Một mùa Trung thu nữa lại tới. Năm nào cũng vậy, fanpage Trại Cá lại rôm rả đăng tải những món đồ truyền thống gợi nhớ những kí ức Trung thu xưa, nào là đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cù, nào là bánh trung thu nhân thập cẩm… Những món đồ ấy, tuy có thể giản đơn, nhưng thật khó để tìm ở những gian hàng hiện đại ngày nay. Thay vào đó, trẻ em bây giờ chuộng những món đồ chơi nhập khẩu, đa dạng, nhiều hình thù, nhiều màu sắc.
Chỉ có điều, những món đồ ấy được sản xuất công nghiệp hàng loạt còn những món đồ bày bán ở Trại Cá hầu hết đều được chị Mỹ chạy xe tới tận các làng nghề để tìm hiểu, kết nối với các nghệ nhân, cùng lên ý tưởng thiết kế để đưa ra những sản phẩm chất lượng… Gặp chị Mỹ vào một buổi sáng mùa thu Hà Nội, khuôn mặt bừng sáng ngọn lửa đam mê với nghề và khí chất của một người phụ nữ làm công việc kinh doanh để lại ấn tượng đặc biệt cho người đối diện.
Những món đồ chơi truyền thống được Trại Cá nâng niu thế nào, thưa chị?
Ghé thăm con phố Hàng Mã, tôi thấy những món đồ chơi truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng giữa "rừng" đồ chơi nhập khẩu, mọi người đều thích thú với những chiếc đèn lồng cá, đèn ông sao, ai nấy đều háo hức vui tươi và thích chụp những bức ảnh "check in" thú vị. Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng, đồ chơi truyền thống đang dần trở thành điều gì đó chỉ nằm trong ký ức. Tôi nghĩ rằng lý do chính không phải vì món đồ chơi đó không còn thú vị, mà do sự thiếu hụt về không gian, sự thay đổi trong phong cách sống.
Đa số các món đồ chơi Trung thu truyền thống liên quan đến tục "rước đèn", các bạn nhỏ sẽ cùng nhau cầm chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn cù lấp lánh ùa ra những con ngõ, những khoảng sân rộng, kết hợp với mặt nạ, trống… tạo nên những âm thanh rộn ràng vui tươi. Những hoạt động này đều cần đủ không gian công cộng, và sự kết nối, gần gũi giữa các gia đình.
Ngày nay, trẻ em có rất nhiều lựa chọn đồ chơi, càng ngày càng sáng tạo và nhiều chất liệu khác nhau. Chỉ cần vài cái click đơn giản trên các sàn TMĐT, chúng ta dễ dàng sở hữu thậm chí kể cả những món đồ chơi từ nước ngoài. Cũng có khi, chẳng cần đến đồ chơi, con trẻ được bố mẹ cho giải trí luôn bằng đa phương tiện vì sự tiện dụng và thông minh. Đồ chơi hiện đại tạo điều kiện cho trẻ có thể chơi một mình hoặc chỉ cần với 1-2 bạn, còn đồ chơi trung thu truyền thống cần có cả nhóm bạn, cả gia đình quây quần mới thấy vui.
Vậy, bằng cách nào có thể đưa đồ chơi Trung thu truyền thống trở lại gần gũi hơn? Tôi nghĩ, đem đồ chơi Trung thu truyền thống gắn liền với các trải nghiệm, như làm đồ chơi, cùng vẽ, cùng cắt dán…, trẻ em và cha mẹ sẽ có thêm khoảng thời gian kết nối, thư giãn bên nhau.
Vậy bánh trung thu truyền thống của Trại Cá đã được thay đổi ra sao để phù hợp với hiện tại?
Bánh Trung thu của chúng tôi do bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Anh Văn làm nên, sau đó được đặt trong hộp gỗ tinh xảo của những người thợ Rồng Tre; bên cạnh đó, thiết kế hộp bánh được nhấn nhá bằng bông song guột (làng mây tre Phú Nghĩa, Chương Mỹ), hoặc phụ kiện thêu tay (làng thêu Từ Vân, Thường Tín) tùy sản phẩm.
