Hơn 20 năm trước, có một cô gái Huế chân ướt chân ráo lên Hà Nội với niềm đam mê cháy bỏng dành cho cây đàn cello. Dù tiền bạc không có, gia đình không ai ủng hộ, cô vẫn kiên trì bước chân.
Khó ở đâu thì tìm cách ở đó, Đinh Hoài Xuân chưa một ngày nào nản lòng trên hành trình của mình. Ngày ngày tập đàn, hàng chục tiếng không ngơi nghỉ, đến mức chảy máu tay là chuyện bình thường. Không phải ai cũng có đủ nghị lực để làm như vậy.
Nhưng nếu không có tinh thần thép và sự bền bỉ ấy, chưa chắc đã có một nữ Tiến sĩ chuyên ngành cello đầu tiên của Việt Nam, sáng lập nên nhiều dự án lan tỏa vẻ đẹp âm nhạc cổ điển như ngày hôm nay.
Từ khi nào chị nảy sinh đam mê với cello?
Ban đầu, khi còn ở Huế, tôi từng có cơ hội học keyboard, guitar, piano. Mặc dù kết quả học đều khá tốt, nhưng tôi không thể tìm thấy chính mình trong những nhạc cụ này. Cho đến khoảnh khắc được nhìn thấy cello, đột nhiên tôi nhận ra, đây chính là cây đàn của cuộc đời mình.
Từ ngoại hình cho đến âm thanh, cello đều rất đẹp, rất truyền cảm. Nhiều người thậm chí còn đùa rằng, tiếng đàn cello trầm ấm giống như một người đàn ông. Khi mình ôm cây đàn cũng hòa hợp không khác gì ôm lấy người yêu. (cười)
Thời điểm đó, hầu hết mọi người đều không tán đồng với quyết định chuyển hướng của tôi. Người thân vốn chỉ mong muốn tôi trở thành một cô giáo, đảm nhận công việc nhẹ nhàng thôi. Họ không thích nhìn mình phải mất mấy chục năm trời để học mới một loại nhạc cụ. Mà khởi đầu ở thời điểm đó cũng hơi muộn, cơ hội làm nên sự nghiệp là rất nhỏ nhoi.
Tuy nhiên, con người tôi vốn luôn dám "liều", dám theo đuổi. Bản thân mình đam mê, cũng chỉ có một lần để sống trên đời, tại sao lại không quyết tâm theo đuổi đam mê đó? Cứ cố gắng làm, có sai lầm cũng đáng vì tuổi trẻ là phải không ngừng học hỏi và dấn thân.
Ngày ngày, tôi sẵn sàng bỏ ra 10 tiếng đồng hồ để tập luyện không ngừng nghỉ, tập đến mức đầu ngón tay chảy máu, chỉ mong có thể bù lại khoảng thời gian đã bỏ lỡ trước kia. Con đường chông gai này cứ thế kéo dài mãi, suốt từ thời đi học đại học, rồi Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ, và đến tận ngày hôm nay. Đến giờ nhìn lại, hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng mọi nỗ lực bỏ ra đều là xứng đáng. Mỗi bước tiến lên đều là niềm hạnh phúc, là giá trị cao nhất của thanh xuân.
Thời điểm mới từ Huế ra Hà Nội để theo học cello, phải đi chung xe chở gà, chở lợn, chị có cảm nhận như thế nào?
Lúc đó, tôi chỉ tâm niệm duy nhất một điều là phải ra tới Hà Nội để được học, được hiểu thêm về cây đàn. Dù xe chở mặt hàng gì đi nữa, mình cũng không để tâm gì nhiều. Toàn bộ đầu óc đều mải nghĩ từ cao độ tới kỹ thuật. Vì học đàn dây khó lắm, mà tôi cũng bắt đầu muộn nên cần tập trung toàn bộ sức lực, cũng đã chuẩn bị tinh thần sẽ gắn bó như vậy với cello đến hàng chục năm.
Còn khó khăn, vất vả về thể chất như ăn đói một ít, bớt ngon đi một ít, trang trải chi phí sinh hoạt như thế nào… dần dần đều có thể vượt qua, bằng cách này hay cách khác. Chi phí để chăm sóc cây đàn cũng là một vấn đề. Không đủ tiền mua đàn nên tôi trả góp dần dần, nhưng nhiều lúc đứt dây thì cần thay mới, có loại chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng cũng có loại tốn cả triệu đồng mỗi dây. May mắn là tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ các thầy cô xung quanh để quá trình học tập "dễ thở" hơn.
Khi theo đuổi đam mê cello, chị có phải "đặt cược" điều gì?
