Người trẻ "đánh liều" vay tiền mua nhà: Thà chấp nhận từ hai bàn tay trắng làm nên đống nợ nần còn hơn mãi mãi ở nhà thuê

(Tổ Quốc) - Phải đợi trong tài khoản có tiền tỷ hãy mua nhà hay gia đình có điều kiện, hỗ trợ tốt mới nên quyết tâm mua "chốn an cư". Quan điểm sai lầm đó của người trẻ đã kéo dãn giấc mơ an cư ngày càng xa vời.

Nỗi sợ của người trẻ khi vay tiền mua nhà

Bước chân ra trường, cầm tấm bằng đại học trên tay, bắt đầu tận lực cống hiến trong vai trò là nhân viên văn phòng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Ít năm sau, mức lương tăng lên 20 triệu đồng/tháng, người trẻ vẫn cảm thấy quá ít.

Để rồi khi nhìn lại chặng đường đã qua, tiền tiết kiệm trong tài khoản chỉ có vài chục, thậm chí nhiều giai đoạn, số dư tài khoản trống trơn. Thế nên, có những người trẻ khi đi làm sau 10 năm, họ vẫn trong cảm giác "không có gì trong tay". Giấc mơ mua nhà tất nhiên càng xa vời khi giá nhà ngày càng trở nên đắt đỏ.

Nhưng lúc còn quá trẻ, khi mới bước chân đi làm, người trẻ luôn mặc định trong đầu bằng câu hỏi: "Muốn mua nhà nhưng tiền ở đâu ra". Hay nếu giả sử, có 300 triệu đồng mua căn nhà nhưng 700 triệu đồng vay ngân hàng, người trẻ lo sợ tiền lãi phải trả hàng tháng thế nào.

Nếu bố mẹ không có khoản tiền hỗ trợ, thu nhập không ổn định, lỡ mua nhà rồi nợ nần chồng chất thì vô tình đẩy chính bản thân trong cuộc sống chật vật, nỗi sợ hãi, khó khăn đến nỗi tháng nào cũng tự hỏi "Tiền ăn hàng với bạn bè sẽ ở đâu, tiền mua quần áo đẹp bao giờ mới có". Chính muôn nỗi lo đó khiến rất nhiều người trẻ chùn bước trong giấc mơ sở hữu một căn nhà.

Mua nhà khi còn trẻ là chấp nhận mạo hiểm

Nguyễn Bích (30 tuổi, độc thân) thừa nhận, đã từng có muôn nỗi sợ khi mua nhà. Với Bích, căn nhà là một tài sản gì đó rất lớn, cần rất nhiều tiền mới có thể sở hữu. Và để mua được, đến lúc, chính bản thân Bích cũng phải sở hữu khoản tiền gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng hay bố mẹ hỗ trợ. Đó là lý do mà 8 năm ra trường, nhìn lại khoản tiền tiết kiệm chỉ còn 200 triệu đồng với mức lương trung bình 15-25 triệu đồng/tháng, từ lúc cầm tấm bằng đại học đi xin việc.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, "quyết làm liều", Bích mua căn nhà chung cư đã qua sử dụng với mức giá 990 triệu đồng. Nỗi lo sợ công việc có thể tạm dừng vì dịch đã gạt bỏ sang một bên.

Về bài toán tài chính, Bích có 220 triệu. 80 triệu đồng còn lại, Bích dự tính vay người thân, bạn bè. Nếu như trước đây, Bích từng nghĩ phải có ai đó cho vay khoản tiền hàng trăm triệu đồng hay hàng chục triệu đồng "mới bõ mua nhà". Dẹp suy nghĩ đó, Bích quyết định lên danh sách những người có thể vay, từ khoản 5 triệu đồng, 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Có những người bạn cho Bích vay 50 triệu đồng. Tổng số tiền mà Bích vay được lên tới 120 triệu đồng, thay vì 80 triệu đồng như trước đây.

Người trẻ đánh liều vay tiền mua nhà: Thà chấp nhận từ hai bàn tay trắng làm nên đống nợ nần còn hơn mãi mãi ở nhà thuê - Ảnh 1.

Người trẻ "đánh liều" mua nhà sẽ được nhiều hơn mất. (Ảnh minh hoạ)

Bích dự trù sẽ dành ra 40 triệu đồng chênh làm nội thấy, lo thủ tục giấy tờ vay ngân hàng và chuyển nhượng sổ đỏ. Số tiền mà Bích vay ngân hàng là 690 triệu đồng. Để giãn khoản nợ, Bích vay trong vòng 30 năm và mỗi tháng chỉ mất 6-7 triệu tiền gốc lãi.

