Lớn lên giữa những cánh đồng mía, đồng lúa và vựa dừa ở Bến Tre, bà Bích Ngọc tự nhận mình là người nặng lòng với cây mía, hạt đường và người nông dân Việt Nam. Tích lũy kinh nghiệm 45 năm bền bỉ và tận tụy với cây mía, bà được xem là nữ doanh nhân đi đầu ngành mía đường Việt Nam.
Chủ tịch tiền nhiệm của TTC AgriS bộc bạch, "Mọi người thương, gọi tôi là "nữ hoàng mía đường". Nhưng thực ra tôi chỉ là người lắng nghe, học hỏi, chọn lọc, áp dụng và chia sẻ". Với tinh thần sẵn sàng học điều mới, bà đã định hướng và triển khai nghiên cứu về công nghệ nông nghiệp ở TTC AgriS, với sự hỗ trợ tích cực của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam.
Với cương vị lãnh đạo chủ chốt, bà Bích Ngọc đã mạnh dạn đưa ra những quyết sách lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gặt hái nhiều thành công. Điển hình như đưa sản phẩm sạch ra thế giới trước cột mốc đầy thử thách - ngày 1/1/2020 khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực với ngành đường Việt Nam. Bà chia sẻ, "ATIGA không phải đến lúc đó mới thực thi. Việt Nam đã thực hiện lộ trình từ 10 năm trước, nên mới có chuyện hạn ngạch. Về phía TTC, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho ATIGA trong suốt từng đó năm".
Trong hành trình 55 năm phục vụ của TTC AgriS (1969 - 2024), nhà sáng lập Huỳnh Bích Ngọc đã góp phần quan trọng giúp công ty hiện thực hóa sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp quốc gia bền vững và đóng góp cho ngành mía đường Việt Nam. Ở cột mốc 2024, TTC AgriS là đơn vị dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam, chiếm 46% thị phần nội địa và hiện diện trên 69 thị trường xuất khẩu quốc tế, với hơn 71.000ha diện tích vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc.
Bà Bích Ngọc cũng là người đã xây dựng triết lý kinh doanh cho TTC AgriS: Làm kinh doanh phải xuất phát từ trái tim. Cần trái tim để hiểu các vấn đề xã hội, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Cần trái tim để giúp đỡ và xây dựng thành công cùng đối tác, bạn hàng. Cần trái tim để chia sẻ thành công với cộng đồng.
Ngay cả khi đã lui về phía sau, trao vị trí Chủ tịch cho con gái Đặng Huỳnh Ức My, bà Huỳnh Bích Ngọc vẫn tiếp tục sát cánh cùng TTC AgriS với vị trí Cố vấn cấp cao cho HĐQT.
Tiếp bước thành công của mẹ, bà Ức My đang dẫn dắt TTC AgriS hướng đến mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030 và chinh phục thị trường quốc tế cho nông sản Việt Nam.
Lên kế hoạch chuyển giao TTC AgriS cho con gái từ năm 2015, bà Bích Ngọc kỳ vọng, mỗi thế hệ phải tạo ra một sự chuyển đổi nhất định.
"Thế hệ chúng tôi mở cửa thị trường. Thế hệ hiện tại phải chuyển đổi toàn diện và giải quyết nhiều thách thức mang tính toàn cầu, đặc biệt là sự thay đổi liên tục" – cựu Chủ tịch TTC AgriS nhấn mạnh.
Cựu chủ tịch TTC AgriS tâm niệm, "con cái không thể thành công nếu cứ mãi sống dưới cái bóng của cha mẹ, khi thế hệ trẻ đủ trưởng thành, tôi sẽ chuyển giao hẳn để lui về hậu trường. Và để có những cuộc chuyển giao thế hệ hiệu quả, người đi trước đôi khi phải biết lùi, đặt cái tôi sang một bên."
Quá trình tiếp quản diễn ra tự nhiên ở TTC AgriS, bà Đặng Huỳnh Ức My tham gia điều hành, không phải vì đam mê hào nhoáng của nghề doanh nhân, mà vì trách nhiệm với gia đình và… thương mẹ. Từ ý muốn giúp mẹ, bà Ức My bén duyên với nghề, rồi từ nghề thành nghiệp.
Vừa là lãnh đạo tiền nhiệm, vừa là một người mẹ, bà Bích Ngọc không giấu được sự tự hào và thừa nhận, dù con gái học từ mẹ kinh nghiệm và chuyện nghề, nhưng chính bà cũng phải lắng nghe và cập nhật kiến thức quản trị điều hành hiện đại. Bà đánh giá "người kế nhiệm của tôi có tầm nhìn và tư duy tốt, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thậm chí về quản trị và điều hành, còn sáng tạo hơn thế hệ trước. Sức trẻ và sự sáng tạo đã giúp việc quản lý vận hành và phát triển TTC AgriS trở nên nhanh chóng và chuẩn xác bằng dữ liệu".
