Khởi nguồn từ phía Nam tỉnh Điện Biên, dọc theo dãy Pu Xung Chảo Chai và Pu Sam Sao, vòng qua Lào, sông Mã về lại Việt Nam qua cửa khẩu Tén Tằn, Mường Lát, Thanh Hóa. Theo dòng chảy của mình, sông Mã mang những bè luồng xuôi về phía hạ lưu, những câu chuyện lịch sử về ngọn Pù Luông và cả những bản làng cheo leo nơi núi cao biên giới.
Vàng A Pó, Vàng Thanh Hóa và Vàng Tân Minh là 3 chàng trai người Mông sinh năm 1998, 1999 và 2000 ở bản Cá Giáng - khu vực miền núi đặc biệt khó khăn thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Có thể gọi họ là GenZ (thế hệ Z) nếu chiếu theo điều kiện là sinh ra trong khoảng từ năm 1996 đến 2012. Nhưng họ hoàn toàn không có dấu ấn đặc trưng của thế hệ này, là được tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số và điện tử ngay từ nhỏ.
Theo thông tin từ phóng sự "Ban chỉ đạo 901 tỉnh Thanh Hóa khảo sát thực tế tại huyện Mường Lát" của Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa, bản Cá Giáng đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, 111 hộ trong bản đều là người Mông và là hộ nghèo.
Pó và Hóa là anh em ruột, Minh là cháu. Hai nhà cách nhau tầm chục mét, dựng thô sơ bằng cột và các tấm ván gỗ, mái lợp fibro xi-măng. Trước sân nhà anh em Pó, một cây ngô đồng cao nhưng không tỏa bóng mát. Giữa trưa hè, nắng đổ vào đến bậu cửa.
Vàng Thanh Hóa mở khóa, mời khách vào bên trong. Lúng túng thu vén một hồi, cậu cũng sắp được đôi chỗ ngồi trên giường, bên cạnh những bao tải thóc chất cao gần chạm nóc nhà.
Gia tài của cả nhà Pó, ngoài 3 chiếc giường, 1 chiếc tủ nhựa đựng quần áo và mấy chục bao thóc thì có lẽ nhiều nhất là những tấm giấy khen dán kín trên vách tường. Phần lớn trong số đó ghi tên Vàng A Pó.
Hóa kể, lên cấp 2, A Pó đỗ trường nội trú của huyện. Đi bộ từ 7 giờ sáng thì nhập nhoạng tối mới đến nơi. Mỗi tháng Pó chỉ về thăm nhà một lần.
"Lên cấp 3, Pó học ở trường Dân tộc nội trú của tỉnh, tận thành phố Thanh Hóa. Đi xe khách mất 9 tiếng nên chỉ nghỉ hè hoặc nghỉ Tết anh mới về", Hóa nhớ lại.
Nhưng đó chưa phải là hành trình xa nhất của Vàng A Pó. Năm 18 tuổi, cậu là thanh niên đầu tiên ở Cá Giáng xuống Hà Nội học đại học.
Ngày Pó nhập trường, mẹ bán đi con trâu, cho cậu 5 triệu đồng. Mẹ Pó, một người phụ nữ sinh năm 1964, không biết tiếng Kinh, nói đại ý bằng tiếng Mông rằng: "Mình nghèo rồi thì phải cho con đi học, để sau này nó đỡ nghèo. Nó không nghèo như mình".
Di là anh trai cả của Pó. Năm ấy đưa em xuống Hà Nội nhập trường, Di mừng lắm. "Học đại học sẽ ngẩng được cái đầu lên", anh nghĩ vậy.
Lúc chia tay, anh Di giao "gia tài" lại cho Pó, bớt lại 200.000 đồng làm lộ phí về bản. Pó nhớ lúc lên xe mắt anh hơi đỏ. "Anh trai khóc, không biết do cảm động vì lần đầu tiên em đi 'xa đến thế', hay vì… sợ lạc đường".
Người làng Cá Giáng trước đó chưa có ai xuống Hà Nội. Về mặt địa lý, khoảng cách từ Cá Giáng về Hà Nội chỉ khoảng 250 cây số, nhưng "khoảng cách thật sự" mà anh em Pó phải vượt qua lớn hơn thế rất nhiều.
Theo thống kê, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện tính đến cuối năm 2020 đạt 99,26%. Nghĩa là chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn cả nước chưa được sử dụng điện.
Những người Mông ở Cá Giáng thuộc vào tỷ lệ 0,74% (hoặc có thể đã ít hơn) đó.
Chưa có điện lưới, người dân nơi đây lắp tuabin chạy bằng sức nước ở suối để thắp đèn và chạy quạt điện, là hai nhu cầu quan trọng nhất trong mùa hè.
