"Tôi chỉ là 1 Tiến sỹ - Bác sỹ bình thường trong số vài trăm Tiến sĩ của BV Việt Đức và tôi cũng chỉ thuộc dạng làng nhàng "lơ lửng" trong bệnh viện, cao cũng chẳng ra cao mà thấp cũng không phải thấp.
Tôi không biết những chia sẻ của tôi có truyền cảm hứng được cho các bạn trẻ mới vào ngành Y hay không. Nhưng tôi vẫn muốn thử bởi vì gần đây thi vào ngành Y vẫn khó quá, học tập lâu, vất vả và tốn kém quá. Nhưng ra trường nhiều bạn bỏ ngang, khó sống với ngành Y quá".
Đó là những lời nói đầu tiên mà TS. BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa PT Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ với tôi khi mở đầu một câu chuyện dài... 19 tuổi tai nạn hỏng tay phải, sau 15 năm rèn luyện trở thành bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng "mát tay".
-Anh từng gặp tai nạn khiến bàn tay bị đứt gân, đứt thần kinh khi vừa bước chân vào ĐH Y Hà Nội. Ở thời điểm đó, làm thế nào để cậu sinh viên năm thứ 2 có thể vượt qua?
Ngày đó, trong khu tập thể BV ĐH Y, nơi gia đình tôi sinh sống, rất ít những người bạn cùng trang lứa lựa chọn thi vào ĐH Y. Vì thời điểm đó, sinh viên Y ra trường rất khó xin việc, hầu hết đi làm trình dược viên, còn được vào cơ quan nhà nước thì điều kiện công việc cũng rất khó khăn.
Họ hàng, người thân cũng khuyên nhủ, nhưng tôi vẫn quyết thi Đại học Y. Bởi đó là công việc tôi yêu thích và mơ ước, nên tôi không nghĩ nhiều.
Tôi vừa học ĐH Y Hà Nội, vừa học ĐH ngoại ngữ hệ tại chức và nghĩ mọi chuyện rất đơn giản. Nhưng sau đó nhiều biến cố xảy ra.
Hồi đó, tôi đang có một cuộc sống rất đẹp, là sinh viên 2 trường đại học, tâm hồn đang phơi phới. Thì đùng 1 cái, tôi bị tai nạn đứt gân và thần kinh ở tay phải, tay thuận. Đùng 1 cái thi trượt môn Triết (cười)… và mất học bổng toàn phần.
Đùng 1 cái như mất tất cả. Shock và thật shock. Tôi từng nghĩ, với bàn tay bị tổn thương đó, cùng lắm tôi chỉ có thể kê đơn bốc thuốc cho bệnh nhân thôi chứ khó trở thành bác sĩ phẫu thuật được.
Đi học với 1 bàn tay bị tổn thương nặng nề không dễ, nhất là đối với một sinh viên Đại học Y, mơ ước trở thành bác sĩ phẫu thuật. Khi lên giảng đường, với một bàn tay chưa lành sẹo, tôi trình bày với thầy giáo: "Thầy ơi, em bị đau tay phải không chép bài được". Thầy dạy Toán nói: "Tay phải đau, vậy thì tập chép tay trái đi, có gì mà phải lo, phải ngại".
Câu nói nói động viên của thầy khiến cho tôi nhận ra, rằng mình không thể chấp nhận khó khăn này. Ngoài kia, còn nhiều người khổ hơn mình, nếu mình buông xuôi lúc này thì coi như bỏ cả cuộc đời với nhiều kỳ vọng phía trước.
Quyết không chấp nhận hoàn cảnh, tôi đã kiên trì từng chút một để tập cho bàn tay dần hồi phục.
Ngày đó, chưa có bài tập cụ thể nào, không có ai hướng dẫn, tôi tự mày mò tập mỗi ngày. Làm thế nào để các ngón tay linh hoạt trở lại, làm thế nào để sức bàn tay được cải thiện…. Cả cơ thể lẫn bàn tay đều là những vết thương, vết sẹo chưa lành…. cũng là lời nhắc nhở tôi cố gắng mỗi ngày.