Bản thân tôi rất may mắn vì được làm việc với chú Văn bởi gần 40 năm làm nghề, chú tuy lớn tuổi nhưng luôn mang tinh thần cầu thị, cố gắng hoàn thiện sản phẩm của mình từng ngày. Vì thế, tuy bánh chú Văn vẫn giữ hương vị truyền thống nhưng cũng đã có những điều chỉnh nho nhỏ để phù hợp với khẩu vị thay đổi của người thưởng thức. Độ ngọt đã được điều chỉnh giảm một xíu tuy nhiên cũng không thể giảm được nhiều, trên thực tế, đường chính là chất bảo quản của bánh.
Bánh trung thu Trại Cá chọn không gói trong khay nhựa như mọi người thường thấy mà được gói bằng giấy kim loại bằng vàng để bánh giữ được tối đa hương vị truyền thống, cũng như giảm phát thải ra ngoài môi trường trong mùa trung thu. Làm việc với chú Văn, tôi học được rất nhiều điều quý giá.
Xuất phát điểm là một kiến trúc sư, công việc hiện tại có làm chị hài lòng không?
Tôi học chuyên ngành Kiến trúc lên Thạc sĩ, đã hành nghề hơn 2 năm, sau đó, tôi cảm thấy với nghề nghiệp này tôi khó cân bằng được công việc và đời sống cá nhân, tôi thiếu nhiều thời gian cho bản thân, gia đình. Tôi nghĩ rằng mình cứ tạm dừng kiến trúc đã, sau đó nếu thấy vững vàng hơn thì có thể trở lại sau. Vì vậy, tôi quyết định làm Trại Cá - bắt đầu với những món đồ nho nhỏ - xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân, đó là muốn được biết nguồn gốc, câu chuyện của mọi sản phẩm mình sử dụng.
Ở giai đoạn khởi nghiệp, chị gặp những khó khăn gì?
Như tôi đã chia sẻ, ý định đầu tiên khi mở tiệm là mong muốn người tiêu dùng có quyền được biết nguồn gốc xuất xứ những món đồ mình sử dụng. Do đó, tôi tự mình đi sâu vào các làng nghề hơn, góc nhìn cũng được mở mang hơn. Bạn có tin được không, người dân ở một nơi cách Hà Nội chỉ 30-40 km đã có sự xa cách "kinh khủng" trong suy nghĩ. Tức là, người ở làng nghề không hề biết người ở đô thị cần gì, ngược lại cũng vậy.
Càng đi sâu vào các làng nghề, tôi càng khâm phục trình độ làm đồ thủ công của người Việt Nam. Có một sự thật đáng buồn, trong khi người nước ngoài có thể "tận dụng" tài năng ấy của người Việt một cách khéo léo, nhiều người tiêu dùng của chúng ta lại mải mê chạy theo những thương hiệu nước ngoài mà không biết rằng những sản phẩm thủ công của Việt Nam cũng "xịn" chẳng kém.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng nhiều sản phẩm thủ công của Việt Nam rất tiềm năng, nhưng có những sản phẩm bắt buộc phải mai một, bị thị trường đào thải, vì không phù hợp với thời đại nữa.
Sau 6 năm làm Trại Cá, có một sự thật khác tôi nhận ra, thực ra người Việt rất yêu sản phẩm Việt Nam chứ không hẳn là luôn "sính ngoại". Người tiêu dùng Việt, họ còn ngần ngại với các sản phẩm Việt vì còn thiếu thông tin, thiếu những chứng nhận đảm bảo chất lượng và họ tìm đến các thương hiệu nước ngoài đã được minh chứng về chất lượng rõ ràng.
Vì vậy khi người Việt hiểu hơn, tiếp cận được thông tin, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ các sản phẩm Việt. Điều tôi vui nhất đó là khách hàng của Trại Cá 99% là người Việt Nam, chứ không phải "mấy đồ này chỉ bán cho Tây" như nhiều người nhận định.
