Cách Nhật Bản trở thành quốc gia có độ an toàn giao thông cao nhất thế giới

(Tổ Quốc) - Nhật Bản đã làm thế nào để từ một nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao vào cuối thập niên 1970 trở thành một nước có độ an toàn cao nhất thế giới hiện nay?

Báo cáo của Hội đồng an toàn giao thông quốc gia đường cao tốc (NHTSA) vào tháng 8/2022 cho thấy có đến 9.560 nạn nhân đã thiệt mạng tại Mỹ trong quý I/2022 vì tai nạn, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 20 năm qua.

Điều đáng ngạc nhiên là trong khi phần lớn các quốc gia phát triển có sự suy giảm trong tỷ lệ tử nạn vì tai nạn giao thông suốt 10 năm qua thì Mỹ lại gia tăng 30%. Hiện người Mỹ có khả năng chết vì tai nạn giao thông cao gấp 2,5 lần Canada và 3 lần so với Pháp.

Đại chiến tai nạn giao thông tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Đường phố tại Nhật thường hẹp

Nếu so sánh với Nhật Bản thì con số còn đáng bất ngờ hơn. Trong năm 2021, chỉ có chưa đến 3.000 người Nhật chết vì tai nạn giao thông, thấp hơn nhiều so với 43.000 trường hợp ở Mỹ. Nếu tính bình quân đầu người thì Nhật chỉ có 2,24 người chết vì tai nạn trên tổng số 100.000 dân, thấp hơn nhiều so với 12,7 của Mỹ.

Đây là những con số khá bất ngờ khi vào thập niên 1960, Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tai nạn giao thông khá cao, nhiều gấp 6 lần so với số lượng hiện nay. Thế nhưng điều gì đã khiến giao thông của Nhật Bản thay đổi và trở nên an toàn đến vậy?

Đường sắt

Kể từ khi ra mắt hệ thống tàu siêu cao tốc đầu tiên trên thế giới (Shinkansen) vào năm 1964, Nhật Bản đã nổi tiếng về độ an toàn, nhanh chóng của phương tiện này. Thậm chí hiệu quả của Shinkansen khiến việc sử dụng các phương tiện vận tải khác trở nên phi lý.

Ví dụ giữa Osaka và Tokyo có khoảng 32 chuyến tàu di chuyển hàng ngày với thời gian chỉ khoảng 2 tiếng rưỡi, trong khi lái xe mất ít nhất 6 tiếng đồng hồ.

Giáo sư Takashi Oguchi của trường đại học Tokyo cho biết nếu đi đoàn đông người với khoảng cách xa thì Shinkansen đắt hơn so với lái ô tô cá nhân. Thế nhưng nhiều người Nhật vẫn chọn tàu cao tốc vì độ phổ biến và tính an toàn của chúng.

Năm 2019, tàu cao tốc Nhật Bản chở số hành khách nhiều gấp 13 lần so với hệ thống tàu cao tốc Mỹ (Amtrak), dù dân số của Mỹ đông hơn gấp 2,5 lần.

Hệ thống trung chuyển nhà ga tại các thành phố của Nhật Bản cũng vô cùng ấn tượng. Với 285 nhà ga, hệ thống Tokyo Metro đón tiếp lượng khách hàng ngày nhiều gấp đôi so với New York. Thậm chí ngay cả những thành phố nhỏ hơn như Fukuoka cũng có mỗi chuyến tàu cao tốc sau mỗi vài phút nối thành phố với sân bay, và hành khách chỉ mất 6 phút để đến đó.

Đại chiến tai nạn giao thông tại Nhật Bản - Ảnh 2.

Tàu cao tốc Nhật Bản

Với lượng tàu cao tốc quá nhiều như vậy, người Nhật Bản chẳng buồn lái xe bởi dịch vụ vận tải công có thể đưa họ đi bất kỳ đâu. Tính bình quân, nước Nhật có khoảng 61 xe trên mỗi 100 cư dân, thấp hơn so với 84/100 tại Mỹ. Thế nhưng tỷ lệ xe hơi được người dân sử dụng thường xuyên chỉ bằng 1/3 con số trên.

