Những ngày cuối năm, khi nhà nhà tập trung nhiều hơn cho căn bếp gia đình, sếp của doanh nghiệp mệnh danh "Vua chảo" chia sẻ với chúng tôi về khát vọng vươn ra khỏi căn bếp, vượt qua biên giới Việt Nam với thương hiệu Sunhouse.
Chừng 5 – 6 năm về trước, Sunhouse từng được một tập đoàn rất lớn trên thế giới hỏi mua, với mức giá không tưởng.
"Mức giá họ đề nghị mua có thể đồng ý ngay. Đấy cũng là thời điểm Sunhouse quyết định có bán mình vì tiền hay không, hay chúng ta làm tiếp", ông Lê Tùng - Giám đốc chiến lược Tập đoàn Sunhouse – nhớ lại.
Và Sunhouse tiếp tục đi trên con đường phát triển thương hiệu Việt, chinh phục người Việt với một khát vọng đau đáu: Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gia dụng nào bước qua lãnh thổ Việt, khẳng định được thương hiệu toàn cầu giống như Samsung, LG của Hàn Quốc.
Ba lần liên tiếp là thương hiệu duy nhất trong ngành hàng Gia dụng được vinh danh là Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Việc khẳng định thương hiệu Việt và chinh phục người tiêu dùng Việt của Sunhouse hiện nay có khó khăn như trước không, thưa anh?
Ông Lê Tùng - Giám đốc chiến lược Tập đoàn Sunhouse: Hơn 20 năm hình thành và phát triển, chuỗi giá trị của Sunhouse ngày càng mở rộng ở Việt Nam.
Từ giai đoạn đầu chỉ tập trung vào thương mại và một phần nhỏ liên quan đến sản xuất, hiện chuỗi giá trị của Sunhouse trải dài từ khâu R&D, nguyên vật liệu, sản xuất, kênh phân phối, sở hữu thương hiệu… Đó là chuỗi giá trị gần như trọn vẹn, và lớn nhất của một doanh nghiệp, với nền tảng được xây trong rất nhiều năm.
Chu kỳ dịch chuyển nền tảng sản xuất từng đi từ Châu Âu về Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Trung Quốc. Giờ đây Việt Nam, Indonesia đang là các điểm đến triển vọng, nhưng phải nhìn nhận một cách thực tế là Việt Nam không mạnh trong các khâu R&D (nghiên cứu và phát triển) và quản trị chất lượng sản phẩm.
Đó cũng là những khâu Sunhouse tập trung trong 5 – 7 năm qua. Chính nền tảng của Sunhouse đã giúp chúng tôi trở thành - đối tác sản xuất cho một số tập đoàn gia dụng lớn nhất nhì thế giới tại Mỹ (chúng tôi không tiện nêu tên vì thuộc bí mật doanh nghiệp). Nhưng bạn biết đấy, Mỹ là một thị trường gần như khó tính nhất thế giới, để xuất khẩu được một sản phẩm phải qua hàng trăm bài test, đạt một loạt chứng chỉ.
Sunhouse có thể tự hào gần như là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam trong ngành hàng gia dụng có thể làm được điều ấy. Đó chính là nền tảng lý giải tại sao Sunhouse tự hào là Thương hiệu Quốc gia và tại sao chúng tôi có thể chinh phục được người Việt.
Mở rộng chuỗi giá trị từ nhiều năm trước, vì đâu Sunhouse lại lựa chọn thời điểm này để kể lại hành trình sản phẩm từ lúc ra đời đến khi về với căn bếp của các gia đình Việt trên bao bì sản phẩm?
Giống như "máu" của Sunhouse từ xưa tới giờ: Cứ làm đã, không nói trước. Câu chuyện được kể trên bao bì giới hạn phiên bản Tết này nằm trong định hướng về thương hiệu trong những năm tiếp theo của chúng tôi với khẩu hiệu "Tự hào chất Việt". "Tự hào chất Việt" được Sunhouse định nghĩa nằm trên 3 yếu tố: Con người, Trí tuệ và Văn hóa.
Về Trí tuệ, giờ chúng ta đã là những người sở hữu trí tuệ và R&D, quản trị sản phẩm – những khâu mà trước đây, chúng ta chỉ có thể chạy theo.
Về Con người, có thể trước đây chúng ta là người dân của một đất nước còn đang phát triển, chưa thực sự có những "con người" sản xuất, R&D, QC (Quality Control – Kiểm soát chất lượng)... Nhưng các doanh nghiệp trong đó có Sunhouse đã chứng minh: những con người mang dòng máu Việt hoàn toàn có thể làm được điều ấy, tương đương con người ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc,... và đáp ứng tiêu chuẩn thế giới.
Cuối cùng, Văn hóa Việt được thể hiện thông qua các sản phẩm của Sunhouse. Nó được thấm nhuần từ cách Sunhouse chinh phục thị trường trong nước, để rồi từ thị trường Việt Nam, nền văn hóa ấy sẽ được mang ra thế giới.