Đó là cả thanh xuân. Nhiều người bạn của tôi trong Huế đã có gia đình, sự nghiệp ổn định. Còn bản thân tôi lựa chọn cho mình con đường chông gai hơn. Cả thanh xuân trẻ khỏe đều cống hiến hết cho quá trình cặm cụi tập luyện với cây đàn từ sáng tới đêm, rồi mưu sinh để trang trải chi phí ăn học. Bây giờ nhìn lại, cũng có nhiều điều thiệt thòi, nhưng quan trọng là mình luôn vui với đam mê.
Tôi cũng đặt cược cả tương lai của mình vào đó. Khi mới bắt đầu, tôi thường nghe người xung quanh nói rằng, "thiếu hụt nhiều kỹ thuật cơ bản thế này thì làm nên trò trống gì". Những lời dị nghị như vậy luôn tồn tại trong nhiều năm. Mà bản thân người nghệ sĩ vốn có sự nhạy cảm nhất định, không tránh khỏi chút buồn lòng.
Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại tự nhủ: "Đường dài mới biết ngựa hay". Bản thân tôi khi đó vẫn đang là một sinh viên, rõ ràng là còn non nớt, phải học và hoàn thiện rất nhiều. Điều quan trọng là mình cứ tiếp tục nỗ lực tiến về phía trước.
Sự chê bai của mọi người chẳng những không khiến tôi nản lòng, mà càng thôi thúc thêm phần nỗ lực. Đó không chỉ là nỗ lực để chứng minh cho bất cứ ai, mà là lời khẳng định cho chính bản thân mình, là quyết tâm đi đến cùng với nghề nghiệp. Nỗ lực 1 năm chưa được thì 5 năm, rồi 10 năm, 20 năm. Những gì đã đạt được mới chỉ là "mở bài" thôi. Cuộc đời vẫn còn đó để chúng ta nỗ lực mỗi ngày.
Phim ca nhạc Hướng về Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của chị đã gây được tiếng vang lớn, nhưng cũng tốn kém cả tỷ đồng. Tại sao chị quyết định "chơi lớn" ở thời điểm đó?
Ở giai đoạn nào đi nữa, tư tưởng của tôi luôn nhất quán: Đã làm thì phải làm tốt nhất có thể, lớn nhất có thể, hoành tráng nhất có thể, miễn là trong khả năng của mình.
Tiền bạc thiếu, mình có thể bổ sung sau. Nhưng sản phẩm đã ra mắt công chúng thì mãi mãi tồn tại như vậy. Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm được những điều tốt nhất.
Thời điểm đó, tôi chỉ có 4 triệu đồng - chi phí ăn uống của cả tháng đó, nhưng vẫn quyết liều mà làm. Dự án trải dài 10 tháng, tôi chạy show kiếm thêm, thiếu đâu thì đi vay ngân hàng, bạn bè, người quen. Thậm chí, tôi cũng sẵn sàng đi vay lãi, miễn là điều đó tốt cho sản phẩm của mình.
Dự án khi đó kéo dài 10 tháng, có tới 130 người tham dự, bao gồm dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng quốc gia, ekip thu âm, ekip làm phim, diễn viên… Chi phí ước tính lên tới cả tỷ đồng, nếu tính cả tiền lãi thì tốn kém hơn rất nhiều.
Chị làm thế nào để giải quyết những khoản nợ đó?
Đến hiện tại, tôi vẫn giữ 3 cuốn sổ nợ dày cộp từ hồi đó. Khi ấy, cứ phát sinh chi phí gì, lập kế hoạch đi diễn kiếm được bao nhiêu, phải vay nợ thêm bao nhiêu, từ những người nào… tôi đều ghi lại chi tiết. Thời gian đầu, vừa lo học, vừa lo làm, lại phải trả nợ trả lãi không ngừng, tâm trí tôi rối ren như bị cuốn vào một vòng xoáy. Phải mất tới 5 năm trời, tôi mới dần có thể ổn định lại.
Những cuốn sổ nợ giờ giống như minh chứng cho tuổi trẻ dám xông pha của tôi. Đồng thời, đó cũng là minh chứng để "phá vỡ" những lời gièm pha của người khác. Đôi khi, họ chỉ đứng nhìn từ phía ngoài nên không hiểu hết những vất vả bên trong. Ai cũng chỉ thấy tôi làm được dự án lớn, họ "đồn thổi" mình có đại gia đứng sau. Nhưng nếu có thật, tôi phải ghi sổ nợ làm gì?
Tôi chấp nhận bản thân mình nghèo khổ về tài chính ở hiện tại, nhưng chắc chắn đó là giai đoạn nhất thời. Nếu vì tiền bạc mà đánh đổi tự do về tinh thần thì làm sao tôi có được tiếp tục tự do trong sáng tạo, trong những tác phẩm nghệ thuật sau đó?