Sau hơn 1 năm kiên trì, bàn tay phải của tôi đã hồi phục hoàn toàn, thậm chí có to và khỏe hơn tay trái. Nỗ lực, kiên trì của tôi đã cho kết quả là học bổng toàn phần ở học kỳ tiếp theo. Qua thời gian, khi trở thành bác sĩ phẫu thuật, tôi có thể sử dụng linh hoạt cả 2 tay như nhau.
- Sinh viên Y phải thực hành, thực tập trong bệnh viện, phòng mổ rất nhiều. Quãng thời gian sinh viên của anh đã diễn ra thế nào với 1 bàn tay từng bị tai nạn nghiêm trọng như vậy?
Bác sĩ phẫu thuật là một chuyên ngành khó, nhưng với tôi đó là một mơ ước. Xác định theo ngành, nên ngay từ năm thứ 3, tôi đã xin đi học thêm ở bệnh viện để theo các bác sĩ đàn anh, phụ mổ, học hỏi từ họ.
Thời đó, mọi việc cứ quay như chong chóng. Buổi sáng tôi đi học ở bệnh viện. Chiều học ở giảng đường, rồi 4-5 giờ chiều là ôm sách vở tới thư viện "xí" chỗ tự học. Vì sinh viên trường Y học rất chăm, hôm nào tôi đến chậm là không còn chỗ học buổi tối nữa. Là trai Hà Nội, nhưng tôi gắn bó với giảng đường, thư viện, KTX còn nhiều hơn sinh viên ngoại tỉnh chuyên ở KTX nữa.
-Anh có nhớ lần đầu tiên vào phòng mổ của mình đã diễn ra như thế nào?
Khi là sinh viên năm 3, tôi được vào xem mổ cùng với bác sĩ đàn anh. Đó là một bệnh nhân bị tai nạn dập nát cánh tay. Trong phòng mổ, mùi thuốc sát trùng rất khó chịu, nhìn bàn tay dập nát máu thịt be bét, tôi sợ quá, toát mồ hôi, tụt huyết áp phải chạy ra ngồi sụp ở cửa phòng mổ, tí ngất (cười).
Sau lần đầu tiên đáng xấu hổ, tôi học cách để quên nỗi sợ phòng mổ, mùi bệnh viện, mùi máu… Tôi tập trung vào việc mình làm, quan sát thật kỹ từng thao tác của các bác sĩ đàn anh, bơ hết tất cả mọi cảm giác đi… Tập trung cao độ, bỏ ngoài tâm trí mọi thứ khác, nhờ đó tôi mới dần rèn luyện được để cầm dao mổ chính xác, cẩn trọng và chắc chắn.
- Anh có kỉ niệm nào khó phai trong quá trình học nghề của mình?
Đó là khi sang Thái Lan, Singapore học ở trung tâm phẫu thuật trên xác. Chúng tôi được học mổ trên xác tươi ở tầng hầm. Dù đã quen với những vết thương, với phòng mổ nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác rờn rợn. Rồi khi nghỉ ăn trưa ngay cùng tòa nhà, tôi vẫn không quên được cảm giác ghê ghê, sự ám ảnh khiến tôi dù rất đói và mệt cũng không thể ăn được. Đến tối về phòng nghỉ, tôi có tắm đi tắm lại vẫn thấy như có mùi gây gây của xác chết bám vào.
Thế nhưng, lúc này thì tôi không thể có thời gian để làm quen, để bớt sợ hãi được. Bởi mỗi khóa học ở nước ngoài như vậy có chi phí rất đắt đỏ. Cả nhóm các bác sĩ cùng học chung, các đồng nghiệp đều làm được, tại sao tôi lại không thể? Có thể vì xót tiền quá nên tôi phải cố gắng trong từng cơ hội được học hỏi, nâng cao tay nghề….
