(Tổ Quốc) - Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những nước được dự báo có mức tăng trưởng tốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngân hàng Thế giới cập nhật dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 là 7,2%
Trong báo cáo cập nhật tháng 10 mới nhất, Ngân hàng Thế giới đã hạ mạnh mức tăng trưởng của Trung Quốc xuống 2,8% từ mức 5% được dự báo hồi tháng 4. Đồng thời, World Bank cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 3,2%.
Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng năm 2022 là 7,2%. Mức dự báo này tăng khá nhiều so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Năm 2023, World Bank dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%. Mức tăng trưởng này giống với dự báo trước đó vào tháng 8.
Trước đó, theo báo cáo cập nhật tháng 8 được công bố, World Bank dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 7,5% trong cả năm 2022. World Bank cũng dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 3,8% (thấp hơn so với mục tiêu 4%).
Một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng được World Bank nâng dự báo mức tăng trưởng so với tháng 4. Cụ thể, Philippines, Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Myanmar được dự báo tăng trưởng lần lượt là 6,5%; 6,4%; 4,8%; 3,1% và 3%.
Indonesia là quốc gia được giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 5,1%. Trong khi đó, Lào là quốc gia trong khu vực ASEAN bị hạ dự báo tăng trưởng so với dự báo hồi tháng 4, với GDP 2022 ước đạt 2,5%.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022
Theo bản báo cáo cập nhật mới đây, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay, do mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển và hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đối với Việt Nam, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong báo cáo ADO hồi tháng 4/2022.
Theo ADB, sở dĩ Việt Nam có mức dự báo này là do tăng trưởng của đất nước được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo cũng nhận định, việc giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu sẽ làm tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát của ADB cho Việt Nam là không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.
Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng
Trước đó, đầu tháng 9, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Tuy nhiên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Mặc dù vậy, con số này vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Anh Tuấn