Năm 2015, anh Y Hưng Bya nhận bàn giao 1,7ha vườn cây cà phê từ người bố Y Tý Bya tại buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak. Người đàn ông 26 tuổi này đã bỏ việc tại một công ty Thái Lan hoạt động tại Israel để về trồng cà phê cùng gia đình theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thuộc chương trình NESCAFÉ Plan Việt Nam.
Quyết định của Y Hưng nghe có vẻ kỳ lạ khi nông nghiệp thường không phải lựa chọn hấp dẫn cho các lao động trẻ. Tuy nhiên với những người nông dân Dak Lak, lựa chọn của Y Hưng lại hoàn hoàn toàn hợp lý khi vườn cà phê tại đây hiện có thể cho thu nhập lên đến hơn 165 triệu đồng/ha và lợi nhuận trung bình khoảng 60 triệu đồng/ha.
Nhờ chương trình kể trên mà thu nhập của những hộ trồng cà phê tham gia dự án đã tăng 30% - 100% so với trước.
Điều này đến từ việc chương trình phân phối cho các hộ nông dân những cây giống có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh; hỗ trợ người nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, giúp họ thu hoạch được hạt cà phê chất lượng cao và bán được với giá tốt hơn; đồng thời còn hướng dẫn họ áp dụng mô hình trồng xen canh hợp lý từ đó tăng thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng đất.
Dù không phải là hộ gia đình tham gia sớm vào chương trình nhưng vườn cà phê của Y Hưng trong niên vụ 2021-2022 đã đem về hơn 284 triệu đồng.
Không những vậy, vườn cà phê của anh Y Hưng còn tiết kiệm được 40% lượng nước, không sử dụng thuốc trừ sâu hay diệt cỏ và đặc biệt là giảm được lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Đặc biệt, sản phẩm của Y Hưng không bắt buộc phải bán lại cho Nestlé mà Y Hưng hoàn toàn có thể lựa chọn người mua với mức giá có lợi nhất.
Trên thực tế, câu chuyện của gia đình nhà anh Y Hưng chỉ là một trong số hơn 21.000 hộ nông dân tại Dak Lak đang làm nông nghiệp tái sinh cùng NESCAFÉ Plan.
Trong nhiều thập kỷ, con người đã sản xuất phần lớn lương thực của mình thông qua hệ thống nông nghiệp truyền thống. Đây là kiểu canh tác cứng nhắc khi lặp đi lặp lại một loại cây trồng qua nhiều năm, lạm dụng lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nhằm gia tăng sản lượng. Lối canh tác này không được xây dựng để tồn tại lâu dài khi làm tiêu tốn các tài nguyên mà nó phụ thuộc vào.
Đây cũng là một vấn đề đau đầu cho cả các chính phủ lẫn những doanh nghiệp bởi nguồn lực đất-nước là có hạn và cùng với một mảnh đất, người nông dân sẽ khó tăng thêm sản lượng nếu không có những công nghệ hay phương pháp canh tác mới. Đó là chưa kể những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính gây ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng.
Như chúng ta đã biết, khoảng 95% thực phẩm của nhân loại được sản xuất trực tiếp hoặc gián tiếp trên đất nông nghiệp nhưng loại tài nguyên này lại đang bị hủy hoại đến mức báo cáo của Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2017 phải thừa nhận "đất đã trở thành một trong những nguồn tài nguyên dễ bị tổn thương nhất trên thế giới."
Tương tự, nước cũng là một nguồn tài nguyên thiết yếu cho cây trồng nhưng chúng đang bị sử dụng phung phí, bất hợp lý. Kể từ năm 1961 đến nay, việc tưới tiêu đã tăng gấp đôi trong nông nghiệp và hiện khoảng 20% tổng diện tích đất trồng trọt đang được tưới. Khoảng 70% lượng nước ngọt đang sử dụng trên toàn cầu là cho nông nghiệp và con số này có thể lên đến 90% ở một số nền kinh tế đang phát triển.
Trớ trêu thay, khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới đang phải sống ở các khu vực thiếu nước nghiêm trọng, tạo nên những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành cà phê nói riêng. Đó là chưa kể đến nguồn nước bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp và sinh hoạt.
Thế rồi câu chuyện đa dạng sinh học cũng là vấn đề khi mất đa dạng di truyền làm giảm khả năng phục hồi tự nhiên của các hệ thống sản xuất trước sự tấn công của sâu bệnh và bệnh thực vật, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và dùng các giống có năng suất cao đã góp phần làm tăng gấp 3 sản lượng cây trồng kể từ năm 1960 nhưng cũng góp phần làm suy giảm hệ sinh thái.
Trong bối cảnh toàn cầu phải ứng phó với khủng hoảng đa phương diện như vậy, nông nghiệp tái sinh (Regeneration Agriculture) lại đem đến một cách tiếp cận tích cực hơn với nguồn lương thực trong dài hạn, một cơ hội tái sinh về môi trường, và một tương lai ấm no hơn cho nhà nông.
Cụ thể, nông nghiệp tái sinh là một cách tiếp cận trong canh tác nhằm cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Đất khỏe hơn sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và có thể tăng năng suất, giúp cải thiện sinh kế của nông dân.