Tôi từng là kiểu người không thể kiên nhẫn lâu được. Nhưng với nghề y, sự kiên trì, tập trung là điều rất quan trọng. Tôi phải học cách để quên thời gian đi, để tập trung vào từng chi tiết của công việc.
Với công việc nhiều áp lực như chúng tôi, phải học cách để quên. Kết thúc công việc là "thoát ra" ngay, để đầu óc thật thoải mái để tiếp tục công việc, gia đình và nhiều việc khác. Nếu lúc nào cũng để giằng xé cảm xúc thì sẽ rất nhanh gục.
-Vì sao anh lựa chọn định hướng theo Y học thể thao khi mà nền tảng của chuyên ngành này ở Việt Nam vẫn còn non trẻ?
Là nhờ các thầy định hướng và do tính hiếu thắng, tính thích khác người của tôi (cười). Tôi nhận thấy rằng trong một rừng bác sĩ, nếu cứ mãi núp dưới bóng của các cây cổ thụ, nếu cứ mãi bước theo bước chân của những người đi trước, thì cuộc đời của tôi sẽ thật an toàn và cũng thật tẻ nhạt.
Tôi phải học, phải làm được một cái gì đó để sau này khi nhắc về kỹ thuật đó, chuyên ngành đó, là mọi người sẽ nhắc tới tôi. Đó là mục tiêu tôi theo đuổi suốt cả đời người.
Thực ra, cuộc sống của tôi, ngoài biến cố năm 19 tuổi, tôi cảm thấy rất mọi việc hầu như khá suốn sẻ, cứ làm tới đâu là có cánh cửa mở ra tới đó. Cái tôi phải làm chỉ là kiên trì và nỗ lực hết sức mình để đạt được mục tiêu.
-Từng tham gia vào những ca mổ khó khăn, éo le và thực hiện được những "kỳ tích" trong y học, theo anh, trở ngại lớn nhất của bác sĩ khi thực hiện những ca mổ khó là gì?
Tôi không bao giờ đưa bệnh nhân làm "chuột bạch". Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, tôi thấy bệnh nhân vẫn còn cơ hội để cải thiện bệnh, tất nhiên là tỉ lệ không cao. Trở ngại lớn nhất là làm sao cho bệnh nhân hiểu tôi đang cố gắng giúp họ, nhưng họ cũng phải chấp nhận nếu không thành công.
Tiếp theo là tìm cách giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân. Bởi vì cứu một con người có thể vô tình làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cả 1 gia đình, khiến họ phải vay mượn nợ nần, vừa cùng lại vừa quẫn là một điều không ai muốn thấy.
Nếu cứu bệnh nhân bằng bất chấp mọi giá để thể hiện mình là 1 bác sĩ giỏi, đem bệnh nhân để làm bàn đạp để tiến lên, đó không phải hành động của 1 bác sĩ chân chính!
-Như vậy, anh rất thương và chia sẻ với các bệnh nhân?
Trước khi quyết định phẫu thuật, tôi luôn trò chuyện thật kỹ với bệnh nhân và người nhà của họ. Tôi phân tích thật kỹ tình hình người bệnh, các khả năng chữa trị. Trước khi thực hiện mổ, tôi luôn tính toán, xin hỗ trợ để có thể xin hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân từ các tổ chức, các nguồn hỗ trợ. Có người tôi xin hỗ trợ cho tới 40-50 triệu đồng. Thậm chí, nếu bệnh nhân quá khó khăn, không thể xin hỗ trợ thêm được nữa thì đành nhờ kế toán trừ vào lương của tôi thôi.
Nhưng tôi cũng từng gặp trường hợp, những bệnh nhân nhờ chúng tôi giúp đỡ, nhưng đến lúc mổ xong thì thoáng cái đã ra viện mất rồi. Những lúc đó, tôi là người ký quyết định mổ cho bệnh nhân, nên đành phải bỏ tiền túi ra bù vào viện phí.
