Trước khi ông Nguyễn Xuân Minh trở thành Chủ tịch HĐQT TCBS, công ty chứng khoán này không có tên trong bất kỳ bảng xếp hạng nào mà thường nằm ở… phía dưới. Thế nhưng, cục diện bắt đầu thay đổi khi vị thuyền trưởng "lên tàu" vào cuối năm 2013.
Chỉ sau vài năm, TCBS bắt đầu đình đám với mảng trái phiếu, và ở vị trí số 1 về thị phần trong 6 năm liên tục. Chưa hết, đến năm 2021, công ty hoạt động như một fintech này đứng số 1 về lợi nhuận trong số các công ty chứng khoán trên thị trường với hơn 3.800 tỷ đồng – vượt cả SSI, đồng thời cũng vọt lên vị trí thứ 4 về thị phần môi giới cổ phiếu.
15 năm trước, ông Nguyễn Xuân Minh quyết định bỏ công việc tại Franklin Templeton Investments – một công ty quản lý quỹ lớn ở Singapore, để trở về Việt Nam lập nghiệp. Chuyên gia từng có nhiều năm kinh nghiệm quốc tế này nhìn thấy cơ hội lớn từ một thị trường tài chính còn sơ khai, nhiều tiềm năng mà chưa được khai thác.
"Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, trong độ tuổi vàng. Họ có nhu cầu đầu tư nhưng chưa có nhiều lựa chọn vào lúc đó. Nếu có tích lũy, người dân chỉ bỏ tiền vào vàng, đô la hay bất động sản là chủ yếu. Các sản phẩm tài chính rất ít. Điều này đã thúc giục tôi trở về Việt Nam để xây dựng một cái gì đấy cho bản thân và xã hội, hơn là tiếp tục làm công ăn lương đơn thuần ở nước ngoài".
Thành lập Công ty quản lý quỹ VAM, chủ yếu huy động vốn nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Minh đã có 8 năm khởi nghiệp trước khi có ngã rẽ bất ngờ với Techcombank: trở thành Chủ tịch HĐQT Techcom Securites.
Đang làm chủ một quỹ đầu tư (VAM), vì sao anh lại có bước ngoặt với Techcom Securites?
Nhà tôi có 3 anh em thì đều đi học ở Nga. Anh trai và tôi có quen biết anh Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) gần 20 năm rồi, nhưng chưa có cơ hội làm gì chung bao giờ. Một ngày anh Hùng Anh có trao đổi với tôi, rồi nói: "Thôi, em về làm cùng anh, xây dựng mảng ngân hàng đầu tư và chứng khoán. Nó sẽ là một sân chơi rất lớn cho em!". Hai tuần sau đó, tôi chuyển cả gia đình ra Hà Nội và bắt đầu công việc mới ở Techcom Securities.
Quyết định bước ngoặt về nghề nghiệp chỉ qua một câu nói, liệu có thiếu thận trọng không?
Thực ra, với lời mời của anh Hùng Anh, tôi nhìn thấy cơ hội giúp mình có thể lên một tầm cao mới trong lĩnh vực tài chính. Nếu ai đã biết anh ấy thì có thể hiểu lý do. Những người làm việc máu lửa, muốn chinh phục những đỉnh cao mới sẽ thích làm việc ở Techcombank.
Khi bắt đầu với TCBS, công ty chứng khoán này gần như không có tên trong bảng xếp hạng nào trên thị trường. Vậy điều gì đã giúp cho TCBS ‘lột xác’ để có vị trí như ngày hôm nay?
TCBS thành lập và có giấy phép năm 2008, nhưng cho đến 2013 thì ngân hàng vẫn chưa đầu tư thực sự cho công ty này nên nhân sự chỉ có khoảng 20 người, chủ yếu để duy trì hoạt động. Ở thời điểm năm 2013, TCBS đã ở phía sau rất xa các công ty chứng khoán khác về giao dịch cổ phiếu nên nếu cứ lao vào cạnh tranh về broker, margin… thì sẽ không có cửa, nên phải tìm hướng đi khác biệt.
