Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe máy điện Dat Bike qua giới thiệu của một người bạn, tôi đã khá bất ngờ bởi thiết kế độc lạ cùng những tính năng nổi trội của nó. Dù rất yêu chiếc xe máy hiện nay của mình nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng nó quá ngốn xăng cũng như độc hại cho môi trường.
Với sự tò mò về một dòng xe máy cắm điện tại nhà thay vì đổ xăng khiến bạn bè mê mẩn, tôi đã tìm đến cửa hàng của Dat Bike để có một cuộc trò chuyện với nhà sáng lập, anh Nguyễn Bá Cảnh Sơn.
Cảm ơn anh đã sắp xếp cho cuộc phỏng vấn này. Được biết anh đã từ bỏ cơ hội thăng tiến ở Thung lũng Silicon để theo đuổi đam mê, vậy đâu là động lực khiến anh quyết tâm thành lập Dat Bike?
Trước đây khi mình còn bên Mỹ học và làm việc có về Việt Nam mỗi năm 1 lần, qua đó chứng kiến kinh tế ngày càng phát triển, người dân dùng xe máy rất nhiều.
Như chúng ta đã biết, loại xe máy xăng gây ô nhiễm không khí khá nhiều và xe máy điện là giải pháp trực tiếp cũng như nhanh chóng nhất góp phần giải quyết vấn đề này.
Thế nhưng lại chưa có một ai giải quyết bài toán này thực sự hiệu quả. Bởi vậy mình muốn chung tay góp phần giải quyết thách thức này cho đất nước.
Gia đình anh đã từng phản đối, vậy giờ đây họ phản ứng ra sao với thành công của anh hiện nay?
Hiện tại thì gia đình mình vẫn không muốn nói về chủ đề này (Cười).
Tại sao anh lại chọn cái tên Dat Bike? Nó có ý nghĩa gì không? Đọc là Đạt Bike hay Dat Bike vậy ạ?
Đây là kiểu chơi chữ của từ "That Bike" trong tiếng Anh, ám chỉ chiếc xe đẹp, xe tốt. Bởi vậy đọc đúng sẽ phải là "Dat" Bike chứ không phải "Đạt" Bike. Cũng có nhiều người tưởng nhà sáng lập tên "Đạt" nhưng mình chưa đến mức đặt tên bản thân cho công ty (Cười).
Có một số người ví anh như Elon Musk của ngành xe máy điện Việt Nam, vậy anh nghĩ sao về điều này?
Thật ra thì mình không dám nhận là Elon Musk (Cười).
Anh có thể chia sẻ một chút về sản phẩm tâm đắc nhất của Dat Bike hiện nay không?
Sản phẩm đầu tiên của Dat Bike là chiếc Weaver có thể chạy 100 km với 3 tiếng sạc đầy pin tại nhà. Ban đầu Sơn cũng nghĩ con số này là đủ bởi bình thường người Việt Nam chỉ chạy 20-30km mỗi ngày.
Thế nhưng sau một thời gian kinh doanh và nhận được phản hồi từ khách hàng thì Sơn nhận ra hầu hết người mua Weaver đều giữ lại xe xăng cũ dùng cho đi xa. Vậy là Sơn nhận ra mình mới chỉ giải quyết 90% nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi vậy Dat Bike đã phát triển chiếc Weaver 200 khi có thể đi được 200km cho mỗi lần sạc đầy.
Bên cạnh đó, Dat Bike còn phát triển những trạm sạc nhanh "Dat Charge", giúp người dùng có thể sạc 20 phút để chạy 100km, qua đó xóa bỏ hoàn toàn nỗi sợ hết pin giữa chừng của người đi xe và tiến tới thay thế hoàn toàn xe xăng.
Vậy theo anh đâu là khó khăn nhất trong công cuộc phát triển dòng xe điện thân thiện với môi trường?
Có 2 thách thức chính.
