Cảm hứng để Coteccons “Xây nền ước mơ” cho công nhân là gì?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Tôi nhớ lời chia sẻ của một anh công nhân: “Mỗi khi nhìn những tòa nhà cao lớn mình từng tham gia xây dựng, tôi cảm thấy tự hào, nhưng điều tôi mong mỏi nhất là con cái mình có một tương lai tốt đẹp hơn, được học hành và không phải vất vả như mình.” Đó là mong ước giản dị, nhưng đầy ý nghĩa và hy sinh. Cha mẹ các cháu không chỉ làm việc để xây dựng những công trình, mà còn đang xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của các cháu.
Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta hay nói “Con ước mơ sau này...”, “Lớn lên con sẽ trở thành...”. Năm tháng trôi qua, theo vòng quay cơm áo gạo tiền mưu sinh vất vả, những ước mơ đó trở thành những điều xa xỉ. Đến khi làm ba, làm mẹ, chẳng còn ai hỏi nhau về những điều giản đơn: “Ước mơ là gì?”. Ước mơ khi xưa đã hoá ra con cái từ bao giờ. Thế giới của ai đó có thể rộng lớn, còn với nhiều ba mẹ, tất cả chỉ xoay quanh các con. Các cô chú, anh chị công nhân cũng như vậy. Con cái là tất cả những gì lấp lánh, kiêu hãnh nhất của họ.
Xây nền ước mơ với anh Mai Lê Duy Quang - công nhân Coteccons nghĩa là lo cho anh em tổ đội nghề nghiệp ổn định để họ có thể lo cho con cái ăn học nên người
Có nhiều cô chú công nhân xây dựng làm việc tại Coteccons lương trung bình 12-15 triệu đồng/tháng nhưng dành hơn chục triệu đồng để mua máy tính, mua xe đạp cho con đi học vì họ nghĩ đơn giản đó là những phương tiện để con cái thực hiện ước mơ của mình.
Như anh Nguyễn Văn Đạo sẵn sàng dành hẳn 11 triệu để mua xe đạp điện cho con gái. Khi anh dẫn bé Thư - con gái anh đến công trường chụp ảnh, chúng tôi nghẹn ngào nhận ra: Đối lập hình ảnh người cha khắc khổ, chân tay thô ráp và gương mặt sạm đen vì nắng gió công trường thì cô con gái xinh xắn, tươi sáng, gọn gàng với bộ đồng phục học sinh chỉn chu cùng chiếc khăn quàng đỏ thắm. Chúng tôi hiểu rằng sự vất vả của nghề công xây dựng đã vun trồng, nuôi dưỡng và chăm chút “bông hoa” xinh đẹp của người công nhân xây dựng.
Xúc động nhất là câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quốc và con trai tên Hào. Anh chị đã làm việc cùng Coteccons hơn 5 năm. Khi bé được ba mẹ đưa lên Sài Gòn, em nói đây là lần đầu tiên được đi ăn tiệm, được đi chơi xa, dù chuyến đi của em chỉ là theo ba mẹ đến công trường trên Sài Gòn để cùng chụp tấm hình kỷ niệm.
Khi trò chuyện cùng những người công nhân về ước mơ của họ, tôi giật mình nhận ra trong thế giới của mình, việc lên cấp 2, cấp 3, vào đại học và có một nghề nghiệp ổn định là lẽ thường tình và ở đó, ước mơ đóng vai trò giữ cuộc sống xoay vòng. Thế nhưng, trong thế giới của những người lao động ngoài kia, trật tự trên dễ dàng thay đổi. Việc đứt gánh học hành hay phải gác lại ước mơ để lo cho con cái, gia đình là điều dễ thấy.
Dù vậy, bằng một cách diệu kỳ, họ lại tạo nên những xoay vòng khác, đó là cách họ bền bỉ làm việc để chăm chút cho ước mơ con cái họ, đó là cách những công nhân Coteccons miệt mài đóng góp vào ngành xây dựng hết biểu tượng này lại đến công trình tầm vóc khác.
Xây Tết 2025 lấy chủ đề là “Xây nền ước mơ” và trao học bổng cho con em công nhân như một cách để chúng tôi giúp công nhân hiện thực ước mơ của họ. Suất học bổng sẽ trao sau 01/06/2025 khi học sinh có kết quả học tập. Chúng tôi sẽ mở rộng, chỉ cần các em có học lực khá trở lên sẽ được xét duyệt học bổng. Với nhiều người thì học khá dễ lắm! Nhưng với con em công nhân, đó là nỗ lực rất lớn. Chúng tôi muốn chia sẻ, động viên và thể hiện sự trân trọng những cố gắng của các em. Sau này, khi trò chuyện với con, các cô chú có thể sẽ nói với tụi nhỏ là: “Ráng học nha con! Chỉ cần học khá thôi là tổng thầu chỗ ba/má sẽ tặng học bổng đó”.