Đến hiện tại, giở những cuốn sổ nợ ra, số tiền phải trả đã vơi đi rất nhiều. Nhưng các món nợ ân tình thì ngày càng nặng hơn và dày lên.
Bỏ ra nhiều tâm huyết như vậy, Phim ca nhạc Hướng về Hà Nội đã đem tới ý nghĩa gì cho chị?
Thật sự, lúc đầu tôi không nghĩ là nó "khủng bố" như vậy. Dù chạy show và biểu diễn rất nhiều, thế mà sau khi hoàn thiện sản phẩm, tôi vẫn phải nợ mấy trăm triệu đồng.
Bù lại, kết quả tôi nhận về là hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, ra mắt sản phẩm vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó cũng là sản phẩm giúp tôi có cơ hội được tiếp cận với học bổng Tiến sĩ 100% tại Rumani.
Thời điểm nhận học bổng, tôi vui lắm. Những công sức bỏ ra đã nhận về thành quả xứng đáng. Nhưng mặt khác, một vấn đề mới phát sinh là tôi phải giải quyết những khoản nợ kia như thế nào trước khi du học. Một thời gian sau đó, tôi liên tục tìm cách hẹn gặp và thuyết phục từng chủ nợ. Ai có thể hoãn thì hoãn, ai chỉ có thể tạo điều kiện thì mình cũng đành chấp nhận.
Cứ như vậy, tôi vét hết toàn bộ tài sản để trả vài khoản nợ cấp bách nhất, thu xếp mất khoảng nửa năm, sau đó mới có thể lên đường sang Rumani. Hành trang khi đó chỉ còn có mỗi ý chí và quyết tâm.
Đó cũng là lúc tôi ý thức được một điều: Hi sinh và vất vả quá nhiều, tôi đã không còn bất cứ đường lui nào nữa, chỉ có thể tiếp tục tiến tới. 5 năm du học này chính là chìa khóa quyết định thành bại trong cuộc đời.
Chị đã bao giờ nghĩ đến việc lựa chọn công việc an nhàn hơn?
Quan điểm của riêng tôi là, người nghệ sĩ hoặc là biểu diễn trực tiếp, hoặc là có sản phẩm ra mắt. Vào cơ quan nhà nước làm việc hay trở thành một giảng viên đều là những lựa chọn an toàn, nhưng ở thời điểm này, tôi khó có thể toàn tâm toàn ý cho điều đó.
Trong quá trình làm luận án Tiến sĩ của mình, tôi đã tạo ra "đứa con tinh thần" Cello Fundamento (viết tắt: CF). Chuỗi chương trình hòa nhạc cổ điển quốc tế này đã đi đến mùa thứ 6, tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả nợ nần của tôi (cười). Quan trọng là thông qua đó, tôi có thể góp công lan tỏa âm nhạc cổ điển nhiều hơn tới con người Việt Nam. Khán giả của nước mình cũng có thể tiếp cận tới lĩnh vực nghệ thuật này dễ dàng hơn, quen thuộc hơn.
Đó là lý do mà cuối chương trình, tôi luôn sắp xếp một bản dân ca được phổ theo phong cách giao hưởng. Năm nay, ca khúc được chọn là "Đi cấy" và "Bèo dạt mây trôi". Đây không chỉ là điểm thu hút mọi người, cũng là cầu nối văn hóa cho người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Có thể, trong tương lai nhiều năm về sau, khi đã lớn tuổi, tôi sẽ lựa chọn trở thành một người giảng viên để truyền lửa cho các thế hệ tiếp theo. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn mang trong mình 2 trọng trách lớn. Một là không ngừng rèn luyện, chau chuốt để có tiếng đàn đẹp ở vị trí của một nghệ sĩ solo, thứ hai là điều phối và tổ chức hoạt động CF. Tự mình làm khổ mình đấy, nhưng đó lại là "khổ sướng" (cười). Đã xác nhận vậy rồi thì cứ thử sức, làm được đến đâu thì làm. Nếu không được thì lại tìm cách xử lý!
Khi tổ chức CF, chị có lo ngại về vấn đề kinh phí, bán vé?
Đương nhiên rồi. Bản thân tôi không có nhiều nguồn tiền trong tay nên thường vay nợ, mượn từ người thân, bạn bè. Do đó, nỗi lo về tài chính luôn thường trực trong lòng.