Điều gì khiến chị áy náy nhất khi tiếp xúc với các nghệ nhân?
Có lẽ điều buồn nhất của nhiều nghệ nhân làng nghề là họ không tìm được người nối tiếp nghề của họ. Họ yêu nghề và khi bản thân đạt tới một trình độ nào đó, họ sẽ có nhu cầu được truyền lại. Tôi quan sát nơi nào có thế hệ trẻ, thế hệ con cháu tiếp nối, chắc chắn ở nơi đó, họ có rất nhiều tiềm năng phát triển, rộng mở trong tương lai.
Một nỗi buồn nữa đó là, đôi khi những nghệ nhân không được thỏa sức thể hiện kĩ thuật điêu luyện của mình. Một sản phẩm tinh xảo đặc biệt cần thời gian, nguyên liệu, mẫu mã… mà đôi khi các sản phẩm này rất khó tìm được người mua. Do đó, họ sẽ cần phải làm liên tục các sản phẩm đại trà để duy trì cuộc sống. Thậm chí, có một số cô bác phải làm hẳn sang một công việc hoàn toàn khác và chỉ còn làm sản phẩm thủ công vì sở thích, đam mê riêng.
Chị có e ngại về các "đối thủ" trong thị trường không?
"Buôn có bạn, bán có phường", đối với tôi, tất cả những thương hiệu đồ thủ công khác đều là những người bạn. Ngay từ ban đầu, tôi đã xác định mình luôn nhỏ bé. Thực lòng mà nói, càng nhiều người làm về mảng này, tôi càng cảm thấy có lợi. Vì chúng tôi sẽ cùng nhau mang sản phẩm thủ công đến gần cuộc sống thường ngày hơn.
Là một phần rất nhỏ trong hành trình ấy, tôi nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra để giúp kéo gần người sản xuất và người mua với nhau. Sau những năm vừa qua, chiêm nghiệm sau dịch bệnh, chiến tranh, các biến cố xảy ra trên thế giới, tôi tự thấy đối với mình, chỉ cần đi được đường dài đã là một thành công rồi. Mình đâu cần bùng nổ nhanh, doanh thu lớn mà tôi chỉ mong cuối hành trình này, biết đâu Trại Cá sẽ truyền được niềm cảm hứng cho thế hệ sau về việc kinh doanh những món đồ truyền thống.
Bản thân chị có từng tủi thân vì những món đồ truyền thống không được nhiều người hiện đại ưa chuộng không?
Trại Cá rất may mắn vì gần như được ủng hộ ngay khi bắt đầu, khách hàng luôn luôn là nguồn động lực lớn nhất của mình. Tuy vẫn còn nhiều khách hàng e ngại, nhưng tôi tin rằng qua thời gian khách hàng sẽ dần hiểu và đón nhận hơn. Đặc biệt, đối với sản phẩm thủ công đôi khi cần rất nhiều năm để chứng minh được chất lượng, khách hàng có được đủ trải nghiệm và bắt đầu lựa chọn.
Tôi tin chắc khi chính người Việt sử dụng sản phẩm Việt Nam nhiều hơn, sản phẩm Việt Nam sẽ càng được khẳng định trên thị trường thế giới. Từng ở nước ngoài một thời gian, tôi thấy Việt Nam thường chỉ được biết đến qua hai chữ "chiến tranh". Vì vậy, tôi hi vọng Việt Nam cũng sẽ tạo được bản sắc văn hoá riêng biệt, thể hiện lên từng món đồ, những vật dụng nhỏ hằng ngày. Đây sẽ là một hành trình dài, nhưng chúng tôi luôn lạc quan về ngày mai và cố gắng để làm tốt hơn mỗi ngày.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Bài viết: Ninh Linh.
Ảnh: Duy Anh.
Thiết kế: Hà Mĩ.