Đúng như những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông, cách người Việt uống trà rất bình dị, những câu chuyện quanh chén trà thường cũng là những câu chuyện hết sức bình dị trong cuộc sống mỗi con người. Nhưng chính sự bình dị đó đã làm nên một nét văn hóa vô cùng độc đáo và tinh tế. Người Việt thưởng trà, dâng trà, tặng trà, người Việt mang trà ra thế giới. Trà của người Việt có nét đặc trưng rất riêng, khó có thể lẫn với trà của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Thưởng trà là một thú vui tao nhã, tìm kiếm sự tĩnh tại, thư thái. Một chén trà, hay văn hóa thưởng thức trà gói trọn những nét tinh hoa, sự tinh tế, phong cách và những giá trị lâu đời của một đất nước, một dân tộc. Từ Đông sang Tây, ở nhiều nơi trên thế giới đều có văn hóa thưởng trà rất riêng và chứa đựng nhiều nét đặc sắc, độc đáo. Có thể kể đến như Trà đạo của Nhật Bản, Thiền trà Trung Quốc hay Trà chiều tại Anh Quốc.
Nhật Bản luôn được biết đến với những đức tính đáng học hỏi như kiên trì, nhẫn nại, khiêm nhường, tỉ mỉ,... và những đức tính ấy vừa hay cũng được rèn luyện từ chính từ Trà đạo, một bộ môn nghệ thuật của Nhật Bản. Người thưởng thức sẽ thấy được cả một bầu trời văn hóa, những nét tinh túy và cốt cách Nhật Bản khi chứng kiến những kỹ thuật pha trà đỉnh cao.
Trung Quốc, hay cũng chính là cái nôi hình thành nên văn hóa trà, sở hữu nhiều giống trà ngon thượng hạng và những cách thưởng trà vô cùng độc đáo như Thiền trà, Kungfu trà. Không chỉ được dùng trong cuộc sống hàng ngày, trà còn là món đồ uống xuất hiện trong nhiều dịp ngoại giao quan trọng, vừa để quảng bá văn hóa trà truyền thống Trung Quốc vừa thể hiện triết lý của nước này trong ngoại giao.
Không chỉ phương Đông, trà cũng đang trở thành một thức uống quen thuộc với nhiều nước phương Tây, đơn cử như Vương quốc Anh với văn hóa Trà chiều. Văn hóa này mang đậm phong cách tinh tế, sang trọng của giới quý tộc nước Anh, đóng một vai trò quan trọng đến mức không thể thay thế được trong tư duy của mỗi người dân Anh.
Là một quốc gia sở hữu những cánh đồng chè xanh ngát trải dài và nắm giữ sản lượng hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng có cho riêng mình một nền văn hóa trà đặc sắc và độc đáo không kém. Có thể văn hóa trà Việt không mang bề dày lịch sử như Trung Quốc, cũng không cầu kỳ khuôn mẫu như Nhật Bản, tuy nhiên, chúng ta vẫn có một văn hóa trà riêng rất giản dị, thuần khiết và đầy tinh tế. Tất cả những ý niệm về văn hóa trà ấy của người Việt cần được nghiên cứu sâu hơn để không chỉ mỗi người dân Việt Nam đều hiểu và giữ gìn văn hóa trà, mà còn để cả thế giới biết đến văn hóa trà Việt - "hồn Việt" trong mỗi chén trà.
Càng tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam, càng thêm trân quý nền văn hóa mà ông cha đã gầy dựng và phát triển đến ngày hôm nay. Nhờ đó mà cuộc sống hiện đại như được cân bằng giữa sự tấp nập, xô bồ với sự giản dị, mộc mạc thuần khiết của trà. Nhấp một ngụm trà, tâm bỗng trở nên an yên, nhấp một ngụm trà gắn kết một mối quan hệ, nhấp một ngụm trà sức khỏe cũng trở nên dồi dào hơn. Đó là những giá trị tinh thần không thể chối cãi mà trà đã và đang mang lại cho cuộc sống của mỗi con người. Không chỉ có giá trị về tinh thần, trà còn mang lại những giá trị kinh tế và thương mại vô cùng lớn.
