Mcredit là một trong những công ty tài chính tiêu dùng non trẻ nhất trong hệ thống tài chính Việt Nam. Ra đời cách đây 6 năm (tháng 12/2016), với tuổi đời hoạt động trên thị trường chỉ bằng một nửa thời gian so với các đối thủ cạnh tranh khác, nhưng Mcredit – với tên gọi đầy đủ là Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Shinsei Bank của Nhật Bản – đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ khi vươn lên vị trí thứ 4 thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vào năm 2020, rồi sau đó là Top 3 vào năm 2021 và giữ vững thị phần ấy cho đến nay.
Trong 2 năm qua, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có ngành tài chính - ngân hàng gặp khá nhiều thách thức, khó khăn, song Mcredit vẫn phát triển ấn tượng. Theo ông Lê Quốc Ninh - CEO của Mcredit chia sẻ, số lượng khách hàng công ty này phục vụ chỉ riêng năm 2021 đã cao gấp hơn 2 lần so với tổng lượng khách hàng phục vụ trong giai đoạn từ 2017 – 2020. Năm 2022, lượng khách hàng tiếp tục tăng mạnh mẽ, giúp Mcredit tăng thị phần lên khoảng 11.7% thay vì mức 9.4% của năm 2021. Không chỉ phục vụ được lượng khách hàng lớn với tiềm lực mạnh mẽ cùng những “bí kíp” trong hoạt động, Mcredit đã vươn lên vị trí số 1 thị trường tài chính về hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Thị trường tài chính tiêu dùng manh nha từ 2007 – 2008 với sự phát triển của một số công ty tài chính nước ngoài, tới giai đoạn 2011-2012 là sự xuất hiện của FeCredit và sau đó là HD Saison. Với tuổi đời chưa bằng một nửa so với các “ông lớn” đi trước, Mcredit (12/2016) được đánh giá là đã làm rất tốt, để đến hết năm 2020 chiếm lĩnh vị trí thứ 4 thị phần.
Đi sau, cách nhanh nhất để bắt nhịp đó là học hỏi từ thị trường và các đối thủ cạnh tranh. Nói một cách “trần trụi”, đó là bắt chước. Mcredit không phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, người đi sau không có nghĩa sẽ chỉ bắt chước rập khuôn. Đi sau là để khiêm nhường lùi lại học hỏi và chắt lọc những điều tốt nhất, từ đó làm khác đi bằng triết lý của mình. Điều này được chứng minh ở Mcredit – một đơn vị đã nỗ lực vươn lên và thoát khỏi cái bóng của những người đi trước. “Một đơn vị đi sau nếu chỉ bắt chước thiếu nhanh nhạy sẽ khó phát triển. Nhưng đi sau nhằm chủ động tạo cho mình một không gian đủ rộng để quan sát toàn cảnh thị trường tốt hơn, bắt nhịp và vẽ ra xu hướng mới, sẽ đem lại một kết quả khác. Và để làm được như vậy cần có những bước đi mạnh dạn, táo bạo và quyết liệt” – ông Lê Quốc Ninh thẳng thắn chia sẻ về việc học hỏi thị trường Mcredit giai đoạn đầu.
Để có thể tạo nên sự khác biệt trên thị trường tài chính tiêu dùng sôi động, Mcredit có hai bí quyết. Đầu tiên là nội lực mạnh từ 2 chủ sở hữu, bao gồm Tập đoàn MB và Ngân hàng Shinsei của Nhật Bản. Nội lực Mcredit có được là về mọi mặt, đặc biệt là tài chính, công nghệ và tính kỷ luật của chủ sở hữu. Tất cả những việc đó được thể hiện qua con người, cách làm của MB và Shinsei khi họ cử người tham gia vào Mcredit. Thứ hai, mặc dù tài chính tiêu dùng còn khá mới mẻ với các chủ sở hữu thời gian đầu (năm 2016-2017) nhưng với trải nghiệm, và tinh thần của một start-up là khát vọng vươn lên, thu hút được nhiều nhân tài cùng khả năng sáng tạo đã giúp Mcredit tạo ra được nền tảng và có được kết quả tốt trong những năm đầu tiên.