Trong ngành xây dựng, chúng tôi hiểu là toà nhà càng cao thì nền móng càng phải vững chắc. Với Coteccons, 30.000 công nhân xây dựng chính là nền móng của tất cả thành công. Để tri ân sâu sắc với những người đã xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp, chúng tôi muốn giúp họ thấy là mình cũng được quan tâm, hỗ trợ chăm sóc con cái như bất cứ ngành nghề nào khác. Họ sẽ có niềm tự hào để khoe là con cái họ cũng được công ty trao học bổng.
Mặt khác, nghề xây dựng có tính bất ổn định. Một số nhà thầu vì cần tuyển quân gấp, sẵn sàng đưa ra những lời mời rất hào nhoáng nhưng chỉ 3-6 tháng sau lại thay đổi. Công nhân có thể bị mất việc, giảm thu nhập đột ngột.
Vì thế, muốn công nhân thay đổi suy nghĩ, trước hết, chúng tôi cần nói cho họ biết là họ có “những cái đuôi” - con cái - ở phía sau. Nếu cha mẹ xác định rõ: con cái là tất cả cuộc sống thì họ sẽ muốn tìm một nơi để bám rễ.
Và đây là tất cả lý do Coteccons trao học bổng cho con em của những công nhân vốn không ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Chuyện này có rất nhiều ý nghĩa. Chúng tôi cho đi nhưng cũng nhận lại rất nhiều.
Đầu tiên, trong ngành xây dựng, nếu chúng tôi không quan tâm, sát sao thì rất dễ xảy ra tình trạng bóc lột lao động. Nhiều khi Coteccons trả lương cho công nhân qua cai tổng, nhưng họ lặn biệt tăm. Thợ xây đâu biết tìm ai để đòi. Khi chăm lo cho công nhân, chúng tôi cũng đồng thời giúp đối tác thay đổi quan điểm và có những quan tâm thiết thực hơn. Hoặc môi trường làm việc tại công trường, nếu không có hệ thống quy củ chế tài và khuyến khích, môi trường làm việc lành mạnh cho anh em công nhân sẽ phụ thuộc vào từng sự tập trung hay cá tính của Ban chỉ huy (BCH), nếu dự án tốt thì may ra công nhân có nơi nghỉ ngơi thoải mái, nhà ăn sạch sẽ có quạt máy, trưa có ly đá chanh đường, trời lạnh có thêm áo ấm, 8/3 có quà cho công nhân nữ... nếu dự án không tốt, tiến độ gấp, BCH nhiều khi quên mất sự tập trung này, ranh giới dẫn đến tình trạng bóc lột lao động rất mỏng manh.
Xây Tết tại các công trường là dự án đặc biệt đối với các thế hệ kỹ sư Coteccons - Unicons
Thứ hai, Coteccons muốn chứng minh, làm việc với chúng tôi không có những lời mời hào nhoáng nhưng có sự ổn định, mức lương cao nhất ngành và được chăm sóc suốt 365 ngày. Xây Tết chỉ là ví dụ thôi, còn hàng ngày ở công trường, chúng tôi vẫn chăm sóc chu đáo cho tất cả mọi người, người công nhân hạnh phúc, công trường sẽ an toàn, đó chẳng phải đạt được 2 việc hay sao?
Trong ngành xây dựng, thu hút được nhiều công nhân chính là một lợi thế cạnh tranh to lớn. Tôi mong rằng, cuộc cạnh tranh tuyển người này sẽ không chỉ đơn thuần là đua nhau trả lương cao hơn trong ngắn hạn mà là quan tâm, chăm lo mọi mặt cơ bản cho người lao động, để họ vững nền tảng, chắc ước mơ. Nếu chúng ta tranh nhau chăm lo cho công nhân như thế thì vô hình chung, bức tranh xã hội sẽ tốt lên như thế nào. Như thế, Xây Tết đang tham gia vào công cuộc cùng đất nước kiến tạo sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng.
Có một số ý kiến lo ngại việc Coteccons đưa hình ảnh, câu chuyện của nhóm người yếu thế ra trước truyền thông thì điều đó có ảnh hưởng gì cho họ không vì trẻ em, lao động thu nhập thấp… là những nhóm rất dễ tổn thương?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều và hết sức thận trọng. Tất cả câu chuyện, hình ảnh chúng tôi sử dụng phải được sự cho phép của công nhân và con cái họ nếu các bé đã đủ lớn.
Từ trước tới nay, trong các chương trình Xây Tết, hình ảnh thợ xây luôn được chúng tôi xây dựng theo hướng đẹp đẽ, chỉn chu nhất. Chúng tôi không nhìn họ ở vị trí yếu thế mà tôn vinh nét đẹp lao động và ý nghĩa của nghề thợ xây. Những câu chuyện được Coteccons đưa ra trước truyền thông là chân thật, chúng tôi dễ dàng thuê nhân vật đóng thế làm mẫu, nhưng chúng tôi chọn người thật việc thật với nụ cười thật, vì mong muốn khi thông điệp lan tỏa, bất kỳ ai cũng thấy mình trong đó. Những người cha người mẹ bình dị đời thường luôn nỗ lực vì tương lai của con cái, họ là hình mẫu, họ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, với những nỗ lực lớn bắt nguồn từ những ước mơ giản đơn.
