Khởi đầu khiêm tốn tại Hóc Môn, nay là quận 12, HEINEKEN Việt Nam đã có 6 nhà máy tại Việt Nam với rất nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội. Không chỉ để lại dấu ấn bên ngoài bằng sắc xanh lá biểu tượng xuyên suốt hành trình xây dựng thương hiệu, bản thân HEINEKEN Việt Nam cũng đang "xanh" từ bên trong, với tham vọng đi đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Câu chuyện truyền cảm hứng này đã thôi thúc tôi tìm đến văn phòng HEINEKEN Việt Nam. Tôi được gặp chị Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bền vững của HEINEKEN Việt Nam, một người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn song có khả năng lan tỏa năng lượng tích cực và truyền cảm hứng vô cùng.
Một cách rất hào hứng và say mê, chị kể tôi nghe về chặng đường "xanh hóa" của HEINEKEN Việt Nam - thành công có, thách thức có - song sau tất cả, vẫn là "Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn''. Trong lộ trình này, với chị, con người đóng vai trò quan trọng, vì chỉ có con người mới có thể tạo ra sự đổi mới, chỉ có con người mới có thể biến Trái đất trở thành mái nhà chung tốt đẹp hơn, xanh sạch hơn.
Net Zero là một trong ba trụ cột chính trong chiến lược "Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn" của HEINEKEN Việt Nam. Mục tiêu trung hòa và giảm thiểu phát thải carbon được công ty thực hiện ra sao?
Chiến lược phát triển bền vững "Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn'' có 3 lĩnh vực chính: môi trường, xã hội và uống có trách nhiệm. Câu chuyện môi trường tiếp tục được chia thành 3 trụ cột: trung hòa carbon, bảo tồn nguồn nước và kinh tế tuần hoàn. Với trụ cột carbon, HEINEKEN Việt Nam tiếp tục chia nhỏ thành các mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như nỗ lực đạt phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2030. Em biết đấy, carbon xuất hiện trong suốt chuỗi giá trị, từ nông nghiệp, tới tay người tiêu dùng, cho đến khi thải bỏ bao bì. Phía công ty đặt ra các mục tiêu và tham vọng giảm phát thải carbon trong suốt chuỗi quy trình rất dài đó. Có 3 mục tiêu chính: trong sản xuất đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2030, trong chuỗi giá trị giảm 30% phát thải vào năm 2030, trung hòa carbon vào năm 2040 và sử dụng 100% nguyên liệu bền vững vào năm 2030. Để làm được điều này, HEINEKEN Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ với nhiều bên để có thể sản xuất bền vững và phát thải ít carbon nhất có thể.
Năng lượng tái tạo chiếm 52% tổng năng lượng tiêu thụ tại các nhà máy của HEINEKEN Việt Nam. Chị chia sẻ một chút về những loại năng lượng tái tạo này được không?
Nhà máy bia để vận hành sẽ cần sử dụng 2 loại năng lượng chính. Thứ nhất là nhiệt năng chủ yếu cho khâu nấu bia, thứ hai là điện năng chủ yếu cho khâu lên men, làm lạnh và khâu đóng gói sản phẩm. Về phần nhiệt năng, trước kia công ty từng dùng dầu diesel làm nguồn nhiệt năng để nấu bia, song nhiều năm trở lại đây, đã chuyển sang dùng biomass (năng lượng sinh khối), chẳng hạn như vỏ trấu và mùn cưa, các phế phẩm trong nông nghiệp, làm nguồn nhiệt năng.
Về phần điện năng, HEINEKEN Việt Nam có rất nhiều kế hoạch, trong đó đặt mục tiêu điện mặt trời áp mái tại 6/6 nhà máy và điện từ nguồn biomass tại 1 nhà máy. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng nguồn điện từ các tấm pin mặt trời lắp trên mái của toàn bộ nhà máy, HEINEKEN Việt Nam vẫn chưa đủ năng lượng cần thiết để sử dụng trong sản xuất. Chính vì vậy, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) là rất quan trọng để phía công ty hiện thực hóa tham vọng đạt phát thải ròng bằng không của mình. Cơ chế này vốn đang được áp dụng rất nhiều tại châu Âu, tuy nhiên, chưa được ban hành tại Việt Nam.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đã được HEINEKEN Việt Nam áp dụng ra sao để hiện thực hóa mục tiêu không rác thải chôn lấp trong sản xuất?
