Xuất phát điểm là du học sinh ngành điện tử công nghiệp tại Liên Xô, năm 1991 đang yên vị với chức vụ kỹ sư trưởng Xí nghiệp máy vi tính (Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia) thì quyết định rời bỏ môi trường làm việc ổn định để dấn bước vào hành trình đi tìm bản ngã... Câu chuyện của chúng tôi cùng ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Zodiac (Công ty CPĐT Hoàng Đạo) đã được bắt đầu bằng những dấu mốc không thể phai mờ trong cuộc đời vị doanh nhân như vậy.
Lý do nào khiến ông quyết định chia tay với công việc mà nhiều người mơ ước để đầu quân tại Zodiac - Một doanh nghiệp còn rất non trẻ trên thị trường khi đó?
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Baku (Liên Xô) năm 1983, trở thành Kỹ sư ngành Điện tử công nghiệp tôi về nước và có thời gian làm việc tại 2 Viện nghiên cứu của Nhà nước. Sau 8 năm làm việc ở Viên nghiên cứu, tôi muốn tự mình trải nghiệm và ứng dụng lý thuyết vào thực hành nhiều hơn. Đúng tại thời điểm này, năm 1991, bạn bè của tôi cùng học ở Liên Xô hợp sức thành lập Zodiac. Thiên thời địa lợi nhân hòa đã đưa tôi về đầu quân vào công ty Zodiac, nơi tôi có thể chia sẻ công việc với bạn bè, phát huy những hiểu biết kỹ thuật của mình vào thực tiễn.
Sự xuất hiện của một doanh nghiệp tư nhân đầu những năm 90 là rất hiếm, huống hồ là một công ty có một cái tên "chuẩn Tây" như Zodiac. Tại sao lại là "Zodiac" - một từ tiếng Anh mà không phải là một cái tên tiếng Nga cho hợp thời hoặc một cái tên thuần Việt cho khách hàng dễ nhớ, thưa ông?
Việc đặt tên công ty là một bất ngờ thú vị. Trong buổi họp bàn đặt tên cho công ty, cả lũ chúng tôi vò đầu bứt tai mãi vẫn không tìm được cái tên ưng ý, anh Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT - PV) có thốt lên một câu, đại khái theo kiểu: "Toàn ông học ở Tây về mà đặt tên công ty như kiểu tên hợp tác xã như thế này có vẻ không ổn". Anh sốt ruột nhìn đồng hồ đeo tay, trên mặt có hình một con cá heo đang nhảy tung trên mặt nước và dòng chữ Zodiac. Anh Bình chợt hỏi: "Zodiac có nghĩa là gì nhỉ?", không một ai biết nghĩa từ đó là gì. Chúng tôi lục tìm ngay trong quyển từ điển Anh - Việt bên cạnh và cùng reo lên khi biết ý nghĩa của từ Zodiac trong tiếng Anh là cung hoàng đạo, biểu thị cho sự may mắn. Cái tên Zodiac đã ra đời một cách tình cờ và thú vị như vậy.
Khi đó ông nhìn thấy cơ hội phát triển nào tại một doanh nghiệp như Zodiac?
Thời đó, Ban lãnh đạo đều là những người trẻ, có cùng điểm xuất phát với tôi, chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung với nhau trong công việc. Về đây tôi được làm đúng nghề kỹ sư điện tử , kỹ thuật viên của công ty. Trong giai đoạn kinh doanh cực kỳ thuận lợi "một người bán, vạn người mua", công việc của tôi luôn "full" tôi chưa nghĩ nhiều đến những cơ hội phát triển lớn, chỉ ước đơn giản giá như cuộc đời mình mãi gắn bó với công việc kỹ thuật này cũng tuyệt đấy chứ (cười)
Suy nghĩ là thế nhưng trên thực tế ông lại dấn thân vào con đường kinh doanh chứ không phải là một kỹ sư điện tử chỉ sau 1 năm gia nhập Zodiac. Câu chuyện phía sau đó là gì?
Giám đốc công ty khi đó là người bạn học cùng ở Liên Xô đã thành công thuyết phục và định hướng tôi chuyển sang kinh doanh, nhận nhiệm vụ quay trở lại nước Nga. Cùng là du học sinh Liên Xô, chúng tôi đều hiểu rằng đây là quốc gia cung cấp phần lớn các mặt hàng thiết yếu, quan trọng nhất cho Việt Nam. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp, từ máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên vật liệu... đều nhập khẩu từ Nga. Bài học kinh doanh thành công của FPT trước đó đã chỉ ra cho chúng tôi con đường phát triển thuận lợi nhất là bắt đầu từ Nga. Ban lãnh đạo Zodiac quyết định cử tôi làm đại diện thương mại tại Nga. Tôi đã lên đường quay lại xứ sở bạch dương ngày 26/3/1992 với 200 USD và tấm vé máy bay 1 chiều trong tay.