Năm 2021, sau 5 năm hoạt động và đã đạt được vị thế nhất định trên thị trường cũng là lúc Mcredit nhìn lại, xem chiến lược và chiến thuật của mình sử dụng vào thị trường đã thực sự tương xứng với tiềm năng hay chưa. Trong quá trình “tự kiểm toán” lại chính mình, Mcredit đã nhận ra nhiều điều, cả tích cực và cả những thứ cần cải thiện. Đó cũng là lúc họ quyết định khởi động cho một chương trình chiến lược phát triển giai đoạn mới - giai đoạn 2022-2026.
Một trong những chiến lược của Mcredit trong giai đoạn 2022-2026 là vươn lên số 1 về mặt hiệu quả, Top 2 về quy mô, và phục vụ được lượng khách hàng tiềm năng gấp khoảng 10 lần so với năm 2020.
Đi kèm với xây dựng mục tiêu là các chương trình thực hiện sáng kiến chiến lược. Mcredit chọn phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, thay vì lấy sản phẩm làm trung tâm như thị trường đang làm. Công ty xác định phải chuyển đổi thật nhanh, phải trở thành người dẫn đầu thay vì là người bắt chước tốt nhất. “Chỉ như vậy, Mcredit mới tạo dựng được vị thế mới trên thị trường, ghi dấu ấn với thị trường cũng như khách hàng” – ông Lê Quốc Ninh chia sẻ.
Kết quả có được trong năm 2021 và 2022 là thành quả của bước đầu triển khai chiến lược giai đoạn tiếp theo của Mcredit. Bằng mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, bằng tầm nhìn trở thành dịch vụ tài chính số thuận tiện nhất cho khách hàng, những chuyển đổi của Mcredit đã được thị trường đón nhận rất tích cực.
Chẳng hạn Mcredit đã cung cấp được dịch vụ tài chính cho khách hàng không cần điểm chạm vật lý. Điều này thể hiện rõ trong năm 2021 khi Việt Nam đối mặt dịch Covid nặng nề từ tháng 5 đến tháng 10. Những công cụ số Mcredit áp dụng đã tạo ra đa dạng cách thức giúp khách hàng tương tác với tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính một cách thuận lợi.
Hay về chuyển đổi số, Mcredit đã chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ trên cơ sở phân tích dữ liệu và cá nhân hóa khách hàng, qua đó việc đánh giá rủi ro về mặt tín dụng được nhanh chóng hơn. Có thể xử lý nhanh những khâu này giúp Mcredit cải thiện thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đồng thời khách hàng cũng tìm đến Mcredit nhiều hơn qua những tiện ích đó.
Với chi phí vận hành thấp hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, không chỉ hoạt động của Mcredit diễn ra thuận lợi hơn mà còn giảm được lãi suất cho khách hàng. Một cách hữu xạ tự nhiên hương, khách hàng đã đến với Mcredit trong năm 2021 bằng toàn bộ hơn 4 năm trước cộng lại, nhận thức thương hiệu của Mcredit từ 39% năm 2021 đã tăng lên 67% năm 2022 (tăng gần 71% so với năm 2021). Đó là những minh chứng tích cực cho sự chuyển đổi của Mcredit.
“Chúng tôi không khoe rằng mình có những cái này, cái kia mà chứng minh bằng chất lượng dịch vụ cũng như số lượng khách hàng Mcredit được phục vụ. Không chỉ số khách hàng, số lượng giao dịch tạo ra của Mcredit cũng tăng gấp 3-4 lần so với trước đây”- ông Lê Quốc Ninh tự hào nói.
