Là người quốc tịch Áo, điều gì đã đưa ông đến với Việt Nam?
Tôi bắt đầu đến châu Á vào cuối những năm 1990 để tham gia một số dự án ngắn hạn và thu thập thông tin cho bài nghiên cứu của tôi về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Sau đó, năm 2001 tôi chuyển hẳn đến Singapore để làm việc tại quỹ đầu tư cổ phần tư nhân đầu tiên của Templeton Asset Management do Tiến sỹ Mark Mobius, một nhà đầu tư nổi tiếng chuyên về các thị trường mới nổi, điều hành. Trong thời điểm đó, tôi trở thành đại diện lãnh đạo khu vực Đông Nam Á của Templeton.
Đến năm 2007, tôi "bén duyên" với Việt Nam và quyết định gắn bó với nơi đây vì tin tưởng Việt Nam có tiềm năng dài hạn tốt nhất trong khu vực để phát triển nền kinh tế và thị trường vốn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam thu hút tôi bởi nguồn năng lượng tích cực, sức sáng tạo và ý chí quyết tâm của người dân nơi đây. Việt Nam cũng gần gũi với trái tim tôi vì vợ tôi đến từ Hà Nội và các con của chúng tôi đều sinh ra ở đất nước này. Đây có thể được coi như là ngôi nhà thứ hai của tôi.
Vậy hành trình khởi nghiệp của ông tại Việt Nam đã diễn ra như thế nào?
Đến giờ tôi đã đầu tư vào Việt Nam được khoảng 17 năm. Trong những năm đầu ở Việt Nam, tôi là thành viên cấp cao tại Mekong Capital, công ty tiên phong trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân tại Việt Nam. Chúng tôi đã hợp tác thành công và đóng góp vào hành trình phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu như Masan, Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận, Trường Quốc tế Việt Úc, Nam Long, Traphaco, ICP và các doanh nghiệp khác. Và tất nhiên, không thể không kể đến Thế Giới Di Động, một công ty trong danh mục đầu tư mà cá nhân tôi đã và đang phục vụ trong Hội đồng quản trị hơn chục năm nay. Chúng tôi đã làm rất tốt với khoản đầu tư này. Sống và những thành công trong quá trình đầu tư tại Việt Nam trong thời gian đó về nhiều mặt đã đặt nền tảng cho niềm đam mê và sự tập trung không ngừng của tôi đối với đất nước này. Đội ngũ của tôi và tôi tiếp tục được hưởng lợi đáng kể từ những trải nghiệm quan trọng và những mối quan hệ mà tôi đã xây dựng trong giai đoạn đầu đó.
Năm 2012, tôi bắt đầu làm việc tại CDH và thiết lập hiện diện của CDH tại Việt Nam; sau đó vào năm 2014, tôi quay trở lại Singapore để đảm nhận một vai trò mang tính khu vực. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong những thị trường quan trọng nhất của CDH ở Đông Nam Á. Tôi và đội ngũ chuyên gia đầu tư người Việt của chúng tôi vẫn đang dành phần lớn thời gian để phát triển thị trường này.
Được biết, CDH là một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư đầu tiên tập trung vào Trung Quốc và đã gặt hái nhiều thành công tại thị trường này. Vậy hoạt động đầu tư ngoài Trung Quốc ra sao?
CDH được thành lập vào năm 2002 với tư cách là một trong những công ty quản lý quỹ với sở hữu nước ngoài đầu tiên, tập trung vào các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân tại Trung Quốc. Từ những ngày đầu, chúng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư tổ chức hàng đầu như quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore "GIC", và cho đến ngày nay GIC vẫn là đối tác chiến lược của CDH.
Từ quỹ đầu tiên với khoảng 100 triệu USD, đến nay CDH đang quản lý hơn 20 tỷ USD cho các nhà đầu tư tổ chức hàng đầu thế giới từ Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Chúng tôi đã thực hiện hàng trăm khoản đầu tư vào các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm những công ty rất nổi tiếng, biến chúng tôi trở thành một trong số các công ty đầu tư tư nhân có uy tín nhất ở Châu Á.
