Thu 2 đồng lãi 1 đồng, các công ty dịch vụ hàng hóa tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều đạt lợi nhuận vài trăm tỷ, thậm chí tăng trưởng dương bất chấp đại dịch

(Tổ Quốc) - Nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không vẫn rất lớn, đây là lý do mà Vietnam Airlines hay IPP Group đều đang có động thái lập hãng bay chỉ khai thác hàng hóa.

Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, nhất là đối với lĩnh vực vận tải hành khách. Năm nay, các hãng hàng không đánh giá tình hình thị trường còn xấu hơn năm ngoái khi mà hai làn sóng đại dịch xuất hiện đúng hai giai đoạn cao điểm là Tết Nguyên Đán và mùa hè. Ngay lúc này, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP HCM, trung tâm kinh tế của cả nước. 

Trái ngược với các công ty vận tải như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phái sinh liên quan đến hành khách, lĩnh vực dịch vụ hàng hóa lại không chịu nhiều ảnh hưởng.

Trái ngược với vận tải hành khách, dịch vụ hàng hóa minh chứng là phân khúc màu mỡ nhất của ngành hàng không, thu 2 đồng lãi 1 bất chấp đại dịch - Ảnh 1.

Trên thực tế, lợi nhuận của một số công ty dịch vụ hàng hóa lớn như Tân Sơn Nhất Cargo, Saigon Cargo Services hay Nội Bài Cargo có sụt giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Năm ngoái, Tân Sơn Nhất Cargo lãi sau thuế 430 tỷ đồng, Saigon Cargo lãi 464 tỷ đồng là hai công ty lãi lớn nhất trong mảng này.

Đặc thù của các công ty dịch vụ hàng hóa là việc chiếm vị trí độc quyền cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không. Nguồn thu chính của các công ty đến từ phục vụ hàng hóa, xử lý hàng hóa, lưu kho, một số có thêm bất động sản cho thuê…

Trái ngược với vận tải hành khách, dịch vụ hàng hóa minh chứng là phân khúc màu mỡ nhất của ngành hàng không, thu 2 đồng lãi 1 bất chấp đại dịch - Ảnh 2.

Các công ty dịch vụ hàng hóa có tỷ suất sinh lời hết sức ấn tượng. Tân Sơn Nhất Cargo nhiều năm liền duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu ở ngưỡng 50%. Saigon Cargo thậm chí còn đạt tới 67% trong năm ngoái. Nhóm đứng sau gồm ALS Cargo và ACSV (thuộc ACV) đạt tỷ suất từ 47 – 48%. Thấp nhất trong các công ty dịch vụ hàng hóa là Nội Bài Cargo, đạt khoảng 31%.

Ngành vận tải hàng hóa chịu ít tác động bởi đạt dịch, nhất là đem so với vận tải hành khách. Trong bối cảnh thị trường vận tải hàng không diễn biến xấu, cả Vietnam Airlines hay Vietjet Air đang căng cường đội tàu vận tải hàng hóa nhằm tăng thêm nguồn thu.

Vietnam Airlines cho biết đã tháo ghế 7 tàu bay phục vụ vận chuyển hàng hóa. Trong tháng 6, doanh thu vận tải hàng hóa của hãng hàng không quốc gia thậm chí đã vượt doanh thu vận tải hành khách. Trong điều kiện thường, tỷ trọng hàng hóa/hành khách chỉ chiếm khoảng 10%.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines nói rằng đang nghiên cứu phương án xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa sau khi đại dịch kết thúc.

Hứa Vân

Tin mới