Lúc ấy, chúng tôi quyết định có 3 hướng đi chiến lược để thay đổi TCBS.
Thứ nhất là sản phẩm khác biệt. Khi nhìn vào các nước xung quanh Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, tính bình quân thì những người có tiền đầu tư chỉ dành khoảng 20-25% cho cổ phiếu mà thôi, còn lại sẽ bỏ vào các loại tài sản khác. Như vậy, cơ hội của TCBS vẫn còn rất lớn với tiềm năng của gần 80% số tiền còn lại.
Khi ấy, chúng tôi phát hiện là trái phiếu, quỹ đầu tư (quỹ mở ở trong nước) là một loại hình còn rất mới ở Việt Nam và trái phiếu gần như chưa ai làm. Thay vì tập trung nguồn lực vào cổ phiếu, chúng tôi đầu tư phát triển mảng mới như trái phiếu, quỹ đầu tư và những sản phẩm khác liên quan, tổng hợp lại là Wealth. Nhờ đó, cơ hội để TCBS trở thành người dẫn dắt khi tạo lập thị trường mới sẽ rất cao.
Thứ hai là hệ thống phân phối: khi có sản phẩm khác biệt rồi, làm sao để bán được. Với các CTCK khác, họ có đội ngũ 500-1.000 nhân viên môi giới trong khi TCBS là 0. Anh em cũng suy nghĩ việc tuyển dụng nhân viên môi giới để làm như họ, nhưng như thế lại không thể tạo ra sự khác biệt và cũng không thể có được lợi thế cạnh tranh.
Thế nhưng, so với SSI, VNDirect, HSC, Bản Việt... chúng tôi có hệ thống chi nhánh và đội ngũ nhân sự của ngân hàng mẹ rất mạnh. Đấy là thế mạnh phải tận dụng ngay. Techcombank thời đó có khoảng 300 chi nhánh, hàng ngàn nhân viên tư vấn cao cấp Priority, đó chính là kênh bán khác biệt và rất mạnh cho TCBS. Song song đó, chúng tôi tập trung phát triển mảng phân phối sản phẩm đầu tư 100% online qua ứng dụng TCInvest.
Thứ ba là công nghệ nhưng đó không phải là một cái App mà là xây dựng nền tảng công nghệ lõi ở phía sau. Công nghệ ở đây gồm 3 yếu tố chính: thứ nhất là con người về công nghệ; thứ hai là công nghệ vận hành và tự động hoá; và thứ ba là cơ sở dữ liệu.
Việc xây dựng nền tảng công nghệ này mất nhiều thời gian, rất nhiều công sức và cả nhiều trải nghiệm đau đớn nữa (cười). Sau này chúng tôi đã xây dựng TCBS giống mô hình một fintech, với 65% tổng nhân sự là các kỹ sư công nghệ.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng có công ty mẹ là ngân hàng nhưng chưa thể sử dụng hiệu quả các chi nhánh của ngân hàng mẹ cho việc phân phối sản phẩm, hệ thống core của công ty chứng khoán và ngân hàng cũng khác nhau. Làm thế nào để TCBS có thể sử dụng tốt hệ thống của Techcombank?
Tôi nghĩ điều quan trọng là sự kết hợp của các lãnh đạo quản lý từ 2 định chế: họ có xem nhau như một nhóm hoàn chỉnh hay không. Khi một nhóm làm việc kết hợp chặt chẽ với nhau, nó sẽ tạo sự cộng hưởng.
Techcombank không coi TCBS là một công ty con mà là một team nên có thể kết hợp tốt với nhau để tạo lập kênh bán hiệu quả. Đó là bước đầu tiên. Bước thứ hai là chúng tôi đẩy mạnh kênh online và không sử dụng một nhân viên môi giới nào. Điều này có được nhờ chiến lược xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc.
Về công nghệ, hệ thống core giữa công ty chứng khoán và ngân hàng khác nhau nên có những cái không kết hợp được. Tuy nhiên, nhờ việc Techcombank làm chủ nền tảng công nghệ, không phụ thuộc hoàn toàn vào core banking và TCBS cũng xây dựng được nền tảng công nghệ riêng nên 2 bên có thể tự xây những kết nối rất mạnh, tạo ra tiện ích tốt cho khách hàng.
