Vắng mặt trong mùa 3 Shark Tank Việt Nam để tập trung cho doanh nghiệp của mình, sự trở lại Shark Nguyễn Xuân Phú trong mùa 4 được cộng đồng start-up đón chờ với những bài học thực tế, sắc bén và đôi khi có phần "phũ phàng"… Là một doanh nhân luôn mang theo tinh thần khởi nghiệp, Shark Phú cho rằng chương trình là cơ hội học hỏi quý giá cho cộng đồng start-up Việt và giúp lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp.
Trong thời gian qua một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác FDI và trên thực tế họ đã thành công trong việc đón sóng đầu tư quốc tế. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Thực ra cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng đã xuất hiện cách đây hơn 2 năm từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải tìm kiếm một nơi sản xuất thứ 2 ngoài Trung Quốc. Trong số các quốc gia lân cận với Trung Quốc, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến mới hấp dẫn. Từ lợi thế chung về vị trí, quỹ dân số trẻ, chính sách kích cầu đầu tư... của Việt Nam, đến sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự... của mỗi doanh nghiệp đã mở ra cơ hội lớn đón sóng FDI.
Tôi được biết nguồn vốn FDI đã có mặt tại tất cả 63 địa phương, đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân. Khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng việc nguồn cầu từ doanh nghiệp FDI gia tăng khi giá đất tại nhiều khu công nghiệp hiện nay đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 năm.
Sunhouse đã kịp đón làn sóng vốn FDI này chưa? Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Sunhouse?
Trong quá trình 20 năm hình thành và phát triển thì có tới 15 năm đầu Sunhouse hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa. Sau 15 năm, Sunhouse cơ bản đã tạo dựng được hệ thống phân phối phủ khắp đất nước. Khi nhận thấy thị trường nội địa gần như đã bão hòa, chúng tôi đã chủ động hướng ra thị trường quốc tế. Trong thời gian 5 năm sau đó, Sunhouse đã chuẩn bị nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư và cải tiến hệ thống máy móc thiết bị, quy chuẩn phương thức quản lý quản trị để chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu.
Khi chúng tôi chuẩn bị được tương đối thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, chúng tôi đã nắm bắt ngay cơ hội này để tìm kiếm khách hàng thông qua việc tạo dựng 2 nhà máy để tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó khi dịch bùng phát mặc dù kênh nội địa của Sunhouse bị giảm hoặc giữ bằng mức cùng kỳ nhưng bù lại tỉ trọng xuất khẩu lại tăng lên gấp 2, gấp 3 năm ngoái. Tính riêng trong năm nay Sunhouse đã xuất khẩu sang thị trường này 50 triệu USD, tỉ lệ tăng trưởng của Sunhouse vẫn duy trì ở mức 25%/năm dù chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mục tiêu chính khi ông quay trở lại với Shark Tank là gì? Phải chăng là muốn tìm kiếm những người bạn đồng hành trên con đường hội nhập?
Tôi không tham gia Shark Tank mùa 3 và thêm một năm chương trình không phát sóng do dịch bệnh, tôi cho rằng 2 năm vừa qua là đủ cho một lứa start-up mới được hình thành và có những thành tích ban đầu. Mục tiêu đầu tiên của tôi khi quay trở lại với Shark Tank 4 là tìm kiếm những start-up có ý tưởng khác biệt, mới lạ, có khả năng sinh lời để đầu tư, cổ vũ các bạn mạnh mẽ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn tìm được những start-up liên quan đến công nghệ, R&D… để hỗ trợ, bù lấp vào những khoảng trống trong hệ sinh thái của Tập đoàn Sunhouse, từ đó tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh hơn, thông minh hơn.
Tôi cho rằng, Shark Tank mùa 4 đã truyền cảm hứng rất lớn cho các startup trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp và chương trình đã có một cái kết hoàn hảo trong mùa này.
Trên truyền hình ông đã cam kết đầu tư lớn cho một số start-up liên quan đến hệ sinh thái Sunhouse như Bioplas, AnHome, Nobita Pro,... Ông đánh giá như thế nào về những đối tác còn non trẻ này? Việc đầu tư vào những start-up này sẽ có tác động như thế nào đến Sunhouse?
Một doanh nghiệp thành công hiện nay không chỉ tập trung vào sản phẩm mà phải hình thành nên hệ sinh thái để cung cấp dịch vụ tổng thể tốt nhất cho khách hàng. Chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất khi nhắc tới Apple. Họ không chỉ kinh doanh điện thoại hay chỉ thu lợi nhuận từ điện thoại mà lợi nhuận đến từ hệ sinh thái tích hợp trên mỗi chiếc điện thoại đó, có thể là App Store hay iCloud. Nếu doanh nghiệp mang lại lợi ích tổng thể tốt nhất cho khách hàng sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống. Sunhouse cũng đang hướng đến mục tiêu như vậy.
