Trà từ lâu đã trở thành một thứ thức uống phổ biến, một nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của Việt Nam. Những tách trà thơm, trà quý thường được người Việt dùng để mời khách trong những buổi gặp gỡ, trò chuyện thân quen. Là nơi quy tụ của hàng loạt CEO, chuyên gia kinh tế hàng đầu trên thế giới, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 đã quyết định lựa chọn trà, với hình thức Tea Connect, để tiếp đón nồng hậu tất cả những vị khách quý như thế.
Những năm gần đây, Tea Break - nghỉ giữa giờ - ngày càng phổ biến trong các sự kiện và được công nhận rộng rãi ở khắp các nước, trong đó có Việt Nam. Tea Break là hình thức tiệc trà thường được tổ chức vào giữa giờ làm việc, giữa buổi học hay giữa những cuộc họp dài. Mục đích của Tea Break là giúp khách mời có không gian thư giãn, tái tạo năng lượng bằng thức ăn nhẹ và thức uống.
Cùng chia sẻ thức ăn và thức uống giúp kết nối với những người chưa quen biết, thoải mái trò chuyện, cùng giải quyết những vấn đề chưa thể trao đổi trực diện, giúp cải thiện tâm trạng sau thời gian tập trung căng thẳng. Những bữa Tea Break tuy nhỏ nhưng là cách thể hiện sự chu đáo, quan tâm của đơn vị tổ chức dành cho khách mời.
Là một quốc gia châu Á nổi tiếng với những cánh đồng trà xanh mướt trải dài cũng như văn hóa trà bản sắc, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 cũng như sự đồng hành của Thương hiệu Đôi Dép lại mong muốn đem đến một trải nghiệm, một phương thức hoàn toàn mới cho những người tham dự, mang tên Tea Connect.
Theo đó, học hỏi từ mô hình 600 CEO của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ban tổ chức cùng Thương hiệu Đôi Dép lên ý tưởng thực hiện Kết nối CEO qua dấu ấn văn hóa Việt Nam, cụ thể là văn hóa Trà Việt. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023 với dấu ấn đặc biệt chương trình Tea Connect tại Hội trường Thống nhất (Dinh Độc lập). Đây là tiệc trà với sự tham dự của 100 CEO hàng đầu thế giới, nơi lãnh đạo Thành phố gặp gỡ các Bộ, Ngành, địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế để cùng trao đổi, thảo luận với các chủ đề về kinh tế xanh toàn cầu.
Tea Connect bao gồm Tea - trà và Connect - kết nối. Hoạt động Tea Connect được tổ chức với mục đích kết nối những người tham dự với nhau, mở rộng quan hệ hòa bình, hợp tác và phát triển. Và chất kết nối, dẫn truyền ở đây chính là trà. Thông qua trà, sự kiện mong muốn chia sẻ tới các vị khách mời những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, và ngược lại, thông qua văn hóa để biết thêm về trà Việt Nam. Qua đó, quảng bá nghệ thuật trà, sản phẩm trà Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Tea – trà, bây giờ không còn nằm ở hành lang, ở một điểm kết cụ thể trong hội nghị căng thẳng nữa mà sẽ là tác nhân chính trong một diễn trình xuyên suốt. Không cần một thời gian nghỉ giữa giờ hay kết thúc, trà sẽ giúp chương trình, hội nghị mang nhiều tính chất kết nối nhiều hơn thay vì chỉ chia sẻ những quan điểm, đàm phán hay thống nhất. Các khách mời sẽ được thưởng thức trà ngay từ lúc bắt đầu, xuyên suốt hội nghị cho đến khi kết thúc. Điều này tạo sự kết nối ngay từ ban đầu, từ đó mở ra những hợp tác, thảo luận và hứa hẹn trong tương lai.
Suy cho cùng, việc ai hợp tác với ai, thảo luận như thế nào và kết quả ra sao là câu chuyện và mục đích riêng của mỗi người tham dự, nhưng tiêu chí tinh thần kết nối hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là thông điệp lớn nhất mà đơn vị tổ chức muốn truyền tải.