Thực tế, Mcredit đã bứt tốc rất nhanh trong năm 2021 và 2022. Nếu như năm 2020, thị phần của Mcredit mới chỉ khoảng 6.4%, đến năm 2021 đã lên 9.6% và năm 2022 ước tính khoảng 12% - một sự tiến bước về phía trước vững chắc.
Ông Lê Quốc Ninh cũng chia sẻ, mục tiêu giai đoạn 2022 – 2026 về hiệu quả Top đầu thị trường sẽ đo bằng 2 chỉ tiêu chính. Một là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và hai là lợi nhuận trên nhân sự (năng suất lao động). Hiện tại Mcredit đang có ROE dẫn đầu thị trường với tỷ lệ xấp xỉ 41% (ngân hàng có ROE cao nhất mới chỉ khoảng 30%). Trong tương lai tỷ lệ này có thể giảm xuống bởi công ty có kế hoạch tăng mạnh vốn chủ, nhưng sẽ phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu. Còn về năng suất lao động, Mcredit cũng đã xây dựng lộ trình rõ ràng và sẵn sàng. “Tất cả những chuyển đổi ở Mcredit đều đang tạo ra hiệu quả. Chúng tôi vận hành hệ thống rẻ hơn, tiết kiệm chi phí, chuyển đổi số tốt hơn để phục vụ khách hàng nhiều hơn. Tốc độ tăng nhân sự của chúng tôi thấp hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng hoạt động, bên cạnh đó còn tối ưu nhân sự nữa nên cũng sẽ cán mốc sớm về hiệu quả lợi nhuận trên đầu người” – ông Ninh nói, đồng thời tự tin rằng các mục tiêu dẫn đầu đều trong tầm tay.
Nửa đầu năm 2022 thị trường khá thuận lợi, nhưng nửa cuối năm, nhất là từ tháng 9, nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề lạm phát, cộng với một số yếu tố như lãi suất tăng khiến chi phí đầu vào tăng, room tín dụng bị hạn chế khiến cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Mcredit đã dự báo sớm vấn đề nhờ nghiên cứu thị trường và đánh giá các tín hiệu nên chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp. “Chúng tôi xác định rằng, Mcredit sẽ luôn đồng hành cùng khách hàng, luôn tìm cơ hội để cung ứng được tối đa dịch vụ cho các khách hàng thực sự có nhu cầu. Và với sự tin tưởng từ khách hàng, mặc dù khó khăn trong quý 4 năm nay – quý thường có kết quả kinh doanh đột phá, thậm chí có năm bằng cả 3 quý trước cộng lại – nhưng Mcredit vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra, từ thị phần, quy mô, chất lượng tài sản đến hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận” – ông Lê Quốc Ninh chia sẻ.
Dự kiến những khó khăn của nền kinh tế như chi phí vốn cao hơn và “dù có room cũng không có tiền cho vay” như lời của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng từng nói vào tháng 11/2022, song theo ông Lê Quốc Ninh, với nội lực của mình Mcredit sẽ biến khó khăn chung thành cơ hội, cố gắng phát huy lợi thế của mình một cách tối ưu và tăng cường thêm khả năng cung ứng dịch vụ đến những khách hàng tốt, khách hàng có nhu cầu thực sự. Việc phục vụ được đúng khách hàng, đúng đối tượng cũng làm giảm thiểu rủi ro tín dụng và tăng thêm hiệu quả cho Mcredit trong năm 2023. Điều đó còn đồng thời đáp ứng đúng chủ trương của Đảng, của Chính phủ là hỗ trợ khách hàng một cách kịp thời, cung cấp các dịch vụ một cách vừa đúng vừa nhanh chóng, thuận tiện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen – xây dựng hình ảnh ngành tài chính tiêu dùng theo bản chất tốt đẹp vốn có.
