• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2022: Nhóm bất động sản phát hành trái phiếu đạt gần 52 nghìn tỷ đồng

Kinh tế 19/01/2023 07:00

(Tổ Quốc) - Nhóm ngân hàng đạt giá trị phát hành trái phiếu cao nhất đạt 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành với lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Trong báo cáo vừa phát hành của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2022, có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu năm 2022 về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.

Tiếp đến, nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với năm 2021 (hơn 214.000 tỷ đồng), lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%. Năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021.

Năm 2022: Nhóm bất động sản phát hành trái phiếu đạt gần 52 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Trong năm 2022, nhóm bất động sản phát hành trái phiếu đạt 51.979 tỷ đồng giá trị. Ảnh: Dy Khoa.

Trong năm nay, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tuần đầu tiên của năm 2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 310 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm lại tình hình kinh tế trong nước 2022 và kỳ vọng 2023

Báo cáo của hiệp hội này đề cập đến các yếu tố tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. Cụ thể, GDP quý 4/2022 tăng 5,92% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85% so cùng kỳ, khu vực công nghiệp tăng 3,6%, khu vực xây dựng tăng 6,69%, khu vực dịch vụ tăng 8,12%.

Nhờ đó, tăng trưởng GDP cả năm đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua nhờ hiệu ứng cơ sở thấp của năm 2021. Hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP năm 2021 là công nghiệp (30,2%) và dịch vụ (42,5%) với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 7,69% và 9,99% so với năm ngoái.

Cùng đó, năm 2022, tổng lượng khách du lịch là 104,96 triệu lượt (tăng 1,9% so với 2019). Trong đó, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng 18% so với trước dịch) nhờ lượng khách chuyển từ nước ngoài sang trong nước. Khách du lịch quốc tế đạt 3,66 triệu lượt, tương đương 20% năm 2019, khi không có dịch Covid-19, mặc dù các quy định nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế đã được nới lỏng từ ngày 15/3/2022. Khu vực ASEAN cũng có sự phục hồi tương tự tính đến tháng 9/2022.

Mặc dù tổng lượng khách tăng 1,9% nhưng tổng thu từ khách du lịch năm 2022 chỉ tương đương 66% so với cùng kỳ năm 2019 do khách quốc tế luôn chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu toàn ngành (60,1% năm 2018 và 61% năm 2018. 55,8% năm 2019). Thị trường đang kỳ vọng vào khách du lịch Trung Quốc khi Đại lục mở cửa biên giới. 

Lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản trong quý 4 lần lượt là 4,41% và 4,76%, mức tăng nhanh nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tính chung cả năm, hai tỷ lệ này là 3,15% và 2,59%, thấp hơn mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm.

Năm 2022: Nhóm bất động sản phát hành trái phiếu đạt gần 52 nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua. Ảnh: Dy Khoa.

Các nhóm đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI cả năm là Giao thông (tăng 11,27%), Hàng ăn & dịch vụ ăn uống (tăng 2,55%) và Nhà ở & VLXD (tăng 3,11%). Ba nhóm này chiếm khoảng 80% mức tăng cả năm vào năm 2022. Căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá năng lượng lên cao trong nửa đầu năm và hoạt động "mua trả thù" đã gây áp lực nhất định lên lạm phát.

Hiệp hội này cho rằng kinh tế năm 2023 sẽ có diễn biến áp lực khi một số ưu đãi sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 như Nghị định 15/2022/NĐ-CP hết hiệu lực kéo thuế suất thuế giá trị gia tăng về 10% từ 1/1/2023. Thuế suất thuế môi trường đối với một số loại nhiên liệu, trong đó có xăng bán lẻ sẽ tăng so với cuối năm 2022. Theo đó, giá bán lẻ xăng sẽ tăng khoảng 1.000 đồng/lít, tương đương 4,5% theo quy định về giá bán lẻ tại ngày 27/12/2022.

Tốc độ tăng mức bán lẻ hàng hóa những tháng cuối năm cao nhất trong nhiều năm cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế đang khá vững chắc và động lực này có thể được duy trì trong vài tháng đầu năm 2023.

Khả năng Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào nửa cuối năm 2023, tuy chưa thể hiện tác động rõ nét đến tình hình năng lượng thế giới thị trường hàng hóa, vẫn được cho là nhân tố giúp cân bằng đà suy thoái của Mỹ và châu Âu.

Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, việc Quốc hội nâng mục tiêu kiềm chế lạm phát lên 4,5% thay vì 4% như những năm gần đây cũng phản ánh áp lực lạm phát năm tới.

Dy Khoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