Du mục kỹ thuật số: Xu hướng làm việc mới nổi tại Trung Quốc

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang bắt kịp xu hướng toàn cầu khi những người lao động am hiểu công nghệ chọn các địa điểm rẻ hơn và đẹp hơn để làm nơi ở và làm việc.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lập trình viên Richard Hao đặt laptop của mình xuống để thư giãn. Anh đang ngồi trong một quán cà phê nhìn ra hồ nước và thưởng thức đồ uống trong khung cảnh đẹp như tranh vẽ này. Giống như ngày càng nhiều người du mục kỹ thuật số (người sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ để làm việc từ xa) tại Trung Quốc, anh quay lưng lại với cuộc sống ở thành phố lớn và chuyển đến Dali – một trung tâm du lịch ở tỉnh Vân Nam, nổi tiếng với những ngọn núi phủ đầy tuyết, những ngôi đền và chùa cổ kính.

Hao đang là nhân viên của một công ty công nghệ ở Thâm Quyến. Anh chia sẻ: "Tôi đang làm một công việc bình thường với số giờ tương đối cố định. Điều khác biệt là tôi không phải đến văn phòng và có thể linh hoạt giờ giấc".

Du mục kỹ thuật số: Xu hướng làm việc mới nổi tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang bắt kịp xu hướng toàn cầu khi những người lao động am hiểu công nghệ chọn các địa điểm rẻ hơn và đẹp hơn để làm nơi ở và làm việc. Đây là phong cách sống đã trở nên phổ biến trên thế giới khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy mọi người cân nhắc về việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tuy nhiên, hình thức này lại khác biệt ở chỗ nó nằm giữa hai văn hóa làm việc đối lập tại Trung Quốc. Một là "996" – chính sách làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần phổ biến trong giới công nghệ. Hình thức thứ hai là làm việc càng ít càng tốt hay "nằm yên mặc kệ sự đời".

Du mục kỹ thuật số: Xu hướng làm việc mới nổi tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Những người ủng hộ như Daniel Ng - người điều hành một không gian làm việc chung ở Dali, tin rằng du mục kỹ thuật số có thể giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc hiện nay.

Một lượng lớn những người sáng tạo, người kinh doanh, thường bao gồm các streamer, vlogger, giáo viên trực tuyến và nhân viên hỗ trợ công nghệ cũng có thể giúp chính quyền địa phương hồi sinh các thị trấn đã cạn kiệt khách du lịch do đại dịch.

Dù vậy, tương lai của hình thức này vẫn chưa có gì là chắc chắn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều gã khổng lồ công nghệ đang đóng băng tuyển dụng hay sa thải hàng loạt như hiện nay. Bên cạnh đó là việc những quy định liên quan đến đăng ký hộ gia đình có thể hạn chế khả năng di chuyển với một số lao động nhập cư.

Rachael Woldoff, giáo sư xã hội học tại Đại học West Virginia và đồng tác giả một cuốn sách về những người du mục kỹ thuật số, nhận định: "Dân du mục kỹ thuật số sẽ trở thành một bộ phận không nhỏ trong thị trường lao động tương lai. Điều chưa rõ ràng hiện nay là liệu văn hóa làm việc tại Trung Quốc đã sẵn sàng để thích ứng với điều này hay chưa và người lao động ở nước này muốn tham gia đến mức nào".

Du mục kỹ thuật số: Xu hướng làm việc mới nổi tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Một không gian làm việc chung ở Dali (Ảnh: Bloomberg).

Dali - thành phố chỉ hơn nửa triệu dân, từ lâu đã được biết đến như một thiên đường của khách du khách ba-lô. Khu Phố Cổ đông đúc là nơi du khách có thể tìm thấy nhà nghỉ giá rẻ, quán bar kiểu phương Tây và ẩm thực Đông Nam Á. Ngoài ra là vẻ đẹp tự nhiên của hồ Erhai ở phía đông và dãy núi Cangshan ở phía tây.

Cách Khu Phố Cổ khoảng 10 phút đi bộ là Dali Hub, một tòa nhà màu trắng 3 tầng nằm trên một con phố yên tĩnh. Giống như nhiều địa điểm làm việc chung khác, Dali Hub có một quán cà phê, bàn làm việc và không gian cho các sự kiện. Tòa nhà có sân thượng nhìn ra núi, cung cấp chỗ ở cho những người du mục kỹ thuật số.

Du mục kỹ thuật số: Xu hướng làm việc mới nổi tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Daniel Ng cho biết: "Mọi người thực sự phát ngán với văn hóa 996 ở nhiều công ty Trung Quốc. Vì đại dịch, họ bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình. Theo tôi, ai cũng có quyền tự do để chọn nơi mình sống và làm việc. Nếu ngồi ở một nơi ngột ngạt, sự sáng tạo trong công việc của bạn sẽ biến mất".

Làm việc từ xa đã phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Thậm chí, nhiều nước đã cấp visa đặc biệt để thu hút đối tượng này. Tuy nhiên, việc này dường như vẫn tương đối khác thường ở Trung Quốc.

Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner dự đoán 31% lực lượng lao động toàn cầu sẽ làm việc (hoàn toàn hoặc một phần) từ xa trong năm nay, tùy thuộc vào nhà tuyển dụng của họ. Trong đó, Mỹ sẽ dẫn đầu với 53%. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này là khoảng 28%.

Theo Bloomberg, có một số trở ngại để trở thành người du mục kỹ thuật số tại Trung Quốc. Một trong số đó là người lao động vẫn thích sự ổn định khi làm việc cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Hơn nữa, việc nhiều "ông lớn" công nghệ bị tăng cường giám sát hoạt động cũng khiến nhiều sinh viên mới ra trường muốn làm việc cho khu vực nhà nước bất chấp mức lương thấp hơn.

Ngoài ra, tình trạng lưu trú và tự kinh doanh của những người du mục kỹ thuật số có thể gây khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm bảo hiểm y tế và lương hưu.

Tuy nhiên, chính quyền một số địa phương tại Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ hình thức này. Ví dụ, tại Anji – một thị trấn khá nổi tiếng của tỉnh Chiết Giang, chính quyền đã thành lập một trung tâm cung cấp không gian làm việc chung cho những người du mục kỹ thuật số.

Nguồn: Bloomberg, SCMP

Mộc Tiên

Tin mới