Sau khoảng 10 năm đầu tư thành công vào Trung Quốc, từ năm 2012 chúng tôi bắt đầu mở rộng ra quốc tế, bắt đầu từ Đông Nam Á. Với trụ sở chính ở Singapore, CDH đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia đầu tư chuyên trách và bắt đầu đầu tư vào các thị trường có tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt và là nơi chúng tôi có lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam là vào năm 2013, khi CDH trở thành cổ đông thiểu số lớn của Thế Giới Di Động khi công ty còn chưa niêm yết. Chúng tôi đã hợp tác rất thành công với Thế Giới Di Động, điều này giúp chúng tôi tự tin ưu tiên thị trường Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực, sớm hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư khác trong khu vực đã nhìn ra tiềm năng của Việt Nam muộn hơn.
Đâu là những phương pháp quan trọng giúp ông dẫn dắt CDH thành công tại Việt Nam?
Phương pháp đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam là sự tổng hòa giữa sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam, các mối quan hệ và kinh nghiệm của chúng tôi tại thị trường này cùng tầm nhìn toàn cầu mà CDH mang lại với tư cách là nhà đầu tư tổ chức hàng đầu từ Châu Á.
Thực ra không khó để nhìn thấy sự tương đồng trong quá trình phát triển của một số nền kinh tế Đông Nam Á và những gì đã diễn ra ở Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Kinh nghiệm đúc kết trong quá khứ từ sự phát triển thị trường Trung Quốc cho chúng tôi những dự phóng nhất định về các nền kinh tế khác trong khu vực. Điều này tạo điều kiện cho chúng tôi xác định sớm các ngành có triển vọng và những mô hình công ty phù hợp trong các môi trường kinh doanh tương tự nhưng đi sau. Chúng tôi cố gắng áp dụng các bài học tích cực từ những thành công đã có ở Trung Quốc vào những cơ hội đầu tư mới và các mối quan hệ hợp tác tại Đông Nam Á.
Các khoản đầu tư của CDH vào Việt Nam thường là cổ phần thiểu số. Sau khi đầu tư, chúng tôi đóng góp nhiều nguồn lực và có nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao giá trị cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác hiện thực hóa các kế hoạch và tham vọng dài hạn của họ.
CDH đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư theo hướng ôn hòa, theo cơ sở đồng thuận thống nhất với các cổ đông/người sáng lập/quản lý của công ty và không làm ảnh hưởng vào công việc điều hành của họ. Chúng tôi tôn trọng đội ngũ lãnh đạo, văn hóa địa phương cũng như lợi ích cộng đồng. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi tin tưởng ban lãnh đạo biết cách tốt nhất để đặt ra các ưu tiên và điều hành doanh nghiệp của mình.
Ví dụ điển hình của chiến lược này là khoản đầu tư của CDH vào Thế Giới Di Động (năm 2013) và Golden Gate Group (năm 2019). Khi CDH bắt đầu đầu tư, Thế Giới Di Động có khoảng 200 cửa hàng. Đó là một mối quan hệ hợp tác tuyệt vời dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi cảm thấy rất may mắn và tự hào khi được góp phần vào hành trình IPO và trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam của MWG với hơn 2000 cửa hàng vào thời điểm chúng tôi thoái vốn năm 2018. Công ty vẫn tiếp tục chuyển hóa ngành bán lẻ Việt Nam, với câu chuyện thành công gần đây nhất là Bách Hóa Xanh mà tôi đã gián tiếp tham gia đóng góp với tư cách là thành viên Hội đồng quản trị MWG kể từ ngày đầu tiên. BHX mang đến một giải pháp thay thế hiện đại cho các chợ truyền thống, mang đến cho người tiêu dùng địa phương sự kết hợp hoài hòa giữa hàng hoá đa dạng, chất lượng, an toàn thực phẩm, sự thuận tiện và giá cả cạnh tranh. Đó là một thế mạnh ưu việt mà tôi tin rằng đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc mua sắm hàng tạp hóa ở Việt Nam.
