Trong thời đại 4.0, cụm từ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo không còn là khái niệm xa lạ. Tuy nhiên, chiến lược chuyển đổi số không phải là thay một nền tảng công nghệ, mà trước hết phải đến từ tầm nhìn, tư duy và mục tiêu người lãnh đạo một tổ chức muốn hướng đến. Tầm nhìn ấy cần thấm vào tổ chức, vào từng người lao động để chuyển thành văn hoá, thành quy trình thực thi, đưa tổ chức phát triển theo xu thế thời đại.
Cùng với GS. David L. Rogers, nữ diễn giả nổi tiếng thế giới - Giáo sư Sheena Iyengar và GS. Paul J. Bailo - nhà cố vấn cao cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã cùng hiện diện tại Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai", chia sẻ những thông điệp giá trị về tư duy chuyển đổi số đến các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Sự kiện được tổ chức nhân dấu mốc 29 năm hoạt động của MB – Tập đoàn tài chính hàng đầu tại Việt Nam với sứ mệnh: "Vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của khách hàng". Từ thực tế chuyển đổi số thành công trong 6 năm qua, lãnh đạo MB cho biết, MB mong muốn chung tay cùng Chính phủ, ngành ngân hàng và các doanh nghiệp đối tác đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần xây dựng hình ảnh ngân hàng Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp, hiệu quả, vững vàng tiến bước để cạnh tranh và hội nhập.
Năm 2017, Hội đồng quản trị MB chính thức đưa chuyển đổi số trở thành một mục tiêu chiến lược của Ngân hàng. Từng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2023 với chủ đề "Đổi mới mô hình tăng trưởng", Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB, ông Lưu Trung Thái khẳng định đã sớm nhận thấy chuyển đổi số là cơ hội lớn đối với ngân hàng, là câu chuyện sống còn của mỗi tổ chức. Vì vậy MB đã tập trung đầu tư bài bản cho chuyển đổi số trong khoảng 5 năm gần đây.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện chiến lược chuyển đổi số, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MB, ông Lưu Trung Thái đã xác định lấy phương châm "Hấp dẫn khách hàng" làm mục tiêu hành động. Theo đó, các bước cải tiến cần làm sao cho khách hàng sử dụng, yêu thích và tin cậy MB. Cách MB thực thi, theo chia sẻ của ông Lưu Trung Thái là "tổ chức các đơn vị thành các nhóm nhỏ".
"Như vậy, các nhóm này sẽ được thực hiện như một công ty nhỏ, có nhiều chức năng và họ có thể đưa ra quyết định giải quyết những vấn đề. Từ đó chúng ta có thể thử nghiệm các giải pháp và tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhanh chóng", ông Thái nói.
Với tầm nhìn chiến lược và tư duy hành động trao quyền, MB đã đạt được kết quả nổi bật trên hành trình chuyển đổi số. Và thành tựu nổi bật mà MB được vinh danh nhờ chiến lược nhân sự bền vững, hướng đến xây dựng môi trường làm việc vui vẻ, hạnh phúc, đó là trở thành một trong 3 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trong ngành ngân hàng.
Câu chuyện của MB là minh chứng sống động, khẳng định tính chuẩn mực cho các phát biểu của GS. David L. Rogers - "cha đẻ" cuốn sách "The Digital Transformation Playbook" (Chiến lược chuyển đổi số). Đó là, chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ. Bản chất cốt lõi của chuyển đổi số là giải quyết vấn đề của xã hội, chuyển đổi số phải xuất phát từ chiến lược thay đổi tư duy từ người đứng đầu và thay đổi hành vi từ các nhân sự cụ thể.
Nói cách khác: "Chuyển đổi số phải được thực thi một cách toàn diện, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong các doanh nghiệp, tập đoàn và mọi tổ chức".
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 6/2020 đã đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Trên cơ sở đó, hàng loạt các giải pháp chính sách cũng như nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu đã tạo nên một Việt Nam đổi mới, số hóa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực ngân hàng.