Lo lắng về tình trạng bán vé chỉ là một phần thôi, vì dù bán hết toàn bộ vé cũng chưa đủ để hoàn lại tổng chi phí cho chương trình tổ chức. Mỗi mùa CF, số lượng nghệ sĩ quốc tế tham dự là không hề nhỏ, dẫn tới những chi phí đi kèm từ làm visa, đặt phòng khách sạn, phí đi lại, bảo hiểm, tiền diễn… Tuy nhiên, khó khăn là một chuyện, tôi vẫn sẽ tiếp tục với con đường này. 5 mùa CF vừa qua chỉ như phần "mở bài", vẫn còn cả hành trình dài đằng đẵng phía sau với rất nhiều không gian để phát triển.
Bù lại, sự lan tỏa của âm nhạc cổ điển đến với mọi người chính là thành công lớn nhất. CF không phải chương trình tôn vinh bản thân, mà ngay từ đầu, nó đã được định hướng là hành trình mang tính lâu dài, sử dụng lợi nhuận để phục vụ lợi ích cộng đồng.
Muốn gia tăng khả năng tiếp cận nhiều công chúng hơn, tôi cũng đang lên kế hoạch để tổ chức những buổi hòa nhạc ngoài trời. Dù điều này đồng nghĩa với chồng chất thêm khó khăn từ âm thanh, ánh sáng, điều kiện thời tiết, nhưng nhờ vậy, các buổi diễn sẽ có thể tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ hơn.
Mọi người thường không quen với việc vào Nhà hát Lớn để mua vé hòa nhạc. Nhưng khi bước chân ra đường mà có thể dễ dàng tiếp cận âm nhạc cổ điển, tư duy của họ sẽ dần thay đổi và coi đó là một điều hoàn toàn bình thường của cuộc sống. Đây đều là những điều rất tốt đối với khán giả Việt Nam.
Âm nhạc cổ điển khó tiếp cận với đông đảo công chúng như vậy, chị có khi nào nản lòng hay muốn từ bỏ đam mê?
Tôi chưa bao giờ có ý định dừng lại. Những khoảnh khắc hụt hẫng, đau khổ thì có, nhưng sau đó, tôi chỉ đơn giản là đi tìm một món ăn mình yêu thích, ăn xong thì ngủ một giấc, khi tỉnh dậy sẽ xốc lại tinh thần.
Từng có thời điểm tôi quá đau đầu vì những khoản nợ nên bỏ lên núi sống một mình, hàng ngày luyện đàn, hái rau, trồng khoai. Không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối của núi rừng làm dịu đi những những lo lắng, giúp tôi tìm lại sự tập trung cho âm nhạc. Nghĩ đến cảnh đang tập luyện mà nghe thấy tiếng còi xe ồn ã của đô thị, tôi lại "hãi hùng". Do đó, đến hiện tại, tôi vẫn dành phần lớn thời gian ở trên núi để tận hưởng môi trường an lành và nuôi tiếp những đam mê.
Khi đã chọn một con đường riêng, bản thân người tiên phong phải đi và không được dừng lại. Nếu chùn bước trước khó khăn thì tôi đã không trở thành nhà sáng lập, nhà tổ chức hay một nghệ sĩ biểu diễn vì cộng đồng. Có vấn đề thì tìm cách xử lý, chứ nếu chỉ nhìn rồi nói "khó lắm không làm được đâu", bao giờ Việt Nam mới phát triển về âm nhạc cổ điển.
Bí quyết quan trọng nhất mà chị muốn chia sẻ trong hành trình theo đuổi đam mê của mình là gì?
Bản thân tôi vốn không có bí quyết nào hết. Tất cả đến từ suy nghĩ "Mình chỉ sống 1 lần trong đời". Nếu có đam mê thì nên tiến tới, đừng để về già mới hối hận, muốn làm lại cũng không có thời gian.
Nhiều người thường thấy khó quá nên dừng lại, nhưng bản thân tôi mỗi khi gặp trắc trở, tôi luôn nhìn lại giây phút đầu tiên mà mình quyết định lựa chọn con đường này, lấy đó làm động lực để đi tiếp.
Đó cũng là một áp lực, một nguyên tắc tự mình đặt ra để không cho phép bản thân dừng lại. Cho dù mỗi ngày chỉ làm 1 ít, nhưng lâu dần, mình sẽ làm được nhiều "cái ít". Đây là cách duy nhất để tôi luyện tài năng, giúp đam mê được tỏa sáng!
Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!
Hành trình vượt lên chính mình, không ngại khó, ngại chông gai để đạt đến thành công của 8 nhân vật, 8 câu chuyện khác nhau trong tuyến bài "Bền bỉ chất thép" sẽ tạo nên một bức tranh truyền cảm hứng về một ý chí thép không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, về một tinh thần "Tôi bền bỉ, nên chất thép".