Tháng 4/2011, mùa khô ở Tây Nguyên bước vào giai đoạn cuối cùng. Năm đó trời hạn hán. 100 giếng khoan ở xã Ea Tiêu ( Cư Kuin, Đắk Lắk) thì chỉ còn 2-3 cái có nước. Lá cà phê rũ xuống. Đất khô như ngói. Những đàn kiến cũng lũ lượt bỏ đi.

Ông Dương Thanh Sâm đi lên rẫy mà lòng như lửa đốt. 3,5 ha cà phê của ông sắp không trụ được nữa rồi. Lượng nước giếng chỉ đủ ⅛ so với nhu cầu. Anh có một cái giếng nữa cách đó vài cây số vẫn đang có nước. Những chiếc máy bơm duy nhất thì ông đã cho người khác thuê. Lúc nước sôi lửa bỏng, ông muốn lấy máy về cứu cà phê của mình nhưng người thuê kiên quyết không chịu. Hàng chục chủ rẫy cũng đang xếp hàng chờ đến lượt dùng máy bơm của ông.

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 1.


Bất đắc dĩ, ông phải thuê xe bồn của công ty cấp thoát nước ở Nha Trang, Khánh Hòa chạy lên cứu rẫy. Cứ mỗi chuyến chở được 10m3, đủ giải tỏa cơn khát cho 40 cây. Trong khi đó, ông có gần 4.000 cây cần được cứu. Ông chia sẻ: "Lúc đó đắt rẻ gì, nhanh chậm gì không quan trọng. Tôi phải tất tay thôi. Vì nếu không làm thì không chỉ ảnh hưởng năng suất vụ này mà vụ sau, cây cũng khó hồi phục".  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 2.

Cùng thời điểm đó, nhu cầu mua cà phê, đặc biệt là cà phê 4C đang rất lớn. Châu Âu yêu cầu cà phê phải đạt chuẩn 4C mới cho nhập khẩu. Bộ tiêu chuẩn 4C buộc nông dân tham gia vào chuỗi giá trị gồm có nông dân, nhà thu mua, nhà rang xay, nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Từ đó, mỗi gói cà phê có thể truy xuất nguồn gốc đến tận vườn.

Vì thế, các doanh nghiệp phải đua nhau hợp tác, ký kết với nông dân tham gia chương trình 4C cùng mình để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Từ năm 2008, cuộc cạnh tranh thu hút nông dân đã rất khốc liệt với các chương trình tập huấn, hỗ trợ tiền, tặng quà… 

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 3.

Tháng 3 năm 2011, chương trình NESCAFÉ Plan bắt đầu được triển khai tại Việt Nam. Ông Phạm Phú Ngọc, Quản lý chương trình khi ấy xác định rằng: Chương trình của mình triển khai sau, nếu làm giống các chương trình khác chắc chắn sẽ không thu hút được nông dân. Vì thế, ông Ngọc đã dành 3 tháng liền đi khảo sát trên khắp các rẫy cà phê ở Tây Nguyên để tìm hiểu xem người nông dân thực sự cần gì. Mùa khô, bụi bốc lên mù mịt sau xe máy. Mái tóc, lông mày và cả mũi của ông cũng đượm màu đất.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 4.

Trước đây, nông dân thường không biết tưới bao nhiêu là đủ, tưới lúc nào thì đúng. Vậy nên họ luôn cố gắng tưới thật nhiều, thay vì 25 tiếng/ha như bây giờ thì tưới lên 45-50 tiếng/ha. Bồn cây cà phê cũng đào to và rộng để chứa được nhiều nước. Còn vào dịp tháng 3, nông dân cũng không biết tưới lúc nào để kiểm soát ra hoa nên hoa nở thành nhiều đợt, gây khó khăn cho việc thu hoạch.

Ông Phạm Phú Ngọc cho biết: Về lý thuyết thì mỗi cây cà phê cần tưới 400 lít nước một lần. Tưới lần đầu để kích thích ra hoa khi độ ẩm xuống đến 25%. Nhưng nông dân than khó quá. Họ đâu thể đo được lượng nước, càng không thể đo được độ ẩm.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 5.

Và thế là, sáng kiến dùng vỏ lon, chai nhựa ra đời. Chỉ cần chôn một vỏ lon sữa bò giữa 4 cây cà phê, nếu sau một trận mưa mà nước đầy ⅔ lon thì tức là mỗi cây đã hấp thụ đủ 400 lít. Người dân không cần tưới thêm nữa. Còn nếu nước chỉ đạt 1/3 lon thì tưới thêm 200 lít là đủ.

Máy bơm hiện đại có thể kiểm soát mỗi phút tưới bao nhiêu lít. Còn nếu với máy bơm cũ thì chỉ cần tưới thử vào thùng phuy. Nếu một phút tưới đầy thùng phuy 200 lít thì 2 phút là tưới đủ cho một cây.

Một số nông dân còn chôn mô tơ, hệ thống tưới tại vườn, gắn camera vào chỗ vỏ lon sữa. Họ có thể ngồi nhà mà vẫn biết được rẫy có cần tưới hay không. Và nếu cần thì họ chỉ cần ra lệnh tưới trên điện thoại thông minh.