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đồng nghĩa với việc giảm khai thác và sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả nhất. Nền kinh tế trước đây chủ yếu đi theo mô hình tuyến tính trên một đường thẳng, tức khai thác, sản xuất, bán hàng và thải bỏ. Tuy nhiên, dân số thế giới đang tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng của con người cũng ngày một tăng. Nếu cứ tiếp tục khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu không hiệu quả, nguồn tài nguyên sẽ không kịp tái tạo. Quá trình tự phục hồi của tự nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp giải quyết vấn đề này qua việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, tái chế, tái sử dụng và giảm rác thải.
Không chỉ tham vọng sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất, HEINEKEN Việt Nam còn dùng những nguyên liệu sạch. Câu chuyện sử dụng cam trồng trong nước cho một loại bia của HEINEKEN Việt Nam có phải là một ví dụ điển hình?
Sử dụng nguồn cung ứng bền vững là một trong những tham vọng của HEINEKEN toàn cầu nói chung và HEINEKEN Việt Nam nói riêng. Câu chuyện cây cam trồng trong nước là một ví dụ về lộ trình tối đa hóa việc sử dụng nguồn cung ứng nội địa nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và giảm phát thải CO2 qua việc giảm đoạn đường vận chuyển. Không chỉ tối đa hóa nguồn cung trong nước, HEINEKEN Việt Nam còn tối đa hóa nguồn cung ứng tại ngay địa phương khi có thể.
HEINEKEN Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% năng lượng tái tạo, 100% nước được bù hoàn và không còn chất thải chôn lấp. Đến nay, công ty đã làm được gì?
Năm 2021, 6/6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam đều đã đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp, tái sử dụng và tái chế 100% các phụ, phế phẩm trong sản xuất. Về mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, chị vui mừng chia sẻ với em rằng tất cả các nhà máy của Heineken Việt Nam hiện nay đều sử dụng nhiệt năng tái tạo từ biomass (năng lượng sinh khối).
Về phần điện năng, chị đã chia sẻ ở trên. Nếu mọi thứ suôn sẻ, với cơ chế DPPA được ban hành và HEINEKEN Việt Nam được tham gia cơ chế này, tham vọng đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 là chuyện có thể đạt được.
Còn về câu chuyện 100% nước được bù hoàn, mới đây, chương trình Hợp tác Bảo tồn tài nguyên nước do Heineken Việt Nam, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF-Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác địa phương đã chính thức được khởi động, với mục đích phục hồi nguồn nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam.
Chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện thiết kế bao bì áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không?
Đây là chủ đề mà chị thích được chia sẻ nhất. Đầu tiên là câu chuyện chai thủy tinh. Hiện nay, 97% chai thủy tinh của HEINEKEN đều được tái sử dụng. Khâu thiết kế, sản xuất chai được chú trọng ngay từ đầu bởi nếu chai dễ bể, dễ trầy xước thì sẽ không thể tái sử dụng được nhiều lần. Thông thường, một chai bia thủy tinh của HEINEKEN Việt Nam có thể tái sử dụng tới 30 lần.
Thứ hai là câu chuyện két nhựa đựng chai. Ngay từ khâu thiết kế, phía công ty đã đặt mục tiêu két nhựa có thể sử dụng được trong 5-10 năm. 98,5% két nhựa được tái sử dụng.
Thứ ba là câu chuyện lon bia. Khâu thiết kế một lần nữa được tối ưu hóa nhất có thể: giảm nguyên liệu nhưng vẫn phải đảm bảo đủ độ dày, không bị móp méo trong vận chuyển. Lon nhôm được sản xuất từ 40% nhôm tái chế. Sử dụng nhôm tái chế giúp tiết kiệm hơn 90% năng lượng so với nhôm mới. Lon nhôm hiện nay sử dụng 40% nguyên liệu tái chế, và HEINEKEN Việt Nam đang hướng tới mục tiêu lon nhôm sử dụng 80% nhôm tái chế .
