Giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt trắng hồng tự nhiên không trang điểm của cô gái trẻ. Dáng người mảnh dẻ, mỏng manh nhưng Hoàng Thị Thu Huyền thu hút người ngồi đối diện bằng nguồn năng lượng lạc quan và thần thái kiên định. Cô là nhà sáng lập và CEO của Công ty TNHH Mộc Hương Việt Nam.
"Tôi không hiểu tại sao mình kiên trì đến thế. Bước vào ngành này như là sứ mệnh của tôi. Nếu tôi chọn con đường ổn định thì đến giờ đến hoàn toàn có thể làm cho một công ty mỹ phẩm lớn và kiếm tiền nhàn tênh. Nhiều nơi đón nhận vị trí cao nếu tôi chỉ lo cho thân mình", nữ doanh nhân trẻ này bất giác rơi nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp 7 năm của mình.
Hoàng Thị Thanh Huyền vốn sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ. Từ nhỏ, bạn bè chủ yếu của Huyền là cây cối, vườn tược quanh nhà. Cuối năm cấp 2, cô bất ngờ gặp tai nạn và không may mất đi một ngón tay. Từ đây, sức khoẻ của cô bắt đầu đi xuống. Vết thương ở tay chưa lành cũng là lúc cô suýt chết vì sét đánh hụt, mất nửa năm một bên tai không thể nghe được. Sức khoẻ đi xuống kéo theo sức đề kháng của cơ thể cũng giảm sút.
Cũng như bao cô gái bước vào tuổi dậy thì, Huyền bắt đầu sử dụng mỹ phẩm để chăm sóc da và phát hiện mình bị kích ứng mạnh. Cô gái trẻ phải quay về với phương thức sử dụng sản phẩm thiên nhiên dân gian.
Hiểu được tình trạng bản thân của mình, Huyền bắt đầu manh nha ý định học về đông y, hoá dược để hiểu hơn về cơ chế cũng như cách chăm sóc sức khỏe. Nhưng rồi cô nhận ra rằng để tạo ra một sản phẩm đông y thì trong quá trình sản xuất buộc phải sử dụng những hóa chất vô cơ khá nguy hiểm như axit sunfuric, axit clohidric. Cảm nhận được sự nguy hiểm cho sức khỏe, Huyền quyết định thôi không theo ngành này nữa mà làm làm công việc văn phòng cho công ty của một người chú.
Vốn quen với thiên nhiên, công việc văn phòng suốt ngày ngồi trước màn hình máy tính nhàm chán khiến Huyền cảm thấy ngột ngạt. Cô quyết định nghỉ việc về quê một thời gian sau đó trở lại Hà Nội xin làm nhân viên cho một chuỗi cà phê lớn. Dù công việc phải đứng 7 tiếng mỗi ngày nhưng điều thú vị là sức khoẻ của Huyền được cải thiện đáng kể.
Cô gái 23 tuổi bắt đầu đặt ra câu hỏi mình thực sự mong muốn điều gì. Vẫn mong muốn theo đuổi ngành hoá, Huyền chuyển hướng hoá mỹ phẩm. Cô vào làm việc tại một công ty hoá mỹ phẩm handmade đầu tiên manh nha làm các sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên. Năm 2012, Thanh Huyền vừa tham gia vào công việc chuyên đào tạo các khóa học mỹ phẩm cơ bản và bán nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm.
Trong 3 năm làm việc tại công ty mỹ phẩm, nhờ có năng lực, Huyền dần được đề bạt lên cấp quản lý. Nhưng đến năm 2015, Huyền chọn nghỉ việc và ra làm riêng sau khi lập gia đình.
Với số tiền tích cóp được từ khi đi làm cùng 50 triệu đồng được bố mẹ cho để mua chung cư, Huyền cùng một người chị góp vốn mỗi người 100 triệu đồng kinh doanh mỹ phẩm thiên nhiên.
Thời điểm này, thị trường mỹ phẩm tràn lan các sản phẩm kem trộn làm trắng. Với tâm huyết muốn tạo ra một sản phẩm lành tính cho bản thân và những người có hoàn cảnh tương tự, Huyền quay trở lại trường đại học công nghiệp Việt Trì để nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô.
"Tất cả mọi người đều nghĩ tôi sẽ thất bại. Chị sếp cũ bảo cùng lắm 6 tháng hoặc 8 tháng nó sẽ đóng cửa", Huyền nhớ lại phản ứng của mọi người khi biết cô tự kinh doanh riêng. Thậm chí người chú cô xem như người cha cho rằng cô không thể làm nổi gì nếu không có sự giúp đỡ của ông. Sau một thời gian đầu khó khăn, chồng Huyền cũng bảo cô lựa chọn việc dễ hơn như mở cửa hàng quần áo hay cô giáo mầm non. Bố mẹ chồng cũng không hiểu cô làm gì và có phần e ngại ảnh hưởng đến tài chính của gia đình.
