Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam

(Tổ Quốc) - TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang diễn ra ở Ấn Độ sẽ có 5 tác động đến kinh tế thế giới và châu Á, riêng với Việt Nam cũng có 5 tác động.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về "Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam". Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.

------

1. Diễn biến làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ

Làn sóng Covid 19 thứ hai tại Ấn Độ diễn biến nhanh, bắt đầu bùng phát mạnh mẽ từ ngày 10/3/2021 với 22.841 ca nhiễm mới/ngày. Con số này tiếp tục tăng nhanh theo "phương thẳng đứng" với đỉnh điểm là 414 nghìn ca nhiễm mới ngày 6/5/2021 và đang giảm dần xuống khoảng 263 nghìn ca nhiễm mới (ngày 19/5/2021). Nguyên nhân chính là do: (i) tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Covid-19 (chủng Ấn Độ), (ii) thiếu vaccine, trang thiết bị y tế, và (iii) thiếu kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh và sự chủ quan, lơ là của người dân Ấn Độ. Từ cuối tháng 4/2021, số ca nhiễm đã vượt quá khả năng tiếp nhận và điều trị của hệ thống y tế Ấn Độ, những biện pháp phòng dịch thiếu quyết liệt, hiệu quả của cơ quan chức năng đã dẫn đến trình trạng mất kiểm soát dịch bệnh trên diện rộng. Hệ quả, số ca nhiễm Covid 19 tại Ấn Độ lên đến gần 25 triệu ca (chiếm 15,91% tổng số ca Covid-19 toàn thế giới); số ca tử vong tăng lên gần 300 nghìn ca (chiếm 8,03% số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu).

Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam - Ảnh 1.

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến nghiêm trọng và kéo dài bởi tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 của Ấn Độ rất chậm. Mặc dù là nhà sản xuất và gia công vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ vẫn khó khăn trong việc tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn dân bởi quy mô dân số quá lớn, năng lực y tế hạn chế (theo đánh giá của WHO, tháng 5/2021). Tính đến hết ngày 19/05/2021, tỷ lệ tiêm vaccine của Ấn Độ chỉ ở mức 10,3% tổng dân số cao hơn tỷ lệ trung bình 1,3% của thế giới, song thấp hơn nhiều so với một số nước khác như Mỹ (46,7%), Anh (53,5%)…v.v.

2. Tác động đối với nền kinh tế Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ năm tài khóa 2020-2021 (kết thúc 31/3/2021) đã suy giảm sâu (-8%), từ mức tăng trưởng 4,2% năm trước đó, chủ yếu do dịch Covid-19 (theo IMF tháng 4/2021)). Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đã đẩy Ấn Độ rơi vào khủng hoảng y tế do số ca nhiễm tăng cao vượt quá khả năng tiếp nhận của hệ thống y tế. Các tác động cụ thể của làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 đối với nền kinh tế Ấn Độ như sau.

Thứ nhất, đối với tổng thể nền kinh tế, Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE) ước tính, các hoạt động kinh tế Ấn Độ trong tháng 4 giảm 15-20% so với tháng trước (giảm chủ yếu ở các ngành dịch vụ tiêu dùng, vận tải, lưu trú - ăn uống…).

Thứ hai, ngành dịch vụ cả nước giảm mạnh, chỉ số PMI dịch vụ tháng 4/2021 ở mức 54 điểm, tuy chỉ giảm 0,6 điểm so với tháng 3, song lại là tháng giảm nhiều nhất từ đầu năm 2021; chủ yếu là do niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang giảm xuống khi diễn biến phức tạp của đại dịch, dẫn tới việc tăng tiết kiệm, hạn chế chi tiêu.

Thứ ba, thương mại quốc tế của Ấn Độ sụt giảm, theo Bộ Công Thương Ấn Độ, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 giảm 12,2% so với tháng trước, xuống 30,21 tỷ USD. Nhập khẩu tháng 4 cũng giảm 7% so với tháng trước, xuống 45,45 tỷ USD.

Thứ tư, thất nghiệp gia tăng với tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 của Ấn Độ đã tăng lên mức 8%, cao hơn 1,5 điểm % so với tháng 3. Tính riêng trong tháng 4, số người mất việc làm là 750 nghìn; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 9,8%, cao nhất từ tháng 8/2020, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 23% vào tháng 5/2020, thời điểm xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất tại Ấn Độ.