Ví dụ, hệ thống kết nối giữa 2 bên sẽ giúp khách hàng giao dịch ở TCBS không cần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang CTCK. Tiền vẫn nằm ở ngân hàng an toàn, khi khách hàng có giao dịch mua bán gì thì mới cắt tiền qua.
Về mặt nguyên tắc, ngành chứng chứng khoán sẽ có rủi ro cao hơn nên việc hoạt động độc lập để đảm bảo khi rủi ro xảy ra sẽ không ảnh hưởng tới ngân hàng mẹ. Trong khi đó, TCBS và Techcombank lại là "one team". Làm thế nào để đảm bảo việc phối hợp hoạt động này không làm tăng rủi ro cho ngân hàng?
Nói về sự kết hợp thì có cả khía cạnh rủi ro và không rủi ro. Hoạt động kinh doanh của TCBS cũng rất khác biệt với các đồng nghiệp khác. TCBS gần như không tham gia đầu tư cổ phiếu, không có tự doanh. Tiền chủ yếu đầu tư trái phiếu, nên VNIndex lên xuống cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh.
Tất nhiên, việc này cũng có điểm yếu. Khi thị trường tốt, các công ty chứng khoán khác kiếm được rất nhiều tiền từ tự doanh, TCBS vẫn chỉ đều đều 10% từ khoản đầu tư của mình, nhưng rất an toàn.
Lý do một phần có thể xuất phát từ văn hóa của Techcombank là luôn thận trọng trong mọi thứ. Một phần cũng là lựa chọn của Ban lãnh đạo TCBS: thay vì anh cùng tham gia đầu tư cổ phiếu với khách hàng, có thể xảy ra xung đột về mặt lợi ích, khiến một số dịch vụ mất đi tính khách quan… thì mình không làm.
Cái này là lựa chọn thôi, chứ không có đúng sai. Từ góc nhìn của TCBS, chiến lược này giúp chúng tôi tạo được sự an toàn, ổn định để tập trung phát triển những sản phẩm tài chính khác biệt và kiếm tiền từ đó.
Khi nói đến sự kết hợp, thật ra TCBS được hưởng lợi được rất nhiều từ Techcombank. Đó là một ngân hàng thương mại top đầu với rất nhiều quy trình tiêu chuẩn, được đảm bảo an toàn, giám sát theo chuẩn quốc tế… Trong khi đó, TCBS vào năm 2013 gần như là mới toanh nên có thể học hỏi và thừa hưởng nhiều thứ từ một công ty mẹ như vậy.
Tất nhiên, việc quy chuẩn, an toàn, bảo mật rất cao sẽ đi kèm với tốc độ không nhanh. Chính vì thế, TCBS mới học thêm từ nhiều mô hình phát triển của các startup, công ty công nghệ và fintech trên thế giới, tìm ra cách để linh hoạt, năng động, nhanh nhạy với các sản phẩm tài chính mới của mình.
Ở đây, vấn đề là TCBS phải làm sao kết hợp được được cả 2, để tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội, khác biệt hẳn so với các công ty chứng khoán khác. Cho đến bây giờ, có thể nói là chúng tôi đã tìm ra cách kết hợp được 2 điểm mạnh đó.
Hiện tại, ai cũng nhìn thấy thị trường màu mỡ ở mảng dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp mà TCBS đang thống lĩnh. Nhưng vào thời điểm cách đây gần 10 năm khi TCBS mới bắt đầu thì sao?
Khi mới bắt đầu vận hành, nhiều khách hàng còn không biết trái phiếu là gì. Lúc đó, TCBS gặp rất nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực phát hành trái phiếu cho tổ chức để cho ra đời các sản phẩm theo yêu cầu.
