Vấn đề ''room'' tín dụng sẽ được NHNN quán triệt trong tuần này

(Tổ Quốc) - Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng vào cuối tuần này. Tại Hội nghị, NHNN sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các NHTM.

Thông tin về nới ''room'' tín dụng đang được thị trường quan tâm và mong chờ khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng ngay từ cuối quý I và đầu quý II.

Những năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh 1 – 2 lần để phù hợp với mục tiêu điều hành. Gần nhất, năm 2021, NHNN đã có 2 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng: lần 1 diễn ra vào trung tuần tháng 7 và lần 2 thực hiện vào cuối tháng 11.

Tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tổ chức ngày 6/7, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, cuối tuần này, NHNN sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị, NHNN sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các NHTM.

Trước đó, ông Tú nói rằng ngay từ khi phân bổ ''room'' tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.

"Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ''room'' tín dụng phải giải quyết thỏa đáng’’, Phó Thống đốc cho hay: ''Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện".

Trong báo cáo thị trường mới phát hành, SSI Research cho rằng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong nửa cuối năm nay, và khi điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các NHTM.

Theo nhóm phân tích, cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và hoạt động trong 6 tháng cuối năm được NHNN tổ chức vào cuối tuần này kỳ vọng sẽ có những thông báo rõ ràng hơn về chính sách tín dụng trong thời gian tới.

Nói về thời điểm nới ''room'' tín dụng, SSI Research cho biết NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo đợt nâng ''room'' tín dụng của NHNN sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7. Điều này sẽ giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành và triển vọng quý III của ngành ngân hàng sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng mức ''room'' mới sẽ tăng quá mạnh do NHNN đang thắt chặt dòng tiền để kiểm soát lạm phát.

Trong khi Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng NHNN sẽ nới ''room'' tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng.

Còn theo dự đoán của VCBS, các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung ''room'' tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn đầu quý III/2022.

Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD,…).

Nhóm phân tích đánh giá, các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (MB và Vietcombank) sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế ''room'' tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Quang Hưng

Tin Cùng Chuyên Mục
"Săn vé" đến Olympic Games Paris 2024 cùng thẻ Sacombank Visa

"Săn vé" đến Olympic Games Paris 2024 cùng thẻ Sacombank Visa

Trong khi các vận động viên Việt Nam đang “bứt tốc” từng ngày để tranh suất chính thức tham gia Olympic Games Paris 2024, thì ở một “hậu trường” khác -những người hâm mộ thể thao Việt Nam cũng đang nhiệt tình “săn” vé đến Paris để được thưởng thức những trận đấu đỉnh cao trong mùa hè này. Vậy làm sao để săn vé đến Olympic Games Paris 2024?
Tin mới