Các start-up mà Sunhouse dự kiến đầu tư vào sẽ hoàn thiện hệ sinh thái của Sunhouse để đưa đến lợi ích toàn diện nhất cho khách hàng. Ví dụ như với Nobita Pro đã cung cấp được hệ thống phần mềm hỗ trợ khách hàng đặt hàng online, đáp ứng xu hướng giao dịch trực tuyến đang rất phát triển trên thị trường. Hoặc như trong ngành gia dụng, nhựa luôn chiếm một tỷ trọng rất lớn, trước xu hướng người dùng tương lai mong muốn tìm kiếm các sản phẩm xanh, Sunhouse cũng mong muốn đầu tư vào một doanh nghiệp nhựa sinh học để tìm hiểu, ứng dụng vào các sản phẩm đồ gia dụng, và Bioplas đã đáp ứng được yêu cầu này. Khi chúng tôi đầu tư vào các dự án như vậy sẽ tạo ra những giá trị mới hướng đến người tiêu dùng. Một hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng những sản phẩm vừa tốt, vừa rẻ, vừa an toàn với môi trường.
Đối với những start-up không hoạt động trong cùng hệ sinh thái sản phẩm, ông dựa trên những tiêu chí nào để quyết định "xuống tiền" đầu tư? Ông sẽ lựa chọn phương thức đồng hành nào với các start-up như Sell Hiil, LMS Academy... trong thời gian tới?
Có một số thương vụ tôi đầu tư không thuộc hệ sinh thái sản xuất & kinh doanh của Sunhouse. Nhưng tuy nhiên, tôi nhìn thấy ở các bạn những dự án ý nghĩa, có tính chất giáo dục cũng như tố chất của người lãnh đạo thuyết phục được tôi tin tưởng rót vốn. Bên cạnh tiền vốn thì các start-up khi nhận được sự đồng hành của nhà đầu tư sẽ hưởng được thêm lợi ích từ kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm điều phối dòng tiền, đầu tư mở rộng… đây mới chính là giá trị lớn nhất mà các start-up được hưởng lợi.
Trong vai trò của một người lãnh đạo và một nhà đầu tư, ông có đánh giá gì về hiệu quả của chương trình Shark Tank đến cộng đồng doanh nghiệp?
Tôi đánh giá Shark Tank là một chương trình truyền hình rất có ý nghĩa giáo dục, việc hỗ trợ start-up về nguồn vốn chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn chương trình có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Shark Tank giúp họ có được cái nhìn tổng quan về thị trường, thách thức trong hoạt động quản trị, quản lý doanh nghiệp. Những khán giả xem chương trình cũng sẽ biết thêm kiến thức, khái niệm cơ bản về kinh doanh. Từ đó có tác dụng truyền cảm hứng cho những người chưa khởi nghiệp để họ hiểu thế nào là kinh doanh, khó khăn thách thức trong kinh doanh, tạo động lực cho họ có thể khởi nghiệp thành công trong tương lai. Bản thân tôi tham gia phần nhiều cũng vì ý nghĩa giáo dục đó.
Trước làn sóng Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có ý kiến cho rằng đây chính là phép thử, thậm chí là biến cố "xóa bài chơi lại" đối với nhiều start-up, ông nghĩ sao về nhận định này?
Thực ra nguyên tắc quá trình tiến hóa của loài người nói chung và sự phát triển trong công cuộc kinh doanh thì mỗi cuộc khủng hoảng sẽ xấu với người này nhưng tốt với người khác. Covid-19 chính là phép thử, sàng lọc sức sống của doanh nghiệp, mô hình cũ yếu kém sẽ bị đào thải để thay thế cho mô hình kinh doanh kiểu mới, sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội. Những doanh nghiệp nào đang vận hành theo mô hình cũ mà không tồn tại được trong đại dịch thì hãy xem đây là thách thức, rủi ro mà mình phải vượt qua. Ngược lại doanh nghiệp nào mà có đầy đủ nguồn lực nhưng chưa chuẩn bị phương thức kinh doanh mới thì Covid-19 sẽ là một cú hích để thay đổi phương pháp kinh doanh.
Lời khuyên của ông dành cho các start-up trong thời điểm dịch bệnh như thế này?
Quan điểm của tôi là trong giai đoạn này, cần tập trung nhìn lại mình và tự phân chia làm 3 nhóm cơ bản. Nếu ai chuẩn bị không tốt, xác định khó qua được đại dịch này thì tốt nhất nên "xóa bài" đi, đóng cửa đợi thời để tránh tiêu hao nguồn lực không đáng có. Đợi đến khi dịch bệnh sắp kết thúc thì khởi nghiệp lại. Còn những doanh nghiệp có nguồn lực trụ được thì hãy cắt giảm tối đa chi phí để tồn tại, đồng thời phải có sự chuẩn bị nguồn lực để đón nhận cơ hội sau đại dịch. Ngược lại những doanh nghiệp nào có nguồn lực tốt thì đây là cơ hội tốt để thực hiện các thương vụ M&A, mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào marketing... để nâng tầm thương hiệu.
Xin cảm ơn ông!