Sau quyết định này là một tầm nhìn dài hạn và triết lý giáo dục sâu sắc của ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC.
- Chúc mừng năm mới Chủ tịch! Nhưng hãy bắt đầu từ chuyện cũ, đặt tham vọng đưa CMC trở thành công ty số toàn cầu, đối tác chuyển đổi số tin cậy của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tới thời điểm này, ông và cộng sự đã đạt được những thành tựu gì so với kỳ vọng? -
Đúng vậy! Chiến lược của CMC trong vòng 5 năm tới là phải trở thành tập đoàn số và cung cấp dịch vụ về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là trong khu vực, đồng thời trở thành tập đoàn toàn cầu. Nhưng dù có dự báo chiến lược tốt đến đâu, cuộc sống vẫn có quá nhiều bất ngờ! 2021 là năm đầu tiên trong lộ trình 5 năm đó thì chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch. Nhưng đây cũng là cơ hội thể hiện bản lĩnh và chuyển đổi. Chúng tôi xây dựng 2 kịch bản: thận trọng và phát triển, hay còn gọi là "baseline" và "big move" và không giấu gì bạn, tính riêng năm 2021, CMC đã hoàn thành 100% mục tiêu đề ra, thậm chí là thắng lợi trên mức kỳ vọng.
- Quả là một thành tựu ấn tượng trong năm Covid! Nhưng thay vì bảo toàn ở lĩnh vực thế mạnh, vì sao trên hành trình chinh phục doanh thu 1 tỷ USD đó, ông lại quyết định rót vốn để đầu tư giáo dục đại học?
- CMC là doanh nghiệp, tôi là doanh nhân nên câu chuyện đầu tiên là về kinh tế và tầm nhìn cho tổ chức. Để trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu hàng tỷ USD vào năm 2025, quy mô nhân sự của tập đoàn cần đạt 10.000-15.000 người. Hiện tại trong tay chúng tôi mới chỉ có 4.200 anh chị em nên CMC cần tăng trưởng nhân sự gấp 3 lần trong 5 năm tới. Để thu hút nhân tài chất lượng cao, việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực rất cần thiết. Đây là lý do đầu tiên khiến chúng tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để tự đáp ứng nhu cầu của chính mình.
- Và quan trọng hơn, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, CMC muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội, để "trả ơn" những gì mà đất nước đã giúp chúng tôi có được thành quả như ngày hôm nay. Và tôi nghĩ với thực tế phát triển và nhu cầu hiện tại của Việt Nam, giáo dục chính là nơi tốt nhất để CMC thực hiện lý tưởng của mình.
- Xin cắt ngang lời Chủ tịch, doanh nghiệp trả ơn xã hội thì chắc chỉ cần làm từ thiện cũng đủ được ghi nhận rồi, ông có nghĩ vậy không?
Làm từ thiện cũng ví như cho con cá chứ không cho cần câu, tôi nghĩ điều gì hữu ích nhất đối với Đất Nước thì mình làm và đó chính là đầu tư vào giáo dục, để tạo ra sản phẩm lâu dài cho xã hội-là những con người mới có đủ năng lực và phẩm chất để cùng nhau thực hiện giấc mơ Việt Nam hùng cường trong tầm nhìn đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước mà các nhà lãnh đạo đặt ra. CMC mong muốn cùng các doanh nghiệp ICT khác đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu, trở thành trung tâm (digital hub) của khu vực. Ít nhất, bên cạnh công nghệ và kinh doanh, chúng tôi có thể đóng góp về nhân lực.
- Giáo dục – đào tạo quan trọng thật như ông nói nhưng cũng là lĩnh vực gây ra không ít… thất vọng. Nhận thức trả ơn đất nước và xã hội bằng giáo dục – đào tạo xuất phát từ quan niệm thế nào của ông về vai trò của lĩnh vực này?
- Như bạn biết, tôi đã từng làm cán bộ nghiên cứu khoa học của nhà nước trước khi mở doanh nghiệp. Tôi luôn nhận thức rằng đất nước muốn phát triển, doanh nghiệp muốn đi lên bền vững đều cần có con người tốt, con người mới và giáo dục đào tạo chính là để tạo ra hình mẫu con người đó. Nói cụ thể hơn, nhìn từ góc độ nhu cầu, con người tốt là nhấn mạnh về phẩm chất, đạo đức, còn con người mới là có trình độ, kỹ năng theo kịp với sự tiến bộ của thời đại. Do đó, dù ở đâu, thời điểm nào, người ta đều nhấn mạnh rằng giáo dục đào tạo là quốc sách, không riêng gì Việt Nam. Bạn có thể thấy, những quốc gia từng có cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam sau đó đột phá nhanh để trở thành nước công nghiệp đầy đủ, nước phát triển đều ưu tiên chú trọng vào phát triển giáo dục và nhân lực.
