Gặp doanh nhân Phạm Thị Mai Son trong một chiều nắng đẹp của Sài Gòn, có lẽ không ai có thể đoán được tuổi thật của chị. Vóc dáng mảnh mai, sang trọng và gu thời trang cuốn hút rất dễ khiến người ta nhầm Mai Son với một celeb hạng A. Thế nhưng chị lại là một "bông hồng thép" với cá tính mạnh mẽ, tư duy kinh doanh sắc sảo và tầm nhìn bao quát – người đã gây dựng nên một "đế chế" thời trang hàng hiệu tại Việt Nam với tâm niệm: "Tôi muốn phụ nữ Việt ngày càng đẹp hơn!".
Tôi rất thích công việc tiếp viên hàng không của mình. Bởi nó cho tôi cơ hội được đi đây đi đó và nhìn ngắm thế giới. Thế nhưng, đến một ngày, tôi bỗng cảm thấy công việc này giờ giấc gò bó quá, thu nhập lại chưa thuyết phục lắm, bởi nhu cầu của tôi về cuộc sống đã cao hơn rồi. Nên tôi nghĩ mình cần dừng lại để rẽ sang một hướng tốt hơn.
Được sự động viên, hỗ trợ đắc lực từ chồng cũ, tôi đã nghỉ bay và tham gia các lớp học về chứng khoán. Sau đó rồi… xếp lại kiến thức đã học và tiếp tục… ngồi nghĩ xem mình nên làm gì. Thế rồi, trong một lần đi mua sắm, tôi chợt nhận ra là việc ăn mặc của phụ nữ Việt còn khá vất vả. Nếu bạn muốn mặc một bộ đồ đẹp, bạn phải đi mua vải, mỗi lần mua là phải 5 – 7 mảnh, rồi ra tiệm may 5-7 cái váy và cầu nguyện. Trong số ấy, chỉ cần có 3-4 cái ưng ý là đã thành công, may mắn lắm rồi. Mấy cái kia thì coi như… thử nghiệm. Từ đó, tôi nghĩ rằng tại sao mình không kinh doanh quần áo may sẵn, vì thế giới có rất nhiều rồi!
Trong một chuyến công tác sang Singapore, tôi mang theo khoảng 300 USD để đi mua sắm và khi vào cửa hàng Mango, tôi đã thỏa sức lựa chọn rồi mang về được 2 túi to. Lúc đó cảm giác của tôi là cực kì sung sướng vì mua được đồ rẻ, mặc lại đẹp. Tôi cảm thấy nhãn hàng này rất phù hợp với người Việt, cả về thiết kế, size số và giá thành, nên đã tiếp cận với Mango để xin hợp tác.
Lúc đó, tôi là một cá nhân không danh tiếng và cũng chẳng có sự nghiệp gì vẻ vang để gây chú ý với nhãn hàng. Tôi chỉ có "độ lì" để theo đuổi họ. Nên hầu như ngày nào, tuần nào tôi cũng gọi điện cho Mango. Rồi đến một ngày đẹp trời, Mango bỗng nói với tôi rằng, hãy sang Tây Ban Nha để bàn bạc. Tôi mua ngay vé máy bay và sang Thành phố Barcelona. Cho đến nay, tôi vẫn cảm thấy rằng việc chọn khởi đầu với Mango là một lựa chọn đúng đắn. Đó là tiền đề tốt để tôi mở rộng kinh doanh và tiếp cận nhiều thương hiệu danh tiếng sau này.
Tôi đã phải học hỏi rất nhiều, từ cách làm sao để vận hành một ngành bán lẻ ở một đất nước còn rất mới mẻ với khái niệm này như Việt Nam. Rồi học để tìm hiểu thị trường một cách bài bản, đưa ra những phương hướng phát triển đúng… Tôi bắt đầu kinh doanh thuần túy bằng đam mê, sau đó tiếp tục chèo chống sự nghiệp của mình, vận hành nó một cách trơn tru bằng cách học và học nhiều hơn nữa.
