Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Hội nghị Gateway to ASEAN do Ngân hàng UOB tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quy tụ hơn 600 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Hồng Kông và Trung Quốc cùng đại diện các cơ quan ban ngành tại Việt Nam.

Với chủ đề "ASEAN - Cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới", Hội nghị đã nêu bật tiềm năng to lớn của khu vực ASEAN, các động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đổi mới trong phát triển bền vững và quản lý chuỗi cung ứng.

Hội nghị cũng thảo luận về các cơ hội tăng trưởng và đầu tư cho các công ty đang kinh doanh bên trong ASEAN hoặc có kết nối với khu vực ASEAN, đặc biệt là tại Việt Nam – một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng trong khu vực, cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh trong khu vực.

Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN, TP HCM sẵn sàng đón đầu dòng vốn FDI

Phát biểu mở đầu Hội nghị, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ dự báo từ Ngân hàng Phát triển châu Á rằng ASEAN có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2024. Với sự tăng trưởng liên tục, ASEAN đã khẳng định mình là một nhân tố chủ chốt trong kinh tế toàn cầu.

Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam phát biểu chào mừng tại Hội nghị

Trong khi đó, sự năng động và vị thế chiến lược của Việt Nam trong ASEAN đã làm nổi bật vai trò cũng như những đóng góp của quốc gia chủ nhà hội nghị năm nay đối với khu vực.

Ông Victor Ngo nhấn mạnh: "Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN."

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết: "Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được khẳng định là khu vực phát triển có thể nói là nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới" .

"Tôi muốn khẳng định một định hướng xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh, đó là chúng tôi vẫn theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị và hội nhập cùng phát triển với các đối tác.", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội nghị

Người đứng đầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực bắt kịp các xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh... Với vai trò và vị thế của mình, Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác đến đầu tư, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thành phố.

Hai động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực

Trong phiên thảo luận mở đầu với chủ đề "Đổi mới sáng tạo và Phát triển bền vững: Động lực kép thúc đẩy tăng trưởng khu vực ASEAN", các diễn giả đã làm rõ con đường để ASEAN tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới.

Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu - Ảnh 3.

Ông William Fung, Phó chủ tịch Tập đoàn Fung Group (Trái) và ông Goh Peng Ooi, Sáng lập và Chủ tich Tập đoàn Silverlake Axis (phải) trong phiên thảo luận mở đầu của Hội nghị

Từ góc nhìn của một người đứng đầu doanh nghiệp, ông William Fung, Phó chủ tịch Tập đoàn Fung Group nhấn mạnh đổi mới sáng tạo không chỉ là về công nghệ, mà cần đổi mới trong cả mô hình kinh doanh, trong đó sử dụng công nghệ là công cụ.

Ở khía cạnh phát triển bền vững, ông Fung cho rằng "Một doanh nghiệp đơn lẻ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện phát triển bền vững, cần có sự phối hợp từ Chính phủ, các đơn vị vận hành liên quan."

Theo vị lãnh đạo này, có hai hướng để phát triển bền vững. Một là làm sao giảm được lượng chất thải tạo ra, không nên sản xuất nhiều hơn khả năng tiêu thụ, cần dự đoán được nhu cầu người tiêu dùng. Hai là tăng tốc độ chuyển dịch của chuỗi cung ứng với tốc độ xoay vòng của sản phẩm.

Về phần mình, ông Goh Peng Ooi, Sáng lập và Chủ tich Tập đoàn Silverlake Axis, tin rằng chìa khóa của thành công là đơn giản hóa mọi thứ.

"Lý do thành công của công nghệ là sử dụng những thuật toán mang tính bền vững, hướng tới tương lai. Phát triển bền vững là những hoạt động tái phát kiến, tái sử dụng, tái định hình và phải thực sự cam kết với nó", ông Goh Peng Ooi nói.

ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng thương mại toàn cầu

Trong phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "ASEAN tâm điểm của tăng trưởng thương mại toàn cầu", Ông Frederick Chin, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn và các Thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore), đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy vai trò, vị thế của ASEAN – khu vực kinh tế năng động bậc nhất thế giới.

