Sau đại dịch, nhiều tỷ phú có giá trị tài sản tăng gấp 2, gấp 3, BXH người giàu nhất thế giới giờ ra sao?

(Tổ Quốc) - Bezos không phải là tỷ phú duy nhất giàu có hơn trong đại dịch.

Giai đoạn từ giữa chiều thứ sáu tuần trước đến chiều thứ ba tuần này, giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos đã giảm 8 tỷ USD. Đó là một khoản tiền rất lớn. Nhưng đối với Bezos, người có tổng giá trị tài sản lên tới khoảng 181 tỷ USD, đây chỉ như một vài ngày làm công và số tiền đó chỉ chiếm 4,4% tổng tài sản.

Kể từ ngày 18 tháng 3, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do coronavirus, giá cổ phiếu của Amazon đã tăng gần 69%. Khi tín đồ mua sắm giờ phải ở trong nhà vì đại dịch đã chuyển sang Amazon mua hàng, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này đã đạt mức kỷ lục 1,5 nghìn tỷ USD, và tài sản của Bezos đã tăng 68 tỷ USD. Dù suy giảm nhẹ trong hai ngày qua, các nhà đầu tư vẫn không hề tỏ ra lo lắng.

Bezos không phải là tỷ phú duy nhất giàu có hơn trong đại dịch. Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, đã tăng từ vị trí thứ 31 trong BXH người giàu nhất thế giới vào giữa tháng 3 đến vị trí thứ 9 vào thứ ba. Giá trị tài sản ròng của ông đã tăng gần gấp 3 lần trong bốn tháng qua, lên tới 69,1 tỷ USD (trước đây 24,6 tỷ USD), phần lớn là do sự phục hồi 320% của cổ phiếu Tesla. Đây là lần đầu tiên Musk đứng trong số 10 người giàu nhất thế giới.

Musk nói với Forbes trong đầu tháng 7 về quy mô tài sản của ông: "Những con số đó tăng giảm, nhưng điều thực sự quan trọng là tôi đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời mà mọi người yêu thích."

Sau đại dịch, nhiều tỷ phú  có giá trị tài sản tăng gấp 2, gấp 3, BXH người giàu nhất thế giới giờ ra sao? - Ảnh 1.

Elon Musk (trái) và Mukesh Ambani (phải) là hai trong số những người có tài sản tăng mạnh nhất kể từ tháng Ba. Giá trị tài sản ròng của Musk đã tăng gần gấp ba, còn Ambani đã tăng gần gấp đôi.

Một người đạt được thành tựu lớn nữa trong vài tháng qua là Mukesh Ambani, ông trùm kinh doanh Ấn Độ và chủ tịch của Reliance Industries, công ty viễn thông Reliance Jio đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào năm 2020, bao gồm 5,7 tỷ USD từ Facebook và 1,2 tỷ USD từ quỹ tài sản U.A.E. Vào ngày 15 tháng 7, Google xác nhận sẽ đầu tư 4,5 tỷ USD vào Jio. Điều đó đã dẫn đến sự tăng vọt của giá cổ phiếu Reliance. Ambani hiện là người giàu thứ bảy trên thế giới, trị giá 71,4 tỷ USD, gần gấp đôi giá trị tài sản ròng của ông vào giữa tháng 3. Lần cuối cùng Ambani lọt vào top 10 là vào năm 2011, với khối tài sản trị giá 27 tỷ USD.

Cũng mới lọt vào top 10 kể từ tháng 3: Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft. Cổ phiếu Microsoft đã tăng 47% kể từ giữa tháng 3, giúp Ballmer an toàn tại vị trí thứ 6 người giàu nhất thế giới, trị giá 72,1 tỷ USD.

Musk và Ballmer được tăng hạng, trong khi Buffett rơi xuống thứ hạng thấp nhất trong vòng 20 năm.

Tất nhiên, có người đi lên, thì phải có người đi xuống - và có người lên rất cao thì cũng có người xuống rất thấp. Bernard Arnault có tài sản trị giá 108 tỷ USD vào cuối tháng một. Ông đã giảm xuống còn 76 tỷ USD vào giữa tháng 3, khi mọi người không còn mảy may chi tiêu vào hàng hóa xa xỉ. Rồi ông đã trở lại tới 111,1 tỷ USD, và đứng thứ ba trên thế giới.

Mặc dù chỉ giảm 3,5 tỷ USD giá trị tài sản kể từ tháng 3, Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, đã giảm 4 bậc và hiện là người giàu thứ 8 trên thế giới, vị trí thấp nhất trong suốt 20 năm qua của Buffett. Waltons, gia đình đằng sau Walmart, có ba thành viên - Jim Walton, Alice Walton và Rob Walton - lọt vào top 10 vào giữa tháng ba. Trong khi giá trị tài sản ròng của họ đã tăng lên 3 tỷ USD, những khoản tăng đó không đủ để họ giữ vững vị trí của mình khi những người khác bao gồm cả Musk, Ambani và Ballmer tăng quá mạnh.

Điều chắc chắn duy nhất với các thị trường như thế này là hàng tỷ đô la có thể kiếm được - và mất đi - hay phục hồi chỉ là vấn đề thời gian.

Mộc Dương

Forbes

Tin mới