Đầu tiên là định kiến của người tiêu dùng về xe máy điện tại Việt Nam còn rất lớn khi mọi người vẫn nghĩ đây chỉ là phương tiện cho học sinh đi học. Với ý nghĩ xe điện thì rẻ tiền, quãng đường đi được ngắn, pin ít, dễ chai pin nên mọi người cho rằng chỉ cần dùng chúng cho 3 năm cấp 3 của học sinh là đủ.
Tuy nhiên, cái Dat Bike muốn là tạo ra được một sản phẩm thay thế hoàn toàn được xe xăng của người lớn. Bởi vậy về giá cả ban đầu thì Weaver 200 đắt hơn so với xe xăng một chút nhưng về chi phí vận hành thì lại rất thấp, chỉ bằng 1/10 xe xăng.
Do đó sau khoảng 1 năm, nếu tính cả chi phí vận hành thì giá cả 2 bên đều đã được cào bằng. Sau 5 năm thì coi như người mua được miễn phí bởi số chi phí tiết kiệm được so với xe xăng đã ngang số tiền bỏ ra ban đầu.
Đây là một thực tế mà không chỉ riêng xe máy điện mà cả ô tô điện cũng thế. Vậy nhưng định kiến của người dùng tại Việt Nam đã tồn tại nhiều năm nên chúng ta cần có sự phổ biến, tuyên truyền để mọi người hiểu đúng.
Vấn đề thứ 2 là về công nghệ. Trên thực tế không riêng gì xe máy điện, nếu bạn có muốn làm xe 4 bánh, máy bay, tàu thuyền chạy điện đi chăng nữa thì chung quy cũng phải nhìn vào hiệu năng sản phẩm, nghĩa là khả năng vận hành của nó đủ sức thay thế máy chạy xăng.
Không chỉ vấn đề về công suất hay thời gian sạc, những chiếc xe chạy điện thậm chí còn phải rẻ hơn xe xăng bởi nếu cùng một mức giá, có lý do gì để người mua chuyển đổi đâu. Bởi vậy ngoài yếu tố phát triển công nghệ thì còn liên quan đến khâu tổ chức như chuỗi cung ứng, cách bán hàng... để hạ giá thành xuống mức cạnh tranh.
Đây là một bài toán khó khi làm ra được sản phẩm tốt nhưng phải bán với mức giá cạnh tranh.
Bài toán mức giá này đang được Dat Bike giải quyết thế nào?
Hiện sản phẩm của Dat Bike đang có tỷ lệ hiệu năng vận hành trên mức giá (Performance versus Price ratio) tốt nhất ở Việt Nam nếu không muốn nói là trên toàn Đông Nam Á. Nói đơn giản là với cùng một mức giá, xe của Dat Bike sẽ đem lại hiệu năng vận hành cao gấp đôi so với các đối thủ trên thị trường.
Mặc dù xe của Dat Bike vẫn còn rất nhiều thứ cải tiến thêm được nữa nhưng khoảng cách giữa mình với đối thủ đứng sau thứ 2-3 là rất lớn.
Pin vốn được coi là trái tim của xe điện, nhưng chúng cũng bị nhiều người nghi ngờ là loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nhất của dòng sản phẩm này. Vậy sản phẩm của Dat Bike có gì khác biệt?
Hầu hết ắc quy cho xe điện hiện nay trên thị trường là axit chì, gây ô nhiễm môi trường trong khi xe của Dat Bike dùng pin Lithium.
Sản phẩm pin chỉ gây ô nhiễm môi trường do không được đầu tư công nghệ tái chế. Pin Lithium có thể tái chế hơn 90% nhưng tại Việt Nam, do sản lượng còn ít nên ngành tái chế dòng Pin này chưa phát triển. Trên thực tế, việc tái chế Pin Lithium đã rất phát triển ở nước ngoài cả về công nghệ lẫn quy mô.