Chia sẻ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân cũng như doanh nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng đã chuyển đổi rất nhanh chóng trong nhiều năm vừa qua. Hầu hết các ngân hàng đã chuyển đổi số và phục vụ khách hàng trên các nền tảng, ứng dụng số. Cụ thể, ít nhất khoảng 80% các giao dịch lớn của ngân hàng hiện nay được xử lý qua các nền tảng số. Riêng tại MB, khoảng 96 % các giao dịch đều được thực hiện trên các nền tảng số. Từ đó năng suất lao động và khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, doanh nghiệp nói riêng cũng như xã hội nói chung sẽ tăng lên.
"Có thể thấy rằng đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ quá trình chuyển đổi số là khách hàng và doanh nghiệp. Còn đối với ngân hàng, việc sử dụng dữ liệu, sử dụng nền tảng và các công cụ chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng tăng năng suất lao động và quản lý rủi ro", Chủ tịch HĐQT MB, ông Lưu Trung Thái khẳng định.
Quan điểm lấy khách hàng làm trung tâm cũng đã được GS. David L.Rogers nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai". Theo đó, vị giáo sư đặc biệt lưu ý tới việc các doanh nghiệp cần định hướng tương lai; hình dung ra sự tác động của doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng nói chung.
"Khi thực hiện chuyển đổi số, rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào công nghệ với hy vọng sẽ sớm thu hồi vốn đầu tư nhưng lại "quên mất đi" yếu tố quan trọng khác, đó là nhu cầu của khách hàng", GS. David L.Rogers nhận định.
"Để thành công, các doanh nghiệp cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh", GS. David Rodgers nói thêm.
MB có thể được xem là hình mẫu, điểm sáng trong chuyển đổi số, có tác động nhất định, trở thành "cú huých" cho những đơn vị khác nhanh chóng chuyển đổi số để bắt kịp nhịp độ tăng trưởng và yêu cầu thực tiễn đề ra. Điển hình, MB là ngân hàng đầu tiên tung ra chuyển tiền miễn phí trọn đời. Không chỉ vậy, đây cũng là ngân hàng tiên phong theo xu hướng "self-serving" (tự phục vụ) và "all-in-one-app" (siêu ứng dụng), các sản phẩm của MB hướng tới tính thuận tiện, dễ sử dụng, linh hoạt trên App MBBank cho cá nhân và BIZ MBBank cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ứng dụng này kết nối cá nhân và doanh nghiệp với mọi dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng và giản đơn, giúp doanh nghiệp chủ động mọi thao tác giao dịch online theo nhu cầu mà không cần trực tiếp đến ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã tiết kiệm không chỉ nguồn lực vận hành mà còn tiết kiệm chi phí thực tế có thể tới 40 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, MB còn xây dựng dịch vụ Banking as a Service (BaaS). Dịch vụ BaaS được biết đến là một mô hình cho phép các đối tác thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp trực tiếp các dịch vụ tài chính - ngân hàng tới khách hàng trên hệ thống ứng dụng/ nền tảng của đối tác đó. Với hơn 700 bộ API, MB thuộc top ngân hàng sở hữu số lượng API đa dạng nhất thị trường.
Năm 2022, MB thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số. Ngân hàng tập trung phát triển hệ sinh thái khách hàng trên hai nền tảng App MBBank và BIZ MBBank. Lũy kế thu hút gần 20 triệu khách hàng trong năm 2022, tăng 54% so với năm 2021. Tỷ trọng giao dịch được thực hiện qua kênh số năm 2022 duy trì mức cao, đạt 95%.
Không những vậy, MB còn là đơn vị được Chính phủ giao nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng và phát triển nền tảng nhân đạo số nhằm thúc đẩy tính minh bạch, gắn kết cộng đồng theo Quyết định số 3068 ngày 23/10/2019.
Theo đó, MB chủ trì xây dựng và phát triển App Thiện nguyện, hướng đến sự minh bạch và thuận tiện cho các chủ thể tham gia từ thiện. Hiện ứng dụng Thiện nguyện sở hữu hơn một triệu thành viên. Tính đến tháng cuối 11/2023, có hơn 3.094 mục tiêu gây quỹ được khởi tạo với tổng số tiền ủng hộ qua nền tảng đạt hơn 400 tỷ đồng.
Những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, nâng con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu tiên lên đến 25 triệu trong năm 2023 (tính đến ngày 30/10/2023). MB đạt 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó, riêng App MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày.