- Làm giáo dục rất khó, vậy đâu là sự liên kết giữa giáo dục và một tập đoàn giàu kinh nghiệm về công nghệ và dịch vụ? - Có không ít người người băn khoăn "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" hay "chuyển đổi số" phải chăng chỉ là một sự hô hào ở Việt Nam?
Với cá nhân tôi, chuyển đổi số sẽ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia, cho túi tiền của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và cho nền kinh tế một con số khổng lồ. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đi liền với các bài toán mà Chính phủ và xã hội phải cùng làm, đó là phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh an toàn thông tin và đặc biệt là yêu cầu về nhân lực. Và để có nhân lực tốt và mới tôi nói ở trên, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa là khách hàng sử dụng sản phẩm của giáo dục vừa đóng vai trò là mục tiêu và định hướng của giáo dục, cũng như vừa là người đồng hành trong hoạt động giáo dục, giúp cho người học nắm vững và hiểu rõ hơn kiến thức học và kỹ năng làm việc. Đó chính là sự gắn kết giữa giáo dục và doanh nghiệp công nghệ mà CMC theo đuổi trong nhiều năm nay.
- Nói như thế nghĩa là doanh nghiệp muốn làm từ đầu để có nguồn nhân lực tốt, vậy tại sao CMC lựa chọn đầu tư vào Đại học Á Châu thay vì trường tiểu học, trung học hay là một trường liên cấp tới đại học?
- Việc đầu tư vào giáo dục bậc đại học chỉ là bước đi đầu tiên. CMC đã quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nói chung, bao gồm các cấp, các ngành, từ mẫu giáo cho đến đại học và sau đại học. Tôi nghĩ, khi đã dấn thân vào lĩnh vực giáo dục đào tạo thì nên tham gia vào tất cả các mảng, chứ không riêng gì bậc đại học. Tuy nhiên, CMC lựa chọn giáo dục đại học làm bước khởi đầu, bởi đây là phân khúc có nhu cầu cần thiết nhất, ngay cho chính hoạt động của tập đoàn trong thời gian tới.
- Rót vốn "khủng" như vậy, ông kỳ vọng gì ở Đại học Á Châu và đặt ra mục tiêu như thế nào?
- Trước hết, triết lý đào tạo của Đại học Á Châu dựa trên những gì mà thế giới, nhất là UNESCO, định nghĩa về giáo dục: học để biết, học để làm việc, học để chung sống, và học để tự khẳng định mình. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn "vì một Việt Nam thịnh vượng", hay nói theo triết lý của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đầu tiên của Việt Nam là cụ Vũ Đình Hòe: "Giáo dục vị nhân sinh" - giáo dục vì chính sự phát triển của con người. Về sứ mệnh, tập đoàn muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ để đổi mới và sáng tạo cho đất nước, mang đến không gian học tập suốt đời cho mọi người. Đây cũng là mục tiêu CMC xây dựng trong môi trường làm việc. Chúng tôi đề cao tính sáng tạo và mong muốn học tập suốt đời cho tất cả các cán bộ nhân viên. Về tầm nhìn, chúng tôi mong muốn rằng đến năm 2033 (kỷ niệm 40 năm thành lập CMC), Trường Đại học Á Châu sẽ nằm trong Top 100 trường đại học tốt nhất châu Á, và đến năm 2043 (50 năm CMC), lọt vào Top 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
- Không ít dự án giáo dục đại học ngoài công lập đã thất bại dù từ đầu mục đích cũng rất tốt đẹp và những người sáng lập cực kỳ uy tín. Dấn thân vào lĩnh vực này, thách thức lớn nhất với ông là gì?
Đó là con người và tư duy làm giáo dục. Tôi và cộng sự hiểu rất rõ rằng để xây dựng được một trường đại học tốt là điều không hề dễ dàng. Làm giáo dục cần đầu tư bài bản, nghiêm túc và đặc biệt là cần những con người tốt và phù hợp. Trước mắt và lâu dài, những người làm giáo dục tại CMC phải luôn đổi mới tư duy, có khả năng sáng tạo, tinh thần giáo dục khai phóng và khả năng phản biện. Chúng tôi sẽ ưu tiên tối đa cho việc thay đổi thói quen, phương pháp truyền thống trong dạy và học sang những cách thức mới phù hợp với điều kiện của một xã hội phát triển nhanh chóng - xã hội số, xã hội với công nghiệp 4.0.
- Đâu là yếu tố giúp ông tự tin dự án Đại học Á Châu sẽ thành công và trở thành ngôi trường mơ ước của nhiều thế hệ người học sau này?
- Đầu tiên là kinh nghiệm và sự công nhận của xã hội. Trước khi dấn thân vào lĩnh vực giáo dục, CMC là đơn vị cung cấp những giải pháp công nghệ về giáo dục như quản trị đại học thông minh (IU), thư viện điện tử… Chúng tôi cũng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng, tư vấn cho khách hàng về chuyển đổi số, xây dựng các tổ chức số.