Với độ an toàn cực cao, tàu cao tốc trở thành lựa chọn số 1 của người Nhật thay vì lái xe cá nhân. Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống tàu cao tốc Nhật Bản chưa phải chứng kiến bất kỳ một vụ tai nạn thảm khốc nào, qua đó chứng minh được sự hiệu quả của mình.

Hạn chế đỗ xe

Tại Nhật, người dân phải mua giấy chứng nhận đỗ xe (Shako Shomei Sho) thay vì đỗ tràn lan bên lề đường. Đây là giấy chứng nhận cho phép họ đỗ xe qua đêm tại khu dân cư hay chỗ để xe riêng gần nhà và là thủ tục bắt buộc với những người sở hữu ô tô. Điều này khiến việc đỗ xe lung tung bên lề đường trở nên bất khả thi.

Chính lý do này khiến nhiều hộ gia đình vẫn dùng tàu cao tốc hay xe đạp dù đã có ô tô. Thêm nữa, việc siết chặt quản lý đỗ xe khiến đường thông hè thoáng, đồng thời gián tiếp giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, qua đó hạn chế lượng tai nạn giao thông đáng tiếc.

Khuyến khích xe nhỏ

Tại Nhật Bản, những chiếc "Kei Car" khá phổ biến. Đây là những chiếc ô tô cỡ nhỏ và nhẹ hơn so với các phương tiện ở Mỹ. Loại phương tiện này được ưa chuộng bởi chúng có thể luồn lách trong các con đường nhỏ, đỗ vừa những bãi đỗ hẹp và đặc biệt là có mức giá rất rẻ, vào khoảng 10.000-20.000 USD chưa tính những khoản hỗ trợ từ chính phủ.

Hiện khoảng 1/3 số xe hơi bán ra tại Nhật là Kei Car và rất nhiều gia đình mua chúng làm chiếc thứ 2-3 để di chuyển.

Đại chiến tai nạn giao thông tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Trẻ em đi học sang đường ở Nhật Bản

Với trọng lượng nhẹ, những chiếc Kei Car này sẽ giảm thiểu lực tác động khi va chạm, đồng thời vẫn đảm bảo được an toàn của người lái trong xe nhờ hệ thống túi khí được thiết kế tỉ mỉ. Thêm nữa, do dòng xe này hạn chế về tốc độ nên khả năng gây tai nạn chết người cũng thấp hơn so với những chiếc ô tô thông thường.

An toàn cho trẻ em

Tại Nhật Bản, những dòng trẻ em mới 2 tuổi tự đi siêu thị hay 5 tuổi tự băng qua đường khiến nhiều người Phương Tây bất ngờ. Nếu việc trẻ em tự đến trường là bình thường ở Nhật Bản thì việc bỏ mặc con trẻ thế này sẽ bị điều tra tại Mỹ bởi những hội bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Bên cạnh lý do văn hóa, việc Nhật Bản xây dựng được môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ em là điều nhiều nước Phương Tây không làm được. Luật pháp về chỗ đỗ xe khiến đường thông hè thoáng, trẻ em có tầm nhìn khi băng qua đường hay đi bộ đến trường.

Thế rồi mức vận tốc giới hạn 40 km/h trong thành thị và 30 km/h ở khu vực đông dân cư càng khiến giao thông trở nên an toàn. Trong khi đó ở Mỹ, mức vận tốc giới hạn thường cao hơn nhiều tại khu vực đô thị.

Một yếu tố nữa khiến lái xe thường phải đi chậm là do đường phố Nhật Bản thường khá hẹp, đông người đi bộ nên buộc các phương tiện sẽ phải chú ý nhiều hơn.

Tại Mỹ, tình hình không được khả quan như vậy. Vào năm 1969, có đến 41% trẻ em tự đi bộ hoặc đạp xe đến trường thì tỷ lệ này chỉ còn 13% vào năm 2001 trước sự nguy hiểm và đông đúc của giao thông.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Tin mới