Bất chấp nhiều biện pháp để thúc đẩy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 vẫn ở mức rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong bối cảnh khó khăn chung vẫn có những ngân hàng ngược dòng bứt phá, ghi nhận tín dụng tăng trưởng ấn tượng.
Đa dạng hóa danh mục và lĩnh vực cho vay
Thống kê từ báo cáo tài chính, dư nợ cho vay của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán dao động từ 6,1-32,7% trong năm 2023. Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cơ hội và thách thức của từng lĩnh vực, ngành nghề có sự khác biệt, ngân hàng nào có khả năng dự báo và dịch chuyển linh hoạt danh mục cho vay sẽ có thể nắm bắt được hướng tăng trưởng hiệu quả. Đặc biệt, việc xác định được lĩnh vực trọng tâm, chọn ra được những khách hàng tốt không chỉ giúp ngân hàng mở rộng thị phần, tăng doanh thu mà xa hơn là giúp ngân hàng duy trì chất lượng tài sản lành mạnh.
Năm 2023, Techcombank đa dạng hóa danh mục cấp tín dụng vào các ngành hàng tiêu dùng nhanh và các lĩnh vực khác như giải trí, du lịch, ô tô... Dư nợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng trưởng 16,8% so với đầu năm.
Năm 2023, dư nợ tín dụng tại Techcombank tăng 19,2% lên 530.148 tỷ đồng, mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều so với trung bình toàn ngành (hơn 13%). Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng vẫn đang được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, dư nợ nhóm KH SME tăng trưởng tích cực trên 16,8% so với đầu năm. Nhìn tổng thể, năm 2023, Techcombank đa dạng hóa danh mục cấp tín dụng vào các ngành Hàng tiêu dùng nhanh (tăng 15% YoY; tiện ích tăng 56% YoY; và các lĩnh vực khác (như giải trí, du lịch, ô tô..) tăng 123% YoY). Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng trưởng 16,8% so với đầu năm, mặc dù đây là mảng khó khăn thời gian qua.
Về nguồn thu, Techcombank tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội ở mảng phí dịch vụ. Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu và quan trọng của Techcombank, khi giúp đa dạng hóa doanh thu cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.
Danh mục của ngân hàng đã bắt nhịp tăng trưởng đều trong cả năm 2023, với đà tăng cũng thể hiện trên hầu hết các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động khác. Tổng tài sản sinh lời của Techcombank đã tăng 23% trong năm 2023.
Mô hình quản trị cho vay theo chuỗi giá trị
Theo ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính tập đoàn Techcombank, trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp, sau đó dần chuyển sang phân khúc bán lẻ, và xu hướng chuyển dịch này rất phù hợp với sự phục hồi của thị trường bất động sản bán lẻ.
Techcombank áp dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị đối với các hoạt động cho vay. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, Techcombank cung cấps các khoản vay cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở. Khi dự án triển khai, dòng tín dụng sẽ chảy đến các nhà thầu xây dựng, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, và cuối cùng là đến những người mua nhà tại dự án. Như vậy, dòng tiền luôn được lưu thông trong hệ thống tài khoản Techcombank và phân tán rủi ro trên một tệp khách hàng đa dạng trong cả chuỗi giá trị.
"Đó là cách chúng tôi quản trị rủi ro tín dụng, và điều chuyển dòng vốn từ khách hàng doanh nghiệp sang khách hàng bán lẻ, từ đó, đa dạng hóa danh mục cho vay của ngân hàng. Cách tiếp cận theo chuỗi giá trị đã định vị sự tiên phong của Techcombank trong mô hình hiệu quả này, giúp chúng tôi liên tục tiếp cận và thu hút được nền tảng khách hàng bán lẻ có giá trị nhất trên toàn thị trường" – ông Macaire chia sẻ.
Quản trị rủi ro chặt chẽ giúp việc tăng trưởng tín dụng của Techcombank đạt hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Tăng trưởng tín dụng đi kèm với quản trị rủi ro chặt chẽ giúp Techcombank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 của Techcombank đạt gần 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 22.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,19%, nằm trong nhóm những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu là 1,12%.
Xét theo phân khúc, tỷ lệ nợ xấu của khách hàng bán lẻ giảm nhờ việc Ngân hàng tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro khi cho vay qua thẻ tín dụng, trong khi chất lượng tài sản của khách hàng doanh nghiệp lớn vẫn ổn định ở mức 0%.
Tổng nhu cầu tài chính 2024 kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng
Bài toán tăng trưởng tín dụng là mối quan tâm hàng đầu của ngành Ngân hàng năm 2024. Năm trước đó, việc gặp khó trong tăng trưởng tín dụng mới đã khiến nhiều ngân hàng không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh. Tại Hội nghị ngành ngân hàng hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết định hướng tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13-14%, tương đương với mức tăng trưởng của năm ngoái. Điều đặc biệt là cơ quan quản lý đã phân bổ hết hạn mức tín dụng cả năm cho các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng có thể chủ động hơn trong việc thực hiện các kế hoạch kinh doanh, đặc biệt với nhóm những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tốt hơn mặt bằng chung của thị trường.
"Cầu tín dụng từ khách hàng cá nhân sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024" – bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu, Ngành Dịch vụ Tài chính, HSC
Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu, Ngành Dịch vụ Tài chính, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, cầu tín dụng năm 2024 sẽ hồi phục và tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Động lực trong nửa đầu năm có thể đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu hay khối khách hàng FDI. Bà Hà cũng cho rằng, cầu tín dụng từ khách hàng cá nhân, cả mục đích tiêu dùng và đầu tư có thể sẽ phục hồi chậm hơn, nhưng sẽ khá mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Về tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), sau khi suy giảm mức trung bình 50 điểm cơ bản trong năm 2023, vị chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự hồi phục nhẹ khoảng 20-30 điểm cơ bản.
Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc Techcombank – cho rằng, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu trở lên tăng nhanh và có thể tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong những năm tới. Điều này cho thấy còn khá nhiều dư địa để cung cấp các sản phẩm tài chính, qua đó tổng nhu cầu tài chính năm 2024 kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, đa dạng hóa danh mục tín dụng vẫn là một trong ba mục tiêu ưu tiên của Techcombank trong năm 2024. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh tín dụng khách hàng bán lẻ và SME, trong đó sẽ đẩy nhanh việc triển khai Smart Credit, nền tảng kỹ thuật số để khởi tạo khoản vay không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa hơn nữa danh mục cho vay doanh nghiệp ngoài lĩnh vực bất động sản, Techcombank sẽ ra mắt các dịch vụ tích hợp mới kết hợp tài trợ chuỗi cung ứng và chiết khẩu động để tối ưu hóa thanh khoản trong chuỗi giá trị tích hợp.
Song song với triển vọng tăng trưởng tín dụng tích cực, Techcombank cũng cho rằng chi phí vốn sẽ tiếp tục giảm và NIM được cải thiện, mặc dù sự cải thiện sẽ ở mức vừa phải do tác động của sự cạnh tranh khốc liệt về lãi suất. Ngân hàng kỳ vọng thu nhập lãi ròng sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng hai con số vào năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới đây, KBSV cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Techcombank sẽ khá tích cực trong năm 2024, thậm chí kỳ vọng ngân hàng sẽ có thêm hạn mức được cấp. Tăng trưởng tín dụng Techcombank sẽ được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp, hoạt động cho vay tài trợ dự án sẽ hồi phục sau 2 năm khó khăn nhờ những biện pháp tháo gỡ của chính phủ với thị trường BĐS và mặt bằng lãi suất đã trung tính hơn.