Theo ông Frederick Chin, thế giới đang bước vào thời kỳ mới của toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi bốn động lực chính bao gồm: căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, tính cấp thiết trong quá trình chuyển đổi ESG và cuối cùng là quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng. Những yếu tố này dẫn tới những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp cũng như phá vỡ các khuôn mẫu kinh doanh truyền thống

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ông nhận định khu vực ASEAN là một "điểm sáng" với lợi thế ổn định chính trị, dân số trẻ với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và GDP dự kiến đạt 4,2 nghìn tỷ đô la, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.

Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu - Ảnh 4.

Ông Frederick Chin (bên phải), Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn và các Thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore) chia sẻ về các cơ hội lớn của ASEAN trong thời gian tới

Với thương mại và tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới, có thể thấy một xu hướng rõ ràng đăng gia tăng đó là ASEAN đang trở thành điểm đến của FDI, như một chiến lược nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xây dựng khả năng phục hồi xung quanh chuỗi cung ứng. Vào năm 2023, ASEAN là điểm đến lớn thứ hai cho FDI với 226 tỷ đô la Mỹ, chỉ sau Hoa kỳ (310 tỷ đô la Mỹ), nhưng bỏ xa Trung Quốc (160 tỷ đô la Mỹ).

Với mạng lưới rộng lớn nhất khu vực ASEAN, ông Frederick Chin khẳng định UOB có vị thế chiến lược để giúp các doanh nghiệp tại đây, giúp họ kết nối giữa ASEAN với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Trong thập kỷ qua, đơn vị tư vấn FDI của UOB đã tư vấn cho gần 4.500 công ty mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là ở ASEAN. Ngân hàng cũng đã đầu tư vào một nền tảng chuỗi cung ứng tích hợp để kết nối các doanh nghiệp trên toàn bộ hệ sinh thái trong chuỗi giá trị của chuỗi cung ứng. UOB cũng đã thành lập một ban chuyên trách ESG với các chuyên gia trong lĩnh vực để tư vấn cho khách hàng điều hướng quá trình chuyển đổi ESG.

"Ngày nay, chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ ngân hàng cho từng doanh nghiệp riêng lẻ. Chúng tôi phục vụ cho toàn bộ hệ sinh thái dọc theo chuỗi cung ứng từ người mua đến người bán." – Ông Frederick Chin chia sẻ

Trong khi ASEAN là một khối kinh tế đầy hứa hẹn, khu vực này gắn liền với nền văn hóa đa dạng và các quy định riêng biệt, tạo nên một môi trường đầy thách thức. "Đây là lý do tại sao UOB có một lợi thế độc đáo để phục vụ khách hàng đầu tư vào khu vực này. Chúng tôi tin vào tiềm năng của ASEAN và chúng tôi ở đây vì mục tiêu lâu dài và mong muốn hợp tác với tất cả các doanh nghiệp khi họ xây dựng tương lai và tạo dấu ấn tại ASEAN." - ông Frederick Chin nhấn mạnh thêm.

Tìm kiếm cơ hội tại ASEAN thông qua Việt Nam

Trong các phiên thảo luận chuyên đề được diễn ra song song, các đại biểu đã đồng quan điểm rằng Việt Nam không chỉ là điểm sáng kinh tế của khu vực mà còn là một mắt xích quan trọng với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích của các tập đoàn, doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất.

Bằng những trải nghiệm thực tế, ông Alexander Ziehe, Tổng giám đốc Viessmann Đông Nam Á và châu Đại Dương, nhấn mạnh doanh nghiệp của ông dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ Việt Nam sang các thị trường như Campuchia hay Thái Lan…. Những sản phẩm thuộc phân khúc cao hơn cũng dễ dàng tới được châu Âu hay Australia… thông qua các FTA mà Việt Nam đang có.

Việt Nam là cửa ngõ đến ASEAN của các nhà đầu tư toàn cầu - Ảnh 5.

Phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển tại ASEAN thông qua Việt Nam" với chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Trong các phiên tham luận song song này, các diễn giả cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cho các vấn đề như đổi mới sáng tạo mang tính bền vững hay quản lý chuỗi cung ứng.

Hội nghị năm nay cũng trở thành nơi đại diện các công ty trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng trong phần kết nối doanh nghiệp bằng hình thức trao đổi trực tiếp.

Với mạng lưới thương mại sâu rộng với các doanh nghiệp trên khắp khu vực, UOB sẵn sàng hỗ trợ kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp lớn và nhỏ trên khắp các chuỗi cung ứng và lĩnh vực, xúc tiến đầu tư và cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện để thúc đẩy sự tăng trưởng và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực.

Tin mới