Tôi được đào tạo trực tiếp từ nhãn hàng, từ cách sắp xếp phòng kho sao cho khoa học, trưng bày cửa hàng sao cho bắt mắt, phối màu thế nào, tư vấn khách ra sao… Thời gian đó, tôi đã tự tay làm mọi việc, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như: tự mở thùng hàng khi hàng về Việt Nam, tự sắp xếp chúng theo những thủ thuật riêng để kết nối màu sắc, tự đứng quầy thu ngân… Và do đó, khi đứng ở vị trí cao hơn, tôi vẫn quán xuyến và hiểu tường tận công việc kinh doanh của mình.
Nhìn thấy doanh thu tăng mỗi ngày chính là động lực to lớn giúp tôi làm việc một cách hăng say, không quản đêm ngày. Mỗi sáng mở mắt ra, tôi thích được nhìn thấy những con số biến động theo chiều hướng tăng dần. Tôi rất may mắn là đã thành công ngay từ đầu. Tôi nhớ, ngày đầu tiên khai trương, cửa hàng của tôi đã "thắng lớn". Chỉ sau vài tiếng đồng hồ mở cửa, tôi đã bán được tới 12.000 – 13.000 USD. Con số đó thậm chí đã khiến tôi bị sốc.
Sự đón nhận vô cùng tích cực của người tiêu dùng đã khiến tôi nung nấu ý định mang thêm về Việt Nam nhiều thương hiệu hơn, không chỉ là thương hiệu dành cho số đông, mà còn cả thương hiệu dành cho tầng lớp có thu nhập cao hơn…
Đó chính là kiến thức, sự hiểu biết. Gia đình tôi không có truyền thống kinh doanh. Cha mẹ tôi đều là nhà giáo, từ nhỏ tôi chỉ làm bạn với sách vở. Tôi là "con nhà nghèo" đúng nghĩa, nên chỉ biết tới những điều có ở trong sách thôi. Khi lớn lên, tôi mới thấy thời gian đó là rất giá trị. Tôi ham học, luôn luôn học hỏi những điều mới mẻ để tìm lối đi đúng đắn cho mình. Bên cạnh đó, tôi quan sát. Là người điều hành tập đoàn, nhưng hiếm khi tôi ở trong văn phòng. Tôi thích "lang thang" phố, nhìn ngắm mọi người để định ra xu hướng, thị hiếu mới, từ đó mang về những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nếu có đủ kiến thức, có óc quan sát và có sự chuyên nghiệp do rèn luyện, học hỏi, bạn sẽ có "bản lĩnh" để điều hành công việc, thuyết phục đối tác. Đó là điều cần trau dồi qua thời gian.
Có chứ. Điều giỏi nhất của tôi là biết người ta cần gì để bán đúng thứ ấy. Trong quá trình tuyển nhân viên kinh doanh, tôi rất chú trọng tới năng khiếu của họ. Bạn thích thì mới làm tốt được. Như là phải có tố chất, thích buôn bán, thích giao tiếp với khách hàng, thì bạn mới có thể trở thành một người bán hàng giỏi được. Cái đó phải là "thiên phú", bởi rất khó để đào tạo, mà nếu đào tạo, cũng rất mất thời gian.
Tuy nhiên, năng khiếu hay sự cảm nhận mang tính bản năng về việc "nên bán cái gì" chỉ hỗ trợ bạn trong bước đầu khởi nghiệp. Nhưng khi đã xây dựng thành một hệ thống, quản lý hơn 1.000 con người, mọi quyết định của bạn đều phải dựa trên sự tính toán, phân tích dữ liệu khách hàng, khảo sát thị trường một cách cụ thể và chi tiết. Kinh doanh thành công không thể dựa trên sự mạo hiểm, mà là khoa học dựa trên tính toán.