Khởi nghiệp với 200 USD, đây có được xem là cú liều lớn nhất trong cuộc đời ông?
Nhiệm vụ của tôi khi đó là thiết lập kênh thương mại tại Nga, sử dụng đồng rúp "gỗ" mua mọi loại hàng hóa, trang thiết bị máy móc quan trọng chuyển về Việt Nam. Đồng rúp Nga khi đó được phát hành có 2 loại. "Rúp chuyển nhượng" là đồng rúp giao dịch thương mại giữa Liên Xô cũ và các nước trong phe XHCN, nó được coi như một ngoại tệ, có sức mạnh tương đương đồng Đô la Mỹ. Còn "rúp gỗ" là đồng rúp bình thường mà người Nga vẫn sử dụng hàng ngày, trị giá thấp hơn nhiều. Giai đoạn đó, mọi giao dịch thương mại giữa hai Nhà nước Việt Nam và Nga đều quy đổi bằng "rúp chuyển nhượng" khiến giá hàng hóa trở nên đắt đỏ và quý hiếm. Hiểu được nhiệm vụ của mình là vậy nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu?! Vấn đề kiếm tiền để tồn tại được ở nước Nga cũng đau đầu không kém! Ngẫm lại tôi thấy mình liều thật (cười).
Ông đã làm thế nào để kiếm tiền theo đúng tiêu chí "có thực mới vực được đạo"?
Thời gian đầu đến Nga thực sự là những tháng ngày khó khăn với tôi khi chưa lập được kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ, trong khi tiền trong túi quá ít ỏi, chỉ đủ ăn trong một tháng. Không thể "chết đói" trước khi làm việc lớn, tôi sục sôi kiếm tiền, bất chấp tất cả thách thức, vất vả để có tiền nhanh nhất có thể. Sau 3 tháng, tôi đã tích lũy được một khoản kha khá, yên tâm bắt tay vào công việc được giao. Tôi cùng một người bạn Nga (quy định bắt buộc của nước Nga) đã thành lập công ty, và cái tên Zodrus đã xuất hiện trên xứ sở bạch dương trong hoàn cảnh như vậy.
Zodrus đã làm được những gì tại thị trường Nga, thưa ông?
Gặp gỡ bạn bè người Nga, tôi mới biết họ có công ty riêng, hoạt động rất rộng và năng động trong nhiều lĩnh vực. Hàng ngày, tôi vạ vật ở công ty của họ, nghe lỏm, quan sát và học cách họ kinh doanh. Mỗi khi Zodiac từ Việt Nam gửi đơn hàng, tôi đều thông qua các công ty Nga của bạn tìm kiếm và mua bán hàng hóa bằng "rúp gỗ". Nhờ quan hệ rất tốt với những người bạn Nga, Zodrus đã thực hiện thành công nhiều đơn hàng từ Zodiac, đặc biệt là những mặt hàng công nghiệp quan trọng cũng như những mặt hàng phục vụ cho quốc phòng. Biết bao sắt thép xây dựng, kim loại màu, các loại xe tải, xe đầu kéo KAMAZ, MAZ, nhôm hợp kim cho đóng tàu cao tốc…kìn kìn đổ về Việt Nam trên các chuyến tàu biển. Đây là giai đoạn Zodiac phát triển cực kỳ mạnh mẽ và vượt tầm. Lợi nhuận của Zodiac thời gian đó rất tốt, vượt nhiều công ty đàn anh chủ yếu đến từ thị trường Liên Xô cũ.
Đang kinh doanh thuận lợi tại Nga, tại sao ông lại quyết định về nước và tiếp nhận vị trí giám đốc Zodiac? Bài toán nào được đặt ra cho ông và ban lãnh đạo công ty vào thời điểm đó?