Điều tôi nghĩ là Xây Tết đã chạm đến trái tim nhiều người chính vì chất liệu bình dị, ai cũng có gia đình, có con cái, có ước mơ và những ước mơ ấy sẽ giữ cuộc sống xoay vòng.
Học bổng mà các cháu nhận hôm nay không chỉ là phần thưởng, mà còn là sự gửi gắm niềm tin và kỳ vọng. Chúng tôi, Coteccons, không chỉ xây dựng những công trình mà còn muốn xây dựng tương lai cho thế hệ trẻ. Chúng tôi mong rằng, các cháu – những người được cha mẹ mình hy sinh rất nhiều để có cơ hội học tập – sẽ biến niềm tự hào ấy thành động lực, để học tập tốt hơn, để chạm tới những giấc mơ lớn hơn.
Vậy nếu có người nói, Coteccons đang thu hút công nhân bằng cách “đánh thẳng” vào con cái của họ thì bà sẽ nói gì?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Tôi nghĩ rằng nỗ lực làm việc tốt hơn, sống trách nhiệm hơn vì con cái là chuyện hết sức bình thường trong văn hoá của người Việt Nam. Nếu công ty nào cũng vì thu hút lao động mà hết lòng chăm lo cho con em họ thì tốt quá rồi! Tôi nghĩ chuyện này rất đáng cổ vũ! (cười).
Vậy bà có thể tiết lộ về số tiền đầu tư cho các suất học bổng và ngân sách hàng năm mà Coteccons đã đầu tư chăm lo cho công nhân?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Chúng tôi dự định dành ra ngân sách đáng kể hằng năm để trao học bổng cho con em công nhân nhưng cụ thể, các suất học bổng sẽ được công bố sau 01/06. Tôi cũng có thể kể ra vài con số, ví dụ mỗi phần quà Tết của chúng tôi trị giá khoảng 400.000-500.000 đồng tuỳ theo từng khu vực. Phần khám sức khỏe trị giá từ 800.000- hơn 1.000.000 đồng/ người, chưa kể các chi phí cắt tóc, chụp hình… Và Xây Tết chỉ là một trong hàng trăm hoạt động chăm lo cho công nhân của công ty.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (giữa) kỳ vọng cộng đồng nhớ đến cách Xây Tết truyền cảm hứng đến chuỗi giá trị ngành Xây dựng chăm lo thiết thực đến những người lao động dễ bị lãng quên, thay vì tập trung vào những con số hào nhoáng
Thật khó nói hết là công ty đầu tư chăm lo cho công nhân hết bao nhiêu mà vấn đề là Coteccons đã làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa thiết thực cho người lao động và toàn chuỗi xây dựng, chúng tôi nhận được hỗ trợ của các nhà thầu phụ, đối tác, và cả các công ty ngoài ngành Xây dựng như: BOSS Cà Phê, Coopmart, Pharmacity, Long Châu... cùng nhau “hùn” vào cho công nhân xây dựng và các công nhân vệ sinh, chẳng phải đó là điều vô giá?
Cụ thể đó là những hoạt động gì?
Bà Nguyễn Trình Thuỳ Trang: Trước hết, chúng tôi cho rằng, thiết thực nhất cuối cùng vẫn là phải làm ăn có lời để lo cho công nhân. Chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov, ngay khi tiếp quản công ty đã nghĩ đến chuyện đa dạng hóa ngành nghề, chuyển hướng từ xây dựng các công trình thương mại sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, hạ tầng… và tiến ra thế giới thay vì chỉ giới hạn trong nước.
Khi công ty đa dạng nguồn thu thì sẽ không bị phụ thuộc mà bất cứ cấu phần nào trong nền kinh tế gãy đổ thì vẫn luôn có việc để anh em làm. Đây là nỗ lực thiết thực nhất trong việc chăm lo cho người lao động.
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng Giám đốc của CTD Business Unit 01 (ngoài cùng bên trái) nhấn mạnh Xây Tết sẽ là hoạt động thường niên, xuất phát từ lòng biết ơn của thế hệ kỹ sư Coteccons
Thứ hai, Coteccons rất chú trọng đào tạo cho lực lượng công nhân, kỹ sư xây dựng. Ví dụ, nhiều công nhân miền núi phía Bắc leo núi quen rồi nên khi bước lên cao không biết sợ, chúng tôi phải tập huấn cho họ để đảm bảo an toàn. Những kiến thức đó giúp họ cho dù không làm với Coteccons thì đi đâu cũng là những lao động có tay nghề, được xã hội trân quý.
Như vậy, chăm sóc công nhân thì Coteccons chỉ có lợi chứ không thiệt (cười). Nhưng quan trọng hơn là mình giúp công nhân tạo được nền tảng để thích ứng với thay đổi của ngành và của xã hội. Công nhân không chỉ là nền móng của riêng Coteccons mà còn là nền tảng của xã hội. Nền móng phải tốt thì những cấu phần bên trên mới vững vàng!