Thực tế trong khi đảm nhiệm các công tác trọng yếu phát triển cho TTC AgirS cùng bà Ngọc, thì song song đó, từ năm 2012, bà Ức My đã độc lập toàn quyền dẫn dắt một công ty nông nghiệp khác của TTC là Betrimex. Dưới sự lãnh đạo của bà My, ngày nay Betrimex đã dẫn đầu ngành dừa của Việt Nam, một phiên bản thành công không kém TTC AgriS với cây dừa.
Điều đặc biệt nhất là Đặng Huỳnh Ức My không ngại khó khăn, thử thách. Chặng đường TTC AgriS đã trải qua có phần lớn công sức của vị chủ tịch đương nhiệm trong định hướng chiến lược, chuyển đổi số, tài chính tối ưu, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để đưa doanh nghiệp ra toàn cầu.
Về phần mình, bà Đặng Huỳnh Ức My xúc động: "Không có mẹ, Ức My không thể có những nền móng đầu tiên trong việc định hình sự nghiệp, bằng việc định hình nền tảng vận hành và chiến lược dài hạn của TTC trong giai đoạn chuyển đổi". Tuy nhiên, bà cũng khẳng định: "Bây giờ, tôi là người chịu trách nhiệm toàn bộ về tương lai của TTC AgriS".
Trong quá trình đó, bà nhấn mạnh, "phải cảm và hiểu được tình yêu đối với nông nghiệp của mẹ để biến tình yêu đó thành đam mê và trách nhiệm của mình".
Bên cạnh triết lý "làm kinh doanh phải xuất phát từ trái tim", bà My cũng phải tiếp nhận trọn vẹn "di sản" của mẹ dành cho TTC AgriS - đó chính là sự dấn thân trong thời kỳ xây dựng và phát triển công ty lớn mạnh. Bà hiểu "xây đã khó, giữ khó và phát triển càng khó hơn" nên phải liên tục đổi mới, liên tục sáng tạo để TTC AgriS vươn xa.
"Có thể do gen di truyền, tôi luôn thấy yêu thích kinh doanh và hào hứng với các bài toán khó. May mắn là tôi và mẹ hiểu được thế mạnh của nhau nên trên thực tế, việc "chuyển giao" đã trở thành giai đoạn "kế thừa và phát triển" liên tục trong nhiều năm qua. Sản phẩm chung của chúng tôi chính là một TTC AgriS mạnh mẽ, hiện đại ngày hôm nay" – bà Ức My chia sẻ.
Với vị thế tiên phong cùng những đóng góp tích cực phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam và thế giới, TTC AgriS đã liên tiếp đón nhận nhiều giải thưởng lớn bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Đầu tháng 10 mới đây, công ty được vinh danh "Doanh nghiệp xuất sắc châu Á" (Corporate Excellence Award) tại lễ trao giải The Asia Pacific Enterprise Awards 2024 (APEA). Đồng thời, bà Ức My cũng được trao tặng giải thưởng "Doanh nhân xuất sắc châu Á" (Master Entrepreneur Award), cho thấy bước chuyển giao thế hệ tại TTC AgriS đã đi đúng hướng và chọn được người kế nhiệm xứng đáng.
Mục tiêu của Chủ tịch đương nhiệm TTC AgriS không chỉ là dẫn đầu trong nước, mà còn khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp này trên thị trường quốc tế.
Theo đó, TTC AgriS đã vận hành thành công mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp, hoàn thiện các bước tiên phong về chuyển đổi xanh - chuyển đổi số - chuyển đổi kinh tế nông nghiệp. Những hoạt động canh tác chính xác, "Zero Waste" (không lãng phí) tại TTC AgriS được đánh giá là kiểu mẫu phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Hiện tại, TTC AgriS là doanh nghiệp mía đường 4.0 đầu tiên tại Việt Nam, dẫn đầu chuyển đổi số với hệ thống Oracle Cloud ERP và các ứng dụng công nghệ cao như FRM, DigiFarm, DigiFactory, DigiRetail. Đây là những ứng dụng do bà Ức My chủ trì phát triển, giúp tối ưu mọi hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị thương mại của sản phẩm.
Bà My là nhân tố chính thúc đẩy hợp tác với các tổ chức đầu ngành như Chính quyền bang Queensland (Úc), Công ty tư vấn nông học Farmacist, DEG - Quỹ đầu tư của Chính phủ Đức… trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho TTC AgriS.
