Được biết đến với cái tên Lộ Cảnh Giang, sông Cổ Cò là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối liền phố cảng Hội An và tiền cảng Đà Nẵng. Nhiều trầm tích từ dòng sông được các nhà nghiên cứu xác định trong bản đồ, ví dụ như "Hải ngoại ký sự" được viết nhân chuyến thăm tới Đàng Trong năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán mô tả Cổ Cò như một tuyến sông mênh mang, hai bên bờ sông là các làng mạc trù phú san sát nối tiếp nhau. Vốn một thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền là vậy nhưng từ cuối thế kỷ 19 quá trình bồi lấp tự nhiên đã gây cản trở đến dòng chảy của sông khiến hoạt động thông thương cũng vì thế mà đứt gãy theo.
Đoạn sông còn lại gồm 19km chảy trên địa phận tỉnh Quảng Nam dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó 9km đã được TP. Hội An chủ động nạo vét, cải tạo, 10km còn lại thuộc địa giới thị xã Điện Bàn cũng đang được chính quyền tỉnh đốc thúc triển khai. Theo đại diện một số hãng lữ hành, với việc thông dòng Cổ Cò sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy hiện từ 5 - 6 giờ xuống chỉ còn chưa đầy 2 giờ, đây sẽ là cơ hội lớn để các hãng này phát triển tour du lịch đường sông đi về trong ngày. Dự kiến kế hoạch thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường sông Cổ Cò sau khi nạo vét, khơi thông sẽ được hai địa phương hoàn thành trước tháng 9/2020.
Là hai đô thị nằm liền kề và giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tuy nhiên bức tranh liên kết du lịch Đà Nẵng - Hội An vẫn còn khá rời rạc. Bởi vậy, việc thúc đẩy dự án khơi thông sông Cổ Cò không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn mở ra cơ hội phát triển các loại hình du lịch đường thủy mới. Cùng với đó, dự án còn có vai trò mở lối, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng - kinh tế và cảnh quan đô thị hai bên lưu vực sông. Khi lấy dòng chảy của sông Cổ Cò làm trục giao thông đường thủy trọng tâm, một chùm không gian đô thị có sự giao thoa đa màu sắc giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống sẽ được hình thành gồm Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An.
Hội An vốn là một đô thị có bản sắc, là thành phố di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và đang ngày càng thăng hạng trên bản đồ du lịch quốc tế. Trong khi đó, Đà Nẵng lại có thế mạnh của một đô thị hiện đại với hệ thống cơ sở dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Tuy nhiên, cả hai đô thị này đang phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững trong tương lai gần khi Đà Nẵng đang trong quá trình gia tăng dân số cơ học cần mở rộng không gian đô thị. Hội An phải đối mặt với bài toán giảm bớt áp lực xây dựng đô thị để gìn giữ giá trị văn hóa. Hay như Quảng Nam đang cần đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm nhằm kích cầu du khách trong nước và quốc tế… Khu vực ven sông Cổ Cò với vị trí chiến lược liên kết 3 vùng động lực kinh tế chính là đáp án giải quyết toàn vẹn bài toán phát triển vùng đô thị tại khu vực này trong tương lai.
Khi vùng đô thị dần được hình thành, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ hiện đại cho người dân địa phương là điều cần thiết. Trước đây, những bãi bồi ven sông Cổ Cò chủ yếu là đất nông nghiệp hoang hóa, dân cư thưa thớt, cả một khu vực rộng lớn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Do đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn tài nguyên này, các địa phương đã kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhằm kiến tạo nên các khu đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật vừa bảo đảm mỹ quan đô thị vừa kết nối với các khu dân cư hiện hữu.
Đi kèm theo sự xuất hiện của các khu đô thị, hệ thống dịch vụ - tiện ích như khu vui chơi giải trí, giáo dục, thể dục thể thao, khu du lịch nghỉ dưỡng, công viên cảnh quan… sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân sinh sống trong khu vực. Những tiền đề thuận lợi đã thúc đẩy hình thành nên thị trường bất động sản giàu tiềm năng phát triển ven sông Cổ Cò. Trên thực tế, ngay khi 2 địa phương đẩy nhanh tiến độ nạo vét sông đã khiến thị trường bất động sản trong khu vực trở nên sôi động. Tại Đà Nẵng, những dự án nghỉ dưỡng, sân Golf được triển khai nhanh chóng. Phía Quảng Nam, hàng loạt các dự án khu đô thị nằm ở khu vực giáp ranh đang thúc đẩy hạ tầng phát triển…
Hai bên bờ sông Cổ Cò đều được các địa phương quy hoạch bến thuyền du lịch kết hợp với các công viên dọc sông, tạo nên điểm nhấn cảnh quan kết nối liên vùng và khu vực ven biển. Dự kiến, các khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, làng du lịch cộng đồng… cùng nhiều đô thị hiện đại sẽ sớm được hình thành dọc theo 28 km đường sông, hình thành nên chuỗi đô thị du lịch ven sông Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng. Hàng chục dự án bất động sản ven sông được đầu tư số vốn lớn hiện đang hoàn thiện các hạng mục hạ tầng và đủ điều kiện để bán hoặc huy động vốn theo quy định. Những dự án được quy hoạch bài bản, sở hữu hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, sản phẩm chất lượng tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu an cư của người dân trong khu vực mà còn mở ra cơ hội kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch trong thời gian tới. Bởi vậy, không chỉ thu hút người dân địa phương, các dự án đô thị còn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư cả nước đến giao dịch góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế vùng hàng ngày.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, chuỗi đô thị khu vực ven sông Cổ Cò sở hữu nhiều lợi thế đầu tư và gia tăng lợi nhuận cho giới đầu tư. Việc Quảng Nam quy hoạch xây dựng thành phố ven sông tại khu vực này sẽ tạo động lực kích thích kinh tế vùng phát triển. Đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ không cần lo lắng về khả năng sinh lời khi "xuống tiền" tại các dự án đô thị, nhất là đối với các dòng sản phẩm gắn với đất nền như biệt thự, shophouse, liền kề… thì tiềm năng phát triển trong tương lai gần là rất khả quan. Khi các dòng tiền đầu tư đổ về chuỗi đô thị ngày càng nhiều, một thành phố mới sở hữu cảnh quan sông nước tươi đẹp cùng hệ thống dịch vụ - tiện ích hiện đại sẽ trở thành điểm nhấn du lịch, an cư hấp dẫn hàng đầu khu vực Đà Nẵng - Hội An - Quảng Nam.