Giữa tháng 4/2023, hội sở chính của Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa có thêm hơn vài trăm mét vuông mặt sàn để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích hoạt động. Không khó hiểu bởi quy mô nhân sự cùng giá trị đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất của công ty đã tăng gấp nhiều lần so với những ngày đầu chuyển về Tòa nhà VPBank, vào tháng 10/2021.
Cũng chỉ trong khoảng thời gian một năm rưỡi, VPBankS (tiền thân là Chứng khoán ASC) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thậm chí, trong bối cảnh ngành chứng khoán có thêm không ít gương mặt mới và ngay cả những người cũ cũng tích cực làm mới mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi tại VPBankS vẫn là sự chuyển mình đáng chú ý nhất.
Tháng 1/2022, Chứng khoán ASC trở thành công ty con của VPBank sau khi thương vụ mua lại được hoàn tất. Ngày 26/5/2022, theo giấy phép điều chỉnh cấp bởi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, ASC chính thức đổi tên thành VPBankS. Cũng ngay trong năm này, ngân hàng mẹ đã có hai lần liên tiếp góp thêm vốn mới, tăng vốn điều lệ từ mức chưa đến 270 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng (tháng 4/2022) và 15.000 tỷ đồng (tháng 12/2022). Vốn chủ sở hữu cập nhật tại ngày 31/3/2023 đã tăng lên 15.696 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của VPBankS cũng lớn nhanh trông thấy, từ 280 tỷ VND lên 16.265 tỷ đồng.
Trước khi "về một nhà" với VPBank, ASC có quy mô rất nhỏ, "đóng băng" hoạt động trong thời gian dài. Dù vậy, điểm sáng là ASC vẫn có bảng cân đối kế toán khá sạch khi không còn nhiều tài sản xấu tồn dư. Từ vạch xuất phát, "tân binh" VPBankS đã vươn lên bứt phá trở thành một trong những công ty chứng khoán có quy mô về vốn lớn nhất, thậm chí đã có thời điểm giữ ngôi vương trước khi Chứng khoán SSI bổ sung thêm vốn từ đợt phát hành cổ phiếu ESOP.
Sự bứt phá của VPBankS có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ sức mạnh tài chính của ngân hàng mẹ VPBank. Cũng phải nói thêm rằng, quyết định đầu tư vào một công ty chứng khoán không phải điều VPBank chưa từng làm. Ngân hàng này từng đầu tư sau đó thoái vốn hoàn toàn khỏi VPS và ngừng tham gia hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán từ năm 2016.
Sau 6 năm, khi nhận thấy cơ hội và tiềm năng từ thị trường, VPBank đã quyết định quay trở lại với tư cách là một trong những thành viên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Quyết định này xuất phát từ mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm tài chính nhằm đáp ứng với mọi nhu cầu tài chính của khách hàng từ kênh tiết kiệm, đầu tư, gia tăng tài sản… hướng đến mục tiêu chung là chạm đến hành trình tài chính của mọi cá nhân.
"Việc đầu tư vào công ty chứng khoán nằm trong chiến lược của ngân hàng khi VPBank có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. VPBankS là một trong những mắt xích quan trọng để tạo nên một hệ sinh thái tài chính toàn diện, đa tầng của VPBank" – Ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc VPBankS cho biết thêm.
Không chỉ xuất phát từ những mục đích đầu tư khác nhau, giá trị khoản đầu tư cũng rất khác về quy mô. Trước đây, VPBank chỉ chi đầu tư 104 tỷ đồng để sở hữu 11% vốn điều lệ vào VPS. Còn ở khoản đầu tư hiện tại, VPBank sở hữu 99,95% vốn VPBankS. Quan trọng hơn, ngân hàng nhanh chóng góp vào hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng một năm, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của mảnh ghép này trong hệ sinh thái mà VPBank đang xây dựng.
Hành trình khởi đầu của VPBankS diễn ra trong năm 2022 – một bối cảnh không quá thuận lợi khi thị trường gặp nhiều biến động khiến giới đầu tư, cũng như riêng các nhà đầu tư mới, trở nên e dè hơn. Dù vậy, số liệu kết quả kinh doanh năm qua vẫn cho kết quả tốt khi công ty thu về 776 tỷ đồng tổng doanh thu và 542 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng cộng, có 50.000 tài khoản mở trong năm với giá trị giao dịch 37.000 tỷ đồng.
Tài sản của VPBankS dành tỷ trọng khá lớn vào dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (3.280 tỷ đồng). Đây cũng là yếu tố góp phần tạo đột biến cho doanh thu năm 2022 khi lãi từ các khoản cho vay và phải thu mang về hơn 240 tỷ đồng.
Đây cũng là một phần trong định hướng mà lãnh đạo VPBankS cho biết sẽ kiên định thực hiện. Đó là phát triển mảng bán lẻ, tương tự chiến lược phát triển mà ngân hàng mẹ VPBank theo đuổi nhiều năm qua.
Không chỉ ở nghiệp vụ cho vay ký quỹ, ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc VPBankS - cho biết định hướng của mảng môi giới bán lẻ là nhắm đến số đông tài khoản khách hàng, trong đó chú trọng sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền tảng chăm sóc khách hàng. Nguyên nhân bởi chỉ có đẩy mạnh chuyển đổi số các dịch vụ tài chính chứng khoán, công ty mới có thể theo đuổi chiến lược bán lẻ thực hiện trên quy mô lớn. Với một "người mới" như VPBankS, chiến lược số hoá lại có phần dễ dàng.
"VPBankS có bước xuất phát muộn hơn so với các công ty chứng khoán khác. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là "lợi thế của người đi sau" khi có thể tận dụng và đưa vào phát triển các công nghệ mới nhất trong việc xây dựng app/web giao dịch cho khách hàng hay các công cụ vận hành nội bộ", ông Linh nhấn mạnh.
