Chạy bộ vốn là một trong những bản năng vận động và sinh tồn nguyên thuỷ nhất của con người. Con người phải chạy để di chuyển, săn mồi và thoát khỏi hiểm cảnh. Một số nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng tổ tiên loài người có khả năng chạy bền bỉ hơn hầu hết các loài động vật khi thường xuyên phải vận dụng chiến thuật "săn mồi bền bỉ" (persistence hunting) – phương pháp theo dấu và truy đuổi con mồi đến cùng để tồn tại.
Đến thời Hy Lạp cổ đại, chạy bộ được coi là nền tảng quan trọng của các chiến binh và thể thao. Các kỳ Thế vận hội Olympic cổ đại không thể thiếu môn chạy bộ. Và câu chuyện chiến binh Pheidippides chạy bộ cả quãng hơn hơn 42 km từ Marathon về Athens để truyền tin thắng trận chính là nguồn gốc của cự ly marathon danh giá. Đến nay, theo thống kê của Viện Y học Chủng tộc Quốc tế (IIRM), đã có khoảng 1,1 triệu người hoàn thành cự ly full marathon mỗi năm.
Cũng như bóng đá ở Brazil, khúc côn cầu tại Canada hay bóng chày của Nhật Bản, chạy bộ đã vượt ra khỏi phạm vi một môn thể thao đơn thuần để trở thành một nét văn hóa đại chúng đặc trưng, phản ánh sâu sắc phong cách sống, giá trị và bản sắc của từng quốc gia.
Tại Mỹ, phong trào chạy bộ bùng nổ từ những năm 1970 và đến nay đã trở thành một phần của lối sống Mỹ: năng động, hiện đại, không ngừng đổi mới và mang tính cá nhân cao. Hàng triệu người Mỹ tập chạy như một thói quen hàng ngày. Có tới 3/6 giải chạy thuộc hệ thống Abbott World Marathon Majors (WMM) danh giá nhất thế giới được tổ chức tại Mỹ, cho thấy văn hóa chạy bộ đã phát triển mạnh mẽ như thế nào tại quốc gia này.
Nhật Bản cũng là một đất nước gắn liền với hình ảnh runner bền bỉ chinh phục các cung đường. Đối với người Nhật, chạy bộ không chỉ là môn thể thao mà còn là một biểu tượng của sự kiên trì, tinh thần kỷ luật và sự đoàn kết của tập thể - những giá trị cốt lõi trong văn hóa xứ Hoa Anh đào. Những giải chạy như Tokyo Marathon thu hút hàng triệu người theo dõi. Đặc biệt, các cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden có từ thời Edo cho đến nay vẫn là một trong những sự kiện được quan tâm nhất của Nhật Bản.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, văn hóa chạy bộ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như Trung Quốc, năm 2013 đất nước này chỉ có vỏn vẹn 39 giải chạy nhưng đến 2017, con số này là 1.100 giải, hình thành một lối sống thể thao mới cho người Trung Quốc.
Trong khoảng một thập kỷ qua, phong trào chạy bộ tại Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Từ dưới 10 giải chạy trong năm 2018, đến năm 2025 ước tính sẽ có gần 60 giải chạy được tổ chức trên toàn quốc. Số lượng các runner tham gia mỗi giải cũng tăng mạnh liên tục, từ 2.000 –5.000 runner (2018) lên tới kỷ lục 18.000 runner trong ít nhất 2 giải chạy lớn năm 2024. Thành tích của các runner cũng ngày càng cải thiện với hơn 29.000 lượt chạy marathon được ghi nhận hoàn thành, tăng 46% so với năm 2022. Số vận động viên đạt sub4 (hoàn thành cự ly full marathon dưới 4 tiếng) cũng tăng từ 2.009 lên 4.624 (57%).
Các giải chạy ngày càng được tổ chức quy mô và đa dạng, từ chạy đường bằng đến chạy địa hình; từ 5km đến marathon; từ những giải chạy offline với bib gắn chip đến chạy online ghi nhận kết quả qua các ứng dụng như Strava, Garmin Connect…
Trên mạng xã hội, các hội nhóm chạy bộ cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều câu lạc bộ của những người yêu thích chạy bộ như VKL, SRC, HRC, Danang Runners...liên tục tổ chức các hoạt động online và offline, không ngừng thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Sự gia tăng của người yêu chạy bộ và các giải chạy đã tác động tích cực đến nền kinh tế. Nhu cầu tăng cao đối với giày chạy, quần áo thể thao và thiết bị hỗ trợ khiến thị trường bán lẻ ngày càng sôi động với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thương hiệu thể thao. Theo báo cáo của hãng đồng hồ thể thao Garmin, hoạt động chạy bộ của người dùng Việt Nam tăng 86% từ 2020 đến 2022. Trong năm 2022, số người dùng dòng sản phẩm mới của hãng này tăng 35%. Còn thị trường giày thể thao, theo Statista, cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu - lên tới 30% trong hai năm liên tiếp: từ 191,9 triệu USD doanh thu năm 2021 lên 257,7 triệu USD năm 2022 - và 332,2 triệu USD năm 2023.
