Sau cơn sốt đất cục bộ nhiều lần, giá bất động sản Khánh Hoà giờ ra sao?

(Tổ Quốc) - Một số thị trường từng là điểm nóng của Khánh Hoà như Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh vẫn ghi nhận lượng giao dịch song thực trạng trầm lắng kéo dài. Các chuyên gia cho rằng, phải đến năm 2023, thị trường các khu vực Khánh Hoà mới có cơ hội vực dậy.

Cơn sốt đất ở Khánh Hoà đã từng "đến" rồi "đi"nhanh chóng. Năm 2017, thông tin Bắc Vân Phong lên đặc khu đã khiến nơi đây trở thành "chảo lửa" với cuộc giao dịch chớp nhoáng. Đến năm 2018, thông tin tạm dừng quy hoạch Bắc Vân Phong khiến thị trường chững lại hoàn toàn. Sau đó, lệnh cho phép thực hiện chuyển nhượng lại tại Bắc Vân Phong mới bắt đầu khiến thị trường nơi đây dần hồi sinh. Cũng từ đây, thị trường bất động sản Khánh Hoà ghi nhận dấu hiệu khởi sắc.

Đáng chú ý, từ giai đoạn 2020-2021, một số cơn sốt cục bộ xảy ra, đơn cử như tại Cam Lâm với chủ yếu là loại hình đất nông nghiệp phân lô. Nguồn cơn của cơn sốt là do môi giới lan truyền thông tin sẽ có "ông lớn" về làm dự án lớn. Tiếp đến cơn sốt xảy ra ở Cam Ranh, Ninh Hoà, Diên Khánh và phần lớn đi kèm với thông tin quy hoạch, dự án của các ông lớn. 

Sau cơn sốt đất cục bộ nhiều lần, giá bất động sản Khánh Hoà giờ ra sao? - Ảnh 1.

Bất động sản Khánh Hoà đã từng xảy ra những cơn sốt cục bộ.

Báo cáo cáo thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn ghi nhận, lượt quan tâm tìm kiếm nhà đất Khánh Hòa tăng 48%, giá rao bán tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tuy nhiên từ tháng 4/2022, thị trường Khánh Hòa hạ nhiệt do chính sách siết phân lô bán nền và tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư giảm dần trước các thông tin mới về quy hoạch hạ tầng. Cụ thể mức độ quan tâm toàn thị trường trong tháng 4 giảm khoảng 5% so với tháng 3, lượng tin đăng cũng giảm 2%. Trong khi hầu hết các thị trường hạ nhiệt thì Vạn Ninh vẫn có lượt tìm kiếm tăng 12%, lượng tin đăng tăng hơn 35% do các thông tin tích cực về quy hoạch khu kinh tế Vân Phong.

Thống kê của đơn vị này, tại Cam Lâm, giá đất nền trung bình tại Cam Lâm khoảng 9 triệu/m2, đất nền dự án khoảng 25 triệu/m2, đất biệt thự liền kề khoảng 40 triệu/m2, đất rừng Cam Lâm với các lô lớn vài ha hiện có giá 100-150 ngàn đồng/m2; đất lẻ do người dân tách thửa bán sau đợt sốt đầu năm vào khoảng 1,2-1,5 triệu/m2, trước sốt giá chỉ khoảng 700-800 triệu/1000m2. 

Tại Diên Khánh, đất vườn có một phần thổ cư tại Suối Tiên, Diên An, Diên Phước... được rao bán nhiều nhất với giá dao động từ 4-11 triệu/m2 tùy vị trí. Những lô đất trong khu phân lô đã làm đường hoặc gần đường lớn có giá cao hơn. 

Tại Ninh Hòa, giá rao bán đền nền trung bình trong quý 1 khoảng 4 triệu/m2. 

Tại Vạn Ninh, khảo sát thời điểm gần cuối tháng 5/2022, giá đất Vạn Ninh có dấu hiệu tăng trở lại từ 10-30%, chủ yếu ở Vạn Giã, Vạn Phú, Vạn Hưng, Vạn Thắng. Đất gần các tuyến đường trung tâm Vạn Giã như đường Trần Hưng Đạo hiện có giá từ 60-67 triệu/m2, đường 14/8 khoảng 30-35 triệu/m2, đường Nguyễn Huệ khoảng 11-15 triệu/m2. Tại Vạn Phú đất gần đường lớn Lý Thái Tổ đang được chào bán 12-15 triệu đồng/m2. Tại Vạn Hưng, Vạn Thắng, đất lô lớn có giá khoảng 3-4 triệu/m2.

Trong diễn đàn mới đây, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, thị trường bất động sản Khánh Hoà đang trầm lắng hơn so với các địa phương khác. Ông Hoàng chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến thực thi chính sách, ảnh hưởng dịch bệnh và áp lực thanh kiểm tra đã khiến bất động sản tỉnh này ghi nhận chỉ số giao dịch hạ. 

Song, thị trường có tín hiệu khởi sắc khi du lịch mở cửa. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn 6 tháng, sự phục hồi sẽ không đáng kể. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công hay những việc nghiệm thu để lấy tiền giải ngân vốn đầu tư công lại đang rất khó. Từ đó đã gây ảnh hưởng đến bất động sản, khiến công tác khôi phục, phát triển dự án gặp nhiều khó khăn

Cũng theo ông Phan Việt Hoàng, năm 2022, bất động sản tại các địa phương nói chung vẫn đang chờ vào quy hoạch chung. Song quy hoạch chung vẫn còn nghẽn do chưa hoàn tất dẫn tới sự trì trệ của thị trường. Thế nên, muốn bất động sản khôi phục trở lại phải đợi đến năm 2023 khi quy hoạch chung được hoàn thiện.

Ông Hoàng còn cho rằng, vấn đề vốn hiện nay ảnh hưởng trên toàn quốc, thời gian gần đây, room 2022 giữ tín dụng ở mức 14% cho thấy việc điều tiết tín dụng đã có kiểm soát. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề liên quan đến nới room, và mọi người hiểu nhầm rằng sẽ đổ vào bất động sản. Thế nhưng, điều này không xảy ra vì nguồn vốn sẽ điều tiết vào sản xuất kinh doanh trọng điểm quốc gia, còn bất động sản sẽ không thuộc lĩnh vực ưu tiên. Do đó nguồn vốn đổ vào đây sẽ hạn chế, vì thế các biện pháp khôi phục sẽ cần được tính xa hơn.

Triệu Vương

Tin mới