Đức tăng cường giải quyết mảng khí đốt trước mùa đông

(Tổ Quốc) - Đức đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc dầu khí vào nước ngoài.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Đức sẽ quốc hữu hóa hãng nhập khẩu dầu khí lớn nhất nước là Uniper sau khi công ty này ngập trong gánh nặng nợ nần vì thiếu nguồn cung từ Nga.

Cụ thể, chính phủ Đức cho biết họ sẽ kiểm soát 99% cổ phần của Uniper, đồng thời bơm 8 tỷ Euro, tương đương 8 tỷ USD cho hãng nhập khẩu dầu khí này để giải quyết gánh nặng tài chính.

Công ty Uniper là hãng nhập khẩu dầu khí từ Nga lớn nhất tại Đức và đang chịu gánh nặng thua lỗ lớn cũng như ngập trong nợ nần vì bị cắt nguồn cung. Hậu quả là công ty buộc phải mua khí đốt trên thị trường tự do với mức giá cao kỷ lục thời gian gần đây.

Đức cứu hãng nhập khẩu dầu khí lớn nhất nước - Ảnh 1.

Đây là động thái mới nhất của Đức trong nỗ lực cứu nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước ngoài.

"Đây là một động thái cần thiết trong bối cảnh tình hình năng lượng ngày một tệ hơn. Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ nền kinh tế Đức ổn định", Bộ trưởng kinh tế Robert Habeck cho biết.

Cổ phiếu của Uniper đã giảm 30% ngay sau thông tin bị quốc hữu hóa. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng này đã mất giá đến hơn 90%.

Tuy nhiên, Đức có lẽ không thể cứu hết được hàng loạt công ty ngành năng lượng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nguồn cung bị cắt và gánh nặng nợ nần ngày một lớn.

"Chúng ta không thể tiếp tục quốc hữu hóa nhiều công ty năng lượng ở Đức cũng như ở những nơi khác", một chuyên gia kinh tế của Citi Reseach cho biết.

Trong tháng 9/2022, một hãng nhập khẩu dầu khí Nga lớn khác tại Đức là VNG AG cũng đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ vì đang làm ăn thua lỗ nặng.

Vị đắng mang tên dầu khí Nga

Theo WSJ, hơn một nửa trong số khí đốt mà Uniper nhập khẩu mang về phân phối lại tại Đức là từ Nga, qua đó khiến công ty này phụ thuộc vào nước ngoài hơn so với các đối thủ trong ngành. Trong nửa đầu năm nay, Uniper đã báo cáo khoản lỗ ròng hơn 12,6 tỷ USD.

Sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt từ đường ống "Dòng chảy phương bắc", Uniper đã buộc phải tìm nguồn cung từ thị trường tự do, nơi giá khí đốt lên cao kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra.

Giá khí đốt hợp đồng kỳ hạn tại Hà Lan, vốn là bảng giá tiêu chuẩn cho khu vực Tây Bắc Châu Âu, hiện đang được giao dịch hơn 200 Euro cho mỗi MWH, cao hơn nhiều so với mức 30 Euro vào tháng 9/2021.

Đức cứu hãng nhập khẩu dầu khí lớn nhất nước - Ảnh 2.

Lượng khí đốt Nga cung cấp cho Châu Âu năm 2020 (tỷ mét khối)

Bên cạnh đó, chính phủ Đức cũng thông qua luật thuế mới cho phép các hãng nhập khẩu khí đốt chuyển một phần chi phí tăng cao sang cho người tiêu dùng. Dù quy định mới này vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia kinh tế nhưng chúng vẫn được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2022.

Đức hiện đang tích cự dự trữ khí đốt nhằm chuẩn bị trước cho trường hợp không thể nhập khẩu nhiên liệu này từ bất cứ đâu. Nếu điều này xảy ra, kho dự trữ khí đốt trên có thể cung ứng khoảng 2 tháng cho nền kinh tế Đức. Hiện kho dự trữ này mới chỉ tích trữ được hơn 90% so với yêu cầu.

Phần lớn lượng khí đốt của Đức đang được mua từ Na Uy, Hà Lan và Bỉ. Hiện quốc gia này đang lên kế hoạch xây dựng cảng nhập khẩu khí đốt mới để lấy hàng từ Mỹ và Trung Đông.

Anh cũng chịu trận

Đức không phải là nước duy nhất đang phải gánh chịu khủng hoảng năng lượng. Hãng tin CNN cho biết phần lớn EU, bao gồm cả Anh đã phải cam kết khoản hỗ trợ lên tới hơn 500 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm đối phó với đà tăng giá năng lượng.

Thậm chí Anh còn tuyên bố những chính sách mạnh tay hơn nhằm bình ổn nền kinh tế trong mùa đông này, bao gồm việc áp giá trần tiền điện và khí đốt cho doanh nghiệp ở mức chỉ bằng 50% giá thị trường trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ cố gắng giới hạn hóa đơn tiền điện bình quân hộ gia đình ở 2.500 Bảng, tương đương 2.834 USD/năm trong vòng 2 năm tới.

Chi tiết của kế hoạch trên sẽ được Bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng trình bày chi tiết vào ngày 23/9.

Theo CNN, tổng chi phí cho kế hoạch trên được ước tính vào khoảng 150 tỷ Bảng, tương đương 170 tỷ USD. Nếu cộng cả với kế hoạch cắt giảm thuế của Thủ tướng Liz Truss để thúc đẩy kinh tế thì chính phủ Anh sẽ phải vay nợ rất nhiều trong bối cảnh chi phí tín dụng lên cao còn đồng Bảng Anh thì đã xuống mức thấp nhất 37 năm.

*Nguồn: WSJ, CNN

Băng Băng

Tin mới