Thứ tư là câu chuyện thùng carton. Theo chị, một trong những điểm quan trọng khi thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là con người. Con người tạo ra quy trình, sáng tạo và đổi mới. Công nghệ mới thì cũng do con người phát triển nên. Chính vì thế, con người, cụ thể là sự sáng tạo của con người là mấu chốt quan trọng trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và đặc biệt, sáng tạo thì không tốn phí.
Sáng tạo trong thiết kế thùng carton là một ví dụ. Thiết kế sóng T-flute của thùng carton đã giúp tiết kiệm 3,1% nguyên liệu giấy, tương đương 273 tấn giấy/năm và giúp tăng 17% số lượng thùng vận chuyển trên 1 chuyến xe. Sáng tạo là vậy đó, giúp tạo ra nhiều giá trị.
Hiện Việt Nam chỉ thực hiện được 2/3 quy trình: thu gom và đập dẹp. Điều này gây khó khăn gì cho công ty trong quá trình sản xuất vỏ tái chế?
Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất tấm nhôm cuộn từ nhôm tái chế, nên hầu hết tấm nhôm cuộn có thành phần nhôm tái chế vẫn đang được nhập từ nước ngoài để sản xuất lon nhôm trong nước.
Hợp tác trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng. HEINEKEN Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội hợp tác để thực hiện việc tái chế lon nhôm thành cuộn nhôm tại Việt Nam.
Ngoài vỏ lon bia và chai thủy tinh, HEINEKEN Việt Nam còn tái chế những gì?
Cuối năm 2021 cả 6 nhà máy của HEINEKEN Việt Nam đều đạt không rác thải chôn lấp, điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ phụ phẩm và phế phẩm trong quá trình sản xuất được tái chế hoặc tái sử dụng có thêm nhiều câu chuyện thú vị từ kinh tế tuần hoàn để chia sẻ thêm với em.
Hiệu suất sử dụng nước tại HEINEKEN Việt Nam hiện đạt 2,65hl/hl, so với mức bình quân của ngành là 3,04hl/hl. Công ty đã làm gì để có thể giảm hiệu suất sử dụng nước trong khi đây là nguyên liệu chính để làm bia?
HEINEKEN Việt Nam nằm trong top đầu của HEINEKEN toàn cầu về hiệu suất sử dụng nước và điện. Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, người ta gọi đó là tối ưu hóa, tức sử dụng nguyên liệu hiệu quả.
HEINEKEN Việt Nam và HEINEKEN toàn cầu luôn đặt ra những mục tiêu và chiến lược để những nhà máy của mình có thể áp dụng thành công công nghệ vào mô hình sản xuất. Đương nhiên đi đầu sẽ luôn có những thách thức, nhưng phía công ty thường luôn hướng đến việc không ngừng đổi mới và sáng tạo, không dừng lại ở những gì mình đạt được. Chương trình của nhãn hiệu Heineken có câu tagline (khẩu hiệu) "A little greener everyday", tiếng Việt là "Xanh hơn mỗi ngày". Nhân viên tại các nhà máy làm việc theo tinh thần "A little bit better everyday'', tạm dịch là "Tốt hơn mỗi ngày". Tinh thần đó hiện hữu trong chính câu chuyện hiệu suất nước mà em đang hỏi chị.
Mời em đến thăm nhà máy của HEINEKEN Việt Nam để cảm nhận tinh thần này. Các anh chị làm việc ở nhà máy cực kỳ truyền cảm hứng. Họ rà soát liên tục quy trình sản xuất để đổi mới và làm tốt hơn. Để làm được điều này, bản thân các anh chị phải thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức. Rà soát quy trình để có thể không ngừng cải tiến và tối ưu nhất có thể. Công nghệ cũng được áp dụng để tối ưu hóa nguyên liệu sử dụng.