Ngoài ra, chúng tôi còn phải tổ chức nhiều buổi đào tạo, quảng bá để xây dựng thị trường, giải thích cho các nhà đầu tư hiểu được lợi ích của việc nắm giữ trái phiếu. Cách đây khoảng 8-10 năm, đây là những khái niệm rất mới, khách hàng chủ yếu gửi tiết kiệm chứ rất ít người biết về trái phiếu.
Đây là chưa kể tới chuyện xây dựng hệ thống bên trong TCBS để phục vụ cho dịch vụ này. Tôi nhớ ngày đầu tiên khi khách hàng đến mua trái phiếu, họ phải ký tới 7 lần lên các hợp đồng nhận biết rủi ro. Giờ tất cả những việc này đều được online, số hóa, khách hàng không cần đến trực tiếp nữa. Khách hàng cũng hoàn toàn có thể tự giao dịch mà không cần đến tư vấn.
Điều gì đã giúp cho TCBS duy trì vị trí số 1 trên thị trường trái phiếu trong 6 năm liên tục khi mà tiềm năng ở mảng này được phát hiện và nhiều công ty khác cũng nhảy vào cạnh tranh quyết liệt?
Nếu đứng yên tại chỗ thì bản chất là đang tụt lùi và người ta sẽ đuổi kịp anh thôi. Sản phẩm trái phiếu cũng không phải là một cái gì mà người khác không làm được: kể cả về năng lực tư vấn cũng như phân phối sản phẩm cho khách hàng. Bây giờ cạnh tranh ở mảng này rất lớn và còn gia tăng bởi khi đối thủ nhìn thấy miếng mồi béo bở như vậy thì cũng sẽ nhảy vào thôi.
Thế nhưng, suy nghĩ của chúng tôi là: làm thế nào để mỗi năm tạo thêm một khoảng cách thì càng ngày sẽ càng xa. TCBS không có tư duy kiểu phòng thủ để chặn người khác lại. Đứng yên là chết!
Thực tế, TCBS luôn đi tiên phong ở rất nhiều nghiệp vụ tư vấn phát hành trái phiếu. Lúc đó là những trái phiếu cơ bản như một khoản vay, rồi trở thành người tiên phong và cũng làm nhiều nhất về trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, rồi trái phiếu không cần tài sản đảm bảo cho các tổ chức lớn.
Tiếp đó, chúng tôi cũng đi tiên phong trong nghiệp vụ tư vấn phát hành trái phiếu có bảo lãnh của các tổ chức như World Bank, rồi trái phiếu có kỳ hạn dài tới 10-15 năm khi kết hợp với các tổ chức có điểm xếp hạng tín dụng quốc tế là AAA… Khi đó, việc tư vấn phát hành đã ở mức khó hơn nhiều rồi, nó liên quan đến việc đóng gói sản phẩm chứ không đơn thuần là trái phiếu và lãi suất nữa.
Từ 3 đến 5 sản phẩm cơ bản, chúng tôi có thể tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa cổ phiếu với trái phiếu, cổ phiếu với phái sinh... để tạo ra hàng trăm giải pháp tài chính khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đây là thứ mà đối thủ rất khó copy.
Và một năng lực cạnh tranh rất quan trọng nữa của TCBS là công nghệ. Chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng công nghệ về tài chính, giúp tạo ra được nhiều thứ mới, hay ho, phức tạp phù hợp với nhu cầu và hành vi của khách hàng nhưng không mất chi phí nhân sự nhiều. Chi phí giảm sẽ dẫn đến lợi thế về giá và mức giá mà TCBS đưa ra có thể rất linh động.
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều công ty gặp vấn đề với thời hạn phát hành trái phiếu khi người mua muốn bán lại trước hạn (trái phiếu 2-3 năm nhưng 6 tháng đến 1 năm đã muốn bán lại). TCBS đã làm gì để giúp công ty phát hành không gặp phải vấn đề này?
Điều quan trọng là nếu mình hiểu rõ khách hàng và đem lại đúng sản phẩm họ cần (kỳ hạn phù hợp) thì sẽ không xảy ra chuyện bán lại trước hạn trên diện rộng. Muốn hiểu được khách hàng thì phải thu thập được data và có khả năng phân tích nữa. Đây là nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh của các công ty trong 5 năm tới.
