(Tổ Quốc) - Cây cầu duy nhất tại Việt Nam có đường bộ và đường sắt đi chung nằm tại khu vực phía Bắc.
Cụ thể, cầu Cẩm Lý thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang hiện là cây cầu duy nhất tại Việt Nam có đường bộ và đường sắt đi chung. Cây cầu được xây dựng từ năm 1979, có chiều dài 272,4m gồm 4 nhịp dàn thép, mỗi nhịp dài 64,6m.
Tỉnh Bắc Giang thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Độ, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội. Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối hai vùng kinh tế Đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.
Hơn nữa, Bắc Giàng còn nằm trên hai hành lang phát triển kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và sát với vành đai phát triển kinh tế ven biển Quảng Ninh - Thái Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa.
Vì có vị trí địa lý thuận lợi, Bắc Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và là cực tăng trưởng của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Trong nhiều năm qua, hệ thống giao thông của Bắc Giang có nhiều thay đổi. Hiện nay, Bắc Giang có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có đường sắt, đường cao tốc, đường thủy nội địa, sân bay.
Để thu hút nhà đầu tư tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao thông như đầu tư tuyến đường vành đai 5 Thủ đô, đầu tư cảng cạn và trung tâm logistic để khai phá tiềm năng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế, đầu tư xây dựng cầu Xương Giang và cầu Cẩm Lý.
Trong đó, cầu Cẩm Lý trên Quốc lộ 37, là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Do đó, lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn.
Trên thực tế, cầu Cẩm Lý đang được đề nghị sửa chữa, nâng cấp đồng thời nghiên cứu xây mới tách riêng cầu đường bộ với đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Cẩm Lý mới để tách riêng đường bộ với đường sắt là cần thiết.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số là 304.105 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn thực tế của Bộ Giao thông vận tải còn lại là 287.011 tỷ đồng để triển khai các dự án trong danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ báo cáo, Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.
Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đang cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn đã bố trí cho Bộ từ các dự án dự kiến sẽ thi công hoàn thành trong kỳ để bố trí đủ khoảng 4.450 tỷ đồng thực hiện nối thông đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng đang rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư bổ sung các đoạn cao tốc lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh nên chưa thể cân đối, bố trí vốn để triển khai đầu tư cầu Cẩm Lý trong giai đoạn 2021 - 2025.
Để có thể sớm đầu tư cầu Cẩm Lý, tại Thông báo số 199/TB-VPCP ngày 09/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc đầu tư xây dựng cầu Cẩm Lý, trong đó yêu cầu "Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát kỹ khả năng cân đối, bố trí các nguồn vốn trung ương, địa phương, vốn ODA để nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp.
Trường hợp thật sự cấp bách cần phải triển khai ngay để bảo đảm an toàn giao thông, tỉnh xác định khả năng bố trí vốn để thực hiện (sau khi đã cân đối, bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai).
Cùng với đó, khuyến khích UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu phương án sử dụng nguồn vốn địa phương để thực hiện dự án, phù hợp với khả năng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Minh Tiến