Brand Finance - hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược mới đây đã công bố Việt Nam tiếp tục tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu. Theo đó, năm 2023, giá trị thương hiệu của Việt Nam đạt 498,13 tỉ USD, xếp thứ 33/121 quốc gia. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục tăng thêm một thứ bậc so với năm 2022 và tăng giá trị thương hiệu thêm 250 tỉ USD sau 5 năm (năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỉ USD).
Như vậy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.
Cũng theo nhận định của Brand Finance, Việt Nam được tiếp tục đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 là 102%.
Trên sân chơi toàn cầu, thương hiệu không còn chỉ là phương tiện để thúc đẩy, hỗ trợ bán hàng mà thực sự là một tài sản có giá trị, có thể định giá, thậm chí được định giá hàng tỉ USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả trên thể hiện tốc độ phát triển của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam khi đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, từ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng.
McKinsey dự báo đến năm 2025, thị trường Việt Nam sẽ nổi lên khoảng 12 lĩnh vực kinh tế tạo nên hệ sinh thái lớn từ các doanh nghiệp đa ngành với tổng doanh thu ước tính khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD).
Thị trường đã không ít lần được chứng kiến những cuộc "thay tên đổi họ" tiêu hao biết bao tiền của và chất xám của các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Facebook (thành Metaverse), Google (thành Alphabet), Vincom (thành Vingroup), Kinh Đô (thành KIDO), Vinagame (thành VNG),… Nếu đã coi thương hiệu là một loại tài sản, việc tái định vị để phù hợp với chiến lược kinh doanh, khẳng định được bản quyền là vô cùng cần thiết.
Nhớ lại câu chuyện của những năm cuối của thế kỷ 20, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều tập trung đầu tư cho chất lượng, dịch vụ mà chưa có ý thức về xây dựng thương hiệu.
Đơn cử Công ty Cổ phần Nam Thắng là một doanh nghiệp gia công giày xuất khẩu với 2000 công nhân. Tập trung cho quy trình sản xuất, kỷ luật lao động, Nam Thắng luôn đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các đơn hàng. Điều này đã giúp tạo nên sự khác biệt cho Nam Thắng với các doanh nghiệp gia công giày khi đó. Thậm chí, các doanh nghiệp trong ngành còn gọi Nam Thắng là "lính cứu hỏa" vì luôn giúp đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp khác hoàn thành đúng hạn các đơn hàng mà họ đã nhận nhưng không thể làm kịp để giao hàng đúng hạn.
Với văn hóa làm việc đề cao hiệu quả đến cùng dựa trên tinh thần trách nhiệm chủ động của mỗi người lao động, khi chuyển sang phát triển các khu công nghiệp dưới thương hiệu VID Group, doanh nghiệp cũng đạt được nhiều thành công. Doanh nghiệp từng được cộng đồng mệnh danh là "bà đỡ của các khu công nghiệp" khi liên tiếp phát triển thành công các dự án ở khu vực phía Bắc, thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thời điểm đó, "thương hiệu" được hiểu như một sự công nhận của khách hàng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Không ít doanh nghiệp Việt cũng trải qua những giai đoạn làm thương hiệu một cách bản năng như thế.
Có nhiều phương pháp định giá thương hiệu, song hầu hết đều dựa trên tham số chủ đạo là dòng tiền kiếm được trong tương lai của công ty. Bằng việc định giá thương hiệu, người đứng đầu doanh nghiệp, nhà quản trị có cơ sở để quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu, khẳng định vị trí trên thị trường, đầu tư mở rộng hay mua bán thương hiệu.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam ra đời cách đây 20 năm và đã giúp xây dựng nhận thức, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các phương pháp xây dựng thương hiệu mới cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp mang thương hiệu của mình ra quốc tế. Điều này đặc biệt cần thiết khi Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại (FTA).
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít hành trình của các thương hiệu Việt tìm đường ra quốc tế. Có thương hiệu nỗ lực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đưa sản phẩm thương hiệu quốc gia Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài; một số thương hiệu chọn cách xuất hiện ở các sân chơi toàn cầu, nơi các thương hiệu quốc tế hiện diện như các hội chợ, triển lãm quốc tế,…
Song cũng có doanh nghiệp chọn cách "quốc tế hóa" ngay từ khi phát triển thương hiệu với một bộ định vị mang tính toàn cầu. ROX Group là một câu chuyện như thế.