Về data, TCBS đã phát triển từ Data Warehouse, lên Data Lake và giờ là Lakehouse rồi. Khả năng lưu trữ và tính toán đã lên cloud với chiến lược multi-cloud gồm có Viettel, AWS , Microsoft Azure… để tăng tính linh hoạt cũng như sức mạnh về quy mô.
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhờ đi theo mô hình riêng, TCBS đã phát triển được một kỹ năng quý hiếm cho nhiều nhân sự của mình, gọi là data scientist. Họ là những người vừa có hiểu biết về tài chính, vừa có kỹ năng xác suất thống kê, lại có thêm kỹ năng lập trình để tạo ra mô hình từ những nguồn dữ liệu được phân tích và tự động hoá nó.
Hiện tại, chúng tôi đang nhân rộng kỹ năng data scientist cho tất cả các team để tạo ra một trình độ mới về tài chính công nghệ và phân tích dữ liệu. Điều này sẽ giúp cho TCBS hiểu rõ hơn về khách hàng, đem lại cho họ những sản phẩm đúng nhu cầu. Đó cũng là giải pháp tận gốc không chỉ cho vấn đề trái phiếu bị bán lại trước hạn mà cho nhiều sản phẩm tài chính khác.
Khi bạn bán trái phiếu 2-3 năm cho những khách hàng có nhu cầu nắm giữ 2-3 năm và trái phiếu 6 tháng cho những khách hàng có nhu cầu 6 tháng thực sự thì họ sẽ không bán lại trước hạn nữa.
Như anh chia sẻ, ban đầu TCBS chọn mô hình không môi giới cũng như không tập trung vào cổ phiếu nhưng giờ đã vào Top 4. Điều gì đã thay đổi giúp TCBS vọt lên?
Cách đây 7-8 năm, TCBS không có lợi thế gì ở mảng cổ phiếu. Là người đi sau, chúng tôi phải học về thị trường, học về tất cả mọi thứ, và chọn hướng đi khác. Tuy nhiên, hiện tại, lợi thế so với các đối thủ mà tôi có thể nói được ngay là công nghệ.
TCBS đã xây dựng được một nền tảng công nghệ tốt, giúp tạo ra năng lực phát triển các giải pháp mới về cổ phiếu tốt hơn mặt bằng chung trên thị trường. Như App của TCBS có nhiều tính năng mới mà chưa nơi nào có, điển hình là iCopy – nền tảng đầu tư cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam, cũng là giải pháp đầu tư chứng khoán theo phương thức mới mà chưa có một CTCK nào có.
Bên cạnh đó là nền tảng về dữ liệu. Chứng khoán là kênh đầu tư yêu cầu nguồn dữ liệu rất mạnh và TCBS phát triển được nhiều mô hình hiện đại về data như máy học, ensemble learning… để cung cấp cho khách hàng. Đây cũng là những thứ mà chưa nhiều công ty chứng khoán làm được.
Khi khách hàng đến với chúng tôi mà nhận được kho dữ liệu lớn, với thông tin hữu ích, cùng các giải pháp giúp họ đầu tư có hiệu quả thì sau một thời gian họ sẽ gắn bó và giao dịch lâu dài với TCBS.
Kể từ đầu năm tới nay, thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu có nhiều diễn biến thách thức, điều này sẽ tác động ra sao tới kế hoạch kinh doanh của TCBS năm 2022?
Thị trường chứng khoán đi xuống, thanh khoản giảm nhiều nên cũng ảnh hưởng tới doanh thu. Có khó khăn không? Chắc chắn là có! Nhưng trong khó khăn, chúng tôi càng phải tìm cách tư duy, sáng tạo để đẩy mạnh thị phần và việc này đang được thực hiện khá tốt. Đầu năm 2020 thị phần của TCBS chỉ khoảng 0,6% thì giờ đã lên 5,5% rồi.