Hiện tại, nhân sự các khối kinh doanh và công nghệ tại VPBankS chiếm tới 73% toàn nguồn lực công ty. Không chỉ tập trung nguồn lực về con người, theo Tổng Giám đốc VPBankS, công ty đang tiếp tục tập trung xây dựng nền tảng quản lý tài sản (Wealth Management) với những sản phẩm tiên phong bên cạnh bộ sản phẩm truyền thống nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư.
Hai ứng dụng NEO Invest dành cho nhà đầu tư và NEO Advisor - ứng dụng dành cho đội ngũ bán trong quản trị đầu tư và quản lý khách hàng đều đã ra mắt với ưu tiên tập trung vào trải nghiệm người dùng thông qua thiết kế tối giản và thao tác dễ dàng.
Ứng dụng NEO Invest của VPBankS mới đây cũng đã đạt giải thưởng quốc tế Most Innovative Mobile Trading App 2023 do International Finance trao tặng. Các tính năng sẽ còn tiếp tục được bổ sung liên tục ở cả 2 ứng dụng nhằm tối ưu những trải nghiệm của người dùng. Ngoài ra, với nền tảng dữ liệu và công nghệ chuyển đổi số của các công ty nằm trong hệ sinh thái VPBank như ứng dụng Be, Cake…, công ty có cơ hội để tạo ra sự khác biệt.
VPBankS đạt giải thưởng quốc tế Most Innovative Mobile Trading App 2023 cho ứng dụng NEO Invest
Trong chiến lược 5 năm giai đoạn 2022-2026 được đề ra, mục tiêu của VPBankS là nằm trong top dẫn đầu thị trường theo định hướng ngân hàng đầu tư, đồng thời, phát triển sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng tối ưu về mặt công nghệ. Trong đó, số lượng tài khoản chứng khoán đến năm 2026 đặt mục tiêu đạt 1,08 triệu và tổng giá trị tài sản quản lý đạt 7,2 tỷ USD.
Để tiến đến mục tiêu trên, ngay trong năm 2023 này, công ty đặt kế hoạch khá thách thức với tổng doanh thu kế hoạch năm là 2.501 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước; lợi nhuận trước thuế cũng tăng gần gấp 3 lên 1.608 tỷ đồng. Cùng đó, số nhà đầu tư mở mới đặt mục tiêu là 200.000 tài khoản, gấp 4 lần số tài khoản mở mới năm trước.
Song hành với mục tiêu đầy tham vọng trên là những nền móng mà VPBankS đã và đang tập trung xây dựng dựa trên nguồn lực về con người, công nghệ, vốn. Theo mục tiêu đề ra cho năm 2023, VPBankS sẽ mở rộng dư nợ margin. Nguồn vốn hiện đã sẵn sàng. Tỷ trọng đầu tư kinh doanh vốn sẽ hạ xuống, để dành nguồn lực phân bổ cho mảng nghiệp vụ này. Về nhân sự, sau khi mở rộng quy mô trong năm đầu tiên chuyển mình, nhiều tổng lực lượng nhân sự hiện tại là hơn 450 người và sẽ tiếp tục tăng lên 500 cán bộ môi giới cùng 300 nhân sự IT vào năm 2026.Cùng đó, sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ ngân hàng mẹ và việc nằm trong hệ sinh thái tài chính VPBank ở vai trò cốt lõi trong việc phát triển mảng ngân hàng đầu tư cũng là lợi thế lớn của VPBankS có thể tận dụng. Không chỉ yếu tố vốn - điều được thấy rõ trong năm 2022, lợi thế vô hình khác mang đến cơ hội thị trường như việc VPBank sở hữu tập người dùng lớn với quy mô lên tới hơn 26 triệu khách hàng ở các phân khúc đa dạng, đặc biệt là nhóm khách hàng ưu tiên, trung lưu hay nhóm khách hàng tổ chức.
Với các đối tác hàng đầu của VPBank mà gần đây nhất là cổ đông chiến lược SMBC, VPBankS cũng được hưởng lợi từ thương vụ khi được nhận sức mạnh về tài chính hùng hậu, mô hình quản trị, kinh nghiệm hoạt động, cơ hội kinh doanh mới. Ngoài ra, lực lượng bán và chi nhánh của VPBank rộng khắp cũng là ưu thế trong hoạt động bán chéo mà nhiều công ty chứng khoán có vốn góp từ các ngân hàng tận dụng được trong thời gian qua.
Việc chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đồng hành cùng thị trường chứng khoán đã được triển khai trong năm khởi đầu vừa qua và vẫn còn nhiều dư địa để thực hiện các năm tới, nhất là khi thị trường bước qua được giai đoạn khó khăn hiện tại. Không ưu tiên cạnh tranh về giá, chất lượng của dịch vụ đến từ trải nghiệm khách hàng cũng như sự đa dạng về sản phẩm tài chính hướng đến sự phù hợp với khẩu vị rủi ro là điều công ty chứng khoán này hướng đến để có được sự hài lòng và niềm tin của khách hàng.
"Ở thời điểm hiện tại, VPBankS không cạnh tranh bằng phí giao dịch. Là một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất, thay vì thực hiện miễn phí giao dịch, chúng tôi tập trung vào trải nghiệm khách hàng cũng như sự đa dạng về sản phẩm tài chính nhằm phù hợp với khẩu vị rủi ro của khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm mũi nhọn như phân tích, nhận định thị trường và đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp từ VPBankS nhằm hỗ trợ khách hàng và tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ. Sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ cũng như niềm tin của họ với uy tín doanh nghiệp là kim chỉ nam chúng tôi hướng tới", Tổng Giám đốc VPBankS bộc bạch.