Nói đến cho vay tiêu dùng, thường thị trường chỉ biết đến sản phẩm cho vay tiền mặt và cho vay trả góp, gần đây thêm mảng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, Mcredit lại khác, chúng tôi cung cấp cho khách hàng nhiều hơn các sản phẩm dịch vụ, từ cho vay tiền mặt, cho vay trả góp, thẻ tín dụng cho đến những dịch vụ liên kết với tập đoàn trong hệ sinh thái MB. Trên tinh thần “Hiệp lực tập đoàn”, chúng tôi đã có những sản phẩm tối ưu từ đơn vị trong hệ thống như sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của MBAgeas life, hay sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ của MIC Mcredit, hướng tới cung cấp các dịch vụ tiện ích về tài chính, bảo hiểm, hướng tới nhu cầu của khách hàng chứ không chỉ sản phẩm dịch vụ đơn thuần là cho vay như trước đây” – ông Lê Quốc Ninh chia sẻ.
Song song đó, Mcredit cũng chuyển đổi và hình thành rõ ràng 5 kênh bán hàng. Đó là kênh vật lý truyền thống (nhân sự bán hàng) và thông qua đối tác là các cửa hàng bán lẻ/ các điểm đại lý; kênh bán hàng qua điện thoại; kênh bán hàng qua đối tác chiến lược (là những đối tác chiến lược lớn của MB như Viettel, các ví, các trang thương mại điện tử); kênh số (là app, website, khách hàng sử dụng dịch vụ và trải nghiệm dịch vụ hoàn toàn không cần sử dụng điểm chạm); và cuối cùng là kênh thẻ.
Riêng ở sản phẩm thẻ tín dụng, Mcredit đang đầu tư và phát triển mạnh mẽ, mới nhất là kho thẻ kết hợp với Napas, dự kiến sẽ “golive” trong thời gian tới để gia tăng nhiều tiện ích cho khách hàng. Với thẻ mới, khách hàng không chỉ dùng để thanh toán nội địa mà còn có thể rút tiền họ vay của Mcredit ở bất cứ cây ATM nào, bất cứ nơi đâu.
Ngoài sản phẩm và dịch vụ đa dạng, thuận tiện, văn hoá doanh nghiệp của Mcredit còn kế thừa được những giá trị tốt đẹp của chủ sở hữu. Đặc biệt, sự kỷ luật, giá trị nhân văn của MBBank đã được Mcredit kế thừa và áp dụng triệt để.
“Tài chính tiêu dùng với mục tiêu ra đời là cung cấp dịch vụ cho các khách hàng không tiếp cận được nguồn chính thống từ ngân hàng, với chi phí rẻ. Mục tiêu này đã chứa đựng yếu tố nhân văn trong đó. Mcredit luôn hoạt động với tinh thần thượng tôn pháp luật và cách thức giải quyết vấn đề luôn chứa đựng yếu tố nhân văn. Với tinh thần như vậy, Mcredit đã tạo ra sự khác biệt đối với cách thức cung cấp dịch vụ so với các đối thủ cạnh tranh” – ông Lê Quốc Ninh chia sẻ.
Còn một “bí kíp” quan trọng nữa giúp Mcredit có những bước đi đột phá thời gian qua đó là sự dịch chuyển về chuyển đổi số và dữ liệu. Công ty đã đầu tư nền tảng hạ tầng về CNTT, dữ liệu và phân tích dữ liệu ở mức rất lớn. Như lời của CEO công ty này, mức đầu tư là lớn nhất thị trường tài chính tiêu dùng và thậm chí còn lớn hơn cả ở một số ngân hàng trung bình và nhỏ. Với nguồn lực mạnh, cộng với đội ngũ nhân sự đang dịch chuyển dần từ tư duy truyền thống sang tư duy số (dịch chuyển mindset) cùng tầm nhìn xa hơn và cung cấp sản phẩm dịch vụ số tới khách hàng đúng lúc, đúng người, đúng chỗ, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quy trình của Mcredit đã ở cấp độ số hóa, giúp cho khả năng cung ứng dịch vụ rẻ hơn, nhanh hơn, tiện lợi hơn và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.