Pó, Hóa và Minh đều thống nhất rằng, hiện tại, ngoại trừ chuyện thiếu điện thì mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Di chuyển từ Cá Giáng ra bên ngoài không còn khó khăn như trước, vì đã có đò băng qua lòng sông Mã.
Chiếc đò sắt tuy khá thô sơ nhưng có thể chở được đến 10 xe máy (kèm người), vượt lòng sông rộng 200 mét chỉ mất vài phút.
Năm 2018, trên một chuyến đò như vậy, Vàng Thanh Hóa rời bản đi làm công nhân. Mặc dù kết quả học phổ thông không tệ, nhưng Hóa không nghĩ đến chuyện học tiếp lên các bậc học cao hơn. "Anh trai đã đi học rồi nên mình đi làm kiếm tiền", Hóa cho biết.
Trên thực tế, lương tháng 6-7 triệu đồng của Hóa thời gian ấy đã hỗ trợ một phần cho Pó trang trải cuộc sống và học tập ở Hà Nội.
Hóa làm ở Quảng Ninh hơn 1 năm, sau đó vào Đồng Nai làm thêm 2 năm nữa. Lấy vợ xong, cậu quay về bản sống cùng mẹ. Người bố đã mất trước đó nhiều năm.
Vàng Tân Minh, sinh năm 2000, sau 3 năm làm công nhân ở một nhà máy giấy ở Gia Lâm - Hà Nội, cũng trở về quê lấy vợ.
Minh bảo, cậu mới về lại quê được vài tháng, nhưng ở bản không có công việc kiếm ra tiền. "Em định nốt vụ này xong qua Tết năm sau lại đưa vợ xuống Hà Nội, tìm việc làm công nhân. Cả 2 vợ chồng cùng đi, để vợ ở nhà không yên tâm", Minh nói.
Trên thế giới, theo một thống kê không chính thức, số lượng những người thuộc thế hệ Z vào khoảng 2,6 tỷ người, chiếm 1/3 dân số. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số người trong độ tuổi lao động (15-24 tuổi) vào khoảng 13 triệu người trong năm 2019, chiếm khoảng 19% số lượng trong độ tuổi lao động.
Dự đoán đến năm 2025, nhóm này nhân lực thế hệ Z sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.
Ở bản Cá Giáng, thanh thiếu niên thế hệ Z có chưa đến 100 người. Đa phần họ giống với Hóa và Minh, học hết cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ rời bản đi làm ở thành phố một thời gian. Sau khi tích cóp được chút tài sản có giá trị như xe máy, con trâu,... thì về quê lấy vợ, lấy chồng. Tùy theo nhu cầu cuộc sống, khi cần tiền họ lại rời bản đi làm thuê.
Đây là điểm khác biệt với thế hệ 8X trở về trước ở Cá Giáng. Thế hệ cha chú của họ là những "người cũ", cả đời chỉ quanh quẩn với bắp ngô trên nương hay con gà thả sau vườn, loay hoay trong nền kinh tế tự cung - tự cấp với mong ước "chất được bao thóc đầy nhà".
"Người ngã xuống, người đứng lên, vòng đời mãi như vậy, quanh quẩn mãi chả biết xã hội bên ngoài phát triển đến đâu, dù có biết cũng chẳng theo kịp được", Pó đã nói như vậy khi nói về "người cũ" ở bản.
Chuyện của Vàng A Pó có chút phức tạp hơn các thanh niên khác ở bản. Pó là tấm gương về sự "học hành đến nơi đến chốn" của thanh niên Cá Giáng, là niềm tự hào của mẹ và anh trai, là nơi gửi gắm kỳ vọng "ngẩng mặt với đời".
Tuy vậy, con đường học hành của sinh viên nghèo vùng cao vốn đã khó khăn lại gặp đúng 2 năm Covid. Diễn biến dịch bệnh phức tạp đã tạo thêm một tình thế chưa từng có tiền lệ của ngành giáo dục: học online.
2 năm Covid, Pó về bản, dựng một cái chòi trên núi cách nhà khoảng 3 cây số, nơi này là điểm gần nhất "bắt" được sóng 3G để có thể "online". Tuy vậy, đường truyền Internet không phải lúc nào cũng ổn định.
"Hôm nào đường truyền yếu coi như mất tiết học hôm đó", Pó chia sẻ trong một clip tự quay kể lại việc sinh viên vùng cao học online.
Con đường đi lên "chòi" để "bắt" sóng 3G và học online của Vàng A Pó.