Ấp ủ lớn nhất của Sunhouse thời gian tới chính là làm sao để thế giới thấy được văn hóa Việt chinh phục thị trường quốc tế nhờ trí tuệ Việt như thế nào. Đấy chính là niềm khao khát, là sứ mệnh mà Sunhouse đặt ra để tiếp tục phát triển.
Trước nay tôi nghe rất quen tai slogan "Nhà là bếp. Bếp là Sunhouse", nhưng có vẻ định hướng kinh doanh của Sunhouse sắp tới không chỉ gói gọn trong căn bếp?
Hơn chục năm đầu, Sunhouse tập trung làm đồ gia dụng. Ai cũng biết Sunhouse bán đồ gia dụng, nhưng đồ gia dụng rất chung chung. Trong một đợt nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận ra rằng người tiêu dùng không nhận biết Sunhouse chính xác là gì, chỉ biết là cái gì cũng có. Khi đó, thị phần của Sunhouse ở tất cả các nhóm hàng chỉ ở mức tầm khoảng 20%.
Khi ấy, Sunhouse quyết định tập trung định vị là số 1 trong căn bếp. Toàn bộ chiến lược thương hiệu và truyền thông xoay quanh khu bếp, vì thế có slogan "Nhà là bếp. Bếp là Sunhouse".
Kết quả: Sau 4 năm, người tiêu dùng "ghim" rất tốt câu chuyện Sunhouse là những gì trong bếp, đồng thời giúp thị phần của Sunhouse ở các nhóm sản phẩm trong bếp đều lên Top 1; và các nhóm sản phẩm ngoài bếp cũng tăng trưởng theo, lên Top 2, Top 3, và cũng có những nhóm lọt Top 1.
Đến thời điểm bây giờ, khi thị phần nhóm sản phẩm phục vụ căn bếp đã nằm trong Top rồi, chúng tôi quyết định mở rộng tiếp định vị thương hiệu, không chỉ "Nhà bếp", mà là "Nhà & Bếp". Chúng tôi từng bước mở rộng dải sản phẩm, không chỉ là gia dụng bếp mà còn có các thiết bị tiện ích gia đình khác để đem lại trải nghiệm cuộc sống toàn diện cho người Việt.
Chiến lược đó đã được xây dựng 7 năm, được hoạch định trước 10 năm và đang trong quá trình thực hiện.
Được biết Sunhouse đặt mục tiêu 10.000 tỷ doanh số năm 2025. Mục tiêu này có quá tham vọng không?
Mục tiêu này đã được Sunhouse đặt ra từ 5 năm trước, và cũng có lộ trình hành động cụ thể. Chúng tôi nhất định sẽ đạt được.
Nhìn lại hơn 20 năm phát triển, anh thấy điều gì đã làm nên thành công của Sunhouse?
Hai từ thôi - "Chân thực". Chân thực của Sunhouse đến từ hệ thống nhà phân phối, đại lý, hệ thống khách hàng, và ngay cả cách làm thương hiệu, cách đưa sản phẩm ra thị trường. Đó cũng chính là văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp, là con người của Chủ tịch Sunhouse.
Nhìn ra ngoài thị trường, văn hóa "Chân thực" được thể hiện bằng cách Sunhouse không bao giờ nói quá, nói trước những gì mình sẽ làm, mà hầu như Sunhouse sẽ làm, và làm được mới chia sẻ.
Sunhouse đang đi ra toàn cầu bằng cách nào?
Ban đầu, chúng tôi hợp tác sản xuất cho chính các thương hiệu thị trường quốc tế. Trở thành đối tác của họ cũng đồng nghĩa với việc Sunhouse được tiếp cận với những quy trình, quy chuẩn quốc tế cả về sản xuất, R&D, quản trị chất lượng sản phẩm… Chúng tôi vừa được ghi danh "Sản xuất bởi Sunhouse – Made in Vietnam" mà còn đem được những tiêu chuẩn cao đó về sản xuất và phục vụ thị trường nội địa.
Kế đến, chúng tôi từng bước tiếp cận thị trường quốc tế bằng chính những sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse. Ví dụ như tại Mỹ, sản phẩm Sunhouse đang được đón nhận rất tích cực trên Amazon.
Chính xác thì đâu là những thị trường quốc tế mà Sunhouse đang nhắm tới?
Sunhouse nhắm tới các thị trường có lợi thế cạnh tranh về thuế, Mỹ là một ví dụ.Bên cạnh đó, Sunhouse cũng đặt mục tiêu chinh phục thị trường Đông Nam Á. Chúng tôi đánh giá Indonesia là thị trường trọng điểm cần tập trung phát triển trước.
Sunhouse có tham vọng thế nào với các thị trường quốc tế?
Thị trường quốc tế đóng vai trò phát triển quan trọng trong mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2025 của Sunhouse. Với thị trường Indonesia, chúng tôi đặt mục tiêu chinh phục trong 3 năm. Còn với Mỹ, chúng tôi nhắm mục tiêu đến 2030, Sunhouse sẽ bước vào Top 10 các thương hiệu gia dụng cung cấp cho thị trường này.
Xin cảm ơn anh!