.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 22 sân bay dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Trong đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1,500 ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm.

Đặc biệt, theo kết quả xếp hạng các sân bay thế giới năm 2021 của Tổ chức chuyên xếp hạng vận tải hàng không Skytrax (Anh), Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được vinh danh top 10 sân bay tốt nhất thế giới trong nhóm các sân bay có năng lực phục vụ 20-25 triệu khách/năm.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đang sở hữu cảng biển lớn nhất cả nước. Theo UBND TP.HCM, cảng Sài Gòn hiện là cảng biển có diện tích và công suất lớn nhất cả nước. Cảng Sài Gòn là cảng quốc tế có tổng diện tích khoảng 570.000m2, đồng thời là hệ thống cảng biển phục vụ cho khu vực thành phố, các vùng lân cận và đồng bằng sông Cửu Long.

Cảng Sài Gòn là chuỗi hệ thống gồm các khu cảng biển tại TP. HCM như: Tân Cảng Cát Lái, Cái Mép, Hiệp Phước,… Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), khu vực cảng Sài Gòn hiện đang đứng đầu cả nước về sản lượng container thông qua, chiếm 58,81% thị phần. Trong đó, riêng Tân Cảng Cát Lái (quận 2) chiếm đến 48% thị phần cả nước và chiếm 80,89% thị phần khu vực cảng TP. HCM.

Cùng với đó, cảng Sài Gòn lọt top 30 cảng container bận rộn nhất thế giới. Theo cập nhật mới nhất bảng xếp hạng 49 cảng container bận rộn nhất thế giới của Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), cảng Sài Gòn xếp thứ 26 với lưu lượng hàng hóa qua cảng đạt 5,99 triệu teus vào năm 2016 và tăng lên 7,2 triệu teus vào năm 2020.

Bên cạnh đó, cảng Sài Gòn nằm trong top 6 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á, xếp sau các cảng Singapore, Port Klang và Tanjung Pelepas (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan) và Tanjung Priok (Indonesia).

Địa phương vừa có sân bay vừa có cảng biển lớn nhất cả nước có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Top 6 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á. Nguồn: World Shipping Council.

Trên thực tế, TP. HCM là nơi có tiềm năng lớn trong phát triển logistics. Theo Sở Công thương TP. HCM, TP. HCM không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước mà còn là thị trường tiêu thụ, cung ứng hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam.

TP. HCM nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam cùng với hệ thống cảng biển và càng hàng không lớn, hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh, thành, hoạt động xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều phải thông thương qua TP. HCM.

Theo đó, phát triển ngành logistics sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề phát triển sản xuất, khuyến khích thu hút đầu tư vốn nước ngoài và trong nước. Theo định hướng phát triển, TP. HCM tập trung đưa ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, giúp thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế.

Ngành logistics được đánh giá là có vài trò rất lớn đối với nền kinh tế TP. HCM. Theo Sở Công Thương TP. HCM, hiện nay cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Trong số đó, ngành logistics hiện đóng góp khoảng 8,9% trong tổng GRDP của TP. HCM và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại TP. HCM.

Với mục tiêu phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, bên cạnh phát triển các trung tâm quy mô lớn, TP. HCM đặc biệt quan tâm đến phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho dịch vụ này. Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. HCM thành lập và phát triển 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics để phát triển TP. HCM trở thành đầu tàu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Để mục tiêu đưa ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn nhanh chóng thành công, TP. HCM sẽ đầu tư phát triển hạ tầng gồm hệ thống trung tâm logistics, hệ thống giao thông chi tiết phục vụ cho vận tải đường thủy, đường bộ, đường hàng không.

Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin như xây dựng kho dữ liệu tập trung nhằm số hóa hoạt động vận tải hàng hóa, từ đó có cơ sở điều chỉnh quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe, khu vực trung chuyển hàng hóa, giờ ưu tiên,… Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng nền tảng công nghệ thông tin khai thác dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics phục vụ cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Minh Tiến

Tin mới