Thứ năm, lĩnh vực sản xuất chững lại với chỉ số PMI sản xuất tháng 4 của Ấn Độ ở mức 55,5 điểm, tương đương với mức 55,4 điểm của tháng trước; nhờ vào nhu cầu và nỗ lực tiếp thị của các doanh nghiệp vượt qua tác động của dịch Covid-19 (theo IHS Market Ấn Độ, tháng 5/2021). Tuy nhiên, dự báo PMI sản xuất trong những tháng tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn, do độ trễ tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nguồn cung nguyên vật liệu, sản xuất hàng hóa của Ấn Độ.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam - Ảnh 2.

Ngoài ra, theo cảnh báo của WB, tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội như an ninh trật tự, môi trường, an sinh xã hội, gia tăng khoảng cách giàu – nghèo,…v.v. Để đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 2, đồng thời giữ nền kinh tế không bị sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và duy trì các hoạt động vận động tranh cử, Chính phủ Ấn Độ đã không áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trên quy mô toàn quốc như làn sóng thứ nhất. Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ sẽ càng khó hồi phục hơn khi dư địa dùng các biện pháp tài khóa hỗ trợ hồi phục không còn nhiều do đã sử dụng phần lớn vào các khoản cứu trợ và bổ sung chi tiêu y tế,… trong làn sóng thứ nhất (gồm 3 gói chính năm 2020: (i) gói hỗ trợ trị giá 270 tỉ USD dành cho các DNNVV, lao động nhập cư, bán hàng rong, buốn bán nhỏ, lao động tự do và nông dân,… (ii) gói kích thích kinh tế trị giá 6,5 tỉ USD nhằm kích cầu tiêu dùng; và (iii) gói 1.500 tỉ USD đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ và phát triển chuỗi giá trị toàn cầu cho các ngành nghề ưu tiên…v.v.).

Về triển vọng kinh tế Ấn Độ, IMF (tháng 4/2021) dự báo GDP Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm tài khóa 2021-2022 và 6,9% năm tiếp theo. Tuy nhiên, dự báo này được công bố khi dịch bệnh tại Ấn Độ chưa nghiêm trọng như hiện nay. Đầu tháng 5/2021, các tổ chức quốc tế có chung nhận định rằng kinh tế Ấn Độ sẽ hồi phục yếu hơn so với các dự báo trước đó do bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch thứ 2 này. Các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế (như S&P, Fitch Ratings…) đều hạ dự báo tăng trưởng từ 1,2 đến 2,8 điểm % so với các dự báo trước (theo các kịch bản khác nhau); và dự báo tăng trưởng cả năm của Ấn Độ có thể đạt 8,2-9,8%. Tương tự, Oxford Economics (4/2021) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức 10,2% năm 2021, thấp hơn mức 11,8% dự báo trước đó. Chính phủ Ấn Độ (tháng 5/2021) cũng dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 10% năm tài khóa 2021-22 (so với mức dự báo 11% hồi tháng 3/2021). Mức tăng trưởng GDP của Ấn Độ có thể thấp hơn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục không thể kiểm soát khiến Chính phủ nước này phải triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa.

3. Năm tác động đến kinh tế thế giới và châu Á

Thứ nhất, làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và Châu Á: với quy mô nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới (chiếm 6,77% GDP và 2,8% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa toàn cầu năm 2020), quy mô dân số đứng thứ 2 thế giới (chiếm 17,7% dân số toàn cầu) và tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao (trung bình 6,4%/năm giai đoạn 2016-2019, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,8%); dự báo đợt sóng Covid-19 thứ 2 sẽ làm GDP toàn cầu giảm khoảng 0,1-0,2 điểm % (so với dự báo trước đó).

Thứ hai, kéo dài tình trạng phong tỏa tại các quốc gia: tình trạng dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát của Ấn Độ trong khi việc triển khai tiêm vaccine chậm hơn dự kiến do nguồn cung hạn hẹp khiến cho các quốc gia tiếp tục phải hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú – ăn uống, từ đó làm giảm triển vọng hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực tới ngành dược phẩm toàn cầu: ngành dược phẩm Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về quy mô và thứ 11 thế giới về giá trị. Xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ chiếm 3,5% tổng giá trị xuất khẩu dược phẩm toàn cầu; đặc biệt, xuất khẩu biệt dược chiếm tới 20% tổng giá trị toàn cầu. Quan trọng hơn, Ấn Độ sản xuất tới 70% lượng vaccine toàn cầu. Viện Huyết thanh Ấn Độ có bản quyền sản xuất vaccine của AstraZeneca cho 64 nước tham gia Chương trình liên minh vaccine (COVAX) của WHO. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ khiến cho việc sản xuất, cung ứng vaccine cho COVAX chậm lại, ảnh hưởng tới tiến độ cung ứng và tiêm vaccine tại nhiều nước.