Sau khi sử dụng, pin Lithium có thể dễ dàng thu gom lại để tái chế, tái sử dụng các thành phần kim loại quý, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường. Dù không có chứa chất độc hại như pin axit chì nhưng thực tế thì việc vứt bỏ pin Lithium trong ngành xe điện là rất hiếm bởi kim loại này rất quý. Các hãng thường sẽ tiết kiệm bằng cách tái chế.
Pin trong xe của Dat Bike có thời hạn sử dụng 15 năm, nhưng thời hạn này không có nghĩa là pin sẽ hỏng mà hiệu năng của nó sẽ giảm xuống, không còn được 100% như mới nữa. Lúc này, chúng hoàn toàn có thể tái chế để dùng lưu trữ năng lượng.
Nói tóm lại, với xe chạy pin, con người có thể khống chế và kiểm soát được mức độ ô nhiễm nếu muốn. Còn xe chạy xăng, dầu thì bạn không thể có phương pháp nào để thu gom lượng khí thái thoát vào môi trường.
Dat Bike có hệ thống giảm sát và quản lý thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm?
Cái này liên quan đến rất nhiều yếu tố bởi Dat Bike là doanh nghiệp xe máy điện đầu tiên ở Đông Nam Á vừa thực hiện nghiên cứu phát triển (R&D), vừa sản xuất lại còn bán trực tiếp đến khách hàng luôn.
Bởi vậy mình hoàn toàn kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ lúc thiết kế, phát triển đến quy trình sản xuất và bán đến khách hàng. Và bởi bán trực tiếp đến khách hàng nên những phản hồi từ họ quay ngược lại nhà sản xuất rất nhanh, sau đó được cải tiến, sản xuất ngay tại chỗ.
Do hệ thống chất lượng xuyên suốt và vòng phản hồi rất nhanh nên chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng tốt hơn.
Được biết Dat Bike đã triệu hồi và sửa chữa miễn phí 800 chiếc Weaver 200 có lỗ khoan trên khung xe không đúng tiêu chuẩn thiết kế. Anh có thể chia sẻ gì thêm về chuyện này không?
Có một ngày bên mình nhận được phản hồi của khách hàng, qua đó kiểm tra và phát hiện một số sản phẩm từ nhà cung ứng không đúng tiêu chuẩn thiết kế. Sau khi truy soát thì Dat Bike đã cho triệu hồi 800 chiếc xe có khả năng dính lỗi trên để kiểm tra. Nếu có vấn đề thì Dat Bike sẽ sửa chữa miễn phí.
Dat Bike đã phải chịu những thiệt hại nào khi chấp nhận chủ động triệu hồi sản phẩm như trên?
Tất nhiên việc triệu hồi này tốn chi phí nhưng tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất. Dat Bike cho rằng câu chuyện chính ở đây là việc gây ảnh hưởng đến khách hàng, khiến họ đang dùng sản phẩm mà phải đưa xe về hãng để kiểm tra. Cũng may mắn là khách hàng của Dat Bike rất có cảm tình với thương hiệu nên dù có chút bất tiện nhưng mọi người vẫn ủng hộ quyết định này.
Đây cũng là bài học quý giá cho Dat Bike khi cần phải siết chặt quản lý chất lượng đầu vào hơn nữa. Hiện tại Dat Bike đã thắt chặt hơn tiêu chuẩn này.
Anh có nghĩ Dat Bike là một doanh nghiệp tử tế không khi chủ động triệu hồi như vậy?
Thì bên mình cũng cố gắng làm ăn tử tế thôi. (Cười)
Thật ra thì về mặt luật pháp, bên mình không nhất thiết phải triệu hồi toàn bộ 800 chiếc xe mà có thể lọc qua hệ thống tracking của công ty, từng lô xuất xưởng để khoanh vùng được các xe có khả năng dính lỗi cao, hoặc có rất nhiều cách khác tiết kiệm chi phí hơn.