Tôi từng bỏ 1 lần 17 triệu, 1 lần 20 triệu để bù tiền viện phí cho bệnh nhân. Nhưng tôi nghĩ rằng, có thể bệnh nhân đó đã cùng đường quá rồi. Tôi bỏ tiền ra bù có thể ảnh hưởng 1-2 tháng thu nhập, nhưng tôi vẫn có thể trang trải, sắp xếp được.
Sau phẫu thuật, tôi cho tất cả các bệnh nhân số điện thoại để có gì cần thiết thì có thể liên hệ. Có bệnh nhân tôi tư vấn cho thuốc, đổi thuốc, có bệnh nhân quay chụp video, ảnh để tôi tư vấn cách luyện tập sao cho đúng theo từng giai đoạn bệnh.
Nhưng cũng có một số bệnh nhân gọi điện lúc 4-5h sáng chỉ để hỏi lịch khám bệnh, thông báo vừa đi xe đêm tới cổng viện nhờ khám sớm… Nhiều lúc tôi cũng rất muốn cáu mà không dám. (cười)
-Đã bao giờ anh gặp chuyện ngoài ý muốn khi phẫu thuật chưa? Anh xử lý những tình huống đó như thế nào?
Cái đau đớn nhất tôi từng gặp là trường hợp bệnh nhân quay lại thắc mắc sau khi phẫu thuật. Đó là một thanh niên bị tai nạn, kéo lê trên đường, chân dập nát, rất khó để giữ lại chân.
Tôi giải thích cho bệnh nhân là cố gắng giữ chân, hoặc tối thiểu là mỏm cụt dưới gối, để sau này dùng chân giả cũng thuận tiện hơn. Nhưng sau 2-3 lần mổ, cơ thể bệnh nhân không đáp ứng được, tôi cũng đành phải cắt cụt chân. Lúc đó tôi cảm thấy đau đáu như mình xây ngôi nhà sắp xong mà lại phải tự tay phá bỏ vậy.
Nhưng bệnh nhân không hiểu rằng tôi đã cố hết sức mà không được, họ thắc mắc. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra, tôi phải giải trình rất nhiều. Đó là lần đầu tiên tôi bị bệnh nhân thắc mắc như vậy, nên rất buồn.
Sau lần đó, tôi nghĩ rằng mình cần phải dành thời gian nhiều để nói chuyện, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà trước khi mổ. Hy vọng sẽ không còn lần nào như vậy nữa.
-Thi vào ngành Y vốn rất khó, học tập và làm việc về sau đều rất vất vả, điều gì đã giúp anh gắn bó và yêu nghề trong suốt 15 năm qua?
Theo tôi, bất kỳ ai khi lựa chọn theo ngành Y cũng nên xác định rõ đây là một công việc giống như đang chèo thuyền vượt thác, phải luôn nỗ lực, phải luôn cố gắng, phải luôn kiên trì vì chỉ cần lơ là buông tay 1 cái là sẽ bị cuốn trôi theo dòng, lật thuyền ngay.
Tôi biết rất nhiều người, đã không thể theo ngành đến tận cùng dù đã bỏ nhiều công sức. Để theo ngành Y rất khó. Ngoài sự đam mê thì còn là sự kiến trì, không tính toán tới chuyện thời gian rất dài, vất vả thu nhập không đến nhanh.
Vậy đấy, có người lựa chọn ngành nghề bình dị và tĩnh lặng, có người lựa chọn sống một cuộc sống đầy xông pha và trải nghiệm. Và tôi là một người đã lựa chọn luôn "vững tay chèo". Tôi luôn cảm thấy cuộc đời mình như được lập trình sẵn cho nghề Y. Đó là nghề của tôi.
-Nếu có thể chia sẻ "kinh nghiệm" cho những sinh viên, bác sĩ trẻ mới ra trường về bí quyết để trụ vững với nghề, anh sẽ nói gì?