Thứ tư, làm thu hẹp nguồn cung của thị trường hàng hóa toàn cầu: Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm 29,3% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu); nước xuất khẩu đường thứ 3 thế giới (chiếm 3,97%); xuất khẩu xăng lớn thứ 4 thế giới (chiếm 5,51%) và là quốc gia có mức xuất khẩu thép đứng thứ 9 thế giới… Do đó, nếu dịch bệnh tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp có thể khiến cho nguồn cung những hàng hóa này có thể bị thu hẹp, gây sức ép lên giá cả hàng hóa toàn cầu, vốn dĩ đang tăng khá mạnh thời gian qua.

Thứ năm, ảnh hưởng tới dịch vụ hỗ trợ của các tập đoàn đa quốc gia: nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Mỹ và Châu Âu với chi phi thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và y tế. Do đó, dịch bệnh tại Ấn Độ có thể làm gián đoạn hoạt động của 1 số công ty đa quốc gia vốn sử dụng dịch vụ hỗ trợ từ các doanh nghiệp Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là trung tâm fintech lớn trên thế giới khi theo Findexable (4/2020) Bangalore và Mumbai lần lượt đứng thứ 7 và thứ 10 trong số 10 thành phố dẫn dầu về mức độ thu hút các công ty fintech trên thế giới.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ - tác động đối với kinh tế thế giới và Việt Nam - Ảnh 3.

Dịch bệnh Covid-19 đang vô cùng căng thẳng tại Ấn Độ

4. Năm tác động đối với nền kinh tế Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ chưa phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của nhau, nên tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có tác động không nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng cần lưu ý đến một số tác động tiêu cực như sau.

Một là, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có thể trì hoãn quá trình khôi phục giao thương giữa các quốc gia trong đó có Việt Nam. Việc phải tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ làm chậm quá trình mở lại đường bay giữa Việt Nam Ấn Độ nói riêng và với các nước nói chung.

Hai là, ảnh hưởng tới nguồn cung các sản phẩm dược phẩm của Việt Nam trong đó có vaccine Covid-19. Hiện nay, Ấn Độ là nhà cung cấp quan trọng cho chương trình COVAX mà Việt Nam có tham gia. Việc thiếu hụt nguồn cung vaccine từ Ấn Độ có thể khiến quá trình tiếp nhận, mua vaccine của Việt Nam chậm hơn so với dự kiến.

Ba là, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chậm lại có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa, trong đó có hàng hóa của Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 9,7 tỷ USD năm 2020 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,24 tỷ USD và nhập khẩu 4,44 tỷ USD từ Ấn Độ, giảm 13,5% so với cùng kỳ, trong khi năm 2019 tăng 4,8% so với năm trước). Trong đó, hai mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ bị ảnh hưởng khá lớn là dược phẩm (chiếm 7,8% kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam), sắt thép các loại (13,7%); còn các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỉ trọng không lớn.

Bốn là, ảnh hưởng một phần đến hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đến hết tháng 4/2021, Ấn Độ là nhà đầu tư FDI lớn thứ 26 của Việt Nam với 909 triệu USD tổng vốn đăng ký lũy kế, chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, sản xuất đường, cà phê, hóa chất nông nghiệp, CNTT và phụ tùng ô tô…v.v. Tác động ở đây chủ yếu là do các lệnh phong tỏa, cách ly khiến hoạt động đi lại của đội ngũ chuyên gia khó khăn hơn, dẫn tới kéo dài hoặc làm chậm lại việc triển khai các dự án đầu tư. 

Năm là, gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ đem lại cơ hội xuất khẩu cho một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt nam có thế mạnh xuất khẩu như gạo, đường, thủy sản…v.v. Đồng thời, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu đang diễn ra.

5. Bốn kiến nghị đối với Việt Nam

Thứ nhất, kiên định thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế", trong đó công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai tiêm vaccine là nhiệm vụ hàng đầu. Bài học kinh nghiệm từ tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đối với Việt Nam là luôn không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh; không đánh sức khỏe của nhân dân với tăng trưởng kinh tế, mà mục tiêu kép là nhất quán, là xuyên suốt.

Thứ hai, nhanh chóng đàm phán với các đối tác để có nguồn cung vaccine mới bổ sung, thay thế nguồn từ chương trình COVAX. Trước tình hình nguồn cung của COVAX bị thiếu hụt do Ấn Độ tập trung cho tiêm chủng trong nước, Việt Nam cần chủ động đám phàn với các đối tác khác nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêm chủng trong nước, cùng với việc ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ ba, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm nối lại các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch….giữa Việt Nam và Ấn Độ ngay sau khi Ấn Độ kiểm soát được dịch bệnh.

Bốn là, chú trọng cải thiện đúng và thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội thu hút, sàng lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài.


TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Tin mới