Với phương pháp canh tác mới này, bất kỳ chất thải nông nghiệp nào được tạo ra vẫn sẽ nằm trong hệ sinh thái đó. Ví dụ như đưa tàn dư cây trồng vào đất, sử dụng tần suất làm đất thích hợp và trồng cây chắn gió, che phủ cây trồng hoặc các dải cỏ lâu năm bản địa để giảm bụi.
Bên cạnh đó, nông nghiệp tái sinh cũng có thể giúp tiết kiệm năng lượng đầu vào hơn so với canh tác truyền thống.
Thông thường, các trang trại sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để làm khô ngũ cốc, sản xuất phân bón, máy móc truyền động và tạo ra điện dùng cho mục đích sưởi ấm và chiếu sáng. Ở các nước đang phát triển, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm cho 35% lượng phát thải khí nhà kính trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ là 12%.
Với nông nghiệp tái sinh, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng không thể tái sinh được cắt giảm và mang lại lợi ích cho môi trường. Các công nghệ và kỹ thuật canh tác khoa học sẽ giúp hạn chế sử dụng máy móc và tiết kiệm nhiên liệu.
Ngoài ra, nông nghiệp tái sinh còn sử dụng nhiều phương pháp đã được phát triển để giữ đất tại chỗ, bao gồm giảm hoặc loại bỏ việc làm đất, quản lý tưới tiêu để giảm dòng chảy và giữ cho đất được bao phủ bởi thực vật hoặc lớp phủ.
Điều đặc biệt nữa với lối canh tác mới là người nông dân có thể lựa chọn các loài và giống phù hợp với địa điểm, điều kiện của từng vùng canh tác để có thể cải thiện năng suất cũng như đa dạng hóa cây trồng.
Thêm nữa, nông nghiệp tái sinh cũng khuyến khích quá trình luân canh, xen canh cây trồng, luân chuyển theo mùa để giúp làm giàu đất, ngăn ngừa dịch bệnh và sự bùng phát sâu bệnh.
Với hàng loạt những lối canh tác mới trên, nông nghiệp tái sinh vừa có thể bảo vệ môi trường, tránh được thuốc trừ sâu và phân bón độc hại, đồng thời có thể sản xuất nông sản an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Thông qua việc quản lý cẩn thận và thích hợp chất thải chăn nuôi, người nông dân có thể bảo vệ con người khỏi tiếp xúc với mầm bệnh, chất độc và các chất ô nhiễm nguy hại khác.
Thậm chí, việc quản lý cẩn thận này còn giúp các trang trại giảm đi chi phí canh tác nhưng vẫn tăng lên hiệu suất. Thế rồi người nông dân có thể nhận được mức giá thu mua nông sản xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Tại Daklak, rất nhiều hộ nông dân như gia đình anh Y Hưng Bya ở trên có được thu nhập ổn định vì trồng xen canh cà phê lẫn hồ tiêu, qua đó có được 2 nguồn thu khác nhau khi giá nông sản trên thị trường biến động.
Tuy nhiên, để phát triển được nông nghiệp tài sinh thì cần có những doanh nghiệp chấp nhận đứng ra đồng hành cùng nông dân, tạo dựng được niềm tin và song hành cùng họ trong thời gian dài. Với việc đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, việc đầu tư vào nông nghiệp tái sinh cho phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết của nhiều tập đoàn hiện nay trên thế giới.
Quay trở lại câu chuyện của gia đình anh Y Hưng Bya, việc phát triển nông nghiệp tái sinh tại vùng đất đã quen canh tác truyền thống nhiều năm là điều không dễ dàng với chính các tập đoàn quốc tế. Để làm được điều này thì không thể thiếu người nông dân, nhất là khi hàng loạt những dự án môi trường được tài trợ trước đây chỉ kéo dài vài ba năm rồi dừng lại, gây mất niềm tin cho mọi người.
Trước khi có NESCAFÉ Plan, người nông dân cà phê Việt Nam đối mặt với khá nhiều thách thức, từ giá nông sản biến động, năng suất kém, biến đổi khí hậu gây khô hạn, thiếu nước cho đến kỹ thuật canh tác lạc hậu khiến chất lượng sản phẩm gặp vấn đề, dẫn đến nguồn thu nhập thấp.
Trong khi đó, tiềm năng thị trường cà phê của Việt Nam là cực kỳ lớn khi ngành này đóng góp đến 3% tổng GDP cho cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 600.000 hộ nông dân.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé, ông David Rennie cho biết dù hãng có là chuyên gia trong ngành cà phê thì cũng không dễ dàng để khiến cả một ngành công nghiệp với hàng trăm nghìn nông dân thực hiện thay đổi. Đây cũng là khó khăn lớn nhất, đồng thời là thành công điển hình của công ty trong việc phát triển nông nghiệp tái sinh tại Việt Nam.
Đầu tiên, công ty đã hợp tác với các cơ quan chính phủ, ban ngành địa phương để cam kết một chương trình dài hạn bền vững cho bà con nông dân nhằm tạo dựng niềm tin.