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng chè xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, và đứng thứ 7 về sản xuất chè. Cây trà hay cây chè, trở thành loại cây công nghiệp, được trồng chủ yếu ở miền núi và trung du Bắc Bộ (chiếm khoảng 70%), kế đến là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.
Có tới 170 giống trà được trồng và phát triển, từ những giống lâu đời như: shan tuyết, móc câu, trà xanh, trà ướp hướng đến những giống ngoại nhập như Oolong, kim xuyên, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc...
Từ điểm bắt đầu Cầu Đất, Đà Lạt, cây chè đã có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau những năm 1930 của thế kỷ trước, trở thành cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất B'lao. Lâm Đồng được xem là địa phương có diện tích chè và sản lượng lớn nhất cả nước, được gọi là thủ phủ của chè. Đây là khu vực sở hữu những đặc tính như: độ cao (từ 1000 – 1.100m), khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao và nguồn đất đỏ bazan màu mỡ được những chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản đánh giá là tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè.
Trong đó, Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) là nơi có 4 mùa đều là mùa xuân, một điều kiện thời tiết vô cùng lý tưởng để trồng Oolong – một loại trà hảo hạng, nhiều giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao.
Sở hữu chất lượng không kém cạnh nhà sản xuất số một thế giới là Trung Quốc, chè của Việt Nam được nhiều thị trường trên thế giới vô cùng ưa chuộng, đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia...
Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương. Giá trị văn hóa và giá trị kinh tế đang cùng song hành với nhau đưa ngành chè và văn hóa trà Việt vươn ra thế giới.
Sở hữu nhiều lợi thế về nông nghiệp, chỉ dẫn địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu và con người, thế nhưng, vẫn phải nhấn mạnh lại rằng, chè Việt Nam cũng mới chỉ xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, trong khi trà thành phẩm và thương hiệu trà Việt còn chưa được quảng bá mạnh mẽ. Chỉ có số ít doanh nghiệp có sản phẩm trà giá trị cao, trong đó đặc biệt phải kể tới các sản phẩm trà quý của Thương hiệu Đôi Dép như Ngọc Thiên Chi Trà, Hảo Kỳ Trà, Cửu Nguyệt trà, Oolong Trân vị... đang tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Gần hai thập kỷ phát triển, Thương hiệu Đôi Dép luôn gắn liền với triết lý: đi đến tận cùng dân tộc để vươn ra thế giới và chạm trái tim mọi người. Đôi Dép coi trà là ‘hồn cốt’ của dân tộc, với khát vọng không ngừng giữ gìn và phát triển nhằm mang lại giá trị cho ngành chè Việt Nam, cho những người trồng chè. Hành trình ấy được minh chứng thông qua việc tập trung khai thác chính văn hóa và thế mạnh bản địa để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất, đưa thương hiệu trà oolong nói riêng và văn hóa trà Việt Nam đi khắp thế giới.
Tại Đôi Dép, lá chè được thu hái bằng tay, nhằm tuyển chọn những loại lá có chất lượng tốt nhất mỗi mùa. Sau đó được đưa về nhà máy để cho ra thành phẩm, từng loại Oolong khác nhau sẽ có quá trình sản xuất tương đối khác nhau nhưng vẫn bảo đảm 2 giai đoạn: giai đoạn chè tươi và giai đoạn chè khô. Để trà không có bất kỳ sự thay đổi nào về hương và vị trong mỗi lần pha, thương hiệu áp dụng công nghệ đóng gói hiện đại, định lượng phù hợp với một ấm trà. Hiện thương hiệu có 8 nhà máy chế biến trà khắp Việt Nam, trong đó phải kể đến nhà máy chè Galaxy với quy mô hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhờ vậy, từng ly trà của thương hiệu Đôi Dép luôn chứa đầy hương vị đậm đà tinh tế đến khó quên, thể hiện cốt cách thanh tao, điềm đạm của người thường thức và còn là món quà đại diện cho sự gắn kết, phát triển "không thể thiếu nhau". Với chất lượng cao cấp, hương vị đặc biệt, dòng sản phẩm trà do Đôi Dép sản xuất không chỉ đáp ứng "gu" của người Việt mà còn đang vươn ra thế giới.
