Nhà đầu tư bất động sản “quay xe” về trung tâm sau khi thắng tiền tỷ từ đất quê

(Tổ Quốc) - Những năm qua, thị trường bất động sản tại nhiều vùng nông thôn lên cơn sốt, kéo theo giá đất tăng cao. Nhà đầu tư dù đã lãi lớn nhưng vẫn “quay xe” về khu đô thị lớn đầu tư vì cho rằng sẽ an toàn cho dòng tiền.

Năm 2021, có trong tay 1,7 tỷ đồng từ việc kinh doanh online, anh Hoàng Công nghĩ tới nhiều hướng đầu tư để tích lũy tài sản. Thời điểm này, “cơn sốt” bất động sản diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, theo đó anh Công cũng bắt đầu tìm hiểu về thị trường. Khảo sát tại ngoại ô Hà Nội, nhưng anh Công lại không dám “xuống tiền” vì nhận thấy giá đất tăng quá cao, với số tiền này anh chỉ có thể mua được vài chục m2.

Thời điểm đó, thấy bất động sản tại quê anh (Nam Định) liên tục tăng nóng, anh Công nhận thấy thị trường nông thôn cũng khá sôi động và có khả năng sinh lời. "Yếu tố tôi thấy đất ở nông thôn hấp dẫn là giá rẻ hơn nhiều so với khu đô thị lớn như Hà Nội, có thể sở hữu được mảnh đất diện tích lớn. Cũng chính giá rẻ vừa túi tiền đầu tư của tôi nên tôi quyết định mua", anh Công nói. 

Thời điểm tháng 4/2021, anh Công xuống tiền mua mảnh đất tại Nam Định rộng 180m2 có vị trí 2 mặt tiền ở mặt đường rộng 7m, với giá 1,7 tỷ đồng, tương đương hơn 9,4 triệu đồng/m2. Nhờ có vị trí đẹp và thị trường ủng hộ nên chỉ sau gần 1 năm, đến tháng 3/2022 mảnh đất của anh Công đã tăng lên đến 3 tỷ đồng. anh Công nhanh chóng bán được cho một người khác.

"Trừ hết chi phí đi, sau gần 1 năm, từ mua bán mảnh đất trên, tôi đã lãi được khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây đúng là số tiền tôi không nghĩ sẽ kiếm được trong mấy năm dịch vừa qua", anh Công chia sẻ.

Nhà đầu tư bất động sản “quay xe” về trung tâm sau khi thắng tiền tỷ từ đất quê - Ảnh 1.

Dù lãi lớn, nhưng khi chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Công thẳng thắn cho rằng sẽ không liều lao theo đầu tư đất ở quê nữa. Bởi, giá đất nông thôn thời điểm này đã quá cao so với giá trị thực, người có nhu cầu mua để ở thì không thể với tới. Bên cạnh đó, việc mua bán cũng chỉ là nhà đầu tư, về dài hạn việc mua bán khó thanh khoản hơn do không có nhiều nhu cầu thực.

"Giá đất đã đồng loạt tăng theo nhu cầu đầu cơ. Đây là nhu cầu không bền vững như nhu cầu thực. Thời điểm bán mảnh đất đó, tôi nhận thấy thị trường bắt đầu cũng đã chậm lại", anh Công nói..

Anh Công chia sẻ thêm, sau khi thu lời được mảnh đất đó, anh đã “quay xe” về trung tâm Hà Nội để đầu tư, giữ an toàn cho số vốn. “Theo tôi nghĩ, Hà Nội đất chật, người đông, nhu cầu ở thực cũng sẽ cao, đây cũng là yếu tố bền vững trong đầu tư bất động sản để tránh rủi ro. Hơn nữa, hạ tầng hiện tại cũng đã hoàn thiện đáng kể. Do đó, tôi đã mang hết 3 tỷ đồng và vay thêm bạn bè 1 tỷ nữa để mua nhà trong ngõ rồi cho thuê. Căn nhà tôi mua nằm ở khu vực Cầu Giấy có diện tích 40m2, đã xây dựng 5 tầng, tương đương 100 triệu đồng/m2. Có thể lợi nhuận không tăng nhanh như đầu tư đấu quê thời gian qua nhưng sẽ an toàn và tôi vẫn thu được tiền thuê nhà hàng tháng”, anh Công chia sẻ.

Tương tự anh Công, anh Cường, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội cho biết, hồi tháng 4 vừa qua, anh cũng chốt lời mảnh đất tại Bắc Giang rộng 120m2, với giá 4 tỷ, tương đương hơn 33,3 triệu đồng/m2. “Đầu năm 2021, tôi mua mảnh đất này với giá hơn 900 triệu đồng, sau 1 năm đã tăng hơn gấp 2 lần. Chính vì lãi nhanh nên tôi càng thấy lo lắng về giá trị thật trong khu vực, nên có người mua là tôi chốt luôn. Sau đó, tôi đã mua một căn chung cư tại quận Nam Từ Liêm với giá hơn 3 tỷ đồng, số tiền còn lại tôi làm nội thất để gia đình tôi chuyển tới đó ở, còn căn nhà đất tại Thanh Xuân hiện tại của tôi có diện tích 50m2, 5 tầng để cho thuê”, anh Cường nói.

Theo ông Trần Minh, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cá nhân, nguyên nhân gây "sốt đất" ở nông thôn thì có nhiều nhưng thường có mấy nguyên nhân chính. 

Đầu tiên là lãi suất ngân hàng thấp nên người dân có tâm lý rút tiền gửi ra mua đất, coi đất là kênh trú ẩn.

Thứ hai, tại các thành phố lớn và và vùng ven, giá bất động sản đang tăng nhanh. Khi giá tăng thì giới đầu cơ, nhà đầu tư, sàn bất động sản, môi giới tìm về vùng nông thôn lân cận làm cho giá đất tăng nóng như trong thời gian qua.

Thứ ba, việc thiếu nguồn cung với việc nguồn cung tại một số địa phương chủ yếu là đất đấu giá, đất dân thì sẽ kích thích sự quan tâm và đẩy giá đất tăng mạnh.

Ngoài ra, quy hoạch mở đường, xây nhà máy, khu công nghiệp mở rộng về vùng nông thôn cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư, đầu cơ, môi giới về "săn" đất, làm thị trường đất nông thôn bị đẩy giá. 

Nhà đầu tư bất động sản “quay xe” về trung tâm sau khi thắng tiền tỷ từ đất quê - Ảnh 2.

Theo anh Nguyễn Văn Hải, một nhà đầu tư tại Hà Nội, thị trường đất nông thôn khá sôi động trong 2 năm qua, có hiện tượng "sốt nóng" sau Tết Nguyên đán vừa qua. Khách về tìm đến nông thôn mua đất chủ yếu là người từ nơi khác, còn nhà đầu tư tay ngang từ môi giới sang thì ở địa phương, nhưng không nhiều.

Cũng theo anh Hải, điểm chung của thị trường hiện nay là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư. Người có đất chỉ bán khi có lãi, còn nhà đầu tư mới thì buộc phải chấp nhận mua giá cao.

Tuy nhiên, anh Hải và không ít môi giới khác cũng thừa nhận, giá đất nông thôn ở đây đã quá cao so với giá trị thực. Chưa thể dự đoán được lúc nào thị trường ở đây sẽ đạt đỉnh, nhưng chắc chắn người có kinh nghiệm chốt lời đúng thời điểm sẽ có lãi, còn người non kinh nghiệm sẽ "chôn vốn" trong cuộc chơi của những đầu cơ.

Thanh Phong

Tin mới