Trong quá trình giao thương với Nga, chúng tôi nhận thấy sự tồn tại và phát triển của Zodiac khi đó hoàn toàn theo hình thức "đánh quả", phụ thuộc rất lớn vào quan hệ và lợi thế về thông tin. Không có 2 yếu tố này việc kinh doanh sẽ bế tắc và tụt dốc. Muốn phát triển bền vững, phải hoạt động bài bản bằng cách xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu, văn hóa công ty. Chính vì vậy tôi đã quay trở về Việt Nam với hoài bão xây dựng Zodiac trở thành một công ty công nghệ hàng đầu, tiến bước ra thế giới bằng năng lực tự chủ. Tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, lao vào kinh doanh dựa vào bản năng và kinh nghiệm sống cũng như các mối quan hệ tại Việt Nam và nước Nga. Muốn đạt được hoài bão, tôi phải "nâng cấp" bản thân trước tiên. Ngay khi trở về Việt nam năm 1996, tôi vừa đi làm vừa theo học chương trình Executive Program (eMBA) của Tuck Business School - Đại học Dartmouth (Mỹ). Khóa học này thực sự hữu ích cho tôi trong công tác điều hành công ty, đặc biệt là khi phải quyết định những vấn đề quan trọng cho Công ty sau này.
Việc thay đổi mô hình kinh doanh và lĩnh vực hoạt động có tác động như thế nào đến quá trình phát triển của thương hiệu Zodiac trên thị trường?
Những năm đầu hoạt động, Zodiac phân phối thiết bị tin học văn phòng. Sau vài năm, chúng tôi mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực nghe nhìn - một lĩnh vực còn rất mới mẻ thời điểm đó - và Zodiac nhanh chóng trở thành công ty tiên phong trong ngành trình chiếu với sự kết nối mở rộng quan hệ quốc tế với nhiều đối tác lớn. Có thể nói sự nhạy bén trong thay đổi mô hình, lĩnh vực kinh doanh đã giúp Zodiac khẳng định tên tuổi của mình, là công ty Việt Nam đầu tiên trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế về Nghe nhìn và tích hợp hệ thống AVIXA. Thương hiệu của Zodiac giờ đây luôn là địa chỉ tin cậy cho các khách hàng, đối tác, không chỉ trong lĩnh vực nghe nhìn, mà còn nhiều lĩnh vực kinh doanh công nghệ khác nữa.
Theo ông, việc mở rộng hợp tác quốc tế đóng vai trò như thế nào trong hành trình phát triển của Zodiac?
Trong kinh doanh công nghệ chúng ta luôn phải đầu tư trước, phải khai phá những thứ mà người khác thậm chí còn chưa biết đến, nghĩ đến. Khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, hàng năm đội ngũ Zodiac luôn được cử đi tham gia các triển lãm ngành tại khắp các nước trên thế giới, cũng như tham gia các chương trình đào tạo của nhiều hãng. Họ là những kỹ sư đam mê nghiên cứu, ham học hỏi tri thức mới và nhanh nhạy với những đổi mới công nghệ. Bởi vậy mới có chuyện nhiều người khiêng 2 vali nặng trịch về nước, chắc mẩm đầy quà cáp nhưng khi mở ra toàn sách vở, tài liệu! (cười). Nhờ những báo cáo của họ sau các hội thảo, triển lãm, công ty xác định được vị trí của mình trên bản đồ công nghệ, biết phải tiếp tục đầu tư và đào tạo ra sao, liên kết với đối tác nước ngoài như thế nào để theo kịp sự phát triển công nghệ thế giới. Chúng tôi đầu tư nhiều tiền mua sắm thiết bị, thử nghiệm và tìm cách khai thác hiệu quả tại Việt Nam. Vai trò của đối tác nước ngoài rất quan trọng và việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ luôn giúp Zodiac phát triển mạnh mẽ, bắt nhịp với thế giới, khẳng định vị thế của các công ty Việt nam trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, Zodiac hoạt động trong các lĩnh vực nào, thưa ông?
Zodiac được biết đến là đơn vị tiên phong trong ngành công nghệ nghe nhìn với 4 lĩnh vực kinh doanh chủ lực: Thiết bị trình chiếu, Công nghệ Giáo dục, Tích hợp hệ thống và An Ninh quốc phòng.
Zodiac đang phân phối rất nhiều sản phẩm và giải pháp trình chiếu chuyên nghiệp có uy tín trên thế giới như Máy chiếu Optoma, Máy chiếu Maxell-Hitachi, màn hình LCD ghép và màn hình LED của Unilumin, Planar, thiết bị điều khiển UVS cho các giải pháp trình chiếu kích thước lớn, phòng điều hành trung tâm… Đồng thời, Zodiac cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống thông tin hình ảnh, điều hành thông minh trong các lĩnh vực như Giáo dục, Công nghệ, Kinh doanh, Y tế, Điện lực, Quốc phòng….