Hiện nay, thương hiệu Đôi Dép là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc xuất khẩu sản phẩm trà tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada, Nga, khu vực Trung Đông và Châu Âu. Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên bản đồ trà của thế giới.
Như đã nói, Nhật Bản có Trà đạo, Trung Quốc có Thiền trà thì Việt Nam có Trà thức. Các nước châu Á đều có sự tương đồng về văn hóa, trong đó có văn hóa trà, song mỗi nước đều có sắc thái độc đáo riêng. Chính vì vậy, những câu chuyện lịch sử, văn hóa của trà Việt xứng đáng được biết đến nhiều hơn. Nếu được đầu tư phát triển và nâng tầm hơn nữa, văn hóa trà Việt sẽ thực sự là thế mạnh để có thể thu hút được khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu trà Việt trên toàn thế giới. Có lẽ vậy mà hình thức Tea Connect được ra đời.
Tea Connect là một sáng kiến của Sở Ngoại vụ TP.Hồ Chí Minh cùng với Thương hiệu Đôi Dép thực hiện tại Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 4 năm 2023. Tea Connect bao gồm Tea - trà và Connect - kết nối. Hoạt động Tea Connect được tổ chức với mục đích kết nối những người tham dự với nhau, mở rộng quan hệ hòa bình, hợp tác và phát triển. Và chất kết nối, dẫn truyền ở đây chính là trà. Thông qua trà, sự kiện mong muốn chia sẻ tới các vị khách mời những câu chuyện về văn hóa Việt Nam và ngược lại, thông qua văn hóa để biết thêm về trà Việt Nam, qua đó quảng bá nghệ thuật trà, sản phẩm trà Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Sự thành công của Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh 2023 nói chung, Tea Connect nói riêng, hứa hẹn sẽ là dấu ấn khởi đầu, là cơ hội mở ra cho Tea Connect, cho trà Việt. Tea Connect cần xuất hiện nhiều hơn nữa trong những sự kiện, hội họp lớn, mang dấu ấn riêng như một "Tea Break Make in Vietnam" (Make in Vietnam là cách chơi chữ, nhằm nhấn mạnh sự chủ động, sáng tạo của người Việt). Việc uống trà không chỉ dừng lại ở một loại thức uống mà còn mang giá trị tinh thần, sức khỏe, đồng thời tôn vinh, nâng tầm những giá trị văn hóa di sản truyền thống của dân tộc.
Với xu hướng mới, cuộc sống ngày càng hướng tới những điều tốt đẹp, với xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển, hoạt động Tea Connect được hứa hẹn sẽ trở thành tuyên ngôn mới, là khái niệm mới trong các sự kiện quan trọng quy mô quốc gia, quốc tế, đưa trà trở thành một đại sứ văn hóa, ngoại giao của riêng Việt Nam.
Có thể nói, cơ hội của ngành chè, văn hóa trà Việt Nam còn rất nhiều nhưng chưa được khai thác hết và đây chính là điều mà nhiều doanh nghiệp, thương hiệu trà Việt luôn đau đáu suy nghĩ. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập mạnh mẽ, các thương hiệu quốc tế được người Việt sử dụng nhiều hơn là thương hiệu nội địa. Như câu nói: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau", muốn nâng tầm và vươn tầm ngành chè và văn hòa trà Việt thì rất cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống, của những doanh nghiệp có tâm, của các ban ngành tạo điều kiện chính sách để khuyến khích phát triển.
Theo các chuyên gia, đầu tiên cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.
Tiếp theo là duy trì và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vào các thị trường chủ lực. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, EU, Mỹ…
Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cũng cần chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đồng thời đầu tư các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn. Các ban ngành cần có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trà Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè Việt Nam quý hiếm vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Vì vậy, muốn nâng tầm ngành chè phải đạt được mục tiêu phát triển chè an toàn, bền vững. Các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất chè an toàn.
Với những gì ngành đang có, từ vùng nguyên liệu, văn hóa, nghệ nhân cùng khát vọng của các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có Thương hiệu Đôi Dép, chắc chắn ngành chè, văn hóa trà Việt sẽ được nâng tầm hơn nữa, vươn rộng hơn nữa và hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành niềm tự hào của Quốc gia, của dân tộc.