Khác biệt với Tea Break chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, Tea Connect được thiết kế trải dài xuyên suốt với 3 giai đoạn thưởng trà chính gồm Tiền trà, Trung Trà và Hậu trà, tương ứng với mở đầu, diễn biến và kết thúc của chương trình. Không chỉ là thời điểm để khách mời thư giãn và trao đổi, mỗi giai đoạn thưởng trà lại có một ý nghĩa riêng mà đơn vị tổ chức đặc biệt gửi gắm về văn hóa trà, niềm tự hào Quốc gia, dân tộc.
Thông thường, bắt đầu Hội nghị sẽ là tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, nhưng tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay, hội nghị lại bắt đầu bằng việc mời trà qua màn múa của các Trà nương vô cùng thu hút cùng âm thanh sống động tới từ dàn nhạc cụ dân tộc. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một Tea Connect đầy tính kết nối, giúp những người tham dự thêm hiểu về văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam.
Như người xưa vẫn nói "Chén trà là đầu câu chuyện", ngay đầu hội nghị, các khách mời đã cùng nhau nhâm nhi những tách trà thơm để tạo sự thư thái, nhẹ nhàng thông qua Tiền trà. Điều này giúp tinh thần tỉnh táo, mọi người có thể nói chuyện, giao lưu và kết nối làm quen, những văn hóa hay tiếng nói khác nhau đều cùng hòa chung một không khí. Có thể thấy, việc thưởng trà giúp hội nghị được bắt đầu một cách tự nhiên, thoải mái, mọi ranh giới và xa lạ đều được xóa nhòa chỉ qua vài ngụm trà xanh, từ đó khơi mở và dẫn lối những câu chuyện hấp dẫn.
Sau khi trao đổi và thảo luận. thay vì có khoảng thời gian tạm nghỉ, các khách mời sẽ cùng nhau thưởng trà và tiếp tục trò chuyện với nhau ngay tại chỗ. Thời gian này được gọi là Trung trà. Việc thưởng thức trà tại chỗ giúp tái tạo năng lượng, mang lại nguồn sinh khí mới, giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi. Các khách mời cùng nói chuyện thân mật, thông qua trao đổi trực diện để thêm hiểu nhau hơn và giải quyết những điều chưa rõ. Ẩn sâu trong Trung trà chính là thông điệp mà Diễn đàn muốn gửi gắm. Dừng lại giữa Hội nghị để uống trà giống như giữa một cuộc sống đầy bộn bề và lo toan, con người cũng cần biết dừng lại. Dừng lại để lắng nghe, dừng lại để thấu hiểu, để tận hưởng mọi thứ xung quanh, để xua tan những mệt mỏi, căng thẳng. Dừng lại có thể giúp con người có thêm động lực để bước tiếp, động lực để sáng tạo và phát triển.
Khi mọi trao đổi được hoàn thiện, cũng là lúc Hội nghị kết thúc. Nhưng thay vì chỉ chảo nhau và ra về, mọi người tại hội nghị sẽ cùng nán lại và thưởng thức tách trà cuối cùng tại Tea Connect. Đây được gọi là Hậu trà, cũng là thay cho lời kết, lời tạm biệt khép lại hội nghị. Nhâm nhi ngụm trà cuối để thư giãn sau khi có nhiều trao đổi tích cực, nhưng không vì thế mà kết thúc mọi thứ. Trong thưởng trà, trà thường có vị đắng tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được dư vị ngọt ngào của nó sau khi uống, được gọi là hậu trà hay trà có hậu. Việc uống trà lúc kết thúc chính là mang ý nghĩa sâu sắc như vậy. Tách trà khi ấy ngầm thể hiện một buổi hội nghị "có hậu" thành công tốt đẹp, người tham dự đều đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra, giúp tạo ra dư vị, níu kéo các khách mời mãi nhớ về những câu chuyện đã cùng nhau trao đổi.
Trong chương trình tại Tea Connect, khách mời được thưởng thức 3 loại trà quý của Thương hiệu Đôi Dép với bộ Cửu Nguyệt trà gồm Hương Phù Ngõa Đỉnh, Bất Thụ Đông Phong, Tâm Thanh Mỹ Nhân, đã được các nghệ nhân và "quý trà" của Việt Nam dày công chuẩn bị trong suốt 6 tháng qua. Ngoài ra còn có bộ Ngọc Thiên Chi Trà – được giới sành trà gọi "Trà cống phẩm" là 3 sản phẩm trà làm quà tặng cho các vị khách quý.