Còn chiếc chai nhựa được chôn úp xuống đất. Nếu 7h sáng mỗi ngày mà có những giọt nước đọng ở đáy chai thì độ ẩm vẫn đảm bảo. Khi nào không có giọt nước đọng nữa tức là độ ẩm đã xuống dưới 25%. Và đó chính là thời điểm tưới nước để kích thích cây ra hoa. Chỉ cần tưới đúng, tưới đủ thì cà phê sẽ chín rộ đến 90%, giúp giảm thời gian, công sức thu hoạch.

Một năm sau đợt hạn hán "nhớ đời" ấy, ông Dương Thanh Sâm tham gia một buổi tập huấn của NESCAFÉ Plan. Ở đây, ông đã học được kỹ thuật dùng vỏ lon, chai nhựa. Và những dụng cụ rất thô sơ này đã giúp ông tiết kiệm được trên 40% lượng nước tưới. Kể từ đó đến nay, dù hạn hán thế nào rẫy cà phê của ông không bao giờ thiếu nước.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 6.

Không những thế, khi tiếp tục gắn bó với NESCAFÉ Plan, ông còn nhận ra sai lầm của mình khi đào hố trồng cà phê quá sâu, lên đến 50 cm. Ông làm vậy để mong cây trữ được nhiều nước hơn. Nhờ cán bộ kỹ thuật của Nestlé hướng dẫn, ông mới biết là tầng rễ dùng để hấp thụ nước và dinh dưỡng của cây cà phê chỉ sâu tối đa 30 cm. Khi bón phân, ông tưới nước quá nhiều khiến nước ngấm xuống, kéo theo chất dinh dưỡng xuống sâu hơn khả năng hấp thụ của cây. Vì thế, ông vừa bị tốn nước, tốn phân mà cây lại không hấp thụ được. Và ông đã sửa sai bằng cách lấp bớt các bồn cây bằng đất và phân bón lót.

Hơn thế nữa, trước đây ông Sâm luôn xới cỏ trắng vườn. Khi rong tỉa cây muồng trồng xen trên rẫy, ông phải gom hết ra ngoài rồi đốt. Ông nghĩ như vậy thì cỏ dại sẽ không lấy mất dinh dưỡng của cây cà phê. Nhưng nhờ tham gia tập huấn, ông Sâm mới nhận ra rằng cỏ dại, cành lá cây muồng cũng là nguồn phân hữu cơ tốt. Việc để lại cỏ, cành cây rồi ủ luôn trên vườn khiến đất tốt hơn và giảm được 20% chi phí phân hoá học.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 7.

Tham gia chương trình NESCAFÉ Plan, điều nông dân thích nhất là được đi tham quan, học hỏi, được dịp nhìn nhận lại những kinh nghiệm đã 30-40 năm của mình có còn đúng hay không.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 8.

Vì thế, lượng nông dân tham gia chương trình tăng nhanh chóng từ 175 nông dân năm 2011 lên 3.500 vào năm 2012 và 21.000 năm 2023.

Một điều kỳ lạ của chương trình là người nông dân được hướng dẫn để không đẩy năng suất vườn cà phê lên cao quá mức, mà duy trì năng suất ở mức ổn định và tối ưu chứ không theo hướng "tận canh"...

Ông Ngọc cho biết, nếu rẫy có năng suất cao nhưng phải bỏ quá nhiều phân, dùng quá nhiều công sức thì có thể nông dân sẽ lỗ chứ không lãi. Hơn thế nữa, nếu năng suất cà phê tăng quá cao trong một năm, lên trên 6-7 tấn/ha thì nó sẽ không bền vững. Năm sau, năng suất có thể giảm xuống đến 2 tấn/ha và nhiều cây sẽ chết. Vì thế, kiểm soát năng suất cà phê ở ngưỡng 3-4 tấn/ha mới là giải pháp tối ưu và lâu dài.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 9.

Thay vào đó, chương trình khuyến khích nông dân trồng xen một cách hợp lý các loại cây như tiêu, bơ,...vào rẫy cà phê. Điều này vừa giúp tăng thu nhập, vừa giúp giảm rủi ro về giá.

Ông Sâm cho biết trước đây nông dân thường trồng xen không theo kế hoạch, cứ cây nào có giá cao thì trồng cây đó. Ví dụ như năm giá bơ lên cao, nông dân Ea Tiêu trồng bơ ồ ạt vào giữa các cây cà phê. Nhưng tán bơ thấp, lại trồng quá dày nên cạnh tranh ánh sáng với cây cà phê. Không những thế, vài năm sau khi bơ ra trái thì giá bơ lại giảm. Nông dân lại chặt bơ đi.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 10.

Còn với ông Sâm, do thiếu hiểu biết nên ông đã trồng tiêu xen giữa cà phê. Vì thế khi tưới nước cho cà phê thì vô tình lại tưới luôn cả cho tiêu. Trong khi lúc đó tiêu lại đang cần khô. Vì thế, năng suất của tiêu thấp. Nhưng nếu không tưới thì cà phê lại không ra hoa.