Thực ra mọi lời khuyên chỉ là lời khuyên thôi. Vì mình không sống cuộc sống của người ta, không ở hoàn cảnh của người ta nên không thể nói cho hết được. Bác sĩ trẻ mới ra trường đương nhiên lương thấp, địa vị chưa có thì điều quan trọng nhất là phải kiên trì.
Tôi luôn đặt cho mình kế hoạch 5 năm lần thứ 1, thứ 2 với các mục tiêu rõ ràng và luôn nỗ lực để đạt được các mục tiêu của mình. Và thứ nữa là bạn phải đủ độ bơ, chai lì. Đi họp lớp, thấy bạn bè thành công, lái xe xịn, bao ăn bao uống thì thay vì sự chạnh lòng thì tôi thấy càng vui, càng nhàn… (cười).
Quan trọng nhất là, nghề Y ít bị biến động nhất bởi thời cuộc vì thời nào cũng cần nghề Y. Nếu đủ yêu nghề, đủ đam mê, nghề sẽ đủ sức nuôi mình. Tôi chỉ có thể khuyên là hãy nỗ lực hết mình và "đừng có kêu than".
Một người đàn anh của tôi, rất thẳng tính, từng bảo: "Em đừng có kêu, kêu để làm gì vì chẳng ai nghe đâu, cái quan trọng nhất là cứ cố gắng làm việc để đạt hiệu quả tốt nhất. Người ta đánh giá con người là nhìn vào hiệu quả công việc em ạ". Tôi rất thấm thía.
Tôi học các tự mình vượt qua các khó khăn, không chia sẻ những khó khăn với người khác. Bởi vì nếu tâm sự chia sẻ những khó khăn đó sẽ mang đến những hiệu ứng tiêu cực đối với họ. Chẳng thà một mình mình chịu còn hơn là rất nhiều người thân mình phải chịu. Về nhà, tôi chỉ chia sẻ những chuyện vui với gia đình, để mọi người cùng vui.
Tôi không cho rằng đó là cách sống tốt. Nhưng nó tốt hơn cho gia đình tôi.
-Lắng nghe hành trình của anh, tôi hình tới tới hình ảnh thép được tôi luyện qua rất nhiều bước để trở nên cứng cáp, bền bỉ. Còn anh, anh suy nghĩ thế nào về hành trình "luyện thép" với nghề Y của mình?
Ngày bé, bố mẹ từng mua cho tôi cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy", "Những người khốn khổ" và "Những câu chuyện cổ tích". Nhưng lúc đó tôi đọc nhưng không hiểu được, vì tầm mới chỉ là Tây du kí, Thủy hử.
Đến khi học đại học, cầm lại cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy", tôi mới thấm thía rằng, sự rèn luyện của con người thực sự quan trọng. Ở đời cũng có người gặp may, nhưng nếu không có sự rèn luyện thì không có vinh quang thực sự.
Ngày nhỏ, tôi cũng là một đứa trẻ ham chơi, muốn chọn ngành học nào nhàn thôi, để học ít, chơi nhiều. Nhưng trong quá trình trưởng thành, tôi chứng kiến bố mẹ mình ngày ngày đi làm ở bệnh viện, tối về vẫn học. Tết đến đi trông xe ở công viên để kiếm thêm thu nhập, vẫn không ngừng học. Và họ đều học tới bậc tiến sĩ, PGS… Bố mẹ tôi chính là tấm gương và tôi cũng muốn trở thành tấm gương các thế hệ sau.
-Điều gì là kim chỉ nam cho cuộc sống của anh, thưa bác sĩ? Sống có mục đích, nỗ lực không ngừng và không bỏ cuộc. Nó thay đổi theo từng giai đoạn: Có - Nhớ và Không – Quên. (cười)
-Nghĩa là sao, thưa anh?
Khi còn trẻ, tôi phải học nhớ rất nhiều thứ và tôi mong muốn có rất nhiều thứ. Có công việc ổn định, lương cao. Có nhà cao cửa rộng, có ô tô xe máy đẹp, có tài khoản ngân hàng rủng rỉnh, có và muốn có đủ thứ...