Với bề dày 28 năm xây dựng và phát triển, ROX Group dựa trên mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản cùng các mảng kinh doanh mở rộng để hoàn thiện tính "thuận ích" và nâng cao giá trị cho hệ sinh thái đã khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước và từng bước mở rộng ra nước ngoài.
Khi đã có sẵn nội lực, đã khẳng định được năng lực thực thi, sự tiên phong sáng tạo trên thị trường qua các sản phẩm, câu chuyện của ROX Group chỉ là tái định vị.
Một trong các giải pháp được ROX Group áp dụng là tiên phong chuyển đổi số trong định vị thương hiệu. Không chỉ ứng dụng công nghệ như một kênh quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp này đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tăng cường trải nghiệm của khách hàng. Mô hình khách sạn "không điểm chạm" SOJO của doanh nghiệp này đã mang đến cho khách hàng loạt trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ như check in/out, điều khiển phòng theo nhiều kịch bản hoàn toàn trên điện thoại di động… Trong thời đại chuyển đổi số với nhiều xu thế không ngừng thay đổi, thói quen và thị hiếu người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng, khách hàng luôn mong muốn có đa dạng tiện ích, trải nghiệm mới mẻ, SOJO đã thay đổi cách khách hàng tương tác tới thương hiệu.
Doanh nghiệp này còn ứng dụng công nghệ Big Data và AI vào hệ thống quản trị dữ liệu khách hàng CRM, doanh nghiệp có thể vẽ nên "chân dung" của từng khách hàng, từ đó mang đến các dịch vụ và sản phẩm phù hợp với từng cá nhân. Trải nghiệm tích cực đã giúp tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, cải thiện lòng tin của họ, duy trì thói quen mua hàng của họ và biến họ thành những người ủng hộ thương hiệu.
Nỗ lực chuyển đổi số cũng là cách mà nhiều thương hiệu lớn đang áp dụng như Viettel với ý tưởng số hóa doanh nghiệp; BIDV với các giải pháp điện tử giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh; Vietcombank với dịch vụ ngân hàng điện tử,... nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ số trong các sản phẩm, dịch vụ giúp ROX Group tạo ra nhiều trải nghiệm khách hàng đầy tính sáng tạo.
Công nghệ cũng giúp doanh nghiệp mang lại những giá trị cộng thêm cho khách hàng và cộng đồng. Trước khi tập trung vào định vị thương hiệu chuyên nghiệp, ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đã là một doanh nghiệp định hướng phát triển uy tín và chỗ đứng trong tâm trí khách hàng bằng các hoạt động phụng sự, cống hiến cho cộng đồng thông qua những giá trị thuận ích với triết lý "Kinh doanh với mục tiêu cải thiện đời sống cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội". Đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo, ứng dụng giải pháp FM phục vụ quản lý tài sản bất động sản giúp việc quy hoạch các dự án đại đô thị/siêu đô thị của ROX Group khoa học, đảm bảo tiêu chuẩn "xanh",…
Trong thế giới phẳng, khoảng cách của các quốc gia, khoảng cách về văn hóa, địa lý, kinh tế đang dần được thu hẹp lại, công tác bảo hộ nhãn hiệu là một vô cùng cần thiết. Có thể nói, ROX Group là một câu chuyện thành công về tái định vị thương hiệu.
Sau gần 2 năm nghiên cứu chọn lọc "ROX" là tên gọi được chính thức ra mắt. Một tên gọi với âm đọc đồng nhất theo bất kỳ ngôn ngữ nào và đăng ký bảo hộ được sẽ tạo sự thuận lợi khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ở toàn cầu. "ROX" cho dù đọc bằng ngôn ngữ nào thì cũng vang lên là "Rox" trọn vẹn, do đó thương hiệu mới này mang tính quốc tế hóa cao.
Với tên gọi mới ROX Group, việc đổi tên là một bước tiến quan trọng trên hành trình không ngừng phát triển. Điều này chứng tỏ sức mạnh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp cũng như đội ngũ nhân sự.
Ở vị thế doanh nghiệp tiên phong trong việc định vị lại thương hiệu, ROX Group đã truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường cũng mạnh dạn xem việc đổi tên là một cơ hội để tái định vị và định hình lại mình trên thị trường, ý thức hơn về việc bảo vệ thương hiệu trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh. Từ đó giúp cho cộng đồng doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc mang lại giá trị kinh tế, mà còn cam kết đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của thương hiệu quốc gia.