Tiếp nữa, chúng tôi rất chú trọng nghiên cứu mà nghiên cứu là chức năng quan trọng, là yếu tố nhận diện của một trường đại học! Năm 2014, chúng tôi thành lập Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC- CIST với chức năng nghiên cứu và đào tạo ứng dụng công nghệ mới đã đem lại thành công bước đầu thông qua việc cung cấp giải pháp công nghệ lõi và xây dựng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Đó là điểm tựa cho CMC khi xây dựng chiến lược để phát triển Đại học Á Châu thành đại học thông minh, đại học số - Digital University - đầu tiên ở Việt Nam. Nhờ vậy, chúng tôi tự tin sẽ giải quyết được nhu cầu của người học với những quan điểm mới nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Cuối cùng là giải quyết đầu ra. CMC cam kết, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt tại các doanh nghiệp hàng đầu trong tập đoàn, cũng như các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Cả ba yếu tố đó của một trường đại học hiện đại, chúng tôi đều có sẵn chứ không phải đến khi công bố đầu tư vào Đại học Á Châu, CMC mới bắt đầu xây dựng. Vậy tại sao CMC lại không tự tin?
- Tiếp tục tự thử thách với một dự án mới và khó, giờ thì chúng tôi hiểu vì sao dù trải qua gần 30 năm phát triển của CMC, ông vẫn chia sẻ với báo giới rằng "hành trình của chúng tôi mới chỉ bắt đầu". Động lực nào đã giúp ông giữ được lửa và nhiệt huyết trong nhiều thập kỷ như vậy?
- Đây là điều tôi luôn nhắc đi nhắc lại với chính mình và các cộng sự. Cuộc sống luôn vận động, thay đổi ngày một nhanh và bất định. Nếu không muốn bị bỏ lại hoặc bị đào thải, con người cần phải thay đổi nhanh hơn tốc độ thay đổi của cuộc sống để thích ứng. Tổ chức và doanh nghiệp có lớn đến đâu mà không thay đổi, vận động hay giữ được nhịp tăng trưởng thì rất dễ bị bỏ lại phía sau, thậm chí bị xoá sổ như Nokia hay Compaq. Đó cũng là động lực, phương châm và mục tiêu của chúng tôi, thể hiện ngay trong giá trị cốt lõi của CMC - tốc độ. Ở CMC có một thuật ngữ là "C-speed", vừa là viết tắt của tốc độ ánh sáng, vừa là tốc độ của người CMC. Chúng tôi phải đạt tốc độ nhanh nhất, tiệm cận với tốc độ ánh sáng, thì mới có thể giải quyết và vượt qua được thách thức mỗi ngày và phát triển. Đó chính là lửa, là nhiệt huyết. Bạn phải nghĩ mình cần luôn tự thay đổi và tự làm mới mình. Đó là động lực quan trọng nhất để giữ được nhiệt huyết cho sự phát triển.
- Câu trả lời của Chủ tịch khiến chúng tôi tò mò trong năm 2022, chiến lược quan trọng nhất mà ông và CMC đang tập trung là gì để không ngừng thay đổi và thích ứng?
- Năm 2022 là thời điểm bản lề cho việc thực hiện thành công 20 "big move" đã đề ra trong chiến lược 5 năm để trở thành tập đoàn toàn cầu về quy mô, năng lực, dịch vụ. Nói một cách đơn giản, một công ty muốn từ tốt lên vĩ đại thì tốc độ tăng trưởng phải cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường. Hiện nay, quan trọng nhất vẫn là xây dựng năng lực số và chuyển đổi số. Việc CMC tham gia vào một mảng mới như lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng chính là trọng tâm của kế hoạch năm 2022 mà chúng tôi phải nỗ lực để thành công. Từng người, từng bộ phận trong tập đoàn đều đặt ra mục tiêu mới thách thức, lớn hơn mục tiêu của ngày hôm qua để chúng ta có thể phát triển. Tại CMC, chúng tôi OKR/KPI hóa toàn bộ hoạt động và luôn đo lường để đánh giá xem ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua ở điểm gì. Khẩu hiệu của tập đoàn là Future Now- "Nếu muốn hướng tới tương lai, phải bắt đầu ngay từ bây giờ".
- Là Chủ tịch tập đoàn nên có lẽ ông đã nhiều lần nhận được câu hỏi muốn nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ. Nhưng để kết thúc cuộc trò chuyện này, chúng tôi muốn biết vào thời điểm khai giảng khoá đầu tiên của Đại học Á Châu, ông sẽ nói gì với các tân sinh viên và có thể là thế hệ lao động tương lai của CMC?
- Tương lai phụ thuộc vào bạn, vào tôi và vào chúng ta. Tương lai ở đâu? Tương lai là ngay bây giờ - Future Now. Đừng bao giờ chậm trễ và bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào, dù là nhỏ nhất. Có vậy, chúng ta mới thành công. Đó là khẩu quyết của từng "người CMC" chúng tôi, và cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người.