Trong đó Hương Phù Ngõa Đỉnh (hương thơm tự nhiên của trà bay ra khỏi sành, ấm) được dùng trong Tiền trà, là loại trà xanh có vị ngọt, giúp chống lão hóa, tạo ra lượng cafein tốt, giúp mọi người bắt đầu bằng sự tỉnh táo, nhẹ nhàng, thư thái.
Bất Thụ Đông Phong là loại trà vàng, được dùng trong Trung trà. Bất Thụ Đông Phong ý nói tới những cây trà được trồng ở trên vùng núi cao, nơi có thời tiết ngày nóng, đêm lạnh, ban ngày tiếp xúc với nắng gió, ban đêm tiếp xúc với giá rét giúp trà hấp thu được tất cả những thời tiết khắc nghiệt nhất, tạo nên chất trà đầy cá tính, hương vị đặc thù, cũng hàm ý cuộc sống càng khó khăn thì con người càng phải có sự bản lĩnh, khó khăn sẽ giúp người ta vươn lên và tạo ra những nội chất tốt đẹp nhất.
Hậu trà tại Tea Connect là hồng trà (trà đỏ) với tên gọi Tâm Thanh Mỹ Nhân. Đây là loại trà lên men, có vị ngọt ngào như mật ong. Trà này không có cafein lại tốt cho đường tiêu hóa, ngọt, thơm. Trà lá giống như cô gái đẹp, lại có tâm thanh trong sáng, hàm ý đề cao tính thẩm mỹ.
Ba giai đoạn kết nối của 3 loại trà tại Tea Connect, từ xanh đến vàng và đỏ cũng giống như diễn biến của một ngày: xanh tươi buổi sáng, buổi trưa vàng rực nắng và buổi tối thì đỏ, giống như sắc màu thời gian mà chúng ta trải qua. Đây đều là những loại trà ngon được trồng tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) với số lượng diện tích trồng và chăm sóc rất hạn chế và quý, được Thương hiệu Đôi Dép cùng các nghệ nhân trà tại Lâm Đồng dày công chăm sóc, phục dựng và bảo tồn.
Bộ Ngọc Thiên Chi Trà của thương hiệu Đôi Dép được phục vụ tại Tea ConnectBộ Ngọc Thiên Chi Trà của thương hiệu Đôi Dép được phục vụ tại Tea Connect
Dù Hội nghị kết thúc ở mức độ thành công, theo đúng mục tiêu của người tham gia như thế nào, thì Tea Connect vẫn là nơi kết nối mọi người, là nơi cùng nhau thưởng thức một phần trà ấm, ấm như tấm lòng người Việt. Một chương trình nghị sự nhưng lại tạo cảm giác như một buổi gặp gỡ đời thường, thân mật, nơi con người dừng lại với tâm thế hoan hỉ.
Mọi thứ bắt đầu từ Tiền trà mở ra câu chuyện, đến Trung trà là khi tất cả cùng say sưa nội dung chính, còn Hậu trà là nơi kết lại chương trình. Người ta vẫn nói "Nhân sinh như một chén trà", ba giai đoạn thưởng trà như ba giai đoạn của đời người gói gọn trong một chén trà. Thông qua chén trà, con người dừng lại, lắng lại, nhìn về nhau, nghĩ về nhau và hiểu về nhau hơn. Không sai khi nói Tea Connect chính là địa điểm giúp các doanh nhân trên thế giới hiểu hơn về Việt Nam, về con người Việt Nam, từ đó mở ra những màn hợp tác trong tương lai.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 có chủ đề "Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0", xoay quanh các vấn đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TP.HCM; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp,…
Tea Connect cũng phần nào nêu lên chủ đề của Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm nay. Nhắc đến trà là người ta nghĩ ngay đến màu xanh lá cây, một màu xanh mang lại sự may mắn, sinh sôi nảy nở, một màu xanh đại diện cho trái đất. Chính vì vậy, Tea Connect đem đến Diễn đàn những tách trà xanh đầy ý nghĩa, nhân rộng những ‘hành động xanh’, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.