Thật ra thuyết phục đối tác không khó. Bởi khi bạn đã có một nền tảng tốt, một cách làm việc chuyên nghiệp rồi thì đối tác sẽ tự nhiên muốn hợp tác với bạn. Tất cả những đối tác mà tôi từng tiếp cận đều rất dễ dàng chấp nhận làm việc với tôi. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất ở đây chính là làm sao vận hành thành công nhãn hàng đó ở thị trường Việt Nam. Bài toán mà tôi phải giải chính là làm sao để hòa nhập "cái Tây" với "cái Ta", tạo nên một mối liên kết bền vững và thành công. Điều này phải dựa trên sự thấu hiểu thị trường của chính tôi. Sinh ra, lớn lên và hít thở bầu không khí Việt Nam mỗi ngày giúp tôi hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu trong nước, từ đó mang về những thương hiệu phù hợp và có hướng phát triển đúng cho từng thương hiệu.
Cạnh tranh là một phần không thể thiếu của bất cứ sự nghiệp kinh doanh nào. Nhưng có cạnh tranh mới có phát triển. Cạnh tranh giúp cho doanh nghiệp và doanh nhân thức tỉnh, nhận rõ thực lực của mình, tạo được nền tảng cho công ty… Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu khác giúp chúng tôi có động lực để vượt qua khó khăn, định hướng đào tạo nhân sự… để sẵn sàng vươn ra một thị trường rộng lớn hơn.
Dự định của Maison là sẽ gia tăng số lượng cửa hàng, tăng độ phủ lên nhiều tỉnh thành hơn, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng tới Cần Thơ, Kiên Giang… Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 100 cửa hàng trên khắp đất nước, mục tiêu trong năm nay là sẽ mở thêm 30 cửa hàng mới.
Không. Tôi chưa bao giờ rơi nước mắt trên thương trường. Tôi chỉ khóc trong ngày đầu tiên đưa con đi học thôi, như bao bà mẹ khác. Với tôi, thương trường là nơi cần "cái đầu lạnh", sự tỉnh táo và tiết chế cảm xúc.
Tôi lãng mạn chứ, nhưng theo cách của tôi. Còn trong kinh doanh, tôi tin rằng mình rất thực tế. Khi bạn phải gánh vác sinh kế của hơn 1.000 nhân sự, bạn sẽ thấy rằng sự tỉnh táo, phán đoán chính xác của mình quan trọng đến mức nào. Tôi có thể cực kỳ yêu thích một nhà thiết kế, nhưng tôi sẽ không "chung thủy" với họ theo cách là đưa mọi bộ sưu tập, mọi thiết kế của họ về bán tại Việt Nam. Tôi là doanh nhân, không phải nhà sưu tập nên tôi chỉ chọn những gì thị trường muốn. Nếu nhà thiết kế đó không đáp ứng được, tôi sẽ tìm nhà thiết kế khác, dù vẫn yêu thích họ. Tôi có thể mua những thiết kế độc đáo đó cho riêng mình, nhưng để kinh doanh thì phải xem xét đã.
Tôi thấy hiện nay người ta nói rất nhiều về sự cân bằng, bí quyết giữ cân bằng… Nhưng cá nhân tôi cho rằng, cân bằng đầu tiên phải xuất phát từ suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ rồi mới tới hành động. Tôi thường dậy sớm, dành 1,5 tiếng để tập thể dục, chơi với con rồi mới đi làm. Đó là cách để tôi cân bằng cuộc sống. Mỗi người sẽ có bí quyết riêng, nhưng tất cả đều phải xuất phát từ một tinh thần minh triết.
Hãy cứ mạnh dạn làm đi. Bạn phải làm rồi mới rút ra bài học. Tôi nhận thấy, phần lớn startup không thành công là do chưa có sự chuẩn bị về nguồn vốn, kinh nghiệm, thị trường. Đa số đều bắt nguồn từ ý tưởng. Nhưng ý tưởng chỉ là "điều kiện cần", nó là điều đầu tiên giúp bạn bắt tay vào kinh doanh. Nếu chỉ kinh doanh dựa trên ý tưởng, bạn sẽ thấy mình "đuối sức" rất nhanh.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thị trường. Bởi muốn tồn tại và phát triển thì bạn phải đáp ứng được nhu cầu dài lâu của khách hàng. Nếu không đáp ứng được điều đó, bạn sẽ không có doanh thu hàng ngày, mà đó lại là điều sống còn để duy trì doanh nghiệp.
Trang Đỗ - Trang Đào