Theo Phó Chủ tịch ngành hàng cà phê Nestlé, ông Philipp Navratil, để tăng năng suất thì hãng phải khiến nhiều nông dân muốn trồng cà phê hơn nữa, giúp họ có thu nhập ổn định để phát triển cũng như thu hút được thế hệ trẻ tiếp quản nông trại của gia đình.
Bởi vậy Nestlé đã giúp người nông dân vượt qua khó khăn của những năm đầu chuyển đổi canh tác bằng việc hỗ trợ tài chính cho các hộ cam kết tham gia chương trình. Công ty cũng có một hệ thống thưởng để khuyến khích cho nông dân trong quá trình chuyển đổi, đồng thời Nestlé cũng đang xem xét bảo hiểm cây trồng cho các khu vực hạn hán, hoặc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão và mưa gây bất lợi, gây hại cho cây trồng.
Tiếp đó là khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính vào đúng thời điểm họ cần nhất. Theo Phó chủ tịch Navratil, người nông dân rất dễ dàng từ bỏ chương trình nếu họ không nhìn thấy kết quả ngay lập tức.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất trên thế giới và lớn nhất ở Việt Nam nhưng chúng tôi không thể thực hiện quá trình chuyển đổi này một mình. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải có những sự hợp tác để kế hoạch được thực hiện thành công,", ông Navratil nhấn mạnh.
Bên cạnh mặt tài chính thì vấn đề kỹ thuật canh tác cũng rất quan trọng. Việc đầu tiên mà Nestlé làm ở mảng này là nâng cao năng lực, kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân.
Hãng bắt đầu với chủ đề về tình trạng sức khỏe của đất, chăm sóc đất trồng cà phê và giữ lại độ ẩm, chất dinh dưỡng trong đất. Điều đó có nghĩa là nông dân trồng trọt mà không làm mất đi các chất dinh dưỡng xung quanh trang trại cà phê.
Tiếp đó là vấn đề bảo tồn nguồn nước thông qua hệ thống tưới tiêu thông minh, tưới nước vào đúng thời điểm. Vấn đề tiếp theo là xen canh hợp lý để mang lại cho thêm thu nhập cho nông dân.
Cuối cùng, các hộ nông dân có thể giảm nhu cầu phân bón tổng hợp vì đây là một trong những tác động lớn nhất gây ra phát thải CO2. Chúng ta càng giảm đáng kể nhu cầu sử dụng phân bón tổng hợp thì sẽ càng giúp giảm lượng khí thải carbon nhiều hơn nữa.
Tại Việt Nam có khoảng 20% diện tích cây cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi cho hiệu suất thấp và nhiệm vụ của người nông dân theo chương trình NESCAFÉ Plan là phải cắt tỉa những cây già này, thay bằng cây mới.
"Chúng tôi hướng dẫn người nông dân cách tái canh các diện tích cà phê già cỗi. Tất cả những điều này phải làm lần lượt chứ không thể làm cùng lúc vì nó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng,", ông Navratil chỉ rõ.
Điều đặc biệt ở đây là nông dân Việt Nam đã áp dụng những kỹ thuật rất đơn giản nhưng cho hiệu suất cao, bởi những công nghệ đắt tiền sẽ khó lòng tiếp cận và dễ khiến mọi người từ bỏ cam kết.
Để làm được điều này thì cần có sự đồng hành sát sao từ Nestlé bởi chẳng người nông dân nào có thể đợi 5 năm để thấy kết quả. Nếu không có sự tin tưởng, hướng dẫn từ chuyên gia thì không có hộ gia đình dám mạo hiểm.
Nhờ sự tận tâm và chiến lược phát triển bền vững dài hạn, chương trình NESCAFÉ Plan tại Việt Nam đã thu được những thành công đáng nể.
Tính đến năm 2022 đã có hơn 21 nghìn hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C và mỗi năm có 15.000 hộ nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên được hỗ trợ cây giống. Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, công ty đã thực hiện hơn 330.000 lượt đào tạo về canh tác cà phê bền vững cho các hộ nông dân.
Trong giai đoạn 2011-2022, khoảng 63,5 triệu cây giống năng suất cao và có khả năng kháng bệnh được sản xuất và phân phối thông qua WASI. Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh cũng giúp giảm 40% lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và giảm 20% lượng phân bón hóa học.
Theo đánh giá hàng năm của Rainforest Alliance, hơn 63.000ha cà phê già cỗi đã được tái canh bằng nguồn cây giống chất lượng cao. Thu nhập của các hộ nông dân tham gia chương trình Nescafé Plan đã tăng từ 30-100% nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý, khoảng 86% số trang trại trồng đa dạng với trung bình 3 loài cây và năng suất cao hơn 15% so với năng suất trung bình của cả nước.
"Với mức đầu tư 132 triệu USD vào năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua các quốc gia và thị trường khác để có thể tiếp nhận khoản đầu tư này nhờ vào sự thành công của doanh nghiệp và nhà máy tại đây. Việt Nam vẫn luôn thực hiện tốt vai trò của mình. Và đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui khi tiếp tục đầu tư vào Việt Nam", ông Rennie tái khẳng định.