Khi kinh tế Việt Nam ngày càng hòa nhập với kinh tế thế giới, cơ hội và thách thức nào đang chờ đón Zodiac phía trước?
Công nghệ 4.0 đang từng bước len lỏi vào mọi mặt của cuộc sống, việc chuyển đổi số là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến sự sống còn của một doanh nghiệp công nghệ như Zodiac. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho Zodiac. Cơ hội tham gia phát triển công nghệ, thách thức thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng kịp nhu cầu xã hội. Khi học ở Tuck, tôi được biết đến câu chuyện phát triển của Hàn Quốc. Những năm 60 thế kỉ trước, đất nước Hàn Quốc rất nghèo, nền kinh tế của họ còn thua kém kinh tế Việt Nam cùng thời. Nhưng họ đã đề ra chiến lược phát triển cực kỳ đúng đắn và phù hợp, đó là "IMITATION – INNOVATION – CREATION". Đầu tiên họ sẽ học hỏi, "bắt chước", copy công nghệ của những nước phát triển. Khi đã thành thục rồi thì họ mới nghĩ đến việc cải tiến, sau đó là sáng tạo. Zodiac đang đi theo con đường như vậy.
Người Việt Nam có tâm lý hưởng thụ khá cao. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho tiêu dùng, mua sắm thiết bị công nghệ như điện thoại di động, thiết bị nghe nhạc, xem phim…mới nhất, hiện đại nhất, đắt tiền nhất! Nhưng lại không quan tâm đúng mức đối với thiết bị công nghệ phục vụ công việc, sản xuất công nghiệp…Nếu đầu tư mua sắm họ chủ yếu quan tâm đến phần cứng, ít chú ý mua các gói dịch vụ đào tạo vận hành, khai thác tối đa chức năng của thiết bị nhằm đạt hiệu quả sử dụng cao nhất.. Đó không chỉ là sự lãng phí mà bản thân cũng không học được gì từ công nghệ mới đó cả. Chúng tôi nỗ lực thay đổi tư duy đầu tư của chính mình cũng như của khách hàng bằng cách luôn phân tích, đánh giá vai trò của công nghệ, tuổi thọ của thiết bị - công nghệ, cung cấp các chương trình đào tạo vận hành, khai thác tối ưu thiết bị đã đầu tư, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư. Đây thực sự là cơ hội tiềm ẩn rất lớn đối với một công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ như Zodiac.
Đối với một công ty công nghệ, yếu tố con người luôn đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển. Làm thế nào để Zodiac thu hút nhân tài và giữ họ ở lại gắn bó lâu dài với mình?
Tử tế - tôi muốn dùng từ này để trả lời ngắn gọn nhất. Một gia đình lớn ở đó bạn luôn cảm nhận được sự tử tế trong các mối quan hệ, yêu thương gắn kết để phát triển, ở đó bạn có cơ hội sáng tạo, khám phá công nghệ, cơ hội đào tạo quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác, cơ hội được đãi ngộ tốt và thăng tiến; ở đó bạn luôn tìm được đồng minh trong mọi vấn đề của cuộc sống, ở đó mỗi ngày đi làm sẽ là một trải nghiệm thú vị. Có một gia đình như vậy bạn có nghĩ mình sẽ rời đi? Chúng tôi đã cam kết sát cánh để xây dựng Zodiac "trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, là điểm đến lý tưởng của đội ngũ trí thức tinh hoa Việt Nam, để cùng nhau tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, khẳng định năng lực tự chủ trong hành trình hội nhập toàn cầu."
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động ngày càng sâu rộng đến mọi mặt của cuộc sống, chiến lược kinh doanh nào sẽ được Zodiac triển khai để phát triển thương hiệu trong giai đoạn tiếp theo?
"Chiến lược kinh doanh" luôn là bí mật của doanh nghiệp để phát triển (cười). Nhưng tôi có thể chia sẻ với các bạn rằng công nghệ nào cũng từ con người mà ra. Chiến thắng trong các cuộc cách mạng cũng là do con người! Zodiac đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ với mục tiêu luôn dẫn đầu thị trường, vượt đối thủ cạnh tranh. Và trong hành trình ấy, thu hút nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức tốt, có hoài bão lớn lao sẽ luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tôi có niềm tin vững chắc rằng thế hệ trẻ Zodiac giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi trong định hướng phát triển công nghệ và sẽ đưa Zodiac lên tầm cao mới.
Xin cảm ơn ông!