Faslink gây bất ngờ khi trở thành thương hiệu đại diện cho Việt Nam phát biểu về thời trang bền vững và kinh tế tuần hoàn tại Hội nghị APEC diễn ra ngày 20/05. Nhân có cơ hội gặp gỡ, Bà Trần Hoàng Phú Xuân (Founder Faslink) đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện thú vị về hành trình tiên phong ở trong nước cũng như trên toàn thế giới khi thương mại hóa thành công rất nhiều loại sợi bền vững.
Những năm 30 của thế kỷ trước, bà nội tôi đã là một cô giáo nổi tiếng ở xứ Huế về việc dạy trồng dâu, nuôi tằm. Sau này, gia đình tôi có vài người con của bà làm nghề vải và tôi là thế hệ thứ 3 đi theo con đường này.
Ban đầu tôi không lưu tâm mấy đến nghề truyền thống của gia đình, nhưng từ nhỏ tôi phụ giúp gia đình và cảm nhận những khung vải đầu tiên. Khi đã theo đuổi, tôi lại tìm thấy rất nhiều niềm vui, niềm cảm hứng và có thể nỗ lực một cách không mệt mỏi để làm tốt nhất vai trò cung cấp nguyên liệu cho ngành thời trang Việt.
12 năm trước, chúng tôi là đơn vị tiên phong ở Việt Nam cung cấp đồng phục may đo cho các doanh nghiệp lớn. Trong lúc tìm kiếm nguyên liệu, tôi chợt nhận ra thị trường vải vóc ở Việt Nam đã rất cũ.
Tôi từng tới hội chợ lớn nhất toàn cầu về trưng bày các nguyên liệu ngành may mặc và rất ấn tượng vì ngay từ lúc đó, thế giới đã nói đến những loại vải vừa tốt cho người mặc, vừa thân thiện với môi trường. Tôi đã luôn tự hỏi: Tại sao có quá nhiều thứ hay ho như thế mà chúng ta lại chưa cung cấp cho thị trường trong nước?
Hành trình tìm ra các loại sợi mới không khó nhưng để thương mại hóa được chúng lại chẳng hề dễ dàng. Ví dụ, khi đi tới các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, tôi được tiếp cận rất nhiều loại sợi khác nhau làm từ: bắp (ngô), café, sen, sữa, bạc hà, ngải cứu, chuối, dứa… Nhưng mình phải nhận diện được loại sợi nào mang tính ứng dụng cao và khi làm ra thành phẩm sẽ khả thi, có mức giá hợp lý nhất.
Phần lớn sợi của chúng tôi được làm từ 2 loại công nghệ: sinh học và polymer. Tiêu biểu cho 2 công nghệ là sợi sen, bã café, bạc hà, sợi tái chế từ vỏ chai nhựa…
Bã café sẽ được chúng tôi xử lý bằng cách thêm vào một số sợi PET để đệm và dệt thành những xơ dài, sau đó mới tạo ra sợi và dệt vải. Hoặc sợi sen hay sợi từ cellulose bạc hà được làm từ bột xay từ lá và thân bạc hà, hoặc lá và hạt sen…
Mặc dù sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tất cả loại sợi nêu trên đều đáp ứng hai yêu cầu cơ bản. Thứ nhất, nó giúp tái tạo rác thải trong thiên nhiên. Chẳng hạn, bã cafe nếu không được xử lý đúng cách sẽ tạo ra khí metan - một trong những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính.
Thứ hai, các loại sợi này đều có tính năng bền vững, tức là dù đã trải qua công đoạn giặt ủi, dệt, may… bao nhiêu lần vẫn giữ được đầy đủ tính chất ban đầu. Ví dụ sợi từ bã cafe có tính khử mùi, sợi sen giàu ion âm, collagen rất thân thiện và làm mát cho da…
12 năm trước, sợi bền vững là khái niệm rất xa lạ với người Việt và ngay cả trên thế giới, mức giá của nó cũng khá cao. Phương châm của chúng tôi là bất kể sản phẩm dù có xịn sò tới đâu về mặt công nghệ cũng phải đem đến được cho càng nhiều người dùng càng tốt.
Để làm được như vậy, Faslink phải có tổ hợp các giải pháp đồng bộ. Ngay từ đầu, tôi sẽ phải cố gắng thương lượng với tất cả đối tác làm sợi mức giá hợp lý nhất.