Thực tế, trong giai đoạn có một số vụ ồn ào trên thị trường, chúng tôi tập trung hơn vào xây dựng một số thứ cho giai đoạn phát triển kế tiếp, hoàn thiện hơn một số sản phẩm. Hiểu đơn giản trước đây TCBS có hạ tầng 1 làn đường thì đang ‘âm thầm’ xây thêm 3-4 làn nữa để đón đầu nhu cầu trong tương lai. Chúng tôi đã biến giai đoạn thị trường thách thức, thành thời gian chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn, với mục tiêu cao hơn.
Chính khó khăn lại mở ra cho TCBS những cơ hội mới. Bởi thường là sau khủng hoảng, những tổ chức có năng lực và nền tảng tốt sẽ nhanh chóng vượt qua và còn mạnh lên. Bằng chứng rõ nét nhất là doanh số bán trái phiếu của TCBS đang tăng rất mạnh thời gian gần đây.
Cũng vì thế, năm 2022, chúng tôi chưa thấy cần phải điều chỉnh kế hoạch. Hai quý đầu tiên của năm nay, các kế hoạch kinh doanh đều được hoàn thành. Trong vòng 5 năm trở lại đây, TCBS tăng trưởng khoảng 45%/ năm, cực kỳ đều đặn. 5 năm tới, chúng tôi lên kế hoạch khoảng 25-30% do quy mô của công ty cũng lớn rồi nên con số sẽ giảm đôi chút.
Hiện tại, 65% nhân sự của TCBS là kỹ sư công nghệ và hoạt động giống như một fintech hơn là công ty chứng khoán. Với chiến lược ban đầu là tập trung đầu tư cho công nghệ, anh có hình dung ra mô hình như hiện tại không?
Nói thật là chúng tôi cũng không mường tượng ra điều này. Nếu quay về năm 2013-2014, bảo là công ty anh phải có 65% nhân sự là kỹ sư công nghệ thì không có ai dự kiến về tỷ lệ đó. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết là mình chọn chiến lược đi từ công nghệ, thì nền tảng để xây phải đi từ con người mà không phải nhân sự kiểu truyền thống.
Và khi xây dựng các quy trình vận hành tự động hoá thì cần thực hiện rất nhiều dự án mà nếu theo mô hình cũ kiểu "Waterfall" (phát triển tuần tự theo giai đoạn) sẽ phải xếp hàng và không thể đáp ứng nổi. Chính vì thế, chúng tôi chọn mô hình Agile (phát triển và thử nghiệm đồng thời) của các công ty công nghệ khi phát triển sản phẩm để đẩy nhanh tiến độ. Làm như vậy, các phòng ban nào cũng có các kỹ sư IT để cùng phát triển các dự án.
Đi kèm với đó, những kỹ sư của TCBS sẽ ngồi chung với những nhân sự làm tài chính để học chéo các kiến thức của nhau. Điều này giúp chúng tôi đào tạo được các nhân sự hiểu cả kiến thức công nghệ lẫn tài chính, giúp cho dự án được đẩy rất nhanh nhờ sự thấu hiểu lẫn nhau khi phát triển sản phẩm và hệ thống.
Tại nhiều nơi khác, các kỹ sư và chuyên gia tài chính thường ở các bộ phận riêng biệt, chỉ họp với nhau một thời gian ngắn khi làm chung dự án nên hay xảy ra tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt".
Nhờ việc "trộn lẫn" các kỹ sư vào các phòng ban khác nhau mà phòng nào cũng có năng lực công nghệ để tự động hoá quy trình nên số lượng dự án được hoàn thành tăng rất mạnh. Đó cũng là lý do số lượng kỹ sư ở TCBS tăng rất nhanh và giờ chiếm tới 65% tổng nhân sự.
Anh có thể chia sẻ một vài con số nói lên tốc độ phát triển nhanh các dự án công nghệ tài chính bên trong TCBS?
