Trở về Việt Nam từ năm 2001, nhưng dự án đầu tiên của Masan về thành lập chuỗi 25 cửa hàng tiện lợi lại gặp thất bại. Sau 6 tháng, nhận thấy thị trường chưa tiếp nhận loại hình phân phối này, ông Quang đóng cửa các cửa hàng, quay sang kinh doanh nhóm sản phẩm thực phẩm.
Chin-su là thương hiệu đầu tiên Masan ra mắt tại Việt Nam, tự chủ động nguồn nguyên liệu bằng một nhà máy chế biến tại Phú Quốc. Thống nhất thị trường bằng cách đưa ngành sản xuất truyền thống này vào quy mô công ngiệp, cùng lợi thế quy mô lớn giúp Masan giảm giá thành, tạo nên văn hóa tiêu dùng mới.
Sau Chin-su, Masan thừa thắng xông lên với nước chấm Tam Thái Tử, Nam Ngư, mì gói với Omachi, Tiến Vua…, và nhanh chóng chiếm vị trí số 1 về sản phẩm nước chấm trong căn bếp người Việt. Theo ước tính của Kantar Worldpanel Vietnam, 95% các hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.
Kể từ năm 2012, Masan thực hiện nhiều thương vụ M&A, vươn rộng hoạt động thông qua việc thâu tóm một loạt công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như Vinacafe (với giá khoảng 60 triệu USD), Cám con cò (Proconco – thương vụ trị giá 96 triệu USD), dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo trị giá hàng trăm triệu USD từ Dragon Capital…