Thứ hai, chúng tôi luôn cố gắng giúp tất cả mọi người có cảm nhận tốt về sản phẩm. Tính năng bảo vệ sức khỏe hoặc các chỉ số đóng góp cho vấn đề bảo vệ môi trường đều được nghiên cứu, công bố minh bạch. Từ đó, dù phải mua với giá cao hơn 30-40% nhưng chắc chắn các nhãn hàng sẽ không còn lăn tăn.
Nguyên liệu của Faslink trải qua 5-7 năm vẫn bền vững. Nó khá vượt trội nếu tính về hiệu quả kinh tế. Dĩ nhiên nói đến tính thời trang, người ta cũng cần sự thay đổi nhưng tôi thấy hiện có rất nhiều bạn trẻ thích trang phục cơ bản, dễ mặc, có đầy đủ tính năng như: nhanh khô, khử mùi, không phải ủi… Đây là xu hướng mà 5-7 năm nay ở các nước rất phát triển. Tại Việt Nam, mọi thứ cũng đang dịch chuyển theo hướng đó.
Thứ ba, chúng tôi luôn cần có những người tiên phong đi cùng mình. Hiện nay, Faslink đang có hơn 50 đối tác là các thương hiệu hàng đầu trong nước. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà máy dệt. Nhờ vậy, Faslink đã làm được những chuyện mà ban đầu ai cũng nghĩ rằng nó rất lý thuyết.
Nếu chọn một từ khóa để khái quát lại toàn bộ quãng đường 12 năm đã qua, tôi nghĩ mấu chốt nằm ở hai chữ kiên định.
Ví dụ hồi xưa khi làm ra vải bamboo, chúng tôi đã phải đi vào một nhãn hàng lớn ở Việt Nam tới 9 lần trong gần 1 năm để thuyết phục khách hàng. Bạn biết không, sản phẩm chỉ có 1 nhưng 9 lần gặp họ, câu chuyện phải khác đi. Tới giờ, kỉ niệm đó vẫn được lan truyền qua các thế hệ sale ở công ty tôi như một ví dụ điển hình về lòng kiên trì.
Bí kíp của chúng tôi khi thuyết phục khách hàng là không nói quá nhiều về kỹ thuật. Thay vào đó, chúng tôi nhắc nhiều hơn đến các tính năng của sản phẩm và cố gắng kết nối nó vào trong cảm xúc của khách hàng.
Chính nhờ sự kiên trì và tấm lòng đồng cảm với người tiêu dùng như thế, trong 5 năm qua, Faslink có khá nhiều hợp đồng lớn trị giá hàng triệu đô. Chúng tôi đã có nhiều chương trình thương mại hóa thành công hàng triệu sản phẩm ngay trong mùa đầu tiên và cũng đang kỳ vọng sợi polo café sẽ cán mốc doanh số 20 triệu chiếc trong năm nay.
Nếu nói về thành công, tôi nghĩ Faslink luôn bị ám ảnh vì cụm từ "first in the world" và đã làm rất tốt điều đó.
Ví dụ 12 năm trước, chúng tôi là đơn vị tiên phong trên thế giới thương mại hóa sơ mi bamboo (vải sợi tre)…và đến nay đã bán được hàng chục triệu sản phẩm. 3 năm trước, Faslink cũng là công ty tiên phong trên thế giới thương mại hóa thành công Sơ mi, Polo từ sợi càfe. Đến giờ, chúng tôi cung cấp khoảng gần 10 triệu chiếc cho thị trường nội địa. Hoặc như vải sợi sen, chúng tôi cũng là những người tiên phong làm ra chiếc sơ mi sen… Các ví dụ như thế rất rất nhiều.
Ngoài ra, để khái quát về những gì đã làm được, tôi nghĩ Faslink có một chút tự hào về 2 điều như sau.
Thứ nhất, Faslink đang nỗ lực từng ngày để đưa những công nghệ sợi mới nhất thế giới về Việt Nam, giúp người tiêu dùng trong nước có thể tận hưởng, trải nghiệm được sản phẩm tốt nhất.
Thư hai, chúng tôi rất tự hào vì đang đồng hành, giúp đỡ những người trẻ tài năng, xác định công nghệ may là nghề mà mình đam mê và sẽ tiếp tục học tập, theo đuổi.