Nếu người tiền nhiệm dành khoảng 1 thập kỷ để chuẩn bị cho hiệp định ATIGA, thì bà Ức My cũng đã mất 7 năm để thành công chinh phục các thị trường khó tính nhất thế giới. Bà là người đề ra chiến lược phát triển đa quốc gia, trực tiếp "xắn tay" phát triển vùng nguyên liệu và tổ chức hoạt động thương mại toàn cầu cho TTC AgriS. Đến nay, các sản phẩm của công ty đang phục vụ hơn 2.600 khách hàng đối tác và đến tay hàng triệu người tiêu dùng tại hơn 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bà chia sẻ, "Khởi đầu từ việc thành lập công ty thành viên Global Mind tại Singapore, đội ngũ TTC AgriS dần nắm vững các hiệp thương, luật thương mại quốc tế, xây dựng hệ thống vận chuyển và tổ chức hậu cần, dịch vụ, quản lý rủi ro,… Sau thành công bước đầu tại Singapore và châu Á, chúng tôi tiếp tục mở văn phòng tại Úc và lan tỏa sang các thị trường khác. Sau đó, TTC AgriS niêm yết sản phẩm trên các sàn giao dịch quốc tế Luân Đôn, New York… Ước tính xuất khẩu sẽ chiếm 40% tổng doanh thu vào năm 2030".
Hiện nay, TTC AgriS không chỉ tập trung vào mía đường mà cả dừa, chuối và các nông sản khác. Điều này không chỉ góp phần đa dạng danh mục xuất khẩu, đóng góp tích cực vào doanh thu TTC AgriS mà hơn thế nữa, còn góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt trên quốc tế.
Với tầm nhìn phát triển bền vững, bà Ức My luôn sâu sát vào việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống quản trị trên nền tảng tích hợp tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) vào toàn bộ hoạt động quản trị - sản xuất - kinh doanh. Trên cơ sở đó, công ty minh bạch thông tin và tuân thủ tuyệt đối nghĩa vụ và đảm bảo công bằng đối với cổ đông và các bên liên quan, mang lại nhiều giá trị hơn cho nông dân.
TTC AgriS luôn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong và thực hành tốt ESG theo thông lệ quốc tế. Cuối tháng 9 qua, doanh nghiệp đã được vinh danh "Nông nghiệp bền vững" (Sustainable Agriculture Award) tại lễ trao giải ESG Business Awards 2024. Đây là hệ thống giải thưởng trong nhiều lĩnh vực môi trường, năng lượng, nhân sự, kinh tế, xã hội,… Trong đó, TTC AgriS là đơn vị duy nhất trên toàn châu Á được gọi tên ở hạng mục nông nghiệp.
Trước đó, doanh nghiệp cũng đã đón nhận chuỗi 6 giải thưởng lớn tại lễ trao giải quốc tế Global CSR & ESG Summit and Awards 2024. 2024 là năm thứ hai liên tiếp đơn vị được vinh danh với sự nâng cấp thứ hạng Platinum cho phần lớn hạng mục giải thưởng. Đây là minh chứng cho những thành quả phát triển bền vững của TTC AgriS.
Đồng thời, việc triển khai ESG thành công trong quản trị, vận hành giúp TTC AgriS trở thành điểm đến "xanh" của các định chế tài chính lớn như IFC, SMBC, Ngân hàng FCB,... Được biết, chỉ trong vòng 1 năm, với uy tín của thương hiệu cùng ảnh hưởng của bà Ức My trên trường quốc tế, doanh nghiệp đã huy động được 220 triệu USD dòng vốn ngoại cho lĩnh vực nông nghiệp, tiêu dùng và các mảng phụ trợ.
Trong chiến lược dài hạn, TTC AgriS dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My sẽ triển khai chiến lược kinh doanh "xanh", phát triển chuỗi giá trị thương mại tuần hoàn - Circular Commercial Value Chain và tiếp tục tiên phong trong kinh tế nông nghiệp bền vững, tối ưu hóa giá trị gia tăng cho các bên trong chuỗi thương mại toàn cầu, hướng đến Net Zero vào năm 2035.
Công ty tiếp tục phát triển các giải pháp dinh dưỡng từ nguồn gốc 100% tự nhiên - xanh, sạch, hữu cơ. Đồng thời, TTC AgriS cũng hướng đến việc gia tăng giá trị thương mại và tối ưu hoá chuỗi giá trị cây trồng. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế cho các bên tham gia, mà còn đóng vai trò tích cực chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nền nông nghiệp toàn cầu.