Trải qua 2 năm bập bõm "online" cũng đến ngày Pó học xong. Nhưng cậu còn đang mắc ở "cửa ải" cuối cùng là chứng chỉ tiếng Anh.
Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho sinh viên.
Muốn vượt qua kỳ thi tiếng Anh, Pó phải đi học. Muốn đi học, phải có tiền. Những công việc làm thuê trước đây của cậu như hái quả, chặt cây,… chỉ mang tính thời vụ, chẳng kiếm được bao nhiêu. Em trai đã có gia đình riêng, không thể hỗ trợ anh như trước.
Từ mấy tháng trước, Pó bắt đầu làm thêm nghề chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.
Những đêm hè 2022, trong căn nhà trọ khoảng 10 mét vuông ở Gia Lâm (Hà Nội), Pó không ngủ được.
Cậu nghĩ đến tiền sinh hoạt mấy năm nay. Trong đó có bóng dáng con trâu của mẹ, có ngày công lao động của thằng Hóa, cả những đồng tiền Pó nhọc nhằn làm thuê.
Pó đau đáu về một công việc "cho xứng" với 4 năm ăn học, công việc để có thể "ngẩng cái đầu lên".
Số liệu từ Giám đốc trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho thấy, Việt Nam hiện nay có khoảng 240 trường đại học, với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Bình quân giai đoạn 2019 – 2021, mỗi năm có khoảng 240.000 sinh viên tốt nghiệp trên cả nước.
Ở bản Cá Giáng, Pó có thể là ngôi sao sáng nhất, nhưng ngôi sao đó đặt trong một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt có ưu thế gì để tỏa sáng. Ngoại ngữ? Kỹ năng mềm? Hỗ trợ tài chính từ gia đình? Quan hệ xã hội?
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và đang tìm việc chiếm 9,1%. Con số được dẫn từ báo cáo đánh giá tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đơn vị này khảo sát tình trạng công việc trong khoảng 12 tháng sau khi ra trường của hơn 1.600 sinh viên từ 15 đại học, học viện trên cả nước.
Các sinh viên tham gia khảo sát cho biết, có 5 trở ngại lớn khi tìm việc. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; hiếu hiểu biết về thị trường lao động và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.
Với Pó, trở ngại lớn nhất của cậu khi tìm việc là gì?
Bỏ qua sự may rủi của số phận, câu hỏi đặt ra là liệu Pó đã nỗ lực tìm kiếm những cơ hội xung quanh mình?
Ở Trường Đại học Nông nghiệp nơi Pó theo học, hàng năm đều tổ chức những ngày hội hướng nghiệp và thường xuyên kết nối thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng tới sinh viên.
Một thầy giáo ở khoa Kinh tế và phát triển nông thôn của Pó chia sẻ thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, giáo viên và nhà trường tích cực giới thiệu, kết nối nhưng tỷ lệ cung – cầu gặp nhau không nhiều.
Hỏi Pó đã tham gia lần nào chưa, cậu chỉ trả lời ngắn gọn: "Đây là thiếu sót của em".
Có ý kiến cho rằng, người Mông (vùng Tây Bắc) không thích đi làm thuê, người giàu nghĩa là đủ ăn trên những mảnh ruộng bậc thang của quê mình.
Hóa hay Minh chẳng nghĩ nhiều như vậy. Ở Cá Giáng, không làm được ruộng bậc thang vì nền đất nhiều cát, địa hình dốc cao.
Các cậu thích sống ở bản, đơn giản vì "nơi này là nhà". Ở đây có mẹ cha, có dòng suối mát, có cây ngô đồng trước cửa, có chú chó mắt đen ngóng chủ đi nương trở về.
Không phải nơi nào cũng cho con người ta cảm giác "thân thuộc", dù đó có thể là sự lựa chọn tốt hơn để mưu sinh.
Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nhưng không cần đọc Nghị định 07, Hóa và Minh vẫn biết mình nghèo.
Đô thị hóa tràn vào những làng bản dọc sông Mã. Anh trai Pó muốn mời khách uống chai nước mát ngày nóng. Đám trẻ con nhìn thấy kem, đôi mắt trở nên sáng rỡ. Những cô thiếu nữ đi ngang qua cửa hàng quần áo dưới phố huyện, vô thức ngoái đầu lại nhìn.
Trong bản có hàng tạp hóa do người xứ khác đến mở, họ lắp tuabin to nên điện mạnh đủ để chạy tủ lạnh. Nhưng Hóa bảo, "bán thứ gì cũng đắt".
Hỏi Hóa và Minh đang cần tiền để làm gì? Hóa cười cười, cậu tính sắp tới sẽ đưa vợ đi khám thai. Còn Minh phải mua phân bón cho vụ lúa năm nay, đâu đó mất hơn 1 triệu đồng.
