KIDO đang xem xét lại khoản đầu tư vào Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza, việc tạm ứng 2.000 tỷ làm lãi ròng giảm dù kinh doanh cải thiện nhờ tái cấu trúc ngành

(Tổ Quốc) - Các khoản tạm ứng này đã được chi vào năm 2019 và tương đương 70% tổng giá trị đầu tư. Nhưng hiện tại đang được KIDO xem xét lại do tính chất phức tạp của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu suất của 2 trung tâm thương mại và plaza này và có thể làm giảm định giá.

Công cuộc tái cấu trúc ngành hàng từ danh mục sản phẩm đến kênh phân phối hiệu quả đang mang về dấu hiện cải thiện mạnh tại tại các công ty con thuộc Tập đoàn KIDO (KDC). Quý 2/2020, Công ty tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.960 tỷ đồng - tăng 17% và 82 tỷ - tăng 15,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, KDC đạt 3.680 tỷ đồng doanh thu thuần và 130 tỷ đồng lợi nhuận ròng – tăng 14%.

Trong đó, mức tăng trưởng hơn 10% bắt nguồn từ việc cải thiện doanh thu bán lẻ dầu ăn (TAC), và việc quản lý chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tốt hơn (chủ yếu là chi phí tiền lương). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (NPATMI) giảm 17,4% so với cùng kỳ trong quý 2, xuống còn đạt 36 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, NPATMI đạt 47 tỷ - giảm 4,4%.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng phần lớn là do thu nhập lãi từ công ty mẹ giảm đáng kể (6 tháng đầu năm 2020 đạt 25 tỷ đồng so với 84 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019) do KDC đã thực hiện tạm ứng đầu tư trị giá 1.993 tỷ đồng từ 6 tháng cuối năm 2019, làm giảm đáng kể số dư tiền mặt.

Đang xem xét khoản đầu tư vào trung tâm thương mại Vạn Hạnh và Hùng Vương Plaza

Chi tiết, tại thời điểm 30/6/2020, KDC đã ghi nhận các khoản tạm ứng đầu tư trị giá 1.993 tỷ đồng, bao gồm các khoản tạm ứng đầu tư vào trung tâm thương mại Vạn Hạnh (tổng giá trị ước tính khoảng 1.700 – 1.800 tỷ đồng) và Hùng Vương Plaza (tổng giá trị ước tính khoảng 1.100 tỷ đồng).

Các khoản tạm ứng này đã được chi vào năm 2019 và tương đương 70% tổng giá trị đầu tư (nhưng hiện tại đang được xem xét lại do tính chất phức tạp của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu suất của 2 trung tâm thương mại và plaza này và có thể làm giảm định giá). Trung tâm thương mại Vạn Hạnh (Vạn Hạnh Mall) bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2018, trong khi Hùng Vương Plaza (trung tâm thương mại do Parkson điều hành) đi vào hoạt động năm 2007.

Được biết, Vạn Hạnh Mall hiện là trung tâm có quy mô lớn nhất quận 10 (Tp.HCM), với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và tỷ lệ lấp đầy vào đầu năm 2018 đã lên đến 90%. Trung tâm có tổng diện tích xây dựng lên đến 90.000 m2, diện tích thương mại 55.000 m2 hiện có hơn 200 cửa hàng và các thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

Chủ đầu tư chính của trung tâm này là ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO. Ông Nguyên đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư xây dựng Bắc Bình - đơn vị cùng với Công ty Tây Nam đầu tư mô hình này. Đây là trung tâm thứ 2 ông Nguyên tham gia đầu tư, sau dự án trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza và điều hành hoạt động trung tâm phát triển ổn định đạt mức thuê 100%.

KIDO đang xem xét lại khoản đầu tư vào Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza, việc tạm ứng 2.000 tỷ làm lãi ròng giảm dù kinh doanh cải thiện nhờ tái cấu trúc ngành - Ảnh 1.

KIDO dự gặp thách thức cạnh tranh và nhu cầu đi ngang (5.000 tấn) trong cuộc chơi bánh trung thu sắp tới

Về KDC, câu chuyện tái cấu trúc quyết liệt được quan tâm mạnh mẽ từ đầu năm nay. Tại ĐHCĐ của KDC, Tập đoàn đã tuyên bố sẽ sáp nhập về làm một. Trong đó, KDC sẽ sáp nhập thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu với KDF, dự hoàn thành vào quý 4/2020. Song song, KDC cũng có kế hoạch sáp nhập VOC và TAC. Tuy nhiên, do SCIC vẫn đang nắm 36,3% cổ phần tại VOC trong khi VOC nắm 26,5% cổ phần tại TAC, kế hoạch sáp nhập cần chờ đến khi SCIC thoái vốn khỏi VOC thành công.

Với mức giá hiện tại là 23.900 đồng/cp, 36,3% cổ phần tại VOC có giá trị là 1.050 tỷ đồng, so với số dư tiền mặt của KDC là 1.470 tỷ đồng tại cuối quý 2/2020, SSI Research tin rằng KDC có đủ lượng tiền mặt dữ trữ để thực hiện giao dịch này.

Công ty cũng đã có kế hoạch quay lại hoạt động kinh doanh bánh kẹo sau khi hết thời gian cam kết với Mondelez vào tháng 7 (khi bán mảng bánh kẹo cho Mondelex vào năm 2015, KDC đã ký hợp đồng 5 năm không cạnh tranh). KDC sẽ thuê ngoài các đơn vị OEM sản xuất và dự kiến sẽ tận dụng kênh phân phối và đội ngũ nhân viên hiện tại, do đó có thể không cần chi phí đầu tư (CAPEX) lớn.

KDC sẽ khởi động với bánh trung thu – một trong những nguồn doanh thu chính của KDC trước đây. Công ty có kế hoạch bán 4 triệu bánh vào năm nay, với tỷ trọng doanh thu 40% B2C và 60% B2B (so với mức 20% B2C và 80% B2B của những năm trước). Theo SSI Research, với nhu cầu bánh trung thu ước tính đi ngang ở mức 5.000 tấn trong năm nay, kế hoạch của KDC bán ra 4 triệu bánh (~800 tấn, chiếm 16% thị phần) có thể khá tham vọng.

Chưa kể, cạnh tranh sẽ rất gay gắt trong bối cảnh thiếu tăng trưởng đồng thời phải cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng hiện tại như Mondelez Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… Mondelez Kinh Đô không cho biết thị phần trong những năm gần đây nhưng vẫn giữ vị thế dẫn đầu thị trường từ thương hiệu Kinh Đô. Trong khi đó, Bibica đã bán khoảng 600 tấn bánh trong năm trước, tương đương 12% thị phần.

Cuối cùng, KDC cũng tuyên bố gia nhập ngành nước giải khát thông qua hình thức liên doanh với Vinamilk (VNM). Theo Ban lãnh đạo, KDC và VNM đã và đang làm việc để thành lập Vibev – một công ty liên doanh của 2 công ty chuyên về nước giải khát. Công ty liên doanh này sẽ sử dụng một phần công suất sản xuất hiện tại của nhà máy nước giải khát của VNM tại Bình Dương và thuê ngoài các đơn vị OEM đối với phần còn lại. Vibev sẽ tận dụng mạng lưới phân phối hiện tại của VNM và KDC.

KIDO đang xem xét lại khoản đầu tư vào Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza, việc tạm ứng 2.000 tỷ làm lãi ròng giảm dù kinh doanh cải thiện nhờ tái cấu trúc ngành - Ảnh 3.

Tri Túc

Tin mới