Gần 2 năm nhìn lại, Bích thừa nhận phải sống tằn tiện để tiết kiệm tiền trả nợ người thân và ngân hàng. Bích nói không với quần áo sành điệu và những bữa ăn hàng tụ tập. Để có thêm thu nhập, Bích còn phải nhận rất nhiều việc để làm thêm.

Đến đầu năm 2022, khi nhẩm tính, Bích đã thanh toán hết khoản tiền nợ ngoài và hiện tại chỉ lo tiền lãi ngân hàng mỗi tháng. "Nếu không mạnh dạn mua nhà thì vừa không có tiền nhà để ở, vừa không có động lực kiếm tiền, tiết kiệm, lại tiêu xài hoang phí".

Trần Khánh (23 tuổi, độc thân) cũng đang "còng lưng" làm việc trả số nợ 750 triệu đồng. Khi chưa tốt nghiệp đại học, Khánh đã vay mượn bạn bè, người thân để có 200 triệu đồng, đóng khoảng 30% giá trị ban đầu căn hộ. Khánh mua căn studio tại khu đô thị ở Nam Từ Liêm. Số tiền nợ, Khánh lựa chọn vay tới 35 năm. Hơn 2 năm qua, Khánh không dám nghỉ việc ngang vì lo sợ khoản tiền thu nhập, ảnh hưởng đến việc trả nợ.

Khánh thường đùa với bạn bè rằng: "Đúng là từ hai bàn tay trắng, tôi làm nên đống nợ nần".

Liều mua nhà: Người trẻ được nhiều hơn mất

Không hối hận vì quyết định mua nhà, Khánh và Bích đều chung quan điểm rằng: "Nếu quyết tâm mua nhà, người trẻ sẽ được nhiều hơn mất". Cái mất của người trẻ liều mua nhà đó là nói không với đồ ăn xa xỉ, hạn chế đi du lịch, không dám bỏ ngang việc, không tự ý làm theo nhưng gì mình thích.

Nhưng cái được của người trẻ đầu tiên chính là căn nhà để ở, có khả năng tăng giá. Như Bích chia sẻ, căn nhà của Bích hiện tại đã được môi giới trẻ tăng thêm 250 triệu đồng so với ban đầu. Căn nhà của Khánh cũng đã lên giá tới 1,1 tỷ đồng.

"Khổ sở trong quãng thời gian trả nợ khiến cho chính tôi nhận thấy, bản thân mình như trưởng thành hơn, sống kỷ luật hơn. Tôi xác định rõ ràng, công việc là công việc nên nhiệm vụ chỉ đi cày. Tôi không quan tâm tới thị phi xung quanh, giảm bớt được những phiền toái đáng có. Tôi nhận thêm rất nhiều việc, điều đó khiến tôi rèn thêm các kỹ năng và nhận ra bản thân mình có thể làm được mọi thứ cùng một lúc", Khánh chia sẻ.

Trong đó, Ngọc cũng thừa nhận: "Chính việc mua nhà giúp tôi biết sống tiết kiệm hơn. Tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi mình có mục tiêu, động lực lao động thay vì thi thoảng lại buồn chán vẩn vơ, vô căn cứ. Mỗi lần gặp chuyện buồn, tôi tự nhủ, nếu thế này thì không làm được việc lại không kiếm được ra tiền. Sau 2 năm nhìn lại, tôi bất ngờ vì khả năng kiếm tiền của mình lại tốt vậy. Và nếu bán nhà, tôi lại có khoản lời tốt".

Một tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản từng đưa ra con số, với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, giá căn hộ bình dân từ 20 – 25 triệu/m2. Nếu muốn mua căn hộ 1,5 tỷ đồng thì người trẻ phải mất ít nhất khoảng 12 năm tích lũy. Điều kiện này đưa ra khi giá nhà không đổi. Xét ở thời điểm hiện tại, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, giá đất tăng gấp 2 trong khi giá chung cư cũng tăng 10-30%. Như vậy, người trẻ cứ chần chừ mua nhà thì giấc mơ an cư cứ sẽ xa vời.

Như vậy, muốn mua nhà sớm, người trẻ chỉ còn cách: thay đổi tổng thu nhập của chính mình bằng cách làm nhiều việc hơn, sống tiết kiệm và sẵn sàng mạo hiểm mua nhà sớm. Ở góc độ khác thì việc mua nhà cũng là phương án đầu tư mà người trẻ nên trải nghiệm.

Hải Nam

Tin Cùng Chuyên Mục
Cực tăng trưởng của vùng thủ đô hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Cực tăng trưởng của vùng thủ đô hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương

Mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, nơi đáng đến và đáng sống....
Tin mới