TCBS hiện có khoảng 32 đội Scrum (các đội nhóm nhỏ kết hợp giữa công nghệ và nghiệp vụ để cùng làm chung một dự án) và trung bình 1 năm hoàn thành khoảng 1.000 dự án lớn và nhỏ. Con số này đã duy trì gần 3 năm nay. Gần như ngày thứ Sáu nào cũng thế, cứ 5h chiều là ở TCBS có ngày hội ‘go live’, các team xếp hàng để ra sản phẩm, hệ thống, quy trình tự động mới.
Số lượng dự án như vậy cũng cho thấy tốc độ ra các tính năng mới của chúng tôi nhanh, nhiều đến mức nào, cũng như khả năng cải thiện các sản phẩm ra sao và tạo ra sức cạnh tranh rất lớn cho TCBS về những sản phẩm tài chính công nghệ.
Xuất phát điểm của anh là dân tài chính, không phải một kỹ sư công nghệ. Vậy điều gì đã giúp TCBS phát triển thành công theo mô hình một fintech như hiện nay?
Đầu tiên là các lãnh đạo, sau đó đến nhân viên luôn phải có tinh thần tự học và tự đọc thật nhiều. Có thể bạn không biết lập trình, nhưng ít nhất bạn phải hiểu công nghệ đó là cái gì, làm được gì thay cho mình, cải thiện được công việc mình làm...
Hơn 8 năm trước, tôi cũng như các anh em lãnh đạo cấp cao của TCBS đã biết mô hình Agile là gì đâu, nhưng đọc, rồi học thì biết. Sau khi học rồi thì trao đổi với anh em IT để cùng nhau học thêm và bắt tay vào làm.
Ở đây, 95% các kỹ sư IT được tuyển vào chưa biết gì về chứng khoán. Chúng tôi cũng không có chủ trương tuyển những người đã có kinh nghiệm từ công ty chứng khoán khác mà hầu hết là nhân sự mới về, có tố chất và tinh thần mạnh mẽ, rồi cùng nhau học hỏi.
Tại TCBS, chúng tôi tạo ra một môi trường mở, phẳng, không có nhiều cấp bậc nên cơ hội học hỏi lẫn nhau rất nhanh và nhiều. Những kỹ sư công nghệ giỏi ở nơi khác về đây được học thêm rất nhiều về kiến thức tài chính, chứng khoán khi phát triển sản phẩm; còn những chuyên viên về tài chính cũng học được nhiều thứ về công nghệ như Cloud, Python, Blockchain…
Còn có một nhân tố đặc biệt khác giúp cho các kỹ năng học hỏi ở TCBS đạt được những thành quả đặc biệt là văn hoá của công ty mẹ - Techcombank. Khi bạn làm việc với những người luôn máu lửa, khát khao chinh phục những đỉnh cao mới với triết lý "Vượt trội mỗi ngày", bạn sẽ luôn muốn đạt được các mục tiêu thử thách hơn.
Đây chính là lý do TCBS có thể phát triển từ một công ty chứng khoán thông thường thành một fintech với nhiều sản phẩm công nghệ tài chính vượt trội, đơn giản vì đó là những mục tiêu cần đạt được thôi.
Gia nhập Techcombank và trở thành Chủ tịch HĐQT TCBS đã gần 10 năm, cho đến giờ, điều gì khiến anh cảm thấy thích nhất khi làm việc tại Techcombank?
Bản thân tôi là người thích thử thách, thích làm cái gì mới và thích chinh phục cái gì đó thật cao, và cảm thấy hạnh phúc khi đạt được nó. Mà cốt lõi của truyền thống và văn hóa ở Techcombank là rất máu lửa, luôn muốn chinh phục những đỉnh cao mới. Cái này đi vào DNA của người Techcombank rồi.
Từ người đứng đầu như anh Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) hay các nhân sự cấp cao khác tại ngân hàng , rồi đến cấp thấp hơn đều có chung đặc điểm như vậy, nên có thể gọi là ‘hợp cạ’. Ở đây không có kiểu tằng tằng tiến lên mà luôn phải tìm cách để vượt lên những thứ thông thường. Đó là một cái thuộc về văn hoá doanh nghiệp, rất khó xây dựng, rất khó copy và là thứ tôi thích nhất khi làm việc ở Techcombank.