Mặt khác, do trồng tiêu giữa hàng cà phê nên việc vận chuyển thang khi thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Số lượng cây tiêu cũng bị hạn chế, không thể trồng dày hơn được.

Từ khi được tập huấn, ông Sâm mới biết kỹ thuật trồng 2-3 hàng cà phê thì xen một hàng tiêu; hoặc 4 hàng cà phê thì xen 2 hàng tiêu. Như vậy, việc chăm sóc 2 loại cây diễn ra tách biệt. Nhờ vậy, ông cũng có thể trồng tiêu dày hơn, từ 1.100 cây lên 1.500 cây/ha và có thể tăng năng suất. 

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 11.

Kết quả, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới nước, bón phân, trồng xen hợp lý mà năng suất vườn cà phê của ông tăng từ 2-2,5 tấn lên 3,5 đến 4 tấn/ha. Năng suất tiêu tăng từ 2 lên 4 tấn/ha. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ông Sâm tăng gấp đôi nhưng chi phí đầu tư, công chăm sóc lại giảm.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 12.

Tham gia chương trình NESCAFÉ Plan, nắm rõ kỹ thuật canh tác nhưng trong vài năm đầu, rẫy cà phê của ông Sâm chưa có thay đổi đột phá. Do vườn nhà ông dùng giống cà phê cũ, không có khả năng kháng bệnh. Hạt cà phê quá nhỏ, nhiều khi xay còn bị lọt sàng. Mặt khác, do trồng xen lại không hợp lý nên mong ước "đổi đời" ở thời điểm đó vẫn chưa thành hiện thực.

Ông Phạm Phú Ngọc cho biết những năm 2000, giá cà phê tăng cao khiến người dân Tây Nguyên tự ươm giống ồ ạt. Họ không biết mình ươm giống gì nên có khả năng ươm phải giống kém chất lượng. Nếu kết hợp với việc không biết chăm sóc thì cà phê sẽ không đảm bảo chất lượng. Năm 2011, nhiều lô cà phê xuất khẩu sang EU bị trả lại đến 30%. Vì thế, ngay từ khi chương trình bắt đầu, Nestlé đã kết hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để nghiên cứu ra giống cà phê tốt.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 13.

Đại diện WASI cho biết nhờ sự hỗ trợ lớn của Nestlé cả về máy móc, tài chính, nguồn gene quý và đào tạo nhân sự mà viện đã nghiên cứu ra giống cà phê thực sinh TRS1. Do được trồng từ hạt nên giá thành của cây giống chỉ bằng một nửa của cây ghép. Khi đến giai đoạn trưởng thành thì năng suất cây trồng từ hạt không thua gì cây ghép (trên 5 tấn/ha). Kích thước và khối lượng hạt lớn lại có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao.

Trong 13 năm qua, viện đã cung cấp 74 triệu cây giống với sự trợ giá của chương trình NESCAFÉ Plan, giúp nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên tái canh cây cà phê già cỗi. Tổng diện tích tái canh lên đến hơn 73 ngàn ha, gần bằng diện tích tỉnh Bắc Ninh.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 14.

Nhờ được chương trình hỗ trợ cây giống, năm 2014, ông Sâm quyết định tái canh vườn cà phê của gia đình. Việc tái canh toàn bộ vườn cà phê cùng một lúc sẽ khiến ông mất nguồn thu nhập vì cây cần 3 năm mới cho ra quả. Vì thế, mỗi năm ông tái canh 1 ha và đến năm 2016 thì anh làm xong trên 3,5 ha rẫy của mình. Đến năm 2018, khi tất cả diện tích cà phê đều mới trồng ra trái thì anh đã được hưởng thành quả ngọt ngào. Năng suất cây cà phê mới 3 tuổi đã bằng năng suất cây cà phê cũ 20 năm tuổi. Đến năm thứ 4 thì năng suất đã vượt trội và từ năm thứ 5, rẫy nhà anh luôn cho năng suất 3,5-4 tấn/ha, gần gấp đôi năng suất của giống cũ.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 15.

Việc tập huấn mỗi năm 3 lần, có cán bộ kỹ thuật, trưởng nhóm hỗ trợ trong hơn 10 năm khiến người nông dân dần trở nên hiểu biết như một kỹ sư nông nghiệp. Hơn thế nữa, nông dân cũng rất siêng năng, chủ động chứ không chờ đợi sự hỗ trợ từ chính phủ hay doanh nghiệp.

Đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên không khỏi tự hào: Riêng về cà phê vối thì Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng, năng suất và chất lượng. Điều đó có một phần đóng góp của việc nghiên cứu, lai tạo ra giống những cà phê tốt.  

Nông dân thành triệu phú nhờ nông nghiệp tái sinh, câu chuyện từ vỏ lon, chai nhựa, và hành trình trở thành số một thế giới của cà phê Robusta Việt Nam - Ảnh 16.


Lê Việt Hùng
Diễm My
Lê Việt Hùng