Năm thứ hai của hành trình khởi nghiệp, Huyền sinh em bé đầu lòng cũng là lúc người chị làm cùng cũng rút vốn khỏi Mộc Hương. Cô rơi vào vòng xoáy của trầm cảm khi ngày nào cũng khóc triền miên cùng cảm giác cả thế giới đang chống lại mình. Tính cầu toàn, khắc nghiệt với bản thân càng làm cô khổ sở với những cuộc chiến đấu tranh nội tâm.
"Tôi cảm giác đứt gãy kết nối với nhiều người chứ không phải một người. Công việc không hiệu quả, không đi đến đâu, gia đình cũng không ổn. Tôi không có nhu cầu gặp gỡ bất kỳ ai, việc gặp gỡ người thân cũng trở nên nặng nề. Kết quả là sức khoẻ đi xuống, cân nặng của tôi chưa đầy 45 cân", nhà sáng lập Mộc Hương nhớ lại đoạn khó khăn nhất trong hành trình khởi nghiệp đã qua của mình.
Trước khi ra đi, người chị nói với Huyền rằng cô quá khắc nghiệt với bản thân. Điều này khiến cô giật mình nhìn lại.
Cơn trầm cảm đã không nhấn chìm Huyền mà mở ra một con đường mới. Cô gái trẻ bắt đầu kết nối trở lại với xã hội, đi học từ dinh dưỡng, tài chính, kinh doanh cho đến tâm linh. Cô tham gia tất cả các nhiều khóa học có thể nâng đỡ mình đứng dậy.
"Sau khi mình mở ra thì vũ trụ tự dưng giúp đỡ mình. Những cái gì mình cần tự dưng sẽ gặp những người, đúng nơi. Tôi chưa từng nghĩ sẽ đi học về tâm linh cho tới khi việc khắc nghiệt với bản thân không thể giải quyết bằng lý trí. Những hành động này thuộc về vô thức và mình không nhận ra. Mình hoàn toàn có thể thay đổi con người mình. Khi mình cầu thị học điều gì thì luật hấp dẫn sẽ đáp ứng. Nhưng mình có đạt được thành công hay không là do năng lực của mình đã đủ chưa. Mình có thu hút cái đó nhưng năng lực chưa đủ thì chưa nhận được cơ hội lúc này.", Huyền chia sẻ.
Sản phẩm nước tắm mùi già có thể xem là một ví dụ về đáp ứng của vũ trụ với Huyền. Trong một lần tìm ý tưởng để bán cho dịp Tết, ngoài mùi hương trầm thì tục tắm lá mùi là thứ được xem là "có mùi Tết". Huyền đem ý tưởng nghiên cứu và sản xuất một loại nước tắm được chiết xuất từ cây mùi già, tiện dụng hơn, dễ mang đi xa hơn và quan trọng nhất là có thể lưu giữ, sử dụng được lâu hơn mùi hương của Tết truyền thống về gặp cô giáo cũ.
Năm đầu tiên Mộc Hương cho ra 300 sản phẩm đầu tiên và bán hết sạch chỉ trong 1 tuần dù không được quảng cáo hay giới thiệu tại một cửa hàng ký gửi. Sang đến năm tiếp theo, quy mô sản xuất tăng gấp 3. Sang năm thứ ba, đại lý mà Mộc Hương ký gửi sản phẩm đóng cửa, từ đây công ty này chuyển sang bán trực tuyến qua các kênh Facebook, từ từ phát triển lên. Nước tắm mùi già có lẽ là sản phẩm được biết đến nhiều nhất của Mộc Hương.
Tự nhận mình vẫn là doanh nghiệp nhỏ khi doanh thu chưa tới chục tỷ mỗi năm, Huyền cho biết với ngành mỹ phẩm thiên nhiên truyền thống khó có thể đi nhanh, thậm chí đi rất chậm. Một trong những điều khiến Mộc Hương chưa tăng tốc về quy mô do cần kiểm soát chặt chẽ dầu vào của nguyên liệu từ vùng trồng đến quy trình thu hoạch, bảo quản.
"Mỹ phẩm tự nhiên giống việc chị làm bánh. Nguyên liệu xịn thì làm ra bánh ngon. Nhưng để thị trường chấp nhận đòi hỏi phải mày mò rất lâu, từng thứ nhỏ trong quy trình. Quan trọng nhất là vùng trồng và chất lượng nguyên liệu", CEO Mộc Hương chia sẻ.
Trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình startup, Huyền cho biết hiện tại mình đã rộng mở hơn cũng như biết cách để nhẹ nhàng xử lý những vấn đề trong kinh doanh thay vì lo lắng như trước đây.
Hiện cô gái này tâm niệm bài học lớn nhất mà cô nhận được là hành trình phát triển bản thân qua con đường startup, hạnh phúc với Mộc Hương thay vì lúc nào cũng mong cầu giữ chặt nó cho riêng mình.