Phát triển bền vững đang là mục tiêu của các doanh nghiệp toàn cầu. Theo cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), các quốc gia trong đó có Việt Nam, đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một số nền kinh tế đặt mục tiêu Net Zero sớm hơn mốc 2050 nhưng cũng có một số nước thận trọng hơn khoảng 10 – 20 năm.
Theo báo cáo của các quốc gia tại Hội nghị COP27, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết Net Zero bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2020) tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh.
Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, đồng thời luôn tiên phong trong mọi hoạt động, ngành ngân hàng cũng xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với cả nước, ngành ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đến, NHNN có Quyết định 1552 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
NHNN cũng đã định hướng phát triển tín dụng xanh cho hệ thống thông qua việc ban hành nhiều văn bản như Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (theo Quyết định 1640/QĐ-NHNN năm 2018). Cho đến gần đây, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2023.
Năm 2023 có thể nói là năm ngành ngân hàng thể hiện cam kết mạnh mẽ nhất với lĩnh vực tín dụng xanh nói riêng và phát triển Ngân hàng Xanh nói chung. Nhiều ngân hàng lớn nhỏ cũng đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo chiến lược, phê duyệt Đề án Ngân hàng Xanh, làm cơ sở cho chiến lược kinh doanh giai đoạn tới.
Các số liệu mới nhất cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 530 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các Tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Gần đây, nhiều ngân hàng như Agribank tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xanh, đồng thời cam kết sẽ tăng nguồn vốn cho các lĩnh vực thân thiện môi trường, nên các con số về dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng Việt thời gian tới chắc chắn sẽ cao hơn nữa và không ngừng gia tăng.
Là ngân hàng thương mại dẫn đầu trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh. Với 100% vốn sở hữu thuộc Nhà nước, Agribank cũng được xem là "mắt xích" quan trọng trong những ngày đầu triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng về tín dụng xanh.
Theo đó, Agribank đã sớm ban hành các ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với các vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường. Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội, để từ đó Agribank chủ động hơn trong việc tham gia vào nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ.
Từ năm 2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ "Nông nghiệp sạch" với quy mô vốn không hạn chế, ban đầu là 50.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước mang lại bộ mặt mới cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)…
Bên cạnh đó, Agribank cũng xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.
Không chỉ có vậy, Agribank tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh". Thông qua các hoạt động trồng cây, Agribank đã thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng, ý thức với xã hội, cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, lan tỏa lối sống xanh vì một tương lai trong lành và khỏe mạnh đến với các thế hệ mai sau.
Năm 2023 ghi dấu hành trình 35 năm phát triển, Agribank đã triển khai nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa gắn kết nội bộ, gắn kết cộng đồng. Giải chạy "Agribank - Vì tương lai xanh" là một trong những điểm nhấn ý nghĩa thu hút sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, người lao động Agribank cũng như khách hàng, đối tác trên khắp cả nước. Toàn bộ thành tích số km của 35.000 vận động viên tham gia Giải chạy đã được Agribank quy đổi tối đa thành chi phí 35 tỷ đồng trong ngân sách an sinh xã hội năm 2023 để triển khai tài trợ các hoạt động vì cộng đồng và bảo vệ môi trường mang thông điệp "Vì tương lai xanh". Khắp các địa phương trên cả nước, nhiều căn nhà tình nghĩa, các trang thiết bị y tế, nhiều suất học bổng, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế… đã được Agribank trao tận tay các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, các em học sinh nghèo hiếu học.
Trên thực tế, các ngân hàng cũng sẽ có những hoạt động gây tác động trực tiếp hay gián tiếp lên môi trường. Do đó, Agribank xác định phải là một định chế tài chính có sự chuyển dịch "xanh" trong mô hình kinh doanh, trong từng hoạt động, nghiệp vụ, như vậy mới là phát triển xanh thực chất và có sự lan toả mạnh mẽ tới khách hàng và đối tác. Agribank đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công cuộc chuyển đổi số, tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đưa ngân hàng đến gần hơn với người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Thông qua đó, hoạt động tín dụng cũng đã trở nên "xanh" hơn vì giảm thiểu giấy tờ, vật liệu, tiết kiệm thời gian đi lại cho cả ngân hàng và người dân, từ đó hạn chế việc phát thải ra môi trường.
Với mục tiêu xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng đến phát triển bền vững, trong giai đoạn 2018 – 2020, dư nợ tín dụng xanh tại Agribank đã tăng trưởng mạnh tới 350%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ cho lĩnh vực xanh của Agribank tiếp tục tăng trưởng và bằng tổng dư nợ nhóm này của cả năm 2022. Đặc biệt, dù dư nợ lớn nhưng số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank cũng chiếm tỷ lệ rất cao.
Đặc biệt, với vai trò là Ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực "Tam nông", Agribank đã sớm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất "nông nghiệp sạch" vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tại, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh,… cũng tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.
Hướng tới "xanh hóa" hoạt động ngân hàng, Agribank tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, chủ động áp dụng các giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, từng bước số hóa hoạt động ngân hàng. Đến nay, Agribank cung cấp trên 220 sản phẩm dịch vụ ngân hàng với nhiều tiện ích vượt trội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần "xanh hóa" ngành Ngân hàng thông qua xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong việc tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.