Thế nhưng Dat Bike vẫn làm vậy bởi công ty muốn thể hiện là một doanh nghiệp có trách nhiệm, làm ăn "lương thiện", phát triển lâu dài, bền vững trong ngành non trẻ này chứ không phải kiểu kinh doanh "chụp giật".
Xin được nhắc là Dat Bike có mục tiêu thay đổi 65 triệu người đang dùng xe máy ở Việt Nam và 250 triệu người đi xe máy xăng ở Đông Nam Á. Bởi vậy con số 800 là một vấn đề lớn cho một startup non trẻ như Dat Bike nhưng lại là con số nhỏ so với mục tiêu của hãng. Bởi vậy mình nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu Dat Bike nghiêm túc sửa chữa, học hỏi từ bài học lần này để có thể đi xa hơn
Sự bùng nổ của ngành xe điện khiến giá nhiều nguyên liệu như Lithium tăng chóng mặt. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến giá sản phẩm của Dat Bike không hề rẻ?
Thực tế thì xe của Dat Bike nếu tính cả chi phí vận hành thì đang thuộc hàng rẻ nhất trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn là Đông Nam Á, bởi khách hàng mua xe là sở hữu luôn cả pin với tuổi thọ 15 năm chứ không phải đi thuê gì hết.
Thậm chí mức giá này có thể cạnh tranh được cả với một số thương hiệu tại các thị trường xe máy phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Thêm nữa, xe của Dat Bike không có bộ phận nào cần bảo dưỡng nên khách hàng có thể tiết kiệm thêm khoản chi phí này. Chi phí vận hành hàng tháng chỉ khoảng vài chục nghìn tiền sạc điện, thậm chí bạn có thể mang xe đến cửa hàng để được rửa miễn phí.
Liệu công ty có ý định đa dạng hóa sản phẩm để hướng tới cả những phân khúc bình dân hay không trong bối cảnh xe xăng có rất nhiều chủng loại?
Chắc chắn rồi. Sứ mệnh của Dat Bike là chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cho tất cả mọi người nên mình cũng không muốn nghĩ đến viễn cảnh là sau này mọi nhà đều đi Weaver 200. Cũng như mẹ mình thì chẳng thể đi chiếc xe đó hàng ngày được. (Cười)
Dat Bike hiểu chuyện này nhưng trong một cuộc chơi dài hạn thì công ty phải có những bước tiến rõ ràng. Ví dụ như hiện tại mục tiêu của mình là tập trung vào công nghệ lõi để tăng hiệu năng vận hành nhưng cũng giảm giá thành. Hệ quả là Dat Bike chỉ ra mắt một vài mẫu xe để hướng đến những đối tượng khách hàng nhất định, qua đó dồn nguồn lực phát triển công nghệ lõi trên.
Tất nhiên sau này Dat Bike sẽ có thêm những mẫu mã khác nhau, phân khúc khác nhau để phục vụ nhiều người hơn.
Dat Bike có chiến lược phủ sóng trạm sạc như thế nào?
Sản phẩm của Dat Bike có thể sạc ở nhà với 200km nếu sạc đầy bình trong 3 tiếng. Tất nhiên nếu người dùng muốn đi xa hơn thì Dat Bike cần phải xây thêm những trạm sạc nhanh (Dat Charge) để phủ sóng rộng khắp. Trước hết là tại TP.HCM đi những tỉnh lân cận và sau đó là phủ khắp cả nước.
Chi phí xây trạm sạc nhanh này có đắt không khi đây là vấn đề lớn với nhiều trạm sạc ở Mỹ?
Đây là những trạm sạc do Dat Bike tự phát triển nên chi phí rất rẻ. Nó khác với những trạm sạc cho ô tô đắt đỏ ở Mỹ.