Trong trường hợp của Golden Gate mà nhóm nhà đầu tư do CDH dẫn đầu đầu tư vào đầu năm 2019 và đã sở hữu trên 30% cổ phần, số lượng nhà hàng tăng gần 40% trong 3 năm chúng tôi đầu tư (bất chấp 2 năm xảy ra COVID). Chúng tôi đã sát cánh mỗi ngày với ban lãnh đạo để hỗ trợ công ty vượt qua khủng hoảng COVID bằng cách đưa ra các định hướng để quản lý chi phí, quản trị dòng tiền và bảng cân đối kế toán, cùng các biện pháp mang tính hệ thống để đảm bảo việc mở cửa trở lại diễn ra trôi chảy và hoạt động kinh doanh được khôi phục nhanh chóng, v.v… trước khi thoái vốn cho nhóm nhà đầu tư do Temasek dẫn đầu vào năm 2022. Đây cũng là một khoản đầu tư thành công của chúng tôi ngay cả khi xảy ra COVID, một thử thách chưa từng có trước đó. Bằng cách hỗ trợ các công ty phát triển, chúng tôi kỳ vọng không chỉ tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông mà còn tác động tích cực đến cộng đồng dưới hình thức việc làm, đóng góp ngân sách, cơ sở hạ tầng, môi trường và xã hội,...
Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam?
Tôi cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục là một thị trường năng động, giàu tiềm năng dài hạn, và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế phải đối mặt với một số thách thức vào năm 2023, và thỉnh thoảng có thể sẽ có những gián đoạn ở đâu đó, giống như nhiều thị trường mới nổi khác, nhưng tôi tin rằng những việc đó chỉ là mang tính tạm thời và đôi khi sự hạ nhiệt đi kèm trên thị trường vốn nói chung là điều tốt.
Các chỉ số vĩ mô thuận lợi, cơ cấu dân số lý tưởng và một chính phủ cam kết vào cải cách và sự thịnh vượng lâu dài của người dân vẫn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự bền vững của thị trường vốn. Bên cạnh đó, những dịch chuyển gần đây trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ví dụ như việc đa dạng hóa nguồn cung ứng từ những nơi như Trung Quốc sang Đông Nam Á đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam và có thể giảm bớt những tác động tiêu cực khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Nếu xu hướng đó tiếp tục diễn ra, chúng tôi lạc quan rằng các cụm công nghiệp mới sẽ được thành lập và khả năng nắm bắt các cơ hội lớn trong chuỗi giá trị của Việt Nam sẽ được nâng cao.
Với những tiềm năng như vậy, ông có dự định giải ngân thêm vốn ở Việt Nam không và cơ hội sẽ xuất hiện tại nhóm ngành nào?
Chắc chắn rồi. Về mặt chiến lược, vì Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khá sớm trong quá trình phát triển, luận điểm đầu tư của chúng tôi không phức tạp. Chúng tôi khá linh hoạt trong việc lựa chọn ngành để đầu tư và quy mô giao dịch. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở nhiều ngành, bao gồm tiêu dùng, y tế, giáo dục, dịch vụ kinh doanh và một số ngành công nghiệp chọn lọc.
Với những phương pháp đầu tư nêu trên, chúng tôi đặt cược vào việc Việt Nam sẽ bắt kịp các nền kinh tế phát triển hơn. Điều này thúc đẩy cơ hội trong các lĩnh vực như bán lẻ hiện đại, dịch vụ ăn uống theo chuỗi, chăm sóc sức khỏe chất lượng, giáo dục tư nhân, sản xuất công nghệ cao và đặc biệt là mảng công nghệ vốn rất đa dạng. Quy mô đầu tư của chúng tôi rất linh hoạt để có thể nắm bắt được nhiều cơ hội hơn và dao động từ 20 đến 200 triệu USD cho mỗi giao dịch.