(Tổ Quốc) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Việt Nam hiện có 296 bến cảng. Trong đó, 1 cảng biển có số bến cảng chiếm hơn 17% tổng số bến cảng của cả nước.
Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, trong tổng số 296 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, thành phố Hải Phòng có 52 bến cảng, chiếm 17,6% tổng số bến cảng của cả nước. Theo đó, cảng biển Hải Phòng hiện có nhiều bến cảng nhất Việt Nam.
Cảng biển Hải Phòng gồm các bến cảng: Hải Phòng (khu cảng chính, Hoàng Diệu), Vật Cách, Đình Vũ, Xăng dầu 19-9, Đoạn Xá, Transvina, Hải Đăng, Greenport, Chùa Vẽ, Cửa Cấm, Thủy sản II, Caltex, công nghiệp tàu thủy Nam Triệu….
Cảng Hải Phòng là cụm cảng tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất khu vực phía Bắc và đứng thứ 2 cả nước sau cảng Sài Gòn. Cảng Hải Phòng là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế có tiềm năng phát triển đa dạng. Cảng Hải Phòng nằm trên địa phận ba quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và Hải An.
Trên thực tế, cảng Hải Phòng được đánh giá có tiềm năng phát triển. Hải Phòng nằm trong tám giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế. Nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, hàng hóa từ cảng Hải Phòng dễ dàng vận chuyển bằng nhiều phương thức vận tải khác nhau đến các tỉnh, thành trên cả nước.
Hơn nữa, hệ thống đường sắt của Hải Phòng đã được kết nối với đường sắt quốc gia, giúp vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đến nhiều tỉnh thành thuận lợi hơn.
Trên thực tế, Hải Phòng là nơi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển. Theo UBND tỉnh Hải phòng, Hải Phòng là địa phương có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc. Đồng thời, Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn thứ hai cả nước, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam tham gia vào vành đai Thái Bình Dương. Đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện trong hệ thống cảng biển Hải Phòng có sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân tăng 17,53%/năm.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển, đặc biệt là kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Theo đó, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng, với khu vực và quốc tế. Từ đó, Hải Phòng được tạo động lực phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, logistics.
Giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trọng điểm của khu vực phía Bắc và cả nước về phát triển các dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế.
Cụ thể, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 – 2025 đạt 15,1%/năm.
Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn.
Đến năm 2045, tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Minh Tiến