Còn giờ đây khi tôi vẫn còn hơi trẻ (cười), tôi lại học cách để quên. Quên đi những phiền muộn, quên đi những thù tức cá nhân, quên những việc đã qua, hãy nghĩ đến ngày mai mình phải làm gì, mình chưa làm được gì… Bỏ qua những tranh đấu, sân si.
Cũng vậy, thay vì Có tôi lại muốn Không. Không tật bệnh, không ưu phiền, không bon chen, không tai hoạ. Nhờ có Không - Quên, tôi luôn thấy mình có một cuộc sống tràn đầy tích cực, luôn hừng hực khí thế khi đi làm đến tận 9 - 10 h đêm mới về nhà vẫn thấy ổn.
Tôi mong các bạn trẻ hiểu rằng: Đừng bao giờ hy vọng cuộc sống như trong phim, nhờ may mắn mà giàu có, sung sướng... Tất cả thành quả đều là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực trong thời gian dài.
-Một ngày làm việc của anh thường diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
Mỗi sáng tôi thức giấc lúc 6h, ra khỏi nhà lúc 6h30 để có mặt ở viện lúc hơn 7h để họp giao ban. Sau đó, tôi đi khám bệnh hoặc đi mổ, tùy lịch mỗi ngày. Mỗi ngày, tôi làm việc 12 -14 tiếng và thường kết thúc ca mổ cuối cùng lúc tối khuya. Tôi thường không đếm số ca mổ mà mình thực hiện.
Có những ngày, tôi bước ra khỏi phòng mổ lúc 7h tối, mọi người xung quanh đều ngỡ ngàng vì "nghỉ sớm thế". Hầu hết các bác sĩ ở Việt Đức đều làm việc được như thế.
Bệnh nhân đông, ai cũng muốn phải tận tay mình mổ, nên cứ cố, cứ bị cuốn vào guồng quay của công việc không dứt ra ngay được.
Tôi áp đặt cho bản thân quy tắc: làm việc gì thì làm cho xong mới thôi, hoàn thành xong thì không cần để tâm đến nó nữa. Khi làm việc, tôi rất cẩn thận, làm thật kỹ lúc mổ để giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu việc bệnh nhân phải khám lại.
-Vừa là bác sĩ phẫu thuật, vừa là người quản lý rất bận rộn. Anh đã sắp xếp thời gian có cuộc sống riêng thế nào?
Gia đình đã quen với việc tôi thường xuyên không có nhà. Đôi khi cùng thấy gia đình mình hơi thiệt thòi, nhưng biết làm sao được, vì nghề đã chọn người. Có khi, cả tuần tôi không ăn bữa cơm chung nào với cả nhà.
Nhưng may mắn là gia đình tôi rất thông cảm với nghề nghiệp của tôi. Mỗi ngày cố gắng sắp xếp 1 chút để mọi thứ hài hòa.
Tôi quan điểm rằng, công việc bận hay không là do mình sắp xếp. Đừng bao giờ kêu là tôi bận lắm không làm được. Tôi sắp xếp công việc rất chi tiết, hợp lý, không làm xong ban ngày, tôi làm thêm buổi tối, đêm…
Còn tôi thích nhàn thì xin nghỉ là nhàn được ngay. Nhưng nhàn người sẽ nhàn "miệng", nhàn đủ thứ. Nhàn như thế nhanh thành gà rù lắm (cười).
-Thế còn sự cân bằng cuộc sống và công việc thì sao, thưa anh?
Tự mình phải cân bằng cuộc sống, giải tỏa áp lực của mình thôi. Tôi "thích đủ thứ": Khi căng thẳng quá tôi thích xách xe đi khắp nơi, ngó nghiêng đủ thứ. Tôi thích lên sân thượng trồng cây trồng rau.
Những thú vui đó giúp cuộc sống của tôi bớt áp lực đi, bớt căng thẳng, lấy lại năng lượng để ngày mai lại tiếp tục "cháy" (cười).
Xin cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!