Tình yêu với chạy bộ của người Việt cũng góp phần thúc đẩy du lịch thể thao khi ngày càng nhiều giải chạy được tổ chức tại các thành phố, điểm đến du lịch như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Giang…thu hút thành công hàng nghìn vận động viên và du khách, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch, khách sạn và ẩm thực địa phương.
Có thể thấy phong trào chạy bộ tại Việt Nam đang có rất nhiều biến chuyển tích cực. Nhưng để phong trào trở thành văn hoá chạy bộ, có lẽ vẫn còn là một chặng đường dài. Nếu xét về tỷ lệ marathoner trên dân số Việt Nam thì con số của chúng ta còn cách rất xa mức 1% của thế giới. Nếu tính về số lượng giải chạy, cho dù có sự tăng trưởng liên tục những năm gần đây, nhưng so sánh với một số nước trong khu vực, con số của chúng ta vẫn vô cùng khiêm tốn. Vì thế, cần lắm sự chung tay của cộng đồng, xã hội, và đặc biệt là sự tham gia "xã hội hóa" các phong trào thể thao từ các thương hiệu lớn để tạo thêm những bứt phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của phong trào chạy bộ tại Việt Nam.
Một trong những thương hiệu có nhiều đóng góp cho phong trào chạy bộ tại Việt Nam những năm gần đây là VPBank. Là ngân hàng tiên phong đồng hành cùng phong trào chạy bộ từ năm 2018, đến nay, VPBank đã gắn tên mình trong 15 giải chạy lớn.
"Xuất phát từ giá trị cốt lõi đặt khách hàng là trọng tâm, VPBank nhiều năm qua đã nhận thấy phong trào chạy bộ đang là xu hướng ngày càng được cộng đồng và các khách hàng của VPBank đặc biệt yêu thích. Môn thể thao này cũng đại diện lối sống lành mạnh, khát vọng chinh phục, tinh thần kỷ luật, và sự kiên trì, quyết tâm - những giá trị tích cực mà VPBank theo đuổi. Do vậy, chúng tôi luôn chọn đồng hành cùng chạy bộ"– đại diện VPBank chia sẻ.
Có nhiều thương hiệu đã và đang tài trợ các sự kiện thể thao như giải chạy, nhưng không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức với sự chu đáo, khắt khe và tỉ mỉ như VPBank. "Tham vọng của chúng tôi là qua các giải chạy có thể góp sức giúp định hình chạy bộ như một phần của văn hóa đại chúng, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia và tận hưởng lợi ích từ môn thể thao này. – đại diện VPBank khẳng định. Theo vị đại diện này, cách làm của VPBank là nỗ lực tạo ra những giải chạy đỉnh cao, quy mô lớn mà khi kết thúc ai cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng.
Có lẽ vì thế mà các giải chạy do VPBank tổ chức luôn mang không khí của một lễ hội chạy bộ, nơi cùng lúc chào đón những chân chạy elite hàng đầu bằng sự chuyên nghiệp, chất lượng , và các runner phong trào với vô vàn sáng tạo thú vị, đầy màu sắc. Đó là VPBank Hanoi International Marathon đậm chất Hà Nội với cung đường điểm nhấn chinh phục 3 cây cầu và số lượng nhiếp ảnh gia lớn nhất trong các giải chạy tại Việt Nam. Là VPBank Cantho Music Night Run với sân khấu âm nhạc bùng nổ đón runner ở vạch đích. Là VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight với cung đường ánh sáng và lễ hội cosplay rực rỡ. Là VPBank Bac Giang International Marathon với cung đường địa hình di sản chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử.
Các giải chạy mang trong mình sứ mệnh truyền cảm hứng của VPBank đã mang đến trải nghiệm hạnh phúc cho hàng chục nghìn vận động viên trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút du khách tới các điểm đến. Đặc biệt, mỗi giải chạy do VPBank tổ chức đều gắn liền với các hoạt động thiện nguyện, từ gây quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn đến trồng rừng, biến phong trào chạy bộ thành một hành trình ý nghĩa hơn vì cộng đồng.
"Ở một giải chạy, nhà tổ chức và người tham gia luôn gặp nhau tại một điểm: đó là cùng đồng hành để cộng hưởng và lan tỏa những thông điệp và năng lượng tích cực trong cuộc sống. Đây cũng chính là nét đẹp của văn hoá chạy bộ mà chúng tôi muốn chung tay cùng cộng đồng kiến tạo, lan toả và tôn vinh" - đại diện VPBank nhấn mạnh.
Vai trò của văn hoá chạy bộ đã được minh chứng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, nếu có nhiều hơn nữa những đóng góp tích cực từ các tổ chức như VPBank, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng một ngày chúng ta sẽ xây dựng được một nền văn hóa chạy bộ vững mạnh, mang bản sắc riêng.