Chia sẻ bên lề Hội nghị, nhiều khách mời tham dự 100 CEO Tea Connect đều cho biết, họ rất bất ngờ về văn hoá trà của người Việt. Trước đây họ chỉ biết đến Trà đạo của Nhật Bản, Trà lễ của Hàn Quốc hay Thiền trà của Trung Quốc, còn bây giờ biết thêm Việt trà. Tiền trà, Trung Trà, Hậu trà tại Tea Connect có màu sắc khác nhau và mùi thơm cũng khác nhau. "Tôi ấn tượng với hương thơm của trà. Vừa mở ấm trà ra cho một hương vị khác, một lúc sau lại mang đến lớp hương khác, nhiều lớp hương đan xen và kế tiếp nhau, điểm chung là tất cả các hương thơm của trà đều tạo cho con người ta cảm giác thật thoải mái, dễ chịu" - một vị chuyên gia người Nhật tham dự 100 CEO Tea Connect cho biết.
Còn với ông Philipp Roesler, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Tea Connect mang đến cho ông những cảm nhận khác. "Tea Connect là một chương trình rất hay. Tôi ấn tượng nhất với phần mở màn (mời trà – PV). Tea Connect là một cơ hội hiếm có bởi nó giúp mọi người trên thế giới kết nối cùng nhau, từ những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đến từ những nơi khác nhau như các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chính trị tới các ban ngành. Các chủ đề của sự kiện đều hướng tới hai thách thức nhất trên toàn cầu hiện nay đó là chuyển đổi số và phát triển bền vững. Và những vấn đề ấy sẽ được giải quyết bằng sự tăng cường hợp tác, kết nối (connect)", ông nói, đồng thời nhấn mạnh thêm ông rất thích trà Việt, thích Tea Connect.
Đồng hành cùng Tea Connect tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023 là Thương hiệu Đôi Dép, một doanh nghiệp Việt có khát vọng giữ gìn và phát triển ngành chè, đưa thương hiệu trà oolong nói riêng và văn hóa trà Việt Nam đi khắp thế giới. Hiện Đôi Dép đang sở hữu những vùng trồng trà oolong quý hiếm, có 8 nhà máy chế biến trà khắp Việt Nam, trong đó phải kể đến nhà máy chè Galaxy với quy mô hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Đôi Dép cũng đã được xuất khẩu đi các thị trường quan trọng như Nga, Mỹ, Đức… dưới dạng trà thành phẩm chất lượng như bộ Cửu Nguyệt Trà và Ngọc Thiên Chi Trà, đem về giá trị kinh tế cao cho đất nước.
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng trà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, và đứng thứ 7 về sản xuất trà. Cây trà hay cây chè, trở thành loại cây công nghiệp, được trồng chủ yếu ở miền núi và trung du Bắc Bộ (chiếm khoảng 70%), kế đến là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Có tới 170 giống trà được trồng và phát triển tại nước ta, từ những giống lâu đời như: shan tuyết, móc câu, trà xanh, trà ướp hướng đến những giống ngoại nhập như ô long, kim xuyên, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc...Thế nhưng Việt Nam cũng chỉ xuất khẩu chủ yếu chè dưới dạng nguyên liệu, trong khi trà thành phẩm và thương hiệu trà Việt còn chưa được quảng bá mạnh mẽ.
Với sứ mệnh và khát vọng phát triển ngành chè Việt Nam hàng đầu thế giới, qua đó lan tỏa bản sắc văn hóa Trà Việt, văn hóa Việt Nam cũng như xây dựng ngành kinh tế chè nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung, tạo ra giá trị kinh tế cao cho đất nước, Tea Connect sẽ là một khái niệm mới trong công tác đối ngoại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Định nghĩa mới Tea Connect được triển khai trong các sự kiện quan trọng cũng là hành động góp phần chung tay bảo tồn, phát triển các vùng nguyên liệu chè trên cả nước, đặc biệt là các giống trà quý như trà oolong, đồng thời đưa văn hóa Trà Việt đi khắp thế giới.