Bất động sản tăng giá nhưng khó thanh khoản, lộ rõ hiện tượng “lãi trên giấy”

(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố

Mức độ quan tâm đất nền nhiều tỉnh thành tăng cao

Báo cáo thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng đều cả về lượt quan tâm và lượt tin đăng. Tình hình lạm phát đang trở thành mối lo ngại về giá bất động sản trong thời gian tới. Sự chuyển động của thị trường được thể hiện qua dữ liệu tin đăng (đại diện cho nguồn cung) và lượt quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) ở từng loại hình và khu vực.

Trong tháng 2, mức độ quan tâm bất động sản tăng ở hầu hết loại hình với mức tăng trung bình 23% so với tháng 1. TP HCM và Hà Nội có mức tăng lần lượt là 29% và 22%.

Đáng chú ý, loại hình đất nền và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng là ba khu vực có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 41%, 35% và 32%. Hai thành phố lớn TP HCM và Hà Nội có mức tăng 18% và 8%.

Nhìn nhận về xu hướng gia tăng nhu cầu mua với loại hình đất nền, chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho biết, do lo ngại về trượt giá & lạm phát khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay.

Bất động sản tăng giá nhưng khó thanh khoản, lộ rõ hiện tượng “lãi trên giấy” - Ảnh 1.

(Ảnh: Batdongsan.com.vn)

Đối với nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá vừa túi tiền hơn so với nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên. Tuy vậy, hiện tượng nóng sốt trên diện rộng trên thị trường khó diễn ra, mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.

Điểm đáng chú ý trong quý I là nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng cao cả ở hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, tập trung chính ở phân khúc bình dân.

Cụ thể, trong tháng 2, loại hình chung cư bình dân tại TP HCM và Hà Nội đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng mạnh 36% so với tháng 1, vượt xa lượt quan tâm của loại hình nhà riêng và đất nền.

Giá chung cư Hà Nội trong tháng 2 cũng đã tăng khoảng 4,4% so với tháng 12/2021. Trong khi đó, mặt bằng giá chung cư bình dân tại Hà Nội trong năm 2021 đã tăng trưởng 8%, đạt mức trung bình khoảng 23,5 triệu/m2. Giá chung cư cao cấp cũng tăng 5% lên 32,5 triệu/m2, còn căn hộ cao cấp tăng 3% lên 45,5 triệu/m2.

Mức thanh khoản chưa tỷ lệ thuận với tăng giá

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, bình quân hai tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Tình hình chính trị thế giới cũng tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Big data của Batdongsan.com.vn cho thấy, dưới tác động của việc tăng giá dầu, kim loại quý và vật liệu xây dựng, giá bất động sản trong quý I/2022 có xu hướng tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.

Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh:

Thứ nhất là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản.

Thứ hai, cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư. Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, dòng tiền đang có sự chuyển hướng từ miền Bắc vào miền Trung”.

Bất động sản tăng giá nhưng khó thanh khoản, lộ rõ hiện tượng “lãi trên giấy” - Ảnh 2.

Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát.

"Tuy nhiên, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng", Giám đốc cấp cao của Savills nhấn mạnh.

"Tôi cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong 9 - 12 tháng tới, việc một số các nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá", TS Khương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất chế, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra.

Chính vì vậy, TS. Sử Ngọc Khương khuyến nghị: "Đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế".

Tuấn Minh

Tin mới