Nhờ làm được điều đó, 5/6 nhà máy của công ty đều đạt hiệu suất sử dụng nước thấp nhất và toàn bộ nước thải được xử lý an toàn trước khi trả về môi trường.
Dự án Bảo tồn Nguồn nước tại Lai Châu và Quảng Nam là dự án tiêu biểu của HEINEKEN Việt Nam. Phản ứng của người dân ra sao? Thái độ của họ đối với các sản phẩm bia của công ty có thay đổi?
Dự án này nằm trong chương trình HEINEKEN Việt Nam thực hiện cách đây 10 năm trên cả nước, cho đến nay đã hỗ trợ xây dựng được 26 công trình nước sạch. Các công trình nước sạch chủ yếu được thực hiện ở vùng sâu vùng xa, nơi người dân chưa có cơ hội tiếp cận nguồn nước an toàn và thường chưa có nhận thức tốt trong việc xử lý rác thải, như xả trực tiếp ra kênh rạch, sông suối gây ô nhiễm trực tiếp nguồn nước họ sử dụng hàng ngày.
Đây là chương trình nước sạch cho cộng đồng nên phía công ty hiện chưa đo thái độ của người dân có thay đổi hay không đối với các sản phẩm của công ty. Tuy nhiên chương trình nhận được phản hồi và tham gia tích cực của người dân địa phương. Được hỗ trợ các dụng cụ thu gom rác và hướng dẫn xử lý chất thải, bản thân người dân cũng cảm thấy môi trường sống xanh, sạch hơn và chung tay bảo vệ môi trường cùng HEINEKEN Việt Nam.
Nỗ lực "xanh hóa" có ảnh hưởng tới bài toán kinh tế của HEINEKEN Việt Nam không? Công ty đã gặp những khó khăn gì?
Đây là câu hỏi chị thường xuyên nhận được. Thật ra câu chuyện phát triển bền vững không chỉ là câu chuyện "xanh hóa". Điểm thú vị là trong tiếng anh, từ "sustainability" (bền vững) được cấu thành từ 2 từ: sustain và ability, tạm dịch là khả năng tồn tại. Chính vì thế, câu chuyện về phát triển bền vững sẽ là câu chuyện của mỗi người, mỗi công ty, mỗi tổ chức, tóm lại là của toàn cầu, bởi đó là câu chuyện con người có tồn tại được hay không. Hiện chúng ta chỉ có một Trái đất.
Phát triển bền vững cần cả 3 yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội. Không có kinh tế thì xã hội cũng không phát triển được. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường thì không bền vững được. Hầu hết mọi nguyên vật liệu đều xuất phát từ môi trường. Chúng ta đều đã biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế. Cũng không thể bỏ qua yếu tố xã hội, cụ thể là con người. Xã hội an toàn, con người khỏe mạnh thì mới phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường được. Đại dịch COVID-19 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Đảm bảo được 3 yếu tố này, chúng ta mới có thể tồn tại. HEINEKEN Việt Nam đã phát triển hơn 30 năm qua và mong muốn phát triển trong nhiều lần 30 năm tới, do vậy phát triển bền vững sẽ luôn là định hướng hoạt động của phía công ty.
Còn về khó khăn. Chị không thích dùng từ khó khăn, chị thích dùng từ thách thức. Thách thức thì mình vượt qua thôi. Đây cũng là tinh thần của người Việt Nam. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Quan trọng là tất cả chúng ta đều phải nâng cao nhận thức, bởi nhận thức là thứ cốt lõi. Mình nghĩ mình làm được thì mình sẽ làm được.
Câu chuyện phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam trước và sau COVID-19 liệu có thay đổi?
Như chia sẻ ở trên câu chuyện phát triển bền vững sẽ không thay đổi. Cuối năm 2021 HEINEKEN Việt Nam công bố ngân sách 30 tỷ đồng để bảo tồn tài nguyên nước dù đó là thời điểm rất khó khăn, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Công ty khi đó chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe và an toàn của nhân viên, hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng. Trọng tâm có thay đổi tùy từng thời điểm, song định hướng phát triển bền vững thì không thay đổi.
Cảm ơn chị về những chia sẻ này!