Dat Charge của Dat Bike là trạm sạc nhanh cho xe 2 bánh, dùng điện 1 chiều. Đây là trạm sạc nhanh cho xe máy điện đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tính hiệu quả của Dat Charge cũng cao hơn vì về nguyên lý hoạt động, nó giống các trạm sạc cấp độ 3 cho xe ô tô điện, vốn tốn khoảng 2-3 tỷ mỗi trạm, nhưng tiết kiệm hơn về chi phí.
Liệu Dat Bike có lo lắng trong tương lai sẽ có nhiều đối thủ tầm cỡ tham gia thị trường đầy tiềm năng này?
Thực ra đối thủ chính của Dat Bike là xe xăng và càng có nhiều người làm xe điện thì sẽ càng ít người làm xe xăng. Mình muốn góp phần thúc đẩy hệ sinh thái làm xe điện không chỉ của cả Dat Bike cũng như những hãng khác. Bởi vậy càng nhiều người làm xe điện thì càng thúc đẩy sứ mệnh của Dat Bike đi nhanh hơn.
Tại sao anh lại chọn sản xuất hầu hết các thiết bị ở Việt Nam thay vì nhập khẩu? Phải chăng là do vấn đề chi phí?
Khoảng 90% linh kiện của Dat Bike là sản phẩm trong nước và cũng khoảng 90% nhà cung ứng của Dat Bike là doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện xe của Dat Bike là chiếc xe duy nhất được Bộ giao thông vận tải công nhận là hàng xuất xứ tại Việt Nam do thành phần nội địa rất lớn, trong khi các sản phẩm khác thường sử dụng nhiều linh kiện nhập khẩu.
Có 2 lý do khiến Dat Bike chọn nhà cung cấp ở Việt Nam.
Đầu tiên, hệ sinh thái xe máy ở Việt Nam rất mạnh, bởi vậy nếu người Việt Nam làm được thì chẳng có lý do gì lại phải mua từ nước ngoài. Đó là chưa kể đến những ưu đãi thuế từ chính phủ nếu làm ở Việt Nam, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài không hề rẻ.
Lý do thứ 2 quan trọng hơn là Dat Bike muốn làm một sản phẩm tốt để hoàn thành sứ mệnh chuyển xe xăng sang xe điện. Để làm được một sản phẩm tốt thì có 2 phương pháp. Thứ nhất là kiểu "Steve Jobs", nghĩa là công ty sẽ suy nghĩ hoàn hảo ra một sản phẩm và bán ra thị trường. Thứ hai là kiểu "Dat Bike", công ty sẽ làm sản phẩm và cải tiến liên tục để chúng ngày một tốt hơn.
Để làm được kiểu Dat Bike này thì công ty cần ở gần nhà cung cấp, chứ nếu phải qua nước khác gặp nhà cung ứng thì sẽ rất tốn thời gian.
Trên thực tế, về mặt lâu dài thì linh kiện từ các nhà cung ứng như Trung Quốc cũng sẽ không quá rẻ so với Việt Nam. Hiện tại đang có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, nên lợi thế của nước ta đang ngày càng mạnh. Dat Bike nhận thức rõ được điều này và muốn tận dụng cơ hội đó.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh phương tiện vận tải gặp khó khăn. Vậy Dat Bike có chịu ảnh hưởng gì không?
Tất nhiên rồi, trong mùa dịch thì Dat Bike không sản xuất cũng như mở bán được rồi. May mắn là mọi chuyện hiện đã quay trở lại quỹ đạo bình thường.
Anh có thể chia sẻ về kết quả doanh thu, số xe đã bán và lợi nhuận của Dat Bike không?
Mình không thể chia sẻ nhiều nhưng hiện các nhà đầu tư đều đang vui mừng với kết quả kinh doanh của công ty do chúng đã vượt trên kỳ vọng, nhất là trong năm 2022 sau khi ra mắt dòng xe Weaver 200. Doanh số bán xe Weaver 200 hiện cao cấp 15 lần so với dòng xe đời cũ.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ trên.