Việc hoàn thiện hệ sinh thái tài chính cộng với chiến lược kinh doanh số được triển khai quyết liệt đã giúp MB trở thành một trong số ít các ngân hàng có hệ sinh thái đầy đủ nhất Việt Nam. 5 năm qua, doanh thu của nhà băng này tăng trưởng bình quân 18-20%/năm, lợi nhuận có năm tăng đến 35%. Nhà băng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực với tổng dư nợ toàn tập đoàn đạt gần 577.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 14% so với năm 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân của toàn ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, quy mô tiền gửi khách hàng của MB cũng tăng trưởng 8,1% so với năm trước, đạt 479.733 tỷ đồng.
Ngoài việc nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, quá trình số hóa đã và đang giúp MB giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro tốt hơn theo chuẩn quốc tế của ESG. Nhờ đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) toàn tập đoàn được cải thiện đáng kể, tối ưu thêm 2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, CIR riêng ngân hàng giảm xuống còn 28,5%.
Với kết quả này, MB xuất sắc về đích trong năm 2022 với vị trí TOP 5 về lợi nhuận; TOP 2 về thị phần với 4,25% (tăng 0,15% so với năm 2021); TOP đầu về tỷ suất sinh lời trên vốn cũng như các chỉ số an toàn, chất lượng tín dụng. Xếp hạng tín nhiệm MB được thăng hạng từ B+ lên BB- với triển vọng Tích cực, góp phần khẳng định hoạt động an toàn, bền vững của nhà băng này.
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, MB đạt 21.960 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 84,1% kế hoạch cả năm 2023. Không chỉ vậy, MB còn nằm trong nhóm ngân hàng đóng góp nhiều nhất cho ngân sách.
App MBBank lọt top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store Việt Nam trong vòng 3 năm liên tiếp, thể hiện sự đón nhận và ủng hộ của khách hàng. Đặc biệt, vào trung tuần tháng 11/2023, MB vinh dự là ngân hàng duy nhất đạt đồng thời 5 giải thưởng danh giá: Ngân hàng hiệu quả nhất, Ngân hàng có số lượng giao dịch chuyển tiền lớn nhất, Ngân hàng có mạng lưới VietQR lớn nhất, Ngân hàng có số lượng giao dịch VietQR lớn nhất và Ngân hàng năng động nhất.
Còn theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có 7 ứng dụng sở hữu hơn 10 triệu tài khoản đang hoạt động. Trong đó, MB là ngân hàng duy nhất góp mặt trong danh sách.
Như Giáo sư David L. Rogers chia sẻ, chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục. Kể từ khi bắt đầu tiến hành chuyển đổi số, ông Lưu Trung Thái cho biết nguồn lực lớn nhất để MB chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn doanh nghiệp và xây dựng một đội ngũ gắn bó, tài năng trong cả một quá trình liên tục, dài hạn.
Trong bức thư gửi đến cán bộ nhân viên Tập đoàn MB nhân kỷ niệm 29 năm thành lập, ông Lưu Trung Thái khẳng định, MB của 29 năm đã qua và chặng đường sắp tới luôn kiên định với sứ mệnh "Vì sự phát triển của đất nước, Vì lợi ích của khách hàng".
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi số, trở thành ngân hàng hiệu quả và có nhiều khách hàng nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng mục tiêu của MB không chỉ là một ngân hàng số hóa mà xác định đến năm 2026 trở thành doanh nghiệp số.
Đây cũng là điểm khác biệt lớn của MB trên thị trường. Ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ chinh phục mốc 30 triệu khách hàng. Không chỉ vậy, MB còn đặt mục tiêu đạt 30.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 50% doanh thu của tập đoàn đến từ kênh số trong tương lai. Việc phát triển doanh nghiệp số sẽ tiếp tục dựa trên 2 nền tảng chính là App MBBank và BIZ MBBank, với các hoạt động dịch vụ sẽ tăng 30%.
Dấu mốc tròn 29 năm hoạt động của MB, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái chia sẻ, trên chặng đường khó khăn nhưng vinh quang này, MB mang bản sắc của một tổ chức đề cao mục đích học hỏi, đổi mới, có trách nhiệm xã hội cao, phát triển xanh và bền vững. "Các giá trị mới được tạo ra cho khách hàng và tổ chức là kết quả của sự kết hợp sâu sắc giữa công nghệ và chuyên môn tài chính ngân hàng" – ông nói.