Các cậu vẫn sẽ xoay xở được, bằng cách nào đấy. Chỉ đến khi nhu cầu chi tiêu quá lớn, vượt qua khả năng "giật gấu vá vai", các cậu mới lại rời bản tìm kế sinh nhai.
Minh thổ lộ: "Em muốn làm lúa vụ này cho có mấy bao thóc dự trữ ở nhà để không lo đói. Rồi đi làm có tiền làm vốn về bản mua con gì để nuôi, để thoát nghèo".
Dưới Hà Nội, Pó cứ so sánh mãi cái nóng nực của chốn đô thị với gió Lào quê mình. Cậu nhớ quê, nhớ suối, nhớ mẹ già tần tảo.
Pó muốn làm gì đó cho bà con, cho bản làng.
Thời sinh viên, cậu đã từng 2 lần đưa đoàn tình nguyện về Cá Giáng. Mỗi lần, đoàn tình nguyện gây quỹ được khoảng 64 – 70 triệu đồng, dùng để kéo ống nước, sơn trang trí lại trường tiểu học, nấu bánh chưng, tổ chức chương trình văn hóa tạo không khí cho bà con.
Pó bảo: "Sau những chuyến tình nguyện đó thanh niên trẻ có nhận thức được xã hội bên ngoài, ngoài làm việc, cần có những cái tinh thần".
Đầu Pó nghĩ đến, không chỉ có kiếm tiền. Nhưng bà chủ trọ không thể ngừng thu tiền nhà khi sang tháng mới. Bụng Pó không thể nhịn đói khi hết gạo. Điện thoại cần nạp tiền. Xe cần đổ xăng…
Một ngày đầu tháng 7, Pó nhắn tin: "Em tìm được việc rồi, chỉ là làm công nhân nhưng có cơ hội thăng tiến nên sẽ cố gắng"
Có vẻ, cậu đã suy nghĩ thông suốt.
Trên thực tế, những năm trở lại đây, tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc làm trái ngành không phải chuyện hiếm gặp. Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, đến hết năm 2018, số người ở nhóm trình độ đại học trở lên thất nghiệp khoảng 135.000 người. Bên cạnh đó, có tới 60% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề mình được đào tạo.
Đại dịch Covid trong 2 năm qua đã khiến tình trạng thiếu việc làm trở nên trầm trọng hơn. Nhiều cử nhân "cất bằng" đi làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Khảo sát của công ty tư vấn nhân lực Manpower cho thấy, tại một công ty chế xuất 100% vốn Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, có tới hơn 1.000 vị trí công nhân đã tốt nghiệp đại học. Con số này có thể còn cao hơn do nhiều người chỉ khai đã tốt nghiệp phổ thông để tránh bị dị nghị.
Pó nói thêm: "Em đi làm tích cóp kinh tế, phát triển bản thân ở mảng xã hội, rồi về quê phát triển. Lúc đó, chắc bản em cũng có điện và internet rồi".
Câu chuyện của Pó không phải là cổ tích giữa đời thực như Khang A Tủa, chàng sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam đến từ huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái.
Khang A Tủa là một trong Top 5 Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019, được nhiều người biết đến qua những hoạt động cộng đồng vì sự phát triển của người Mông.
Chẳng ai biết đến những thanh niên người Mông ở bản Cá Giáng. Họ chỉ là những thanh niên "vô danh" đang chật vật giải bài toán mưu sinh của đời mình. Trong ruộng ngô bạt ngàn, họ không phải là cây ngô nổi trội!
Giống như nói đến người Mông, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài ở vùng Tây Bắc. Không phải ai cũng biết đến sự tồn tại của những bản người Mông nằm bên dòng sông Mã.
Vàng A Pó vẫn kiên trì dùng chiếc điện thoại với màn hình chằng chịt vết nứt quay những video về cuộc sống ở Cá Giáng đưa lên YouTube từ hơn 1 năm trước. Dù những clip cậu đăng chỉ có vài chục lượt xem.
Anh em Pó đều có niềm tin, bản làng họ một ngày sẽ thay đổi.
Những thanh niên trong bản, nhờ học hết cấp 3 ở trường dân tộc nội trú, nhờ điểm "bắt" sóng 3G cách bản mấy cây số, nhờ chuyến đò 10 nghìn đồng/lượt vượt sông Mã, nhờ cả những câu chuyện của người đi xa trở về như anh em Pó... đã chạm tay vào nhiều hơn thế giới ngoài kia...
Ở Cá Giáng, ngoài Pó đã có thêm 2 người trẻ học lên đại học.