Trong quá trình vừa qua, sản phẩm của chúng tôi vẫn là kết quả của việc kết nối các hub lớn trên thế giới.
Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi đã hiện thực được ấp ủ rất lớn đó là người Việt tự làm chủ 100% về mặt công nghệ và đã sản xuất được các loại vải bền vững. Chúng tôi đã cung cấp cho thị trường trong nước. Cuối năm nay, Faslink sẽ tổ chức hội chợ tại Mỹ, Đức để giới thiệu vải và các sản phẩm "Made in Việt Nam" được làm từ những nguyên liệu như sen, vỏ hàu, bã café… đến bạn bè quốc tế.
Thực tế, Faslink đã phải đi tới rất nhiều nhà máy dệt để thuyết phục. Sau hơn 10 lần gặp gỡ nhiều đối tác, chúng tôi mới tìm được người đồng cảm và dám đi tiên phong với mình. Bởi vì tâm lý nhà sản xuất sẽ luôn phải lo cho công nhân, máy móc có việc chạy liên tục và họ thường thích cái gì dễ làm, ra sản lượng nhiều hơn.
Nhưng tôi thực sự phải cám ơn Covid-19. Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và khiến nhiều người nhận ra: không thể chỉ làm mãi những thứ đã cũ.
Trong hành trình tạo ra tấm vải, chúng tôi sẽ chuyển sợi miễn phí và đồng hành với nhà máy dệt từ đầu tới cuối. Khi họ làm ra mẫu vải thử, chúng tôi lại tự tay mang đi kiểm tra tại nước ngoài vì hầu hết các phòng thí nghiệm trong nước không có đủ máy móc. Toàn bộ chi phí thẩm định, chúng tôi đều phải chịu. Tiếp theo, Faslink sẽ làm truyền thông cho sản phẩm và cuối cùng, hoặc là chúng tôi tự đem sản phẩm mới này đi bán, hoặc giới thiệu khách tới nhà máy để mua.
Faslink trong 5-10 năm tới sẽ là một hub đúng nghĩa nơi hội tụ của nghiên cứu và công nghệ, cung cấp nhiều nguồn lực cho các sản phẩm thời trang bền vững. Khách hàng có thể tới đây để mua, nghiên cứu các loại sợi, vải đa dạng: sơ mi, quần tây, vải jean, underwear, polo, thun, vớ, giày… được làm từ bã café, sợi sen, vỏ hàu, bạc hà, sợi nano…và các form dáng sản phẩm hiện đại, và các thiết kế đảm bảo công năng cao và yếu tố thẩm mỹ.
Thứ hai, ở thị trường trong nước, mục tiêu của Faslink là làm sao cho 100 triệu dân tiếp cận nhiều hơn nữa với các loại vải sợi mới. Faslink đang đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 2-3 lần trong từ nay đến năm 2025.
Thứ ba, chúng tôi ý thức rằng việc phát triển nhân tài trong ngành này rất quan trọng. Faslink rất hy vọng sẽ hỗ trợ phát triển nhiều người giỏi, cũng như bản thân chúng tôi sẽ nỗ lực đóng góp được nhiều hơn giúp ngành dệt may Việt Nam được thế giới công nhận, biết tới trong vai trò là một trung tâm mới về kinh tế tuần hoàn và thời trang bền vững.
Đó là may mắn lớn khiến chính tôi còn bất ngờ. . Lý do Faslink được chọn có lẽ vì chúng tôi đi đúng xu thế mới hiện nay. Họ đọc hiểu Faslink rất nhanh và đánh giá cao việc chúng tôi đã tiên phong thương mại hóa được nhiều loại sợi bền vững. Họ rất muốn Faslink chia sẻ về điều này tại diễn đàn APEC.
Đặc biệt, sau khi cầm và trải nghiệm các sản phẩm, họ còn hỏi chúng tôi có sẵn sàng để tiếp đón những khách hàng quan tâm đến sản phẩm? Nếu được, họ sẽ gửi thông tin sản phẩm của Faslink tới những người như vậy để hai bên kết nối.
Tôi cũng rất kỳ vọng, sau sự kiện này, Faslink có thể xây dựng được hợp đồng với đối tác nước ngoài. Có thể đó không phải là những ký kết triệu đô nhưng quan trọng, sản phẩm của người